Thành phố và câu chuyện nhà vệ sinh công cộng

Thứ Ba, 21/02/2017, 08:05
TP Hồ Chí Minh đang mang trên mình hơn 10 triệu dân, nếu tính cả khách vãng lai, khách du lịch và người nhập cư thì tổng dân số không dưới 13 triệu người. Theo thống kê của ngành Du lịch, toàn thành phố chỉ có khoảng 208 nhà vệ sinh công cộng (nhà VSCC) thu phí. Trong số này có khoảng 155 nhà VSCC tập trung tại các quận nội thành, bến xe, tàu, khu du lịch, công viên và các chợ.

Nếu nhìn ở góc độ vệ sinh, chất lượng đạt chuẩn thì chỉ có 11 nhà VSCC tập trung chủ yếu tại quận 1 do Sở GTVT thành phố phối hợp với một đơn vị ngân hàng đầu tư xây dựng và phục vụ miễn phí được đánh giá là “có nhiều sao”. Hầu hết những nhà VSCC còn lại nằm trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và cực kỳ mất vệ sinh, mất an ninh trật tự.

Mới đây, chính quyền TP đang kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa cho thêm 1.000 nhà VSCC để giải quyết kịp thời tình trạng thiếu nhà VSCC phục vụ người dân, khách vãng lai, mà đặc biệt nhất là khách du lịch.

Nhà vệ sinh “có sao” và “không sao” tại khu vực Quận 1.

Cổ kim câu chuyện nhà vệ sinh…

Vào tháng 6 năm 2012, nhóm khảo cổ học người Australia do Tiến sỹ Macr Oxenham thuộc trường Đại học Australia sau nhiều tháng khai quật và nghiên cứu tại khuôn viên chùa Long Sơn, thuộc di tích Rạch Núi, (ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Đước, Long An) đã công bố trên báo nước ngoài thông tin ban đầu về việc tìm thấy dưới độ sâu 1,5m đến 2m một kiểu nhà vệ sinh lâu đời, cổ nhất Việt Nam và Châu Á, có niên đại trên 3.500 năm tuổi. Điều này không những có ý nghĩa rất lớn đối với ngành khảo cổ học Việt Nam mà còn liên quan đến tiến trình phát triển của các nền văn minh trên thế giới.

Thật ra, việc khai quật di tích khảo cổ Rạch Núi đã được Viện Bác cổ Đông Dương (Pháp) tiến hành vào các năm 1938, 1971, 1978, và lần vào năm 2003 do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành. Lần mới đây nhất do Trung tâm nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, Bảo tàng Long An phối hợp với Trường Đại học Australia tiến hành.

Kết quả từ 100 mẫu vật chất ban đầu nghi là mẫu phân có chứa các thứ như rau, xương cá, xương động vật, đồ gốm, cây khô, nền nhà, quả cau… có niên đại khoảng 3.500 năm từ cuối thời đại đồ đá mới chuyển sang thời đại sơ kỳ đồng thau. Nếu các phân tích khoa học có đầy đủ chứng cứ, cơ sở từ các nhà khảo cổ Úc, thì Việt Nam là nơi đầu tiên phát hiện một nhà vệ sinh cổ xưa nhất. Nó có thể cung cấp nhiều manh mối về sự tiến hóa của loài người khu vực Đông Nam Á từ xã hội nguyên thủy săn bắt, hái lượm sang xã hội cộng đồng biết canh tác nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản…

Và thời hiện đại...

Thời khai hoang mở đất phương Nam của tổ tiên người Việt trên đất Nam bộ, là một câu chuyện truyền kỳ về dấu tích của những nhà vệ sinh “cá vồ” trên ao, kênh, sông, rạch. Chỉ có những đô thị lớn như Sài Gòn, phát triển mạnh và hình thành các cộng đồng dân cư sầm uất bán buôn tấp nập trên bến dưới thuyền mới hình thành nên loại nhà VSCC. Ước khoảng hơn 10 năm nay, nhà VSCC tại thành phố này đã liên tục phát triển về số lượng nhưng chẳng thấm tháp vào đâu.

Hình ảnh phản cảm về ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng (ảnh Hoàng Triều).

