Venezuela cam kết thanh toán nợ
- Tổng thống Venezuela cảm ơn ông Trump vì làm mình "nổi tiếng"
- Venezuela lên kế hoạch không dùng USD dầu mỏ
Sẽ không có việc Venezuela bị vỡ nợ
Phát biểu trong một chương trình được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Maduro nhấn mạnh sẽ không có việc Venezuela bị vỡ nợ như thông tin lan truyền trước đó và cho biết chính phủ nước này đang theo một chiến lược đã được vạch ra cụ thể, đó là đàm phán và tái cơ cấu nợ nước ngoài.
Ông Maduro cho hay trong bối cảnh nguồn ngân sách hụt tới 100 tỷ USD do giá dầu sụt giảm, từ năm 2014 cho đến nay, Venezuela đã nỗ lực thanh toán đầy đủ và đúng thời hạn 73,3 tỷ USD (bao gồm cả lãi) cho các chủ nợ nước ngoài và mới đây nhất là lần thanh toán 2 tỷ USD. Theo nhà lãnh đạo Nam Mỹ, nước này sẽ tiếp tục tìm kiếm "những điều kiện thích hợp và công bằng" cho việc tái cơ cấu nợ và tái cơ cấu vốn.
Theo kế hoạch, vòng đàm phán đầu tiên với các chủ nợ nước ngoài, dự kiến diễn ra vào ngày 13-11 (giờ địa phương), sẽ do Phó Tổng thống Tareck El Aissami và Bộ trưởng Kinh tế kiêm Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) Simon Zerpa chủ trì bất chấp việc cả hai quan chức này đều nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Theo Tổng thống Maduro, hơn 400 nhà đầu tư, tương ứng với hơn 90% chủ nợ, sẽ tham gia tiến trình tái cơ cấu các khoản nợ trái phiếu lên tới 60 tỷ USD của chính phủ nước này.
Tổng thống Maduro cho biết thêm nước này đang trong tiến trình đàm phán nợ với 2 chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc và Nga với hai khoản nợ lần lượt là 28 tỷ USD và 8 tỷ USD. Mới đây, nước này đã đạt được thỏa thuận về tái cơ cấu khoản nợ gần 3 tỷ USD với Moscow.
Tổng thống Maduro nhấn mạnh sẽ không có việc Venezuela bị vỡ nợ. |
Theo các chuyên gia, hiện nợ nước ngoài của Venezuela lên tới 150 tỷ USD, trong đó có 45 tỷ USD nợ công, 45 tỷ USD nợ của PDVSA, 23 tỷ USD nợ Trung Quốc và 8 tỷ USD nợ Nga.
Số tiền lãi mà Venezuela phải trả từ nay tới cuối năm vào khoảng từ 1,4 tỷ tới 1,8 tỷ USD. Hầu hết các khoản nợ Trung Quốc và Nga sẽ được thanh toán bằng dầu mỏ. Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ được xác nhận lớn nhất thế giới. Dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ chính, chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh đã khiến Venezuela lâm vào khủng hoảng kinh tế trong năm qua, dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Trong khi đó, việc khai thác dầu suy giảm vì cơ sở hạ tầng của PDVSA đã xuống cấp nghiêm trọng. Lượng dự trữ ngoại tệ của nước này hiện chỉ còn 10 tỷ USD
Trước đó ít ngày, Venezuela đã thành lập ủy ban giải quyết các khoản nợ nước ngoài. Cụ thể, ngày 2-11, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo kế hoạch tái cơ cấu vốn và tái cơ cấu nợ nước ngoài thông qua sắc lệnh thành lập một ủy ban chuyên trách nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, ông Maduro cho hay ủy ban trên do Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami đứng đầu, có nhiệm vụ vạch ra tiến trình tái cơ cấu vốn, tái cơ cấu toàn bộ khoản nợ nước ngoài của nước này. Tổng thống Maduro nêu rõ kế hoạch tái cơ cấu nợ này sẽ giúp Venezuela ổn định nền kinh tế nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân như lương thực, chỗ ở, y tế, giáo dục và an ninh.
Ông nhấn mạnh quyết định này cho thấy nỗ lực hoàn thành các cam kết của chính phủ bất chấp tình hình kinh tế khó khăn do giá dầu bất ổn, giúp nước này thoát khỏi sự đe dọa của các chủ nợ nước ngoài.
Cũng trong bài phát biểu này, nhà lãnh đạo Venezuela thông báo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) trong ngày 3-11 đã thanh toán một khoản nợ trái phiếu đến hạn là 1,2 tỷ USD. Đây là lần thanh toán nợ thứ hai của PDVSA trong 1 tuần sau khi tập đoàn này đã trả 842 triệu USD gồm khoản nợ trái phiếu đến hạn và lãi suất.
Chật vật với nợ
Theo kế hoạch thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế của Venezuela, quốc gia này phải hoàn trả 81 triệu USD vào ngày 10-11 và 200 triệu USD sau đó 3 ngày. Theo nhận định của báo Figaro số ra ngày 10-11. Venezuela buộc phải thanh toán khoản nợ nước ngoài 81 triệu USD nếu như nước này muốn được tái cơ cấu nợ. Các số liệu mà các công ty nợ tính toán cho biết, dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm xuống còn 9,7 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, Venezuela phải trả từ 1,47 tỷ đến 1,7 tỷ USD, sau đó là khoảng 8 tỷ USD trong năm 2018.
