Khổ như… vận động viên thể thao thành tích cao
Đằng sau những tấm huy chương, những suất tham dự Olympic luôn là mồ hôi, nước mắt và cả máu của vận động viên (VĐV). Để đáp ứng chỉ tiêu cũng như kỳ vọng từ người hâm mộ, họ phải chăm chút đến từng bữa ăn, giấc ngủ nhằm luôn có thể trạng tốt nhất, qua đó thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.
Ăn nhiều nhưng… kiêng đủ thứ
Là VĐV bơi đầu tiên của Việt Nam được đầu tư trọng điểm nhằm hướng đến đấu trường Olympic, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên từng khiến nhiều người giật mình khi biết về chế độ ăn của cô. Hàng ngày Ánh Viên ăn 3 bữa chính, chưa kể các bữa phụ. Tính ra 1 ngày cô ăn ít nhất 1kg thịt bò, 1 lít sữa tươi, 1 đĩa mì lớn, 50 con tôm, 1 đĩa rau trộn cùng nhiều loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung năng lượng khác.
Sở dĩ Ánh Viên phải ăn nhiều như vậy bởi giáo án hàng ngày của cô gồm nhiều bài tập bơi, với tổng cự ly lên tới 15-20km. VĐV bơi được yêu cầu tập luyện theo phương pháp "tập đến kiệt sức để phá bỏ giới hạn cũ", do đó họ cũng phải nạp vào cơ thể 7.000- 8.000 calo/ngày nhằm duy trì thể trạng. Chế độ ăn khổng lồ được áp dụng chung cho cả những VĐV bơi quốc tế như Michael Phelps hay Katie Ledecky.
Ánh Viên có thể phải ăn rất nhiều, nhưng cô có thể cảm thấy may mắn khi bản thân không phải kiêng khem đủ đường như VĐV thể hình. Trước mỗi kỳ SEA Games, lực sĩ Phạm Văn Mách lại có dịp chia sẻ câu chuyện muôn năm cũ về bữa ăn có một không hai của những người hùng cơ bắp. Mách và các đồng nghiệp mỗi ngày phải ăn 4 bữa chính, 3 bữa phụ, cách nhau 3-5 giờ đồng hồ.
Trung bình mỗi ngày, một VĐV thể hình ăn 0,5kg ức gà, 1kg thịt bò nạc, 10 lòng trắng trứng gà, thêm rau cải, trái cây, sữa và protein bổ sung. Điều đáng chú ý nhất trong chế độ ăn của Phạm Văn Mách là thức ăn anh nạp vào hoàn toàn… không có vị gì cả. Anh phải ăn thịt bò xào nước lạnh, sữa không đường, lòng trắng trứng gà không chấm muối. Tất cả đều là những món ăn vô vị.
"Đồ ăn cho dân thể hình không có vị chua, cay, mặn, ngọt, bởi những thứ ấy sẽ giữ nước khi đi vào cơ thể. Điều đó làm cho các khối cơ bị nhão, không rắn chắc khi trình diễn trên sàn đấu. Ngoài ra VĐV thể hình cũng tuyệt đối không được hút thuốc lá hay uống bia rượu", Mách chia sẻ. Họ chỉ dám ăn mặn, ngọt một chút sau khi kết thúc một giải đấu lớn.
Những món ăn không gia vị không chỉ khiến VĐV thể hình cảm thấy nhạt mồm nhạt miệng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ. Lượng muối khoáng nạp vào cơ thể bị hạn chế tối đa khiến sức đề kháng của cơ thể giảm đi khá nhiều do mất chất điện giải. Vì thế, những lực sĩ to khỏe, đô con đến mấy cũng rất dễ cảm nóng, cảm lạnh, ốm sốt trong thời gian tập luyện cường độ cao.
Hỏng thận vì ép cân
Cử tạ và các môn võ đối kháng mang đến cho VĐV tập luyện một cơn ác mộng mỗi khi giải đấu sắp tới: Đôn cân và ép cân. Sau khi tiếp nhận thông tin về giải và các đối thủ tham dự, ban huấn luyện sẽ tính toán để cử vận động viên thi đấu ở hạng cân nào. "Thành công của VĐV và đoàn thể thao đôi khi được quyết định ngay từ lúc đăng ký thi đấu và nhận kết quả bốc thăm", một huấn luyện viên cho biết.
Vì thành tích, VĐV có thể phải đôn, ép cân khá nhiều. Nguyễn Thị Phương Hoài, nhà vô địch boxing quốc gia hạng cân trên 81kg nữ vốn thi đấu ở hạng cân 60kg hồi trẻ. Cựu vô địch SEA Games Lừu Thị Duyên từng tranh tài ở hạng cân 60kg và 64kg nữ ở thời kỳ đỉnh cao. Từ khi đầu quân cho đoàn Ninh Bình đến nay, cô thi đấu hạng cân trên 81kg nữ.
Với những võ sĩ nữ như Phương Hoài hay Lừu Thị Duyên, việc phải đôn thêm 20-30kg vì thành tích cũng khiến họ mất đi phần nào dáng vẻ bên ngoài. Thi đấu thể thao khắc nghiệt như vậy, thế nên không nhiều VĐV còn gắn bó với nghề khi bước qua tuổi 23. Họ thường cố gắng vừa tập luyện, vừa theo học để tìm một công việc khác ngay khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân.
Không chỉ mất đi dáng vẻ thông thường, VĐV đôn ép cân còn đối mặt với rủi ro về sức khỏe. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp ép cân gấp để đạt yêu cầu trước giờ thi đấu. Thông thường, VĐV sẽ tập luyện cường độ cao để ra nhiều mồ hôi, qua đó giảm cân nặng. Xông hơi là một lựa chọn nhiều rủi ro hơn, nhưng không nguy hiểm bằng uống thuốc lợi tiểu.