Cô Lê Thị Thanh Trúc, hướng dẫn viên du lịch cho biết: Tụi em sợ nhất là khách nước ngoài lúc đi tham quan hỏi nơi “giải quyết nỗi buồn”. Người dân cũng than phiền nhiều về vấn đề này…

Hầu hết nhà VSCC đều đặt tại trung tâm quận 1, còn lại chỉ một số nơi đông đúc mới lác đác có nhà VSCC nhưng tất cả đếu rất bẩn, hôi hám, mất an toàn, an ninh. Ngay cả nhà VSCC “5 sao” tại một số công viên lớn, chuyện mất giày dép, mất xe do không ai trông vẫn xảy ra. Khi xuất hiện nhu cầu “giải quyết” căng thẳng, không thể nào đủ nhẫn nại chạy tìm bãi gửi xe rồi tìm nhà vệ sinh “giải quyết” nên tình trạng tiểu bậy bên đường thường xảy ra, nhất là các đoạn đường có bờ tường, công viên, cây bụi.

Nhiều tuyến đường dài dằng dặc cả chục cây số, tìm đỏ mắt cũng không thấy một nhà VSCC như đường 3-2, đường Cách mạng Tháng Tám, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Hoàng Sa, Trường Sa… Rất ít những đường như Nguyễn Văn Cừ, đoạn từ ngã 6 Cộng Hòa đến ngã tư Nguyễn Trãi khoảng 500m được bố trí 2 nhà VSCC ở hai đầu.

Lại nói chưa kể nhiều người “thà chịu phạt còn hơn vào nhà VSCC” vì sợ mất xe. Năm 2012, trên báo chí và mạng xã hội đã tưng bừng với hình ảnh nhóm tài xế taxi Vina Sun dừng xe “giải quyết nỗi buồn” tại cầu Mống, quận 1 là hình ảnh phản cảm nhất, khiến dư luận phẫn nộ. Vấn đề chính vẫn là ý thức của con người về văn hóa, văn minh, lịch sự, chưa nói đến vệ sinh môi trường.

Tối 15-2, đang lưu thông trên đường Thành Thái, bắt gặp anh Tuất - lái xe ôm dừng gần cổng trường Diên Hồng “tè” bậy gần trạm xe buýt, vờ hỏi không sợ bị phạt à ? Anh cười khì: Phạt thì chịu phạt, chứ biết “tè” đâu bây giờ?

Những số điện thoại “gái gọi, trai bao” và những câu văng tục không thể lặp lại được viết la liệt trên vách tường các nhà vệ sinh công cộng, từng là nỗi khổ, tan nát gia đình của nhiều chị em phụ nữ khi bị kẻ khác chơi khăm. Nhà VSCC từng là “trạm” dân nghiện hút chích, dân bụi đời tắm giặt và chiếm lĩnh, cát cứ riêng tại nhiều nơi. Ớn lạnh, đó là cảm giác chung của rất nhiều người khi bước chân vào nhà VSCC tại những nơi heo hút, khuất lấp...

Chuyện tiểu bậy gần như tràn lan mọi chỗ, mọi nơi trên các đoạn đường vắng, nhất là về đêm. Cho dù cơ quan chức năng có “thiên binh vạn mã” cũng không thể phạt được gì. Người buôn bán dạo, bán hàng rong ban đêm, dân cơ nhỡ, lang thang cũng quen sử dụng nhà VSCC là các lỗ cống thoát nước hay bất cứ chỗ khuất vắng nào, đặc biệt là các bờ tường, bờ kênh, cống và quanh các khu vực vây chắn của các công trình xây dựng đang thi công. Số đông còn rất thờ ơ trong việc giữ gìn vệ sinh. Bàn về văn minh thật quá khó khi còn thiếu quá nhiều nhà VSCC.

Phạt nặng hay tuyên truyền, giáo dục?

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ  Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến đã có cuộc họp với một nhà đầu tư về việc thực hiện xã hội hóa đề xuất xây dựng thêm 1.000 nhà VSCC. Doanh nghiệp này cũng cam kết tài trợ thêm 10 xe chuyên dụng vận chuyển nước, chất thải và 500 thùng rác công cộng cho thành phố. Thiếu nhà VSCC ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của người dân, trực tiếp ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch.

