Những phận người trong truyện và tranh Nguyễn Quang Thiều

Thứ Hai, 18/01/2021, 15:58
Con phố nổi tiếng Hà Nội mang tên Đại thi hào Nguyễn Du với hồ nước đẹp và hàng cây hoa sữa vốn sôi động vào ban ngày nhưng tĩnh lặng và thơ mộng về đêm hoặc mỗi buổi sớm mai. Tại quán cafe ở cuối phố, hầu như mỗi sáng đều có một vị khách với bộ dạng “khá ngầu” đến sớm nhất. Hè thì quần bò, áo phông cộc tay, giày da không dây; Đông, thêm chiếc áo khoác dáng vẻ dặm trường hằn in. Vị khách có cặp mắt lồi, trán dô, cằm rộng, hàng ria mép rậm dày... Đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Một buổi sớm chỉ có mấy anh em trong quán cafe, kẻ hậu sinh này bạo khẩu “phán” với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Nhìn bác có dung mạo của một con sư tử”. Nghe vậy, với ánh mắt cương trực và nụ cười hiền, Nguyễn Quang Thiều nhả một câu: “Cảm ơn ông về nhận xét ngộ nghĩnh này”...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại thư phòng. Ảnh: Duy Hiển

Dòng sông Đáy êm đềm với những bến sông um tùm rặng nhãn cùng ruộng hoa cải vàng rực mênh mông mỗi độ xuân về, là kí ức sâu đậm với tuổi thơ tôi. Chiều chiều, bọn trẻ chúng tôi thường xuống bến sông bơi lội. Nước sông Đáy ngày ấy thật trong xanh. Cá tôm cũng thật nhiều. Những hôm trở giời, từng đàn cá nổi kín mặt sông, tôm tép lao xao búng mình trên mặt nước. Bờ sông có những đụn cát mịn màng và tinh khôi đến mức có thể nằm xoài mà ngắm trời ngắm đất mênh mông. Khi màn đêm buông, nhà nhà le lói ánh đèn dầu và không gian tịch mịch ven sông thi thoảng lại da diết tiếng gọi: “Đò ơi, ơi đò...!” của ai đó nhỡ đường hoặc có việc gấp phải qua sông.

Tác giả và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều "Cafe Đàm".

Bởi vậy mà từ lâu lắm rồi, khi đọc những truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều như “Mùa hoa cải bên sông”, “Hai người đàn bà xóm Trại”,... tôi có thể cảm nhận rõ, hay tôi ngửi thấy mùi đồng quê, sông nước, tôi sờ tay được vào những bông hoa cải hoang hoải một màu vàng ven sông, tôi đồng cảm và chạm được vào nỗi đau của bao phận người quê tôi và đất nước tôi. Hóa ra, cái ông nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quê làng Chùa (huyện Ứng Hòa, Hà Tây, nay là Hà Nội) ở bên này sông Đáy thì quê ngoại tôi ở bên kia sông Đáy. Cứ phục tài Nguyễn Quang Thiều nhưng không thể hình dung mai sau thường xuyên được cafe, đàm đạo với ông đủ chuyện trên giời dưới bể.

Mùa hoa cải bên sông Đáy. Ảnh: Duy Hiển

Với Nguyễn Quang Thiều, làng Chùa quê hương ông đã ăn sâu vào tâm thức, tưởng như ông có thể hiểu được nỗi niềm của mỗi phận người, thậm chí ông có thể "nghe" được một ngọn cỏ, một con kiến nói gì. Nhiều truyện ngắn của ông đều có bối cảnh làng Chùa, từ đất và người bên dòng sông Đáy quê lụa Hà Đông. Những câu chuyện Nguyễn Quang Thiều "kể", đều giản dị và mộc mạc nhưng ẩn chứa triết lý nhân sinh sâu sắc. "Mùa hoa cải bên sông" kể về những phận người bên dòng sông Đáy, những người hết sức bình thường: nông dân, người buôn bán nhỏ, thuyền chài... Đó là những con người có thể gặp ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, nhưng những khát vọng, mâu thuẫn giằng xé trong truyện lại mang hơi thở của thời đại. Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều thường thì không có nhiều nhân vật xuất hiện, cốt truyện đơn giản nhưng có tầm tư tưởng bởi nó khắc họa chân thực hơi thở của cuộc sống, nỗi đau của chiến tranh, khát vọng hòa bình...