Theo ông Edward Glossop, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn Capital Economics tại Anh, dù bằng cách này hay cách khác, Chính phủ Venezuela và Tập đoàn Dầu khí quốc gia PDVSA sẽ phải chấp nhận thực tế. Tuần trước, các tổ chức đánh giá tín dụng Fitch, S&P Global Ratings và Moody's đã hạ thấp mức xếp hạng của Venezuela.
Cũng trong ngày 10-11, một ủy ban đặc biệt tại New York, bao gồm 15 công ty tài chính, đã họp để thảo luận về vấn đề nợ quốc tế của Venezuela. Theo Capital Economics, ủy ban này có thể đưa ra quyết định xác nhận việc chậm thanh toán nợ của Venezuela hoặc bỏ phiếu để thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận tại một cuộc họp sau đó.
Những khó khăn của Caracas ngày càng chồng chất trong bối cảnh chính phủ đang phải chịu điều tiếng "cực đoan" như quy kết của nhiều nước phương Tây. Ngày 8/11 các đại sứ của 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã thống nhất đưa ra những biện pháp trừng phạt chống lại Venezuela, bao gồm cả lệnh cấm vận vũ khí.
Ngày 9-11, Mỹ tuyên bố một loạt lệnh trừng phạt mới đối với 10 quan chức Venezuela. Washington đã cấm tất cả công dân và ngân hàng của Mỹ mua trái phiếu mới hoặc đàm phán các hiệp định thương mại với Chính phủ Venezuela và Tập đoàn Dầu khí quốc gia PDVSA.
Quyết định trên của Mỹ đã bị Tổng thống Maduro cáo buộc rằng Mỹ đã dùng "con bài tài chính" để uy hiếp Venezuela. Cụ thể Tổng thống Maduro đã chỉ trích sắc lệnh của Mỹ vào ngày 25-8 cấm mua bán trái phiếu của nhà nước Venezuela và Tập đoàn Dầu khí quốc gia PDVSA trên các thị trường tài chính Mỹ.
Theo ông Christopher Dembik, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Saxo và là người hiểu rõ tình hình của Venezuela, Washington muốn ngăn chặn chính phủ của Maduro tự tái cấp vốn. Trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza nhấn mạnh "hành động đơn phương của Chính phủ Mỹ đã cố tình phớt lờ ý nguyện và quyền chủ quyền của người dân Venezuela".
Lối thoát
Tổng thống Maduro hy vọng sẽ trông cậy được vào sự giúp đỡ của Trung Quốc (nước đã cho Venezuela vay 28 tỷ USD) và Nga (nước đang chuẩn bị ký một thỏa thuận tái cơ cấu nợ 3 tỷ trên tổng số 8 tỷ USD).
Theo các chuyên gia, để thuyết phục các chủ nợ đồng ý tái cơ cấu nợ - nghĩa là kéo dài thời gian trả nợ, thậm chí giảm hoặc xóa nợ - Chính phủ Venezuela phải đưa ra một kế hoạch cải cách kinh tế để tái xây dựng đất nước, trong bối cảnh GDP đã giảm tới 36% trong vòng 4 năm qua.
Để đạt được điều này, ông Maduro muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ, thậm chí sẽ sử dụng rộng rãi các đồng rúp của Nga, nhân dân tệ của Trung Quốc, yên của Nhật và rupi của Ấn Độ. Từ tháng 10/2017 Venezuela đã bắt đầu niêm yết giá các loại dầu mỏ của nước này theo đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.
Nhiều người dân Venezuela bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ. Ảnh: CoinTelegraph. |
Trên trang mạng của mình, Bộ Dầu mỏ Venezuela đã niêm yết giá dầu phiên đóng cửa cuối tuần này ở mức 306,26 NDT/thùng (tương đương 46,7 USD), tăng từ mức 300,91 NDT của tuần trước đó. Đây là động thái mới nhất của Venezuela nhằm chống lại trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ và "giải phóng" Caracas khỏi đồng USD.
Nhà kinh tế học Christopher Dembik dự đoán rằng trong thời gian đầu, Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiến hành trao đổi tiền tệ (thỏa thuận hoán đổi) cho phép Caracas mua sản phẩm Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Vậy còn số phận của Tập đoàn Dầu khí quốc gia PDVSA, vốn cung cấp đến 93% lượng ngoại tệ cho đất nước? Tập đoàn này chỉ còn 2 tỷ đô la tiền mặt trong khi sẽ phải thanh toán 3,2 tỷ đô la từ nay đến cuối năm cho các chủ nợ quốc tế.
