Trên vương quốc của Vua Lửa

Thứ Hai, 27/06/2022, 14:40

Mười mấy đời truyền lại, Vua Lửa là người kết nối của lũ làng và thần, người có sự tôn kính bậc nhất của cộng đồng. Trên vương quốc của Vua Lửa bây giờ, dù không còn nhiều huyễn hoặc, nhưng Vua Lửa vẫn như là niềm tin bất diệt của người Jrai.

Huyền thoại những người “nuôi lửa”

Plei Ơi theo tiếng Jrai có nghĩa là “Làng Ông”. Đó là ngôi làng nhỏ bé thanh bình, vẫn mang đậm dáng dấp Tây Nguyên dù bao biến thiên của lịch sử. Ngôi làng nằm trên một thung lũng bằng phẳng, phía Bắc là đèo Chư Sê với rừng khộp cỗi cằn khoe thân già nua xen trong những dãy đá trọc đầu lô nhô trăm hình vạn trạng, phía Nam là cánh đồng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, Gia Lai) ngút ngát hàng ngàn héc ta. Đó là vùng đất đắc địa, đẹp hiếm có. Đất ấy còn thêm sức hấp dẫn bởi núi Tao Yang, huyền tích Vua Lửa và kiếm thần ngự trị.

Trên vương quốc của Vua Lửa -0
Già Rơ Lan Hieo thực hiện nghi lễ cầu mưa đầu tháng 5-2022

Già Rơ Lan Hieo, phụ tá Vua Lửa thứ 14 đưa hai tay lên trời, tiếng hú gọi vang cả ngọn đồi thấp nơi ông đang làm lễ cầu mưa cho dân làng. Từng tràng tiếng Jrai bật ra tự trong tâm khảm, đã ăn sâu vào trong trí nhớ của ông khi hàng chục lần theo Yang Pơtao Apuih (Vua Lửa) đời thứ 14 làm lễ. Những động tác múa chân và tay linh hoạt, cùng từng câu Jrai vang lên trong gió và nắng cao nguyên. Già Rơ Lan Hieo đã gần 70 tuổi, tóc bạc trắng như cước, thân hình nhỏ và màu da nâu như con người xứ Thượng nghìn đời qua. Già không được trao truyền, nhưng năm 1999, khi Vua Lửa đời thứ 14 Siu Luynh qua đời và do không có người trong “hoàng tộc” mang họ Siu để kế vị nên “ngai vàng” để ngỏ. Và từ đó đến nay, tất cả mọi lễ tục, những nghi thức của Vua Lửa Già Rơ Lan Hieo đều nắm rõ, và mặc nhiên, tất cả người Jrai ở vùng thung lũng Ayun này đều coi già là Vua Lửa đời thứ 15, dù không có tước phong.

Cả vùng Ayun xưa, bây giờ chia thành nhiều huyện thị như Phú Thiện, thị xã AyunPa, huyện Krông Pa, huyện IaPa và một phần của huyện KonChro của tỉnh Gia Lai. Đây vốn là “vương quốc” của Yang Pơtao Apuih. Đó là vùng thung lũng lòng chảo rộng lớn cả ngàn km vuông, với hàng ngàn buôn làng. Vốn là một thung lũng giống như vùng đồng bằng nhưng lại nằm giữa cao nguyên, mùa khô khát, con người và cả cỏ cây, muông thú khắc khoải đợi chờ những hạt “nước trời” rơi xuống. Trời “không chịu mưa” thì cúng.