Có lần, tôi hỏi Nguyễn Quang Thiều về nguyên mẫu trong truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông". Tôi cảm nhận nét thoáng buồn của ông khi nhớ về dòng sông tuổi thơ. Ông kể: "Ngày ấy tôi còn bé, tôi không nhớ rõ quê tôi có dịch bệnh gì nhưng đã có những người chết vì dịch. Hình ảnh hằn sâu trong tôi là dọc hai bờ sông trắng xóa vôi bột rắc để tẩy trùng. Người ta cảnh giác xua đuổi bất cứ người lạ nào xuất hiện, dù người trên bờ hay khách thương hồ - những người sống đúng nghĩa lấy nghề sông nước mưu sinh, nay đây mai đó, thuyền vừa là cần câu cơm, vừa là nơi trú ngụ mấy thế hệ trong gia đình...  Vì thế, đã có những đám tang của người dân sông nước bị ngăn cản, xua đuổi. Điều đó cứ mãi ám ảnh trong tôi".

Nguyên mẫu của Nguyễn Quang Thiều trong "Mùa hoa cải bên sông" là một cô gái mất khi còn trẻ cùng với một bào thai trong bụng. Cô mất trong chính lòng của con sông Đáy mà cô đã gắn bó từ khi cất tiếng khóc chào đời...

Bức tranh “Người thổi sáo 8” (sơn dầu trên toan, khổ 110 x 150cm) của Nguyễn Quang Thiều.

Chinh sống cùng gia đình trên chiếc thuyền. Trong truyện, họ không được phép lên bờ vì lời nguyền của cha cô. Nhưng, cuối cùng, cô đã lên bờ theo tiếng gọi của màu hoa cải vàng quyến rũ và bởi tiếng gọi của tình yêu với chàng trai sống trong một xóm trại ven sông. Khi biết cô có thai, cha cô trừng phạt cô và đưa cả gia đình đi biệt tích.

Nguyễn Quang Thiều từng tự bạch: "Truyện ngắn này được đạo diễn Khải Hưng làm thành phim “Lời nguyền của dòng sông” và giành Huy chương Vàng Liên hoan Phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993. Đấy là bộ phim truyền hình Việt Nam đầu tiên giành được một giải lớn như vậy.

Đạo diễn Khải Hưng đã hỏi ông chủ khảo Liên hoan phim vì sao ông trao giải cao nhất cho bộ phim đó thì ông ta trả lời: “Vì nó rất Việt Nam. Nó là của dân tộc anh”. Khi truyện ngắn này ra đời, nhiều người thích nhưng không tin trên đời lại có câu chuyện như vậy. Xin thưa, bảy mươi phần trăm của truyện ngắn này là sự thật. Chinh là một cô gái có thật và được tôi giữ nguyên tên của cô. Khi phim chiếu trên truyền hình, tôi về quê và sang sông thăm một người bạn học cũ. Bố cô Chinh đã già lắm nhưng vẫn chèo đò đưa khách sang ông. Con đò mà Chinh thường chở tôi sang sông đi học nay đã quá cũ nát. Ông bố Chinh có nói với tôi ông đã được xem bộ phim đó. Lúc đó tôi rất lo bị ông mắng vì đã mang chuyện gia đình ông lên phim. Nhưng, ông chỉ nói thế rồi lặng lẽ chèo đò"...

Bạn bè và người hâm mộ chúc mừng Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại buổi khai mạc triển lãm tranh "Người thổi sáo".

Thành danh trên văn đàn, tưởng vậy là an phận thì bất ngờ, cận tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lần đầu tiên Nguyễn Quang Thiều tổ chức triển lãm tranh cá nhân mang chủ đề "Người thổi sáo". Tôi từng nhiều lần sang phòng làm việc của Nguyễn Quang Thiều tại số 65 phố Nguyễn Du và bị lôi cuốn bởi những bức tranh "muôn hồng ngàn tía" của ông. Hình tượng trong tranh Nguyễn Quang thiều thường là con người, chim bồ câu, bình gốm và cây lá...

Trước ngày khai mạc, ông có mời một vài anh em văn sĩ đến dự cuộc gặp mặt thân mật để thông tin về triển lãm. Ông tâm sự với chúng tôi những kỉ niệm từ khi chập chững bước chân vào hội họa. Tôi thật sự ấn tượng bởi tư duy của ông về hội họa, về cách ông vẽ. Có lẽ giống như văn chương, trong hội họa ông cũng là một Nguyễn Quang Thiều không thể trộn lẫn vào đâu.

Nguyễn Quang Thiều bắt đầu vẽ từ tháng 1/2005. Ngày đó, một người bạn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông. Một buổi trưa, ông lấy tuýp màu bóp nhẹ lên toan. Một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn ông đi. Phạm Long Quận thấy vậy đã thúc giục Nguyễn Quang Thiều vẽ. Và ông bị những lời lẽ của Phạm Long Quận mê hoặc cùng với cái màu vàng hoang hoải như trong "Mùa hoa cải bên sông"...

