Đẩy lùi “xâm lăng văn hóa”

Thứ Hai, 29/11/2021, 20:33

Ngày 24-11, Hội nghị Văn hóa Toàn quốc đã được tổ chức trang trọng dưới sự chủ trì của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hội nghị đã đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa, đặt cơ sở cho nền văn hóa mới ở Việt Nam.

Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc chấn hưng văn hóa truyền thống tốt đẹp, quyết liệt thể chế hóa những vấn đề thực tiễn trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam để ứng phó với nguy cơ “xâm lăng văn hóa”.

Báo động về một sự pha tạp

Những bộ phim xuyên tạc sự thật lịch sử, tuyên truyền bịa đặt đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xúc phạm đến anh linh các liệt sĩ… song chỉ cần bộ phim ấy có thần tượng của mình đóng vai chính, nhiều bạn trẻ sẵn sàng tung hô, đón xem. Thậm chí, nhiều bạn trẻ sẵn sàng đứng chờ hàng đêm để được gặp mặt thần tượng tại sân bay, chi cả tháng lương để tham dự một sự kiện có thần tượng tham gia nhưng đa số họ lại có rất ít kiến thức về lịch sử dân tộc và bàng quan với những sự kiện trọng đại của đất nước.

A3-1638156956702.jpg
Du khách trải nghiệm nghề dệt truyền thống của làng Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội.

Cùng với đó, những MV sặc mùi “đam mỹ, đồng tính” được chào đón, ca ngợi như siêu phẩm về nghệ thuật, tác động không nhỏ đến những hành vi lệch chuẩn, những xu hướng giới tính thiếu lành mạnh… Hay những YouTuber, Tiktoker có tiếng đua nhau làm chương trình theo những trào lưu xa lạ với văn hóa Việt Nam. Thậm chí những người làm YouTube, tiếng là dành cho trẻ em, nhưng lại từng liên tục đăng tải những video như “Trò chơi đèn xanh đèn đỏ” lấy cảm hứng từ bộ phim “Trò chơi con mực” của Hàn Quốc sặc mùi bạo lực, hay hướng dẫn các em nuôi búp bê Kumathoong, chơi bùa ngải….

Đó là tình trạng đáng báo động về việc nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức lệch lạc, có dấu hiện suy đồi, tôn sùng thần tượng và văn hóa nước ngoài mà quay lưng lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp và lịch sử dân tộc. Đặc biệt, những năm gần đây, khi các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội nở rộ, khó kiểm soát, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã đẩy mạnh việc tuyên truyền các giá trị văn hóa phương Tây, đề cao chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội, lợi dụng các giá trị văn hóa trong nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng để truyền bá các sản phẩm độc hại, làm băng hoại những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Để rồi từ lĩnh vực văn hóa chuyển dần sang chính trị, hình thành ý thức chống đối xã hội, nảy nòi xoi mói chính trị, phản bội lại Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.

A1-1638156994166.JPG
Các hoạt động giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.

Không khó để tìm thấy những sản phẩm văn hóa mang dấu ấn ngoại lai, không phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được lan truyền trên các kênh thông tin, truyền thông đa phương tiện, ngấm ngầm làm thay đổi nhận thức, cách suy nghĩ, ứng xử của nhiều người. Thậm chí, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, các văn nghệ sĩ cũng đã có nhiều người “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều văn nghệ sĩ bất mãn đã trở thành mục tiêu thực hiện âm mưu ly gián về nhân tâm, tư tưởng và chia rẽ về tổ chức, lôi kéo họ đi theo các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây. Không ít nghệ sĩ đã không giữ được sự chuẩn mực và hình ảnh cá nhân, làm từ thiện thiếu minh bạch cùng những scandal đời tư, những phát ngôn tục tĩu, cách hành xử “giang hồ”, tự cho mình là “vùng cấm” cũng khiến dư luận bức xúc.

 Bên cạnh những tác phẩm phù hợp với thuần phong, mỹ tục thì nhiều sản phẩm lại chạy theo thị hiếu, đề cao yếu tố chiêu trò, đồi trụy… cốt đạt doanh thu. Đơn cử như cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" vừa xuất bản đã lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt bởi các sự kiện bị cắt xén, xuyên tạc. Mới đây nhất là ca khúc "Cô gái mở đường" được dàn dựng theo phiên bản “độc lạ” hay bản rap “Thích Ca Mâu Chí” có nội dung xúc phạm tôn giáo và đạo Phật bị cộng đồng phản ứng dữ dội.

Quyết tâm giữ nền tảng văn hóa Việt

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa” không chỉ là một yêu cầu quan trọng, cấp bách trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa hiện nay mà còn góp phần thiết thực phát huy những giá trị truyền thống của người Việt Nam như yêu nước, yêu hòa bình, ý chí độc lập tự cường, đoàn kết, nhân ái và trong thời kỳ mới là những phẩm chất như sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương, nhạy bén…; tạo “sức đề kháng” trước sự “xâm lăng” của các giá trị văn hóa ngoại lai, giữ cho được cái gốc của nền văn hóa Việt.

Đẩy lùi “xâm lăng văn hóa” -0
Học sinh Trường THCS Thanh Quan học online tiết học giáo dục di sản.

Trước những diễn biến phức tạp, đáng báo động của tình trạng trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”. Trong ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, là mất gốc” và “Văn hóa là thương hiệu của đất nước nhưng lâu nay chúng ta còn chưa quan tâm, đầu tư đúng cách”. Mới đây, Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII cũng nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

A2-1638157036867.JPG
Đồng bào Dao ở Bình Liêu, Quảng Ninh vẫn bảo tồn tốt văn hóa truyền thống.

PGS, TS, Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm khơi dậy nguồn lực văn hóa, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam để góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Hội nghị xác định cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường giáo dục tư tưởng và chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trong rất nhiều giải pháp đã được đề ra, thì việc tăng cường giáo dục, bồi đắp giá trị văn hóa giữ nước, nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm cho mọi công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Những năm gần đây, tại trường THCS Thanh Quan, ngôi trường có lịch sử trên 100 năm nằm trên phố Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm đã làm rất tốt điều này. Thầy trò nhà trường đã cùng nhau dạy tốt – học tốt và đầy hứng khởi với các tiết học được áp dụng hình thức bài giảng điện tử, đồ họa 3D cho các môn học, đặc biệt là bộ môn lịch sử và giáo dục công dân.

Các nội dung giáo dục thể chất, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, văn minh thanh lịch, an toàn giao thông, phòng chống ma tuý cùng với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh cộng đồng, bảo vệ môi trường… đã giúp các em hình thành được nhân cách và đạo đức tốt để phát triển toàn diện. Từ những bài học giản dị, sinh động như vậy, sẽ là liều thuốc quan trọng để nâng cao “sức đề kháng” cho thế hệ trẻ trước sự “xâm lăng” của các giá trị văn hóa ngoại lai hay sự truyền bá thông tin xấu độc của các thế lực thù địch.

Đẩy lùi “xâm lăng văn hóa” -0
Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên, tỉnh Bắc Giang tìm hiểu truyền thống lịch sử tại Bảo tàng tỉnh

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới vừa qua đã tạo nên thế và lực mới, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế; niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”. Có như vậy, văn hóa mới thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, “soi đường cho quốc dân đi” và là nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển của đất nước.

Phạm Vân Anh
.
.
.