WTO chỉ trích Mỹ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc

Thứ Tư, 16/09/2020, 07:40
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 15/9 nhấn mạnh rằng thuế quan Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc đã phá vỡ các quy tắc thương mại quốc tế.
Ảnh minh họa CNN/Getty Images. 

WTO đã ủng hộ khiếu nại từ Trung Quốc về vấn đề bị Mỹ áp thuế quan lên khoảng 234 tỷ USD hàng hóa vào năm 2018. Ban hội thẩm nhận của WTO nhận thấy rằng việc áp thuế này đã vi phạm một số quy tắc, trong đó có quy định các nước áp dụng mức thuế quan như nhau cho tất cả các đối tác thương mại là thành viên của WTO.

Tuy nhiên, phán quyết từ WTO sẽ có ít tác dụng thực tế vì ban này có quá ít thành viên sau khi Mỹ đã ngăn cản việc bổ nhiệm các vị trí mới.

Ông Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trong nỗ lực đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán và giải quyết các vấn đề về tài sản trí tuệ và cưỡng bức chuyển giao công nghệ.

Mỹ và Trung Quốc đã đi đến một thỏa thuận sơ bộ vào đầu năm nay, nhưng hầu hết các mức thuế vẫn được giữ nguyên. Những mức thuế này làm cho hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với các doanh nghiệp Mỹ và đôi khi là đối với người tiêu dùng.

Chính quyền Trump từ lâu đã chỉ trích WTO không có động thái gì với hành động của Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã chỉ trích phán quyết của WTO, cho rằng điều này chứng tỏ tổ chức này hoạt động không hiệu quả.

Trung Quốc hiện cũng áp đặt thuế quan đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất nhưng Mỹ chưa đệ đơn khiếu nại chính thức về các mức thuế này.

Thuế quan là một công cụ ưa thích của ông Trump. Tổng thống Mỹ từng sử dụng biện pháp áp thuế đối với các nước láng giềng như Canada và Mexico trong các cuộc đàm phán về việc thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Cũng trong ngày 15/9, Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan đối với nhôm của Canada, vài giờ trước khi Canada công bố mức thuế trả đũa.

Vào tháng 8, chính quyền Trump tái áp dụng mức thuế 10% đối với nhôm Canada. Ông đã dỡ bỏ thuế quan đối với Canada và Mexico vào năm ngoái trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Hiệp định NAFTA mới. Thỏa thuận thương mại được đàm phán lại, được gọi là Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada, đã có hiệu lực vào tháng 7.

Duy Tiến
.
.
.