Người dân cũng bức xúc về thời gian hoạt động của các nhà VSCC, thường chỉ mở cửa từ sáng đến khoảng 17-18 giờ là đóng cửa. Một vài khu vực có đông người sẽ kéo dài đến 20h30’. Lý do này thuộc về chế độ của nhân viên phục vụ, khó đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho nhân viên thu phí khi màn đêm buông xuống, dễ bị kẻ xấu cướp giật, khống chế, đe dọa… Nhất là tại các công viên cây xanh, lúc cao điểm hoạt động của tội phạm ma túy, chích hút dạo nhởn nhơ trong công viên khi màn đêm buông xuống.

Cái khó của cơ quan quản lý đã kéo theo việc đóng cửa nhà VSCC ban đêm khá sớm. Rõ ràng là cần phải tính toán và áp dụng các biện pháp thích hợp hơn để hoạt động của nhà VSCC có thể kéo dài hơn vào buổi tối.

Khai quật tìm thấy di tích nhà vệ sinh cổ tại Rạch Núi, chùa Long Sơn, Cần Đước, Long An.

Có người tính sơ bộ rằng: Trên 13 quận huyện nội thành tại Tp Hồ Chí Minh hơn 5 triệu dân, thì cứ khoảng 40 ngàn người có một nhà VSCC và khoảng 5 con đường lớn nhỏ có 1 nhà VSCC. Do đó, người dân mỗi khi ra đường thường phải nơm nớp lo sợ có nhu cầu giữa thanh thiên bạch nhật không biết trông cậy vào đâu. Mức phạt của Nghị định 155 rất cao, mang tính răn đe cao, nhưng chắc chắn sẽ rơi vào một tình trạng khó như: người vi phạm không thể có đủ tiền nộp phạt vì quá nghèo, vì đa số là người lao động thất nghiệp, người bán hàng rong, vé số, lang thang…

Trước khi thực hiện nghiêm chế tài phạt, các cơ quan chức năng nên tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức công dân, đặc biệt là các em học sinh. Vì các em chính là kênh tuyên truyền nhắc nhở người lớn tốt nhất về ý thức chấp hành luật lệ giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, quyền trẻ em… Tại các trạm, nhà chờ, khu vực công cộng cần có những biển báo, hướng dẫn, chỉ dẫn từ địa chỉ bưu chính, ngân hàng, bãi gửi xe, nhà ga, bến tàu, cơ quan công quyền, nhà VSCC… làm sao để mọi người dân và du khách đều có thể xác định được vị trí gần nhất có thể sử dụng dịch vụ, nhờ can thiệp, giúp đỡ, liên hệ…

Nhà VSCC- câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng thực ra không hề nhỏ. Chính phủ Ấn Độ đã từng cho 200 triệu USD để đầu tư xây dựng nhà VSCC cho người dân, góp phần cải thiện môi trường sống và nâng chất lượng, nâng ý thức người dân vốn dĩ rất kém tại quốc gia này về vệ sinh, môi trường.

Hiện nay, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà cả Thủ đô Hà Nội và các thành phố khác ở nước ta, nạn xả rác và các chất thải bừa bãi làm mất vệ sinh và cảnh quan đô thị được coi là chuyện bình thường. Để khắc phục tình trạng này, biến TP Hồ Chí Minh sạch đẹp như Singapore cũng phải mất hàng chục năm. Do đó phải có một kế hoạch dài hạn căn cơ, chứ không thể hô hào chung làm theo kiểu phong trào là giải quyết được.

Phải tuyên truyền thường xuyên và liên tục về ý thức của người dân “ý thức sống có văn hoá”. Phải bắt đầu từ các cháu mẫu giáo, học sinh tiểu học, Trung học phổ thông, cho đến các khu dân cư để ai ai cũng có lòng tự trọng, biết xấu hổ khi có hành động thiếu văn hoá. Phải coi việc giữ gìn thành phố sạch đẹp là trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam.

Hoàng Châu
.
.
.