"Cơ thể người có hơn 75% là nước, thế nên cách tốt nhất để ép cân là giảm lượng nước trong cơ thể. Việc tập luyện cường độ cao để ép cân thường khiến người bị 'khô', gây ra cảm giác khó chịu, mất ngủ và dễ bực mình", một VĐV chia sẻ. "Có người chọn uống thuốc lợi tiểu để giảm nước nhanh hơn, nhưng nó là con dao hai lưỡi. Việt Nam từng có võ sĩ hỏng một quả thận vì ép cân bằng thuốc lợi tiểu".
Điều chỉnh cân nặng để thi đấu đôi khi là lựa chọn bất đắc dĩ của VĐV, bởi thế giới cũng liên tục thay đổi điều lệ và quy định. Đô cử Thạch Kim Tuấn là người hiểu rõ hơn ai hết điều đó. Anh từng bất khả chiến bại ở hạng cân 56kg nam. Một thời gian sau, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) bỏ hạng cân này và thay bằng 61kg nam. Việc phải đôn thêm 5kg khiến Tuấn không có thành tích tốt như trước.
Cẩn thận uống từng viên thuốc
Với những VĐV thể hình như Phạm Văn Mách, hạn chế tối đa lượng nước nạp vào cơ thể cũng có nghĩa họ phải uống "chay" vitamin và các loại thực phẩm chức năng. Thay vì uống thuốc cùng nước như người bình thường, họ phải nuốt trực tiếp từng viên thuốc. Cách này khiến nhiều VĐV phải rùng mình mỗi khi nhớ đến, và chuyện nôn ói khi uống thuốc không phải điều quá hiếm hoi.
Bên cạnh VĐV thể hình, các kình ngư cũng phải thường xuyên uống thực phẩm chức năng. Người anh cả của đội tuyển bơi Việt Nam, Hoàng Quý Phước từng nói có nhiều loại thực phẩm chức năng khá khó uống vì có vị không ngon. Tuy nhiên, vì nó tốt cho sức khỏe nên anh và các đồng đội vẫn phải cố uống, chứ không thể nuông chiều bản thân theo sở thích cá nhân.
Những người phải cẩn thận với thuốc men nhất có lẽ là vận động viên cử tạ. Năm 2019, cử tạ Việt Nam rúng động trước thông tin Trịnh Văn Vinh bị Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm, phạt 5.000 USD vì sử dụng chất cấm. Ở thời điểm đó, Vinh là đương kim Á quân ASIAD và nhiều lần giành HCV ở các giải cử tạ thế giới. Câu chuyện đằng sau án phạt của Vinh cũng lắm chuyện bi hài.
Trong 4-5 năm vừa qua, thay vì chỉ xét nghiệm doping ở các giải đấu chính thức, Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) còn cử cán bộ đến xét nghiệm đột xuất không báo trước. Ở chuyến tiếp nhận mẫu tại Việt Nam hồi tháng 2-2019, IWF lấy mẫu lúc Vinh đang tập luyện ở đội tuyển quốc gia. Đô cử này thậm chí còn không biết mình đã dùng chất gì khi biết bản thân dương tính với doping.
"Có thể chất cấm nằm trong một loại thuốc bôi được VĐV sử dụng để nhanh lành vết thương", Vinh cho biết. Trước Vinh, Á quân Olympic Bắc Kinh Hoàng Anh Tuấn cũng bị cấm thi đấu 2 năm vì doping trước thềm ASIAD 2010. Tuấn cũng không biết vì sao mình dính doping. Anh phỏng đoán chất cấm có thể nằm trong thuốc cảm cúm, hoặc đồ ăn uống lúc anh tập huấn nước ngoài.
Sau bài học xương máu của Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Văn Vinh, hay rộng hơn là Đỗ Thị Ngân Thương, Bùi Đình Sáng... các vận động viên Việt Nam dần có ý thức nghiêm ngặt hơn về chuyện ăn uống trong quá trình tập luyện. Họ phải biết mình nạp vào cơ thể những chất gì, và gần như không ăn uống đồ lạ. "Với cả những loại thuốc bôi, tôi cũng hỏi kỹ nhà thuốc về thành phần để tránh vô thức dùng chất cấm", Thạch Kim Tuấn chia sẻ.
Trịnh Văn Vinh sắp trở lại
ASIAD bị lùi lại 1 năm so với lịch ban đầu là vận rủi với nhiều VĐV, nhưng lại là vận may của Trịnh Văn Vinh. Kỳ Á vận hội tới sẽ tổ chức vào tháng 9-2023, trong khi án phạt cấm thi đấu của Vinh chỉ còn kéo dài đến tháng 2-2023. Điều đó có nghĩa đô cử đẳng cấp thế giới một thời của thể thao Việt Nam sẽ có nửa năm để khẳng định mình ở đấu trường châu Á, cũng như hướng đến Olympic Paris 2024.
"Nhìn lại bản thân ở quãng thời gian tập luyện trước đây, tôi biết mình có những điểm nào chưa tốt. Do đó trong 3 năm qua, cá nhân tôi dần điều chỉnh lại bản thân để sinh hoạt chuẩn chỉnh hơn, qua đó hướng đến những mục tiêu mới sau khi trở lại thi đấu", Trịnh Văn Vinh chia sẻ. Trước đó, khi biết Vinh bị cấm 4 năm, thậm chí có thể là 5-8 năm, nhiều người cho rằng sự nghiệp của anh đã kết thúc sớm. Nếu đạt thành tích tốt, Vinh hoàn toàn đủ khả năng đại diện cho cử tạ Việt Nam tranh tài ở ASIAD và Olympic sắp tới.