Trên vương quốc của Vua Lửa -0
Lễ cầu mưa là nghi lễ quan trọng của người Gia Rai mà vua lửa là người được cho là duy nhất có thể liên hệ với thần linh để gọi mưa

Vào khoảng cuối tháng 4 tháng 5, mùa khô Tây Nguyên bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Và Vua Lửa, theo nhiều tài liệu khảo cứu thì là người nắm giữ được kỹ nghệ rèn kim loại bằng lửa, để tạo nên nông cụ giúp việc sản xuất nông nghiệp để nuôi sống người Jrai, hay chế tạo vụ khí để bảo vệ buôn làng. Chính vì thế, Vua Lửa được xưng tôn. Nơi cư ngụ của nhiều đời Vua Lửa là làng Plei Ơi (thuộc xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai). Sử thi kể rằng, Vua Lửa đầu tiên bắt đầu từ hai anh em tên là Tdia và Tdiêng rèn gươm báu trên một hòn đá nằm ngay miệng núi lửa Hàm Rồng (cách Plei Ơi khoảng hơn 50 cây số về phía Bắc). Khi rèn xong, thanh gươm bằng đồng cứ đỏ rực, nhúng vào ghè thì ghè cạn; nhúng xuống suối, suối khô; nhúng xuống sông, sông hết nước... Có được thanh gươm thần, người Jrai cho rằng người sở hữu nó ắt có khả năng nói chuyện được với thần linh, để chuyển tải ý nguyện của con người đến với đấng siêu nhiên. Vào những ngày khô hạn, Yang Pơtao Apuih thường mang gươm báu đi khắp vùng để cúng cầu mưa cho người Jrai, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tin rằng, nhờ có sức mạnh của Thần Gươm ẩn trong chiếc gươm thần mà PơtaoApui có rất nhiều khả năng đặc biệt, trong đó quan trọng nhất là khả năng chuyển nắng hạn thành mưa. Già Rơ Lan Hieo, phụ tá Vua Lửa thứ 14 là người giữ gươm thần, là người thuộc làu những bài Khan, những lời cúng cầu mưa. Trong câu chuyện của già vẫn nhắc về những lần đi cầu mưa giúp dân làng. Lễ cầu mưa được thực hiện bên cửa hông phía mặt trời mọc trong nhà của Pơtao Apuih. Lễ vật gồm: một ghè rượu, sáp mật ong, gạo, thịt... để mời thần Sông, thần Đá, thần Núi. Cuối cùng già Hieo cầu xin các thần linh mang mưa đến cho người dân trong vùng. Thỉnh thoảng già Hieo đi Kon Tum, đi An Khê, đi Phú Yên, Đắk Lắk cầu mưa cho bà con vùng khô hạn. Bình thường, già là một nông dân, chỉ khi có lễ hội hoặc khi được mời đi cầu mưa thì mới vận đồ truyền thống và chuẩn bị cho nghi lễ truyền thống. Và mặc nhiên, già cũng được coi là người nuôi lửa, người giữ lửa thay Yang.

Vương quốc của Vua Lửa

Hầu hết các tộc người ở Tây Nguyên, Lào và Campuchia cũng đều biết đến Pơtao Apuih, Pơtao Ia. Người Jrai ngoài cách gọi trên còn gọi là Nước (Ia), Lửa (Apuih) và Gió (Angin). Đối với người đồng bào Jrai, thì các vua như Vua Lửa, vua Nước, vua Gió đều có giá trị tinh thần rất lớn. Thế nhưng, vua Gió và vua Nước chỉ còn lại trong truyền thuyết, duy chỉ có Vua Lửa là đang còn hiện hữu trong đời sống của mọi người nơi đây. Và Chư Tao Yang (trong tiếng Jrai, chư có nghĩa là núi thường được đặt tên cho các địa danh như Chư Păh, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Chư Đăng Ya... nơi có những ngọn núi cao) người Jrai gọi đó là ngọn núi thiêng bởi họ quan niệm trên đỉnh của ngọn núi ấy là nơi chứa gươm thần. Và mỗi khi vua làm lễ cầu mưa thì trời đất sẽ không linh thiêng khi thiếu đi lưỡi gươm thần.

