Chuyện kiếm tiền từ xã hội hóa ở Liên đoàn Taekwondo Việt Nam

Thứ Sáu, 03/03/2023, 08:56

Không phải môn đại chúng như bóng đá, nhưng Taekwondo lại thành công với mô hình xã hội hóa thể thao. Các câu lạc bộ dần xuất hiện ở mọi địa phương, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam có hợp đồng tài trợ lớn, Vận động viên (VĐV) và huấn luyện viên (HLV) cũng có công việc ổn định để sống cùng đam mê.

Kiếm tiền tỉ từ tài trợ

Ngay trước thềm SEA Games 32, CJ tiếp tục ký hợp đồng tài trợ Liên đoàn Taekwondo Việt Nam. Tập đoàn giải trí của Hàn Quốc đã có hơn 10 năm gắn bó cùng thể thao Việt Nam ở bộ môn Taekwondo. Họ không chỉ cam kết hỗ trợ tập huấn, thi đấu, mà còn công khai tiền thưởng cho VĐV đạt thành tích tốt ở đấu trường quốc tế.

Chuyện kiếm tiền từ xã hội hóa ở Liên đoàn Taekwondo Việt Nam -0
Taekwondo Việt Nam là môn đi đầu trong xã hội hóa thể thao.

Hơn 10 năm trước, CJ đã treo thưởng 50.000 USD nếu võ sĩ Taekwondo Việt Nam giành huy chương vàng Olympic. Số tiền đó được tăng lên 100.000 USD trước thềm Thế vận hội Tokyo. Ngay cả trong trường hợp giành Huy chương bạc hoặc Huy chương đồng, VĐV cũng có cơ hội đổi đời. Mọi hoạt động của đội tuyển cũng được đài thọ chu đáo.

Có nhiều lý do giúp Liên đoàn Taekwondo Việt Nam ký hợp đồng dài hạn cùng những nhà tài trợ lớn như CJ. Sau hơn 2 thập niên phát triển, họ đã xây dựng mạng lưới rộng khắp với các mối quan hệ ở tầm quốc tế. Ông Jeong Kang Seo, Tổng thư ký đương nhiệm của Liên đoàn Taekwondo thế giới là người rất thân thiết với Liên đoàn Taekwondo Việt Nam.

Được ví như môn quốc võ của Hàn Quốc, mỗi giải vô địch Taekwondo cấp độ quốc gia được tổ chức tại Việt Nam không chỉ mang tầm vóc sự kiện thể thao đơn thuần. Đó còn là một phần hoạt động giao lưu văn hóa, hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là nhân tố quyết định giúp Taekwondo Việt Nam thu hút nhiều nhà tài trợ lớn hiện diện.

Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cũng là một trong những đơn vị tiên phong quản lý câu lạc bộ, học viên theo mã số định danh cá nhân. Nhờ vậy, những người làm Taekwondo tại Việt Nam có thể ước tính chính xác được quy mô phát triển của môn võ này, qua đó hướng đến kế hoạch phát triển trong tương lai. Hiện tại, Việt Nam có gần 1.500 câu lạc bộ Taekwondo đang hoạt động trên cả nước. Số học viên tập luyện, sinh hoạt thường xuyên tại câu lạc bộ là khoảng 100.000 người. Dữ liệu của họ được ghi nhận trên hệ thống quản lý của Liên đoàn Taekwondo Việt Nam. Kể từ năm 2023, các cá nhân sẽ dùng mã định danh để tham dự mọi hoạt động của Taekwondo Việt Nam. Từ việc thi đấu đến thăng cấp đai, tham dự khóa học nghiệp vụ... học viên sẽ đăng ký và được quản lý qua mã số cá nhân. Học viên cũng được cấp thẻ đi kèm mã định danh để ghi nhận quá trình thăng tiến cùng môn võ này.