Một bức tranh trưng bày tại triển lãm "Người thổi sáo"

Chỉ mấy tháng sau (tháng 5/2005), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được nhà văn Hoàng Minh Tường "lôi" vào cuộc triển lãm có tên "Nhà văn vẽ" cùng các nhà văn, họa sĩ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê. Trong triển lãm đó, Nguyễn Quang Thiều trưng bày 14 bức. Ông tặng bạn bè 3 bức, còn lại đã bán hết. Số tiền bán tranh đủ để ông xây một ngôi nhà nhỏ 2 tầng ở làng Chùa cho bố mẹ. Sau đó, ông không vẽ nữa và cũng nghĩ mình sẽ không bao giờ vẽ nữa. Ông chỉ nghĩ đơn giản là muốn vẽ thì phải học nhưng ông đã bước vào cái mốc “tri thiên mệnh”.

Nhưng một ngày của năm 2012 đã thay đổi ông. Hôm đó, ông Trịnh Văn Sỹ, một thành viên của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, mời mấy anh em đến nhà chơi. Vừa bước vào phòng khách nhà ông Sỹ, Nguyễn Quang Thiều sững người: trước mắt ông là những bức tranh giấy ông vẽ từ năm 2005 giờ được đóng khung treo trang trọng. Ông không biết vì sao Trịnh Văn Sỹ lại có chúng. Và câu chuyện ông Sỹ kể lại đã làm Nguyễn Quang Thiều xúc động mạnh. Mấy tuần trước khi mất, nhà thơ Dương Kiều Minh gọi ông Sỹ đến, đưa ra những bức tranh giấy và nói: "Bác Thiều đã vẽ những bức tranh này và bỏ đi. Tôi nhặt và giữ lấy. Bây giờ tôi không thể sống lâu được nữa. Tôi biết bác rất quý trọng bác Thiều nên đưa bác giữ”.

Người thổi sáo đầy suy tưởng.

Nhà thơ Dương Kiều Minh là hàng xóm của Nguyễn Quang Thiều. Họ thường trà đàm với nhau khi rảnh rỗi. Những lúc ấy Nguyễn Quang Thiều hay lấy giấy ra vẽ rồi bỏ đi vì biết rằng đó chỉ là trò nghịch như của một đứa trẻ. Dương Kiều Minh lặng lẽ thu lượm những bức vẽ đó và mang về giữ cẩn thận. Cũng năm đó, ông Sỹ xây xong nhà thờ và muốn Nguyễn Quang Thiều vẽ tặng một bức tranh. Nguyễn Quang Thiều lưỡng lự vì đã bỏ vẽ 7 năm rồi. Nhưng, chiều lòng bạn, ông đi mua một tấm toan 70 x 90cm và một vài tuýp sơn dầu nhỏ. Ông đã vẽ bức “Người thổi sáo 1” và nó sẽ được treo trong triển lãm tới đây như là sự khởi đầu.

Tên triển lãm "Người thổi sáo" cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời thực của Nguyễn Quang Thiều. Có một người thổi sáo mù đi qua quán cafe ông và bạn hữu hay ngồi ở Hà Đông. Nguyễn Quang Thiều đã đề nghị người thổi sáo mù thổi một khúc nào đó ông ấy thích nhất và giai điệu của khúc sáo ấy đã chạm vào một nơi chốn nào đó trong tâm hồn ông, thay đổi ông. Những phiền muộn trong ông bấy lâu bỗng tan biến.

Từ đó, Nguyễn Quang Thiều tiếp tục say đắm cùng cọ và toan. Đã có thêm những bức "Người thổi sáo" thứ hai, thứ ba và nhiều chủ đề khác. Hình tượng trong tranh của Nguyễn Quang Thiều vẫn tập trung vào con người, cây lá, chim bồ câu, bình gốm... Mỗi bức tranh của Nguyễn Quang Thiều đều ẩn chứa sự suy tưởng về phận người, về kiếp nhân sinh và những khát vọng cháy bỏng để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm mới đã cận kề. Ngoài nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại có thêm một họa sĩ cùng tên. Nhìn lại năm cũ 2020, chắc hẳn Nguyễn Quang Thiều khá hài lòng về những gì đã làm được, trong đó có "sự kiện" ông trở thành tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Mong lắm thay và cũng tin rằng, với uy tín trên văn đàn và thành thạo hai ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha), cùng với sự quảng giao với giới văn chương trong nước và quốc tế, Nguyễn Quang Thiều sẽ có nhiều đóng góp để quảng bá văn học, hội họa nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung với thế giới.

Hà Nội, cuối Đông năm Canh Tý 2020

Trần Duy Hiển
.
.
.