Trên vương quốc của Vua Lửa -0
Vua Lửa Siu Luynh - (năm 1990)

Các Yang Pơtao Apuih đều xuất thân từ những con người hết sức bình thường. Họ cũng có vợ có con, có gia đình, cũng làm nương phát rẫy, cũng đi săn đi bắn, cũng “nuôi lửa” trong bếp nhà mình. Nhưng họ được Yàng ban cho một uy quyền siêu nhiên, ấy là “nuôi lửa” trong người. Các Pơtao Apuih phải kiêng nhiều, không được ăn các loại thịt ếch, nhái, bò, chó. Vào các buổi cử hành lễ cúng, các “thần dân”, nhất là trẻ con không được đến gần “vua” ngoài già làng và một số phụ tá. Bên cạnh việc cúng tế, đặc biệt là lễ cúng cầu mưa diễn ra vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 dương lịch hằng năm, thỉnh thoảng “Vua Lửa” cũng vi hành, đi thăm các làng và được thết đãi khá trọng thị. Kiếm thần của Vua Lửa xứng đáng là một thanh kiếm lạ và quý, nó có một huyền thoại gắn liền vừa hư ảo, vừa chân thực. Các Vua Lửa không hoàn toàn là một phù thủy, cũng không là thầy mo, thầy cúng như nhiều nơi khác. Đó là một thủ lĩnh tinh thần, nắm giữ “quyền lực” của mình dựa vào sức mạnh “đã có từ thời xa xưa” nơi truyền thống của Yang trời, Yang đất. Vua Lửa là gạch nối, là nhân vật trung gian giữa cộng đồng với thế giới thần linh. Có hiện tượng hay sự kiện gì trong cuộc sống của cộng đồng mà không ai giải thích được, người ta tìm đến hỏi ý kiến các Pơtao, bởi các Pơtao được các Yàng chỉ cho điều hay, điều tốt.

Với 14 đời “Vua Lửa” nối ngôi nhau “trị vì” ở làng Plei Ơi suốt hơn 5 thế kỷ qua, các Pơtao Apuih vẫn tồn tại trong lòng một bộ phận người Jrai nói riêng, cư dân Tây Nguyên nói chung, cùng niềm tin về sự linh thiêng của “chiếc gươm thần” mà các Pơtao Apuih giấu kín như một báu vật để giữ cho cuộc sống được bình yên, không xảy ra thiên tai địch họa trong niềm tin tôn giáo. Những đợt trời làm hạn, Vua Lửa lại đứng ra cầu mưa. Mà huyền diệu thay cứ mỗi lần Vua Lửa thực hiện lễ cúng vừa dứt thì mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến, sấm chớp đùng đùng rồi mưa như trút nước giải cơn khát để dân làng được mùa màng tốt tươi. Nếu mưa to quá, sấm sét dữ dội quá thì Vua Lửa lại cúng xin cho ngớt mưa để không gây ngập úng, lũ lụt. Tiếng tăm Vua Lửa bay xa, người ở khắp mạn Mang Yang, Phú Yên, Buôn Hồ, rồi tận Campuchia, Lào cũng tìm đến mời Vua Lửa về cúng.

Trên vương quốc của Vua Lửa -0
Hình ảnh con người và kiến trúc của buôn làng Jrai trong thập niên 1960. (Ảnh: Dương An – Lịch sử và con người xứ Thượng)

Theo Lịch sử và con người xứ Thượng, trong số 14 vị Pơtao Apuih đã “trị vì” thì ông Siu Ăt (“lên ngôi” khoảng đầu thế kỷ 20) là người thể hiện sự quật cường, là một thủ lĩnh đúng nghĩa của người Jrai chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp. Ông đã chỉ huy dân làng giết viên quan cai trị Prosper Odendhal vào năm 1904. Khắp vùng Ayun này vẫn nhớ tới sự quật cường bất khuất của Vua Lửa Siu Ăt. Siu Ắt là Vua Lửa đời thứ 11. Vua Lửa Siu Ắt lên ngôi đã liên kết với các thủ lĩnh, tù trưởng trong vùng để khuếch trương thanh thế. Theo tài liệu của TS. Nguyễn Thị Kim Vân - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, sự kiện xảy ra vào khoảng cuối tháng 3-1904, viên quan cai trị Prosper Odendhal được Pháp quốc Viễn Đông học viện cử đi tìm di tích ở vùng Cheo Reo, đồng thời bắt liên lạc với Vua Lửa. Odendhal một mực đòi xem gươm thần khiến người dân vô cùng tức giận. Trong buổi tiếp kiến tại nhà một già làng tên San, Odendhal đã bị dân làng giết chết. Liền đó, dân làng đem thanh gươm thần cùng những báu vật cất giấu sâu vào rừng.

