Triển vọng phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam, thực hiện thành công 3 mục tiêu lớn

Thứ Sáu, 22/01/2016, 08:40
Nếu lấy thời điểm bước vào năm 2016- diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII so với 5 năm trước (thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng XI), thì rõ ràng nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn. 

Những thuận lợi nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, không còn là “con ngựa bất kham”; hệ thống tín dụng thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ, thể chế kinh tế được cải thiện; những doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được thời kỳ khó khăn đang thực sự lớn mạnh dần; vị thế kinh tế Việt Nam càng được khẳng định trong quan hệ kinh tế khu vực và toàn cầu; niềm tin thị trường được củng cố.Điển hình là các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như : GDP năm  2015  đạt 6,7% là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua (năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,52%; năm 2013 tăng 5,42% và năm 2014 tăng 5,98%). Bình quân 5 năm 2011-2015 tăng 5,9%/năm. Trong suốt 5 năm 2011-2015 đã kiên trì thực hiện  thành công 3 mục tiêu lớn: ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh-xã hội. 

Tái cơ cấu đã góp phần nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Điểm nổi bật là ngay trong giai đoạn nền kinh tế rất khó khăn ( 2011-2013), sản xuất trì trệ, số doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động tăng nhanh, chúng ta vẫn ưu tiên bố trí ngân sách cho sự đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện ngay lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, giữ ổn định thu nhập cho người về hưu, người có công, gia đình chính sách và hộ nghèo. 

Nhờ thực hiện nhất quán chính sách gắn tăng trưởng kinh tế với mục tiêu công bằng xã hội, nên trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 dù không đạt được mục tiêu tăng GDP vẫn đạt được mục tiêu giảm nghèo bình quân 2%/năm (số hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 xuống còn hơn 4% cuối năm 2015).          

Hoàn thiện thể chế kinh tế-nâng cao năng lực cạnh tranh

Một trong 3 đột phá chiến lược thực hiện trong 5 năm qua (Chiến lược của 10 năm 2011-2020) là hoàn thiện thể chế kinh tế, với sự ra đời của Hiến pháp 2013, ban hành nhiều bộ luật và đạo luật nhằm cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Hàng hải, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản, Luật phá sản, Luật kế toán, Luật thống kê… 

Nhìn chung trong 5 năm qua sự hoàn thiện hệ thống pháp luật mang tính hệ thống và liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự đổi mới hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh tế đều hướng đến 2 mục tiêu: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và hội nhập với khu vực và thế giới.

Từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 và nâng cấp Nghị quyết này trong năm 2015 trong nỗ lực cải cách hành chính công, với mục tiêu giảm thời gian khai thuế, thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu đạt trình độ các nước Asean-6 và tiến tới Asean-4. 

Cùng với quá trình hội nhập, nhất là chuẩn bị điều kiện để tận dụng cơ hội do TPP mang lại, chắc chắn phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế, nhưng với những cải cách trong 5 năm qua đã hình thành được một khung khổ pháp lý mang tính thị trường nhiều hơn và tiếp cận gần hơn với thị trường thế giới.

Mở ra triển vọng cho giai đoạn phát triển mới

Mặc dù đạt được những mục tiêu chính, nhưng nền kinh tế đang tồn tại các vấn đề đáng lưu ý như: kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn khó khăn; huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. 

Thị trường tài chính phát triển không đồng bộ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm chưa đóng vai trò là kênh tạo vốn trung- dài hạn cần thiết cho nền kinh tế. Bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả đang đòi hỏi phải có chính sách và giải pháp căn cơ hơn để tinh gọn và nâng cao hiệu quả, hiệu lực.

Tuy từ giữa năm 2013 nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi, nhưng tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm. Sự giảm giá lương thực thực phẩm trên thị trường thế giới trong những năm gần đây cùng với sự chậm tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp đã đưa nền sản xuất nông nghiệp nước ta đứng trước viễn cảnh rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại và sẽ khó khăn hơn khi mở cửa thị trường nội địa. Nền công nghiệp gia công kéo dài, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển dẫn đến nhiều ngành công nghiệp khó tồn tại khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan.

Nền kinh tế nước ta từ khi có cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô kéo dài, nội lực suy yếu, sự phục hồi chậm, nhất là khu vực kinh tế trong nước, mà nguyên nhân sâu xa là do duy trì quá lâu cơ cấu và mô hình tăng trưởng kinh tế thiếu tính cạnh tranh; đổi mới thể chế kinh tế chậm, nên đang đối diện nhiều thách thức; đặc biệt trong nội bộ cộng đồng kinh tế Asean (AEC) bắt đầu hiệu lực từ đầu năm 2016. Do đó, có thể nói  kết quả của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Những thách thức trên đang tùy thuộc rất lớn vào kết quả của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, được đề ra trong Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Bước vào kế hoạch 5 năm 2016-2020, kinh tế vĩ mô ổn định; hội nhập toàn cầu và khu vực tạo ra cơ hội để mở rộng thị trường và thu hút đầu tư; thể chế kinh tế được hoàn thiện, doanh nghiệp trong nước phục hồi,  niềm tin của thị trường được củng cố… đang mở ra triển vọng cho giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế nước ta- giai đoạn phát triển bền vững.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội
.
.
.