Thành công là phát triển phong trào

Từng có ý kiến nhận xét việc phát triển Taekwondo Việt Nam đã đi vào "ngõ cụt" vì môn võ này không thể đào tạo ra Trần Hiếu Ngân thứ hai. Nhưng thực tế trong bối cảnh hiện tại, các môn thể thao thành tích cao của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đào tạo VĐV đủ khả năng dự Olympic.

Chuyện kiếm tiền từ xã hội hóa ở Liên đoàn Taekwondo Việt Nam -0
Phát triển phong trào giúp vận động viên, huấn luyện viên Taekwondo Việt Nam sống được với nghề.

5 tấm huy chương của Việt Nam tại đấu trường Thế vận hội xuất hiện từ 3 môn: Bắn súng, Cử tạ và Taekwondo. Trong đó, cử tạ là môn duy nhất giành huy chương ở 2 kỳ Olympic khác nhau. Tấm Huy chương vàng và Huy chương bạc Olympic Rio của Hoàng Xuân Vinh mang nhiều dấu ấn về thành tích cá nhân, hơn là tầm vóc phát triển của môn bắn súng tại Việt Nam.

Vì thế, thành bại trong việc phát triển một môn thể thao vẫn cần sử dụng hệ quy chiếu là mức độ phổ biến của thể thao phong trào. Ở khía cạnh này, Taekwondo Việt Nam rõ ràng đã vượt xa cử tạ, bắn súng và nhiều môn thể thao Olympic khác. Hiếm có môn võ nào xuất hiện các câu lạc bộ ở cấp xã, phường, thị trấn như Taekwondo. Một điểm nhấn khác trong mô hình phát triển Taekwondo phong trào là giáo án tập luyện đồng bộ. HLV có thể đăng ký khóa học do Liên đoàn Taekwondo Việt Nam tổ chức, rồi mở lớp dạy cho học viên phong trào.

Các lớp Taekwondo phong trào không chỉ giúp VĐV, HLV có thêm thu nhập tốt mà còn là nơi nhiều tài năng được phát hiện. Nhiều thành viên đội tuyển Taekwondo Việt Nam giờ mới ở độ tuổi mười tám đôi mươi, nhưng kinh nghiệm thi đấu quốc tế của họ đã rất dày dạn nhờ liên tục tập huấn, thi đấu nước ngoài. Khoản thu nhập tốt từ những lớp Taekwondo phong trào với hàng chục, hàng trăm học viên tham gia giúp cho những người theo đuổi môn võ này không phải dựa dẫm quá nhiều vào khoản lương ngân sách.

Chuyện kiếm tiền từ xã hội hóa ở Liên đoàn Taekwondo Việt Nam -0
Taekwondo Việt Nam sẽ thi đấu ở SEA Games và ASIAD trong thời gian tới.

Phong trào Taekwondo phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam cũng trở thành động lực để thành lập các liên đoàn Taekwondo ở các tỉnh thành, bên cạnh Liên đoàn Taekwondo Việt Nam.

Nhưng thành công của Taekwondo Việt Nam không chỉ nằm trong việc thu hút những hợp đồng lớn, VĐV được treo thưởng tiền tỷ, hay phát triển phong trào rộng khắp cả nước. Đó dường như chỉ là một vài lát cắt phản ánh tư tưởng phát triển Taekwondo tại Việt Nam.

Thầy giỏi dạy trò giỏi

"Trong quá khứ, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cũng có một số vấn đề. Nhưng theo thời gian, mọi thứ ngày càng rõ ràng, minh bạch như hiện tại. Có thể nói Taekwondo là hình mẫu xã hội hóa cho những môn thể thao khác". Đó là nhận định của một nhà quản lý thể thao khi chứng kiến sự phát triển của Taekwondo, trong bối cảnh nhiều môn khác vẫn chưa thể thoát khỏi cách làm cũ.

Chuyện kiếm tiền từ xã hội hóa ở Liên đoàn Taekwondo Việt Nam -0
Châu Tuyết Vân giờ bắt đầu trên cương vị nhà quản lý thể thao.