Từ sự việc này, Pháp đã cho lính từ Tuy Hòa (Phú Yên) lên tàn phá các làng. Siu Ắt lùi về vùng rừng già Ayun trú ẩn và củng cố lực lượng. Tháng 1-1905, một đại đội lính khố xanh khác do tên Ranard chỉ huy từ Chợ Đồn (An Khê) kéo lên càn quét vùng Cheo Reo nhưng bị Siu Ắt cùng dân làng đánh bại. Nhân đà đó, Vua Lửa kêu gọi các tù trưởng khác khởi nghĩa và phong trào chống Pháp lan tỏa nhanh chóng và tạo nên hiệu ứng chống Pháp cho sau này....

Còn “ông hoàng” cuối cùng là ông Siu Luynh và khi ông chết (năm 1999), “ngôi vương” bỏ trống từ đó cho đến nay. Gia tài quý nhất là một cối gỗ, một cái chiêng, một cái trống và một cái rương gỗ lớn đựng đồ tế lễ tương truyền do các đời Vua Lửa trước để lại. Và bây giờ, Khu di tích lịch sử - văn hóa Plei Ơi rộng một ha nằm bên Quốc lộ 25, dưới chân đập Ayun Hạ, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện. Plei Ơi bây giờ đã là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, và nghi lễ cúng cầu mưa của “Yang Pơtao Apuih” - một nghi lễ truyền thống của đồng bào Jrai đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vài năm nay, chính quyền đã đầu tư từng bước để xây dựng quần thể di tích. Đặc biệt, nơi đây có một căn nhà dài để trưng bày các đồ vật, cồng chiêng, trống của người Jrai; thêm một căn nhà sàn nhỏ hơn sát bên làm nhà cúng tế các Vua Lửa và một nhà chòi để cất giữ thanh gươm thần tương truyền có quyền năng hô mưa gọi gió. Già Rơ Lan Hieo khuôn mặt gầy đen khắc khổ, thỉnh thoảng già đưa bàn tay chai sần vuốt vuốt bộ áo quần truyền thống, là trang phục ông mặc làm lễ cầu mưa hàng chục năm qua. Giá như ngày đó, chính quyền địa phương và nhân dân sở tại tổ chức một buổi lễ “đăng quang” cho đời “Vua Lửa” thứ 15 thì có lẽ giờ này, già Rơ Lan Hieo đường đường chính chính “ngự trên ngai vàng”. Nhưng, dù không được chính danh là Vua Lửa, thì trong tiềm thức mọi người, ông vẫn đang bước trên con đường vĩ đại của 14 vị Vua Lửa đời trước, để hướng về buôn Atâu của các thần ở cõi vĩnh hằng.

Ngày 24-3-1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 281/QĐ-BT công nhận Plei Ơi là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và lễ hội Cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apuih được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Những câu chuyện về các Pơtao Apuih được truyền khẩu từ đời này sang đời khác nửa như thực, nửa như mơ. Tuy nhiên, có một hoạt động rất chân thực được 14 đời “Vua Lửa” thực hiện một cách thường xuyên và giờ đây đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Jrai đó là lễ hội cúng cầu mưa. Hoạt động này được đặc biệt quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Tiêu Dao
.
.
.