Bài 2: Nỗi khổ của người bị 'lệ làng' 'hành'

Thứ Tư, 30/09/2015, 08:54
Ấm ức, đó là tâm lý chung của người lao động khi phải “sống chung” với những quy định nằm ngoài khuôn khổ pháp luật do chủ doanh nghiệp đề ra.

Trò chuyện với nữ công nhân tên Hằng, đang thử việc ở Công ty NSTech, Vĩnh Phúc về quy định liên quan đến việc sinh con, chúng tôi càng hiểu nỗi khổ của những người lao động khi rơi vào cảnh “qua sông phải lụy đò”.

Công nhân bị ép làm lố hơn 1h mỗi ngày

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chúng tôi ghi nhận những bức xúc của công nhân do bị ăn chặn giờ làm việc, chèn ép. Mới đây nhất, hàng ngàn công nhân của Công ty OSICO Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, chuyên may gia công các mặt hàng giày, dép da, đóng tại thị xã Bến Cát đã đồng loạt ngừng việc để phản đối những quy định kiểu “một mình một chợ” của doanh nghiệp này. 

Theo báo cáo mới đây của Đoàn kiểm tra liên ngành thị xã Bến Cát, lý do công nhân Công ty OSICO Việt Nam bức xúc liên quan đến các vấn đề như: Không cho người lao động mang nước uống vào công ty; chấm công cho người lao động không rõ ràng khi người lao động phải làm thêm từ 30-45 phút được tính tiền làm thêm giờ; công nhân nghỉ 1 ngày có phép là bị công ty trừ hết tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp khác; Tổng Giám đốc nói chuyện với người lao động thiếu văn hóa; thời tiết nóng nhưng đến 10h sáng công ty mới mở quạt cho công nhân…

Công nhân tên N.T.L., 30 tuổi, ngụ Cần Thơ cho biết, quy định giờ làm việc bắt đầu lúc 7h30, thế nhưng, công ty yêu cầu người lao động phải đến sớm và làm việc trước 6h50. Ai đến muộn 5 phút là bị chửi, thậm chí còn không được bảo vệ cho vào. 

Như vậy, ngày hôm đó sẽ bị cho là nghỉ làm rồi bị trừ tiền lương, tiền chuyên cần của tháng. Thậm chí, nhiều công nhân đến từ lúc 6h30 cũng bị dồn vào làm việc ngay chứ không đợi đúng giờ theo quy định. Buổi sáng làm đến 11h30, chiều làm việc từ 12h30 đến 17h, như vậy công nhân đã bị doanh nghiệp này bắt làm lố thêm 1h10 mỗi ngày.

Công ty Formosa nơi tự “đẻ” ra những quy định đang khiến người lao động và dư luận không đồng tình.

Thử việc thì đừng… có bầu

Vĩnh Phúc có 7 khu công nghiệp với 197 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thu hút hơn 60.000 công nhân. 3 khu công nghiệp lớn của Vĩnh Phúc là: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện. Các khu công nghiệp này đều đa ngành, đa nghề với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt. 

Xung quanh các khu công nghiệp là rất nhiều các nhà trọ dành cho công nhân từ các tỉnh trọ thuê với giá dao động từ 500.000 - 700.000 đ/phòng/tháng. Với mức lương từ 3.000.000 - 6.000.000đ/tháng, trừ tiền thuê phòng cũng như các chi phí sinh hoạt, mỗi tháng, số tiền dư ra để những công nhân này gửi về quê phụ tiền cho gia đình cũng không còn là bao nhiêu.

Hiện đang là công nhân thử việc của Công ty NSTech, chuyên về đồ điện tử của Hàn Quốc, chị Phạm Thị Hằng, 18 tuổi, trú tại xã Xuân Lôi, huyện Bình Xuyên cho biết: Mặc dù mới thử việc được hơn 1 tuần tại công ty nhưng chị Hằng đã được thông báo về quy chế làm việc khi ký hợp đồng chính thức. Trong đó có quy định công nhân nữ chỉ được sinh con sau 1 năm làm việc trong công ty. Đây là quy định không đúng với Luật Lao động tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, chị Phạm Thị H. cũng đã đồng ý. Việc thỏa thuận này không được ghi trên giấy tờ mà chỉ là các quy định được công ty phổ biến chung. 

Liên quan đến thông tin Công ty NSTech có quy định về việc công nhân lao động tại công ty phải đủ thời gian 1 năm mới được có bầu và sinh con, Trung tá Khổng Văn Kết, Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đây cũng là thông tin mà nhiều công nhân đã từng phản ánh đến đơn vị. Tuy nhiên, đó chỉ là cách hiểu chưa đúng của các công nhân. 

Công ty NSTech không có quy định về việc phải làm việc 1 năm, nữ công nhân mới được có bầu mà chỉ là trong thời gian thử việc 30 ngày công nhân không được có bầu hoặc sinh con, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động. Còn sau khi đã ký hợp đồng lao động với công ty thì các công nhân nữ có quyền sinh con bình thường và hưởng chế độ bảo hiểm theo đúng Luật Lao động.

Tiếp tục đi tìm hiểu về việc quy định ngặt nghèo đối với lao động nữ, chúng tôi đến Công ty TNHH Jasan Việt Nam, KCN Vsip Hải Phòng. Bà Trần Thùy Trang, Phó Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Công đoàn công ty này cho biết: Công ty hiện 300 công nhân, trong đó lao động nữ chiếm đa số. Công ty thực hiện các cam kết đối với khách hàng về thời gian làm việc của công nhân và thực hiện nguyên tắc làm việc theo mô hình 5S theo phương pháp của Nhật Bản (5 chữ S trong mô hình 5S là viết tắt của Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc), Shitsuke (Sẵn sàng)).

Công nhân Phạm Thị Kim Huệ, bộ phận may mũi tất làm việc tại công ty được 9 tháng cho biết: Dây chuyền sản xuất của công ty theo công nghệ của Italia rất hiện đại. Quy trình sản xuất trải qua 5 công đoạn gồm: nhập nguyên liệu, dệt, may đầu mũi, định hình là hơi và đóng gói. Công nhân không phải thao tác nhiều nhưng cần sự chuẩn xác và nhanh chóng.

Huệ còn tâm sự rằng, cô yên tâm khi làm việc trong môi trường doanh nghiệp này và không lo lắng đến việc sinh con. Bởi vì, công ty trả lương, thưởng và đóng bảo hiểm xã hội cho lao động, các chế độ về nghỉ lễ, Tết, nghỉ thai sản đối với nữ giới được quy định và thực hiện đầy đủ”.

Yếu tố con người rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Những công nhân được làm việc trong môi trường lao động tốt sẽ có nhiều cống hiến, sáng tạo. Thế mới biết, việc “vắt chanh” đối với người lao động chỉ đem lại lợi ích trước mắt, còn về lâu dài thì sự vững mạnh thuộc về những ông chủ, bà chủ có tâm, có tầm.

Nhóm PVĐT
.
.
.