Một điểm đáng chú ý ở Taekwondo Việt Nam là sự xuất hiện của nhiều võ sư, nhiều nhà quản lý ở tầm quốc tế. Chủ tịch đương nhiệm của Liên đoàn Taekwondo Việt Nam là võ sư Trương Ngọc Để, người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Taekwondo thế giới trao chứng nhận cửu đẳng huyền đai. Vốn là VĐV thời trẻ, ông Trương Ngọc Để sau đó chuyển sang làm công tác quản lý.

Không giống nhiều võ sư sùng bái "thực hành", ông Để và những võ sư Taekwondo khác đề cao khoản học văn hóa của VĐV. "Các con phải cố gắng học, thậm chí phải học giỏi như tập võ". Câu nói ấy của võ sư Trương Ngọc Để được ông truyền lại cho HLV Nguyễn Thanh Huy, HLV trưởng đội tuyển quyền thuật Taekwondo Việt Nam.

"Văn ôn võ luyện" trở thành kim chỉ nam để các vận động viên Taekwondo làm theo, mà điển hình là võ sĩ Châu Tuyết Vân. Quãng thời gian học văn hóa của một VĐV luôn khó khăn hơn nhiều so với người bình thường. Trong câu chuyện của Tuyết Vân, cô chỉ có thể nhận bằng cử nhân khi đã bước sang tuổi 30, nhưng thành quả luôn đáng trân trọng.

Với thành tích thi đấu, cộng thêm lời giới thiệu từ Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, Châu Tuyết Vân được nhận học bổng của Đại học Tôn Đức Thắng. Vốn là dân thể thao, Châu Tuyết Vân phải rất cố gắng mới có thể hoàn tất chương trình học. Có những môn Tuyết Vân phải thi lại mấy lần mới qua như môn Tiếng Anh, nhưng ngay cả trong những lúc nản chí nhất, cô vẫn không cho phép mình bỏ cuộc.

Ở nhiệm kỳ hiện tại của Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, tấm bằng đại học chính là cơ sở để Châu Tuyết Vân trở thành Ủy viên Ban chấp hành. Sau hình ảnh của một VĐV, HLV, nhiều khả năng cô sẽ đóng vai trò nhà quản lý thể thao trong tương lai. Nếu không qua trường lớp chính quy, Châu Tuyết Vân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên hành trình như thế.

Tuyển Taekwondo tập huấn, thi đấu nước ngoài trước SEA Games 32

Vào đầu tháng 3 tới, các thành viên đội tuyển Taekwondo Việt Nam sẽ lên đường sang Philippines dự giải vô địch Đông Nam Á. Đây là giải đấu lớn, được xem như sân chơi tiền SEA Games cho các vận động viên tham dự. Kết thúc giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á, các thành viên đội tuyển Việt Nam sẽ chia thành 2 đội quyền thuật và đối kháng, sau đó sang Hàn Quốc tập huấn với lịch riêng biệt.

Việc đội tuyển Taekwondo Việt Nam được tách lịch tập huấn là bởi quy mô các giải đấu trong thời gian tới của 2 đội khác nhau. Giải đấu lớn nhất của đội tuyển quyền thuật Taekwondo Việt Nam là SEA Games 32, diễn ra vào tháng 5. Trong khi đó, các thành viên đội tuyển đối kháng Taekwondo Việt Nam còn ASIAD 2023, giải đấu diễn ra 4 tháng sau khi SEA Games 32 khép lại.

Trước đó ở SEA Games 31, Taekwondo Việt Nam đã giành vị trí nhất toàn đoàn với 8 Huy chương vàng, 5 Huy chương bạc và 3 Huy chương đồng, giành huy chương ở 16/19 nội dung góp mặt. Thế mạnh của Taekwondo Việt Nam thời điểm này là các nội dung quyền thuật, cũng như thi đấu đối kháng của nữ. Những gương mặt nổi bật của đội tuyển đối kháng Taekwondo Việt Nam có thể kể đến Trương Thị Kim Tuyền, Trần Thị Ánh Tuyết, Bạc Thị Khiêm...

Đơn Ca
.
.
.