Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần sự chung tay từ nhiều phía

Thứ Tư, 05/05/2021, 10:14
Trong khi chính sách thuế có phần “dễ thở” hơn, thì chỉ số tiếp cận tín dụng lại sụt giảm. Chưa kể, nhiều chỉ số cải cách khác về môi trường kinh doanh cũng có xu hướng giảm gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gia tăng “thương lượng”

Tại lễ công bố Báo cáo chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thực hiện, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết trong thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đã có những thay đổi lớn với môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm…

Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp như phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao như thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng lại giảm điểm. Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.

Về nộp thuế, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (với 23% doanh nghiệp gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)… Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2020 giảm so với năm 2019, có thể nhờ COVID-19 làm giảm thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp kết hợp với việc ngành thuế thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh kiểm tra để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan Thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8% từ mức 47,1% của năm 2019, phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan Thuế và doanh nghiệp.

Riêng các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng, dù được cải thiện trong thời gian qua, vẫn chưa thực sự dễ dàng với doanh nghiệp. Các thủ tục khó khăn nhất gồm đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quyết định chủ trương đầu tư…

Cùng với đó, tiếp cận tín dụng là một trong các lĩnh vực giảm điểm trong năm 2020 khi tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện chỉ là 54,4%, thấp hơn mức 59,5% của năm 2019. Dù đã có nhiều biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc tiếp cận, hấp thụ được các khoản vay ưu đãi do điều kiện vay vốn không dễ dàng.

52,8% doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan Thuế.

Còn nhiều bất cập cần xóa bỏ

Đánh giá từ phía cơ quan xây dựng báo cáo, ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam nhận định báo cáo được công bố sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách lắng nghe quan điểm thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng vì cộng đồng doanh nghiệp có vai trò không thể thiếu trong việc chỉ ra cho các cơ quan nhà nước những biện pháp nhằm cải thiện chính sách, giảm bớt các quy định không cần thiết và hỗ trợ môi trường kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Có cùng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform dẫn kết quả đạt được của Chương trình cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian qua được ghi nhận bằng thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tuy nhiên, bà Minh cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn…

Thừa nhận những tồn tại mà báo cáo chỉ ra, ông Vũ Tiến Lộc cũng khuyến nghị những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. “Đây chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên”, ông Lộc đề xuất.

Hà An
.
.
.