Esports Việt Nam: Từ bài toán kiếm tiền đến tương lai tuyển thủ chuyên nghiệp

Thứ Tư, 17/08/2022, 20:38

Ở Việt Nam, thể thao điện tử (Esports) đang được xem là cuộc chơi hấp dẫn và đầy tiềm năng nhờ sự phát triển vũ bão của công nghệ. Tuy nhiên, đằng sau đấu trường chuyên nghiệp là nỗi lo tài chính của nhiều nhà đầu tư lẫn sự khắc nghiệt về tuổi nghề với các vận động viên.

Các đội Esports ở Việt Nam kiếm tiền thế nào?

Tương tự các câu lạc bộ thể thao truyền thống, nhiều tổ chức Esports ở Việt Nam cũng có nhà tài trợ, đối tác quảng cáo, mở bán trang phục thi đấu và các vật phẩm đi kèm. Bên cạnh đó, các đội tuyển Esports cũng kiếm được tiền từ những giải đấu lẫn nền tảng phát trực tuyến (livestream).

Anh_1-1660703970397.jpg
GAM Esports hiện là đội tuyển thể thao điện tử số một Việt Nam.

Dù vậy, nguồn tiền thu về của các đội sẽ dựa trên thành tích, thương hiệu và tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều đội gần như không có tài trợ từ bên ngoài, không thể bán vật phẩm cũng như nhận được rất ít tiền từ quảng cáo và khai thác hình ảnh.

Việc kiếm tiền từ giải đấu được xem là “cuộc chiến sống còn” của các đội. Mới đây nhất, đội V Gaming (Liên Quân Mobile) đã kiếm được 17 tỷ đồng sau chức vô địch AIC 2022, Team Flash (Liên Minh Huyền Thoại (LMHT): Tốc Chiến) mang về gần 4 tỷ đồng nhờ thành tích Top 4 tại vòng chung kết thế giới Icons Global Championship 2022. Ngược lại, nhiều đội đã phải bán suất thi đấu, “sang tên đổi chủ” hay thậm chí là giải thể vì không thể duy trì được chi phí vận hành. Bằng giờ này năm ngoái, đội tuyển LMHT giàu thành tích và nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam là GAM Esports từng đối mặt nguy cơ giải thể vì nhà phát hành Garena hủy bỏ giải vô địch quốc gia VCS mùa Hè 2021, cũng như không được tham dự 3 giải đấu quốc tế liên tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ở Việt Nam thời điểm hiện tại, số đội có thể kiếm tiền từ bán trang phục thi đấu chỉ đếm trên đầu ngón tay, ví dụ như GAM Esports, Team Flash, Saigon Phantom hay SBTC Esports. Trong khi đó, việc kiếm tiền từ đóng quảng cáo bên ngoài và hợp tác cùng nền tảng livestream lại trở thành bài toán nan giải với các đội. Thông thường, các nhãn hàng và nền tảng livestream sẽ ưu tiên liên hệ trực tiếp với cá nhân tuyển thủ hay huấn luyện viên để trao đổi thay vì thông qua đội chủ quản. Lúc này, các đội chủ quản đóng vai trò là cố vấn, gần như không có quyền quyết định tuyệt đối hay được chia sẻ nguồn thu trừ khi là môi giới.

Tuy nhiên, nguồn thu từ quảng cáo bên ngoài và nền tảng livestream bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lịch thi đấu lẫn tập luyện dày đặc của các đội. Theo đó, họ chỉ có thể kiếm tiền từ quảng cáo trong quãng nghỉ, bị hạn chế quỹ thời gian để livestream hàng tháng cũng như thường xuyên phải “chạy KPI” cả ngày lẫn đêm.

Thử thách cân đối thu chi

Thời điểm hiện tại, chi phí vận hành cho một đội tham gia giải đấu cấp cao nhất Việt Nam, tính ở tất cả các môn, sẽ tốn ít nhất 300 triệu/ tháng. Trong đó, mỗi đội sẽ có khoảng 10 nhân sự được trả lương, gồm 5-6 tuyển thủ, huấn luyện viên, phân tích viên (trợ lý), quản lý, nhân viên phụ trách truyền thông và giúp việc. Ngoài ra, tiền thuê nhà để làm gaming house (trụ sở) cộng thêm các khoản phí sinh hoạt cơ bản bao gồm ăn uống, điện, nước, mạng Internet… cũng lên tới 100 triệu đồng.

