Ai được mua đấu giá xe ô tô công giá trị 1 triệu đồng?

Thứ Tư, 29/06/2016, 17:46
Đây là câu hỏi khiến dư luận “dậy sóng” khi số liệu đầu tiên về việc xử lý 7.000 xe ô tô công “dư thừa” theo tính toán của Bộ Tài chính.

Cụ thể, số liệu từ Cục Quản lý Công sản cho biết: tính từ ngày 1-1-2016 đến ngày 17-6-2016, khối Bộ, ngành, cơ quan trung ương đã thực hiện điều chuyển 20 xe ô tô với tổng nguyên giá 12,33 tỷ đồng cho các Bộ, ngành địa phương có nhu cầu sử dụng theo quy định; thực hiện thanh lý 264 xe ô tô phục vụ công tác với tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng; giá trị còn lại 0,39 tỷ đồng. Về tình hình rà soát, sắp xếp xe ô tô công, đến ngày 16-6-2016, đã có 35/43 Bộ, ngành và 45/63 địa phương gửi báo cáo rà soát, sắp xếp xe ô tô về Bộ Tài chính.

Như vậy, tính đến thời điểm này, đã quá thời hạn 3 tháng, nhưng vẫn còn lại 8/43 Bộ, ngành và 18/63 địa phương chưa có báo cáo rà soát, sắp xếp xe ô tô phục vụ công tác chung gửi Bộ Tài chính. Trước đó, rà soát của Bộ Tài chính cho thấy, hàng loạt các bộ, ngành, địa phương đều dư thừa xe công với tổng số xe dư thừa lên tới 7.000 chiếc.

Xe công được đấu giá với giá bèo đang làm dư luận dậy sóng.

Song, điều khiến dư luận đặt ra là trong khi xe công đang dư thừa với một con số rất lớn, nhưng trong năm 2015 vẫn có hơn 600 xe công được sắm mới, và 6 tháng đầu năm, mua mới thêm 56 chiếc. Dù theo Bộ Tài chính, việc xe công dư thừa là do “chiếu” theo quy định mới, và chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu, nhưng với chi phí vận hành trung bình một chiếc ô tô công là 320 triệu đồng/năm, tổng cộng khoản tiền chi phí cho bảo trì và vận hành 7.000 xe công dư thừa là 2.240 tỷ đồng.

Với thông tin này,theo số tiền 390 triệu cho 264 chiếc xe thanh lý, tính ra, mỗi xe ô tô chỉ bán được khoảng hơn 1 triệu đồng. Điều này khiến dư luận cho rằng quá bất hợp lý vì thực tế, dù đã thanh lý tới 264 xe công, nhưng số xe này cũng nằm rải rác ở các bộ, ngành địa phương khác nhau, mỗi nơi chỉ thừa dăm ba, thậm chí là 1, vài chiếc.

Nếu mỗi nơi tổ chức đấu giá, chỉ để thu về 1 vài triệu đồng- số tiền quá “bèo” so với giá trị 1 chiếc xe ô tô. Đấy là chưa kể, tiền thu về này còn không thể đủ chi phí cho việc tổ chức buổi đấu giá, chứ đừng nói đến nộp vào NSNN. Và câu chuyện đặt ra là ai được mua số xe cho không nói trên?

Trước câu hỏi của dư luận, Báo điện tử CAND đã trao đổi với ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính); ông Thắng cho biết câu chuyện bán đấu giá xe ô tô 1 triệu đồng/xe là do hiểu sai.

Hơn 7.000 xe công đang dư thừa.

“390 triệu là giá trị còn lại theo thẩm định chất lượng xe sau hàng chục năm sử dụng, tài sản đã bị khấu hao. Tôi khẳng định, 390 triệu không phải là số tiền thu được về sau đấu giá 264 xe ô tô công như dư luận hiểu. Còn giá bán, thì muốn bán phải theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 4-3-2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, đảm bảo công khai, minh bạch. Bộ Tài chính không đấu giá, mà bộ ngành quản lý xe tự thuê bên đấu giá để thanh lý, với các bước lập hội đồng định giá, thuê cơ quan định giá, giao bên bán bán đấu giá...

Bất kỳ ai có nhu cầu cũng có thể tham gia đấu giá. Số tiền thu được sau đấu giá tùy thuộc vào kết quả đấu giá: có thể tài sản được định giá 1 triệu, nhưng khi đấu giá, người mua có thể trả đến 100 triệu. Tiền thu được từ đấu giá sẽ nộp về NSNN.

Số tiền này, Bộ Tài chính không biết, vì cơ quan đấu giá không buộc phải báo cáo với Bộ Tài chính kết quả. Thế nên, đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa khẳng định đã đấu giá xong 264 xe công hay chưa”?!

Tuy nhiên, trao đổi với Báo CAND, một chuyên gia về thẩm định giá cho rằng giá cho rằng mỗi xe ô tô chỉ còn giá trị hơn 1 triệu đồng là chưa hợp lý, vì mỗi chiếc xe ô tô, dù có khấu hao hàng chục năm, thì cũng phải còn lên đến hàng chục triệu, trừ khi chiếc xe đó đắp chiếu, không thể chạy được nữa, mà chỉ còn lại đống sắt vụn.

“Việc thẩm định giá trị xe quá thấp, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đấu giá xe, từ đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến số tiền thu vào NSNN”, vị chuyên gia này nhận định.

Lệ Thúy
.
.
.