Việt Nam - điểm sáng trên bản đồ những nền kinh tế mới nổi

Thứ Hai, 08/02/2016, 15:31
Giữa những trồi sụt của nền kinh tế thế giới, với gam xám xịt bao phủ toàn cầu, Việt Nam được một số định chế tài chính lớn đánh giá là “điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm”.


Lạm phát thấp, sức đề kháng cao

Để được các định chế tài chính lớn, có uy tín coi là điểm sáng, chắc chắn những thành tích mà Việt Nam đạt được không hề nhỏ. Trong Nghị quyết Trung ương 12 khóa 11, khi nêu 7 điểm thành tựu, thì kinh tế Việt Nam được xếp hàng đầu tiên. Và khi khép lại năm cũ, những “con số biết nói” của nền kinh tế cũng đã khẳng định nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở.

Năm 2015, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát khoảng 0,63%, thấp nhất trong 15 năm qua. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế đạt 6,68%, vượt kế hoạch đề ra. Các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt một số kết quả tích cực bước đầu.

Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh có bước tiến mới, trong đó, Thuế, Hải quan, từ “điểm nóng” thành lĩnh vực dẫn đầu cải cách. Số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm từ 537 giờ xuống chỉ còn 117 giờ, đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế GTGT, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính…

"Nhìn vào Việt Nam, chúng ta phải tự hào về thành tích của Việt Nam so với các nền kinh tế châu Á khác, kể cả xuất khẩu hay nhập khẩu đều có giá trị đáng kể. Về thị trường tiền tệ, đồng Việt Nam vẫn ổn định trong thời gian qua, trong khi đồng Baht của Thái Lan, đồng Ringit của Malaysia hay tiền của Indonesia bị yếu đi đáng kể do ảnh hưởng của suy thoái thương mại”

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Ngân hàng ANZ Glenn B.Maguire.

Mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh theo mục tiêu đề ra của NHNN, chỉ bằng 40% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 (là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định). Tín dụng tăng vững chắc và đã giúp phát triển kinh tế hiệu quả. Tái cơ cấu nền kinh tế cũng như doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng đạt được những kết quả khả quan…

Điều đáng nói là những kết quả chúng ta đạt được trong một bối cảnh tình hình kinh tế chính trị hết sức khó khăn. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông ngày càng gay gắt. Kinh tế thế giới phục hồi chậm; giá dầu thô giảm mạnh, giá nhiều loại hàng hoá cơ bản tiếp tục giảm; việc giảm giá đồng nhân dân tệ, suy giảm tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn, thiên tai, hạn hán, dịch bệnh... đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.

Bởi vậy, dù vẫn còn những hạn chế, nhưng “bỏ qua” những tiêu cực, trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất của Ngân hàng ANZ, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á -Thái Bình Dương Glenn B.Maguire, nhận định: trong năm 2016 và 2017 châu Á sẽ có ba nền kinh tế tăng trưởng cao là Việt Nam, Ấn Độ và Philippines. Thậm chí, với cách chơi chữ độc đáo, vị chuyên gia này còn cho rằng Việt Nam nằm trong nhóm kinh tế VIP (có nghĩa tiếng Anh là “rất quan trọng”, ngoài ra cũng là từ viết tắt của Việt Nam – India (Ấn Độ) – Philippines).

“Nhìn vào Việt Nam, chúng ta phải tự hào về thành tích của Việt Nam so với các nền kinh tế châu Á khác, kể cả xuất khẩu hay nhập khẩu đều có giá trị đáng kể. Về thị trường tiền tệ, đồng Việt Nam vẫn ổn định trong thời gian qua, trong khi đồng Baht của Thái Lan, đồng Ringit của Malaysia hay tiền của Indonesia bị yếu đi đáng kể do ảnh hưởng của suy thoái thương mại”, ông Maguire lưu ý.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam được xem là nước đa dạng hóa về các ngành hàng xuất khẩu rất nhanh chóng, góp phần củng cố sức bật, sức bền của kinh tế Việt Nam, giúp chống lại các cú sốc kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Ông Maguire còn cho rằng, từ nay đến 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh và sáng sủa hơn các nền kinh tế trong khu vực, thậm chí tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 1% trong năm 2017.

Ông Maguire chia sẻ thêm, nền kinh tế Việt Nam đi lên thể hiện qua doanh số bán ôtô. Khi cuộc sống khấm khá, người ta mới nghĩ đến chuyện mua nhà, tậu xe hơi, và doanh số bán xe ôtô tăng lên tại Việt Nam từ đầu năm đến nay cho thấy mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, tốc độ bán ôtô tăng mạnh thể hiện niềm tin của người tiêu dùng vào triển vọng và tương lai của nền kinh tế.

Kinh tế ổn định, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam được khôi phục.

Cùng chung nhận định, theo hãng tin Bloomberg, Việt Nam đang nằm trong nhóm 5 “điểm sáng” về tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Hãng tin này cho biết, trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam và một số nước Trung Âu đã nổi lên thành những điểm sáng. Riêng tại châu Á, Bloomberg đánh giá cao Việt Nam, cho rằng thị trường Việt Nam đang giữ một vị trí “nổi bật” ở khu vực này. Chuyên gia của Bloomberg gọi 4 nước Trung Âu nói trên và Việt Nam là nhóm 5 thị trường “chọn lọc”, nhấn mạnh nhóm này đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong vòng 1 năm qua so với mức trung bình kể từ năm 2010. Trái lại, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi còn lại trong 12 tháng qua là thấp hơn mức trung bình kể từ năm 2010.

Tự tin bước vào hội nhập

Tháng cuối cùng của năm 2015, Ngân hàng HSBC đã công bố báo cáo Dự báo Thương mại Toàn cầu, trong đó đánh giá hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang phát triển bền vững nhờ sự đa dạng về thị trường và sản phẩm, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong dài hạn. HSBC cho biết chỉ số tin cậy thương mại (TCS) của Việt Nam tăng lên tới 127 điểm trong nửa sau của năm 2015, cao hơn so với mức 120 điểm của một năm trước và vẫn đứng gần mức cao nhất kể từ năm 2010. Trong năm nay, Việt Nam đã vượt lên các nước láng giềng về FDI và xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gần 10% trong 9 tháng đầu năm 2015, trong khi xuất khẩu lại giảm tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.

Dự báo về dài hạn, HSBC nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong trong giai đoạn 2016 -2030, với tốc độ dự kiến đạt hơn 10%/năm. Đến năm 2030, Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và UAE...

Rõ ràng những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được rất đáng kể. Tất nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục, song việc ghi nhận những cố gắng của Việt Nam giúp chúng ta có động lực để phát triển cao hơn nữa. Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, đứng trước cánh cửa hội nhập mở rộng, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ví von hình ảnh các doanh nghiệp Việt Nam như “đội thuyền thúng ra biển lớn”. Vậy mà chỉ hơn 1 năm sau, với những thành tựu mà Việt Nam đạt được, những ghi nhận của ANZ, Bloomberg, HSBC… cho thấy chỉ 1 năm thôi, Việt Nam đã làm được rất nhiều việc. Chúng ta tự hào về những thành tựu của mình, để tự tin tiếp tục phát huy, tự tin bước vào cánh cửa hội nhập. Nhận định này, như một cánh én báo tin vui khi mùa xuân đang đến - với một năm mới bắt đầu, cũng như khởi đầu tốt đẹp cho những thành công mà nền kinh tế nước ta sẽ đạt được trong năm mới.

Lệ Thúy
.
.
.