Esports Việt Nam: Từ bài toán kiếm tiền đến tương lai tuyển thủ chuyên nghiệp -0
Không chỉ kiếm tiền giỏi, Team Flash còn đưa Tốc Chiến Việt Nam đứng hạng 2 thế giới.

Ở Việt Nam, các đội Esports chẳng khác gì nhiều câu lạc bộ bóng đá đang thi đấu tại V-League 2022. Theo đó, hầu như các đội Esports không biết cách cân đối được thu chi và chủ yếu sống dựa vào túi tiền của chủ sở hữu. Nếu các đội Esports không có thành tích tốt ở giải vô địch quốc gia, không được tham dự đấu trường quốc tế, thì chủ sở hữu nhiều khả năng sẽ bị lỗ do không đủ doanh thu từ các nguồn để bù vào chi phí vận hành.

Nguồn doanh thu của các đội Esports cũng chịu tác động lớn tới từ cộng đồng người chơi của từng môn. Điều này có nghĩa là các tổ chức sẽ ưu tiên lựa chọn những môn Esports có tệp người chơi lớn để thành lập đội và đầu tư, qua đó giảm tải tỷ lệ thua lỗ về mặt tài chính. Ở đó, những môn Esports ăn khách sẽ sinh ra những giải đấu có tổng giá trị giải thưởng khủng.

Trong những mùa giải gần đây, khán giả đã và đang được chứng kiến các môn Esports thi đấu trên di động chạy đua về mức tiền thưởng giải đấu (cấp độ vô địch quốc gia) như Tốc Chiến (3,7 tỷ đồng), Liên Quân Mobile (6 tỷ đồng), PUBG Mobile (2 tỷ đồng), Free Fire (4 tỷ đồng). Song, nghịch lý đã xảy ra với môn LMHT (thi đấu trên máy tính), khi tiền thưởng giậm chân ở mức 400 triệu đồng trong nhiều mùa giải dù được coi là môn Esports số một tại Việt Nam và trên thế giới.

Về cơ bản, các đội đều trả lương và thưởng (tăng theo kỳ) cho các thành viên theo hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, các đội cũng sẽ phải chia sẻ tiền thưởng từ giải đấu (khoảng 70-80%) cho tuyển thủ và huấn luyện viên. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nhiều đội đã nợ lương, giảm thu nhập của tuyển thủ vì thua lỗ hay đơn giản là chủ sở hữu “hết tiền”. Ở chiều ngược lại, cũng xuất hiện nhiều tuyển thủ bị “ảo giá”, đòi hỏi mức lương và đãi ngộ quá mức mà đội tuyển có thể đáp ứng.

Tuyển thủ muốn kiếm tiền vì… tuổi nghề ngắn

Các tuyển thủ Esports chuyên nghiệp có thể trở nên nổi tiếng rất nhanh, kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng, nhưng cũng dễ bị chìm xuống vì sự đào thải, khi kỹ năng cá nhân bị ảnh hưởng bởi tuổi tác dù rất trẻ. Sự nghiệp của họ dài hay ngắn thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Esports Việt Nam: Từ bài toán kiếm tiền đến tương lai tuyển thủ chuyên nghiệp -0
V Gaming trở thành đội tuyển "giàu" nhất Liên Quân Mobile Việt Nam với khoản tiền thưởng 17 tỷ từ chức vô địch AIC 2022.

Theo thống kê, độ tuổi từ 18-23 là được coi là giai đoạn mà các tuyển thủ Esports có sức bật tốt nhất. Trước năm 18 tuổi, họ phải trải qua cường độ tập luyện khắc nghiệt, ít nhất 12 tiếng/ ngày (từ 10h sáng tới 24h đêm). Chính vì vậy, đa số các thực tập sinh muốn theo đuổi giấc mơ trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp đều phải tạm gác lại việc học.

