WTO và cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung

Thứ Sáu, 25/09/2020, 07:26
Ngày 15-9, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra phán quyết rằng Mỹ đã vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu khi áp đặt các biện pháp thuế chống lại Trung Quốc vốn châm ngòi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sau đó.

Phán quyết của WTO được đưa ra bởi một hội đồng gồm 3 chuyên gia thương mại do Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO thành lập. Theo đó, các mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2018, trị giá hơn 200 tỷ USD, là "không phù hợp" với các quy định thương mại toàn cầu, đồng thời "khuyến cáo Mỹ cần đưa ra các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết của mình".

Chính quyền ông Trump nói rằng các biện pháp thuế được áp dụng cách đây 2 năm với hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là hợp lý bởi Trung Quốc đã đánh cắp sở hữu trí tuệ và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, phán quyết của WTO khẳng định các biện pháp thuế này vi phạm các quy tắc thương mại bởi chúng chỉ áp dụng riêng với Trung Quốc và vượt qua mức tối đa mà Mỹ từng nhất trí.

WTO ra phán quyết về khiếu nại của Trung Quốc liên quan đến Mỹ.

Cơn tức giận của Washington

Phản ứng trước phán quyết này, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói: “Báo cáo của hội đồng chỉ xác nhận lại những gì mà chính quyền Tổng thống Trump đã nhắc tới trong 4 năm qua, đó là: WTO hoàn toàn không thể ngăn chặn các hành vi gây hại của Trung Quốc về công nghệ”. Quyết định này sẽ gần như không có tác động ngay lập tức với các biện pháp thuế quan của Mỹ và chỉ là sự khởi đầu của một tiến trình pháp lý mà có thể mất tới vài năm để thực thi.

Mỹ có thể sẽ kháng cáo phán quyết này của WTO. Họ có thể nộp đơn kháng cáo vào bất kỳ lúc nào trong vòng 60 ngày tới. Tuy nhiên, điều đó sẽ đẩy vụ việc vào khoảng trống pháp lý bởi Washington đã ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán vào cơ quan phúc thẩm của WTO, ngăn chặn cơ quan này có đủ thành viên tối thiểu cần thiết để xét xử các vụ việc.

Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã khởi động Cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời nhiều bên (MIPA) để xét xử kháng cáo các phán quyết về tranh chấp thương mại nhưng Mỹ không tham gia vào cơ chế này.

Tuyên bố này đánh dấu động thái đầu tiên trong một loạt phán quyết được dự đoán đưa ra bởi hội đồng của WTO sau khi nhiều quốc gia đâm đơn kiện về quyết định của Washington nhằm áp thuế cao đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.

Margaret Cekuta, cựu quan chức Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), người từng giúp soạn thảo bản báo cáo quan trọng về các hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc được đưa ra trước các biện pháp thuế của ông Trump, cho rằng phán quyết của WTO có thể thúc đẩy quyết định của ông Trump về việc rời khỏi WTO hoặc càng làm củng cố quan điểm của Mỹ về việc cải tổ cơ quan có tuổi đời 25 năm này.

Trung Quốc nhận được gì sau phán quyết?

John Gong, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế (UIBE) ở Bắc Kinh, nói: “Trung Quốc cảm thấy được minh oan nhưng họ sẽ nhận được rất ít lợi ích từ việc này. Các biện pháp thuế sẽ không được gỡ bỏ hoặc cắt giảm do đó tác động của phán quyết là rất hạn chế. Đối với Mỹ, kết quả này đã được dự đoán trước, vì vậy nó sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến các hành động trong tương lai của họ”.

Kong Qingjiang, chuyên gia WTO tại Đại học Khoa học chính trị và Luật Trung Quốc, nói rằng các quan chức Trung Quốc mà ông từng tiếp xúc “chắc chắn rất vui” nhưng họ “biết rằng chiến thắng sẽ không dẫn đến bất kỳ kết quả pháp lý cụ thể nào - đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Trung Quốc phải đối mặt”.

Các chuyên gia về thương mại đã mong đợi phán quyết này, họ biết rõ rằng cuộc chiến thương mại kéo dài đang được tiến hành bên ngoài khuôn khổ các quy tắc của hệ thống thương mại toàn cầu. Tatiana Prazeres, cựu cố vấn cấp cao tại WTO và là cựu Bộ trưởng Ngoại thương Brazil, người hiện là thành viên cấp cao tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế (UIBE) ở Bắc Kinh, nói: “Cộng đồng thương mại biết rõ rằng các biện pháp của Mỹ không phù hợp với các quy định của WTO và phán quyết của ban hội thẩm đã khẳng định điều đó”.

Bộ Thương mại Trung Quốc hoan nghênh phán quyết, nói rằng họ hy vọng Mỹ “sẽ hoàn toàn tôn trọng phán quyết của ban hội thẩm và hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, đồng thời có những hành động thiết thực để đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc và các thành viên WTO khác trong việc cùng nhau duy trì hệ thống thương mại đa phương”.

Phản ứng mang tính ngoại giao và không sử dụng ngôn từ gây khiêu khích của Bắc Kinh cho thấy họ không quan tâm đến việc kích động ông Trump hơn nữa. Thay vào đó, theo giới phân tích, Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 - hiện là yếu tố mang tính xây dựng duy nhất của mối quan hệ siêu cường.

Qingyi Su, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhấn mạnh: “Trung Quốc không thể thực hiện các biện pháp trả đũa có thể làm xấu đi quan hệ song phương. Tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc cuối cùng chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp song phương”.

Siqi Li, giáo sư tại Viện Nghiên cứu WTO về Trung Quốc, nói thêm rằng Trung Quốc coi phán quyết của ban hội thẩm là một "giải pháp song song cho các cuộc đàm phán song phương" với Mỹ để chấm dứt chiến tranh thương mại. Bà nói: “Phán quyết của ban hội thẩm WTO có thể cung cấp cơ sở pháp lý, trong khi các cuộc đàm phán song phương Mỹ-Trung có thể giải quyết các quan ngại chính trị và kinh tế nhất định. Vì Cơ quan Phúc thẩm của WTO đang bị tê liệt nên kết quả cuối cùng của cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào cách thức thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được tiến hành ra sao”.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.
.