Giải pháp có thể đến từ Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga, một chủ nợ của Venezuela. Đổi lại, Nga hy vọng sẽ có quyền khai thác một phần trong số trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của nước này.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro kêu gọi các chủ nợ tham gia đàm phán trong một hội nghị vào ngày 13-11, với số tiền tái cơ cấu nợ trái phiếu nước ngoài lên tới 60 tỷ USD. Ông Arreaza khẳng định Venezuela là quốc gia tự do, độc lập và có chủ quyền, và Caracas sẽ thực thi quyền tự quyết của mình.
Phó Tổng thống Aissami đang đứng đầu một ủy ban chuyên trách việc tái cơ cấu nợ công của Venezuela, vừa được thành lập nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Phó Tổng thống Tareck El Aissami cho biết tại hội nghị ngày 13-11 Chính phủ Venezuela muốn tìm kiếm "các cam kết chính phủ" về tái đàm phán nợ, nhằm "tạo nền tảng tái đàm phán thời hạn thanh toán nợ nước ngoài" của Venezuela và PDVSA.
Trong một tuyên bố được truyền hình, ông Aissami cho biết Chính phủ Venezuela sẽ "tiếp tục tuân thủ đầy đủ và minh bạch như trước". Cũng theo ông, từ năm 2014, Venezuela đã trả gần 72 tỷ USD tiền nợ (bao gồm lãi).
Tổng thống Maduro nêu rõ kế hoạch tái cơ cấu nợ này sẽ giúp Venezuela ổn định nền kinh tế nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân như lương thực, chỗ ở, y tế, giáo dục và an ninh.
Để giúp Venezuela, Nga sẵn sàng tái cơ cấu nợ cho Venezuela. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 27-10 cho biết Moscow đã đồng ý với Venezuela về các điều khoản chung của việc tái cơ cấu tổng số nợ 3 tỷ USD mà quốc gia Nam Mỹ nợ Nga, bao gồm cả việc gia hạn thanh toán.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết việc gia hạn thanh toán được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu bao gồm những điều khoản rất thuận lợi, với khoản trả nhỏ nằm trong khả năng của Venezuela, và phần lớn còn lại của số nợ sẽ được chi trả trong giai đoạn 2. Tuy nhiên, ông Siluanov không cho biết thời gian cụ thể của các giai đoạn trên. Tổng thống Maduro đã bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ "về chính trị và ngoại giao" mà Tổng thống Putin dành cho Venezuela trong những thời khắc khó khăn hiện nay.
Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết ông "hiểu rằng Venezuela đang trải qua một giai đoạn khó khăn". Trong một đoạn băng đăng tải trên mạng xã hội Twitter sau cuộc gặp kéo dài 2,5 giờ với Tổng thống Putin, ông Maduro nhận định: "Đây là một ngày làm việc đặc biệt với Tổng thống Putin", và cho biết hai bên đã củng cố một "quan hệ đối tác chiến lược".
Đổi lại, các doanh nghiệp dầu khí Venezuela và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Rosneft đang xem xét các cơ chế nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động giao dịch giữa hai bên sau những lệnh trừng phạt tài chính của Chính phủ Mỹ chống Venezuela.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, lãnh đạo PDVSA đã đề cập tới kế hoạch gia tăng sản xuất của các liên doanh Petromiranda, Petrovictoria và Petromonagas - những đơn vị có cơ sở hoạt động tại dải Orinoco Hugo Chavez, nơi có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh khó khăn kinh tế, sự phá hoại từ cả bên trong lẫn bên ngoài, Tổng thống Venezuela kêu gọi lực lượng quân đội “trung thành tuyệt đối” với tổ quốc, hiến pháp.
Trong bối cảnh vô cùng khó khăn, để duy trì sự ổn định trong nước và giúp người lao động bớt khó khăn, đầu tháng 11-2017, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vẫn quyết định nâng mức lương tối thiểu cho người lao động. Cụ thể, từ ngày 1-11, người lao động trong các cơ quan nhà nước và tư nhân sẽ được hưởng mức lương cơ bản mới là 177.507 bolivars (khoảng 16,3 USD) thay vì mức 136.544 bolivars (tương đương 12,5 USD).
Bên cạnh đó, Venezuela còn tăng tiền trợ cấp thực phẩm cho người dân, nâng tổng thu nhập hằng tháng của người dân lên mức 456.507 bolivars (tương đương 42 USD).
Đây là lần thứ 5 trong năm nay chính phủ quốc gia Nam Mỹ này tăng lương tối thiểu cho người lao động nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Maduro nhấn mạnh việc tăng lương tối thiểu này cho thấy chính phủ thực hiện các cam kết về đảm bảo thu nhập của người dân trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với lạm phát tăng cao, hàng hóa khan hiếm do tình trạng đầu cơ và tỷ giá hối đoái giữa đồng bolivar của nước này và USD tại chợ đen giảm mạnh.
Trước đó, Venezuela cũng đưa ra hệ thống thanh toán quốc tế mới thông qua việc sử dụng hai tỷ giá hối đoái chính thức của nước này là DIPRO và DICOM. Theo đó, tỷ giá chính thức DICOM của nước này hiện là 3.345 boilvar/USD, trong khi tỷ giá mạnh nhất DIPRO (ưu tiên dùng để nhập khẩu) là 10 bolivar/USD.