Bài cuối: Nội quy không được trái luật
- Bài 1: "Nhốt” hơn 300 công nhân đến nửa đêm chỉ để tìm viên kim cương giá 2 triệu đồng!?
- Bài 2: Nỗi khổ của người bị 'lệ làng' 'hành'
Kỷ luật là sức mạnh
Có mặt tại Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam nằm trong khuôn viên Khu công nghiệp Vsip Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), ông Vũ Quang Lợi, Trưởng phòng Hành chính nhân sự cho biết, Công ty hoạt động từ tháng 4/2012 với 2 nhà máy cùng 3.100 lao động. Người lao động làm việc từ thứ 2 đến thứ 7 (nghỉ các ngày Chủ nhật, lễ, Tết); ngày chia 2 ca (8h-17h và 20h-5h). Để duy trì hoạt động cũng như tạo kỷ luật trong lao động sản xuất, Công ty đã ban hành nội quy lao động như: điều kiện tuyển dụng; thời gian làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương, thưởng, phúc lợi; an toàn vệ sinh lao động v.v...
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến chính sách đối với lao động nữ tại Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam (90% lao động ở đây là nữ). Doanh nghiệp này quy định, lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 và lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương và không phải làm tăng ca.
Công ty Vina Korea, khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc chuyên sản xuất hàng may mặc với 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc. Hoạt động từ tháng 8/2002, hiện nay Công ty có hơn 4.000 công nhân, trong đó công nhân nữ chiếm 95%. Bà Đặng Thị Mùi, Trưởng phòng nhân sự Công ty cho biết: Công ty đã xây dựng nội quy lao động có sự thông qua các cơ quan quản lý lao động của tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, theo quy định của Luật Lao động thì công nhân sẽ lao động 8h/ngày. Tiền công làm thêm được tính bằng 150% so với tiền lương hàng tháng và phụ cấp cho người lao động. Nếu làm thêm vào ngày chủ nhật, tiền công sẽ được tính thành 300% tiền lương hàng tháng. Riêng đối với lao động nữ, Công ty có những quy định riêng dựa trên các quy định của Luật Lao động với những nội dung tương tự như ở Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam.
![]() |
Công an tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác đảm bảo ANTT tại các khu công nghiệp. |
Lao động nữ có những đặc thù riêng, mà quan trọng nhất là vấn đề thai sản. Thế nên, việc doanh nghiệp đưa ra những quy định như trong 1 năm không được sinh con hay trong tháng thử việc không được có bầu vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Nội quy là cần thiết, nhưng không vượt ra ngoài quy định hiện hành của pháp luật. Trở lại vấn đề của Công ty Formosa Hà Tĩnh để thấy, doanh nghiệp không thể tuỳ tiện ban hành “luật” vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật.
Đại tá Võ Trọng Hùng, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Công ty Formosa không thể lấy lý do về an toàn giao thông để xử phạt tiền người vi phạm vì làm như vậy là hoàn toàn trái với luật pháp Việt Nam. Công ty, đơn vị nào làm ăn ở đâu cũng đều phải chấp hành tốt luật pháp của nước sở tại. Công ty Formosa không thể biến nội quy riêng thành “luật của riêng mình” để áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam.
Phát hiện sớm, xử lý ngay
Hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, phải tuân thủ theo những quy định của nước sở tại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất đồng giữa ông chủ và người lao động xuất phát từ những nội quy vi phạm đến quyền, lợi ích của người công nhân đã được pháp luật bảo hộ.
Thông tin về tình hình quan hệ lao động tại TP Hồ Chí Minh được bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố đưa ra trong buổi làm việc với Tổng LĐLD Việt Nam và Ban Quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCN – KCX) thành phố vào tháng 8 vừa qua cho thấy, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra đến 141 vụ tranh chấp lao động tập thể, chiếm phần đông là trong lĩnh vực dệt may, da giày và tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI. Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, nhất là về lương, thưởng cho công nhân.
Tại TP Hải Phòng có 9/17 KCN-KCX đang hoạt động, với 171 doanh nghiệp, 51.404 công nhân lao động. Thành phố này cũng có 2 KCN do nước ngoài đầu tư là: KCN Nomora do Nhật Bản và KCN VSIP Hải Phòng do Singapore xây dựng. Số lượng công nhân làm việc tại khu vực này lên đến hàng vạn người.
Theo Thượng tá Đỗ Thành Trung, Phó trưởng Phòng An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư, Công an TP Hải Phòng, nhìn chung các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong các KCN trên địa địa Hải Phòng đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng không có các nội quy, quy chế trái với các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình lao động sản xuất tại doanh nghiệp nước ngoài, một số công nhân vi phạm kỷ luật lao động.
Trong 2 năm 2013 và 2014, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh Xã hội Hải Phòng thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc KCN Nomura. Tổng số kiến nghị: 74; xử phạt 3 doanh nghiệp, với số tiền 65 triệu đồng.
Việc phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý ngay những quy định vượt rào này sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của các bên, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
|