Thời điểm bước sang tuổi 18 là lúc các tuyển thủ đủ điều kiện thi đấu chuyên nghiệp, “tay to” (chơi dựa vào kỹ năng) nhưng không có kinh nghiệm. Nếu không bị đào thải, họ sẽ bước tới giai đoạn đỉnh cao trong khoảng 20 đến 23 tuổi. Lúc này, những yếu tố xung quanh sẽ quyết định họ có thể trở thành ngôi sao ở môn mà mình thi đấu hay không. Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới số tiền lương và mức đãi ngộ mà họ sẽ được nhận ở đội tuyển mà mình khoác áo.

Sau khi bước qua tuổi 23, các tuyển thủ sẽ bắt đầu đi xuống phong độ vì giới hạn của đôi tay, não bộ phản xạ không còn nhanh như trước và sự tập trung giảm dần. Thậm chí, nhiều tuyển thủ còn gặp phải chấn thương lưng, vai và cổ tay vì phải thi đấu và tập luyện mỗi ngày trước máy tính trong nhiều năm liền.

Ở Việt Nam, Lê “SofM” Quang Duy, Trần “ProE” Quang Hiệp (24 tuổi) và Đỗ “Levi” Duy Khánh (25 tuổi) là những trường hợp hiếm hoi vẫn có thể thi đấu đỉnh cao tại các giải đấu trong khi đồng nghiệp cùng trang lứa đều đã giải nghệ. SofM, ProE và Levi còn đều là những trụ cột ở đội tuyển mà họ khoác áo. Thậm chí, Levi còn là đội trưởng của tuyển LMHT quốc gia Việt Nam giành Huy chương vàng tại SEA Games 31 vừa qua.

Tuyển thủ Esports hiện là nghề được giới trẻ theo đuổi vì mức thu nhập và danh tiếng. Song điều quan trọng là họ đã phải đánh cược tương lai, nỗ lực trong những môi trường đầy khắc nghiệt và chấp nhận sự đào thải đến phũ phàng.

Team Flash từng định giá tuyển thủ dự bị tới 3 tỷ đồng

Trong kỳ chuyển nhượng của VCS mùa Xuân 2022 (giải vô địch LMHT quốc gia) diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, đội Team Flash đã được đề nghị chuyển nhượng tuyển thủ dự bị đường trên, tên là Đinh Bùi Quốc Cường (khi thi đấu được gọi là Marcus). Tuy nhiên, quản lý của Team Flash là bà Đinh Hồng Phượng cho biết phí phá vỡ hợp đồng của Marcus là 3 tỷ đồng, nhưng có thể bán với giá 1 tỷ đồng cho đội tuyển đã đưa ra lời đề nghị chuyển nhượng.

Theo Cơ sở dữ liệu hợp đồng được Riot Games cập nhật, hợp đồng của Marcus với Team Flash còn thời hạn đến 20-11-2023. Trong khi đó, Marcus chỉ được nhận mức lương vỏn vẹn 5 triệu đồng/tháng tại Team Flash. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của giải đấu LMHT cấp cao nhất Việt Nam hiện tại. Thậm chí, mức lương 5 triệu đồng/tháng của Marcus còn thấp hơn nhiều tuyển thủ đang thi đấu ở giải bán chuyên VCSB.

Lúc này, Marcus vẫn đang sinh hoạt và tập luyện tại Team Flash. Trước đó, Marcus đã bày tỏ nguyện vọng được rời đội nhưng không được quản lý Đinh Hồng Phượng chấp nhận.

Team Flash hiện đã xuống hạng sau khi đứng bét bảng xếp hạng VCS mùa Xuân 2022 và không thể vượt qua vòng thăng hạng VCS mùa Hè 2022 diễn ra hồi tháng 6 vừa qua. Trong quá khứ, Team Flash từng vô địch VCS mùa Xuân 2020, VCS mùa Hè 2020 và giành quyền tham dự Chung kết thế giới 2020 nhưng phải vắng mặt vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đơn Ca
.
.
.