Phẫu thuật cột sống bằng robot tại Việt Nam: Giấc mơ có thật

Thứ Tư, 10/05/2017, 15:27
Bệnh viện Việt Đức - bệnh viện ngoại khoa hàng đầu của Việt Nam đã được các chuyên gia thế giới ghi nhận là trung tâm phẫu thuật cột sống (PTCS) ứng dụng định vị robot hỗ trợ chính xác Renaissance đầu tiên ở Đông Nam Á với nhiều bệnh nhân nhất và không để xảy ra bất kỳ tai biến nào. Đây thực sự là cơ hội đổi đời cho những người mắc bệnh cột sống lâu nay vốn phải chấp nhận “sống chung với bệnh tật”.

Đổi đời cho nhiều người bệnh

Dường như không có dấu ấn gì của một người từng bị vỡ nát 2 đĩa đệm, đau đớn đến mức không đi được và gần như phải nằm một chỗ suốt nhiều tuần liền, khi Thượng úy Đoàn Văn Hinh - Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nam Định xuất hiện tại hội thảo về phẫu thuật cột sống bằng robot định vị chính xác tổ chức tại Hà Nội vừa qua. Anh hoàn toàn khỏe mạnh và vẫn đang là một trinh sát năng động của Đội Trọng án - nơi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để đấu tranh với tội phạm trong mọi hoàn cảnh.

2 năm trước, Thượng úy Đoàn Văn Hinh tưởng mình đã phải bỏ nghề khi những cơn đau vì bị vỡ đĩa đệm cột sống dồn đến, khiến chân anh tê dại không đi đứng được. Nhiều người khuyên mổ, nhưng anh cũng rất lo xác suất tai biến rơi vào mình, khi chỉ một ly sai lệch là người bệnh có thể bị liệt toàn thân, thậm chí tử vong. Nhưng sau khi tìm hiểu, biết Bệnh viện Việt Đức mới triển khai kỹ thuật phẫu thuật bằng robot định vị, đảm bảo chính xác gần như tuyệt đối, nên anh đã mạnh dạn tìm đến Khoa PTCS (Bệnh viện Việt Đức).

Ở đây, anh đã được PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch - Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình châu Á và TS. Đinh Ngọc Sơn -Trưởng Khoa PTCS trực tiếp phẫu thuật bằng robot hỗ trợ chính xác Renaissance và thay đĩa đệm.

Ca mổ thành công và chỉ 8 ngày sau, anh được ra viện, hoàn toàn khỏe mạnh. Về đơn vị công tác từ đó đến nay, anh vẫn công tác bình thường, thậm chí, chạy nhảy, tập võ thuật như chưa từng phải mổ.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch (ngoài cùng bên trái) trao đổi với bệnh nhân được PTCS đầu tiên bằng robot tại Việt nam.

Thượng úy Đoàn Văn Hinh chia sẻ rằng anh thật sự bất ngờ khi sau mổ, cuộc sống của anh đã trở lại như cũ. Lãnh đạo đơn vị từng băn khoăn hỏi anh có đủ sức khỏe đảm nhiệm công việc khá nặng nề ở Đội Trọng án hay không và đơn vị sẵn sàng bố trí công tác phù hợp. Nhưng anh thấy không cần thiết bởi sau khi phẫu thuật, anh thấy khỏe mạnh như chưa từng bị mổ nên vẫn đảm đương được nhiệm vụ như trước đây.

Thượng úy Đoàn Văn Hinh chia sẻ: Thấy tôi được mổ thành công và hồi phục rất nhanh, ngay sau đó, mẹ tôi cũng lên Bệnh viện Việt Đức để được các bác sĩ PTCS bằng robot.

Bà Thái Thị Thanh (71 tuổi, Hà Tĩnh) - bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được PTCS bằng robot - cũng vui mừng cho biết, 5 năm qua, sau khi PTCS, cuộc sống của bà đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây, bà bị đau đến mức không thể ngồi, không đi được. Khi bác sĩ thông báo sẽ mổ bằng robot, bà cũng lo lắng vì là bệnh nhân đầu tiên, liệu có sai sót gì.

Nhưng ca mổ đã diễn ra suôn sẻ và thật bất ngờ là chỉ 6 ngày sau phẫu thuật, bà đã được ra viện và từ đó đến nay, những cơn đau đớn từng hành hạ bà đã chấm dứt. Bà đã tìm lại được sức khỏe như xưa để có một cuộc sống hạnh phúc, và chăm lo gia đình chu toàn như trước khi bị bệnh.

Cô bé Lê Hà Phương Anh (13 tuổi, ở Hà Nội) bị cong vẹo cột sống tới 57 độ, nên rất tự ti với bạn bè. Mẹ cháu kể, khi quyết định phẫu thuật cho con, gia đình cũng rất lo lắng vì sợ biết đâu, ca mổ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là cuộc sống tương lai của cô bé. Gia đình đã tìm hiểu một số bệnh nhân đã mổ, rồi được bác sĩ tư vấn, mới cảm thấy yên tâm.

Khỏi nói hết niềm hạnh phúc của gia đình khi chỉ vài ngày sau khi mổ, Phương Anh đã được ra viện. 2 năm qua, sau khi được chữa khỏi vẹo cột sống, cháu đã tự tin khi vui chơi và học hành cùng bạn bè. Đặc biệt, sức khỏe của Phương Anh vẫn phát triển bình thường như những bạn cùng tuổi.

Đó chỉ là một số trong gần 1.000 người được PTCS bằng robot định vị chính xác Renaissance thành công tại Khoa PTCS (Bệnh viện Việt Đức) 5 năm qua. Còn rất nhiều bệnh nhân nữa sau khi được PTCS bằng robot, cuộc sống đã thay đổi theo hướng tích cực, khi giã biệt những cơn đau đớn hoặc mặc cảm, để trở lại cuộc sống bình thường, thực hiện những khát vọng của riêng mình và tìm thấy hạnh phúc...

Kiểm tra bệnh nhân sau phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, một nữ bệnh nhân đã cao thêm được 8cm và hiện là giảng viên Đại học Thanh Hóa. Có bệnh nhân sau khi được mổ vẹo cột sống đã tự tin lấy chồng và sinh con, thực sự là niềm vui của những người thầy thuốc.

Từng có bệnh nhân nam sau khi chữa trị nam khoa không khỏi, đã tìm đến PGS.TS Nguyễn Văn Thạch xin được chữa bệnh đau cột sống, chỉ vì toàn bị người yêu bỏ do không có “khả năng đàn ông”. Với việc phẫu thuật bằng robot để thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng cho bệnh nhân, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch đã thực sự trao chiếc “chìa khóa” hỗ trợ thành công việc chữa căn bệnh “khó nói” cho bậc mày râu nọ.

Đây là những kỳ tích của Bệnh viện Việt Đức, vì PTCS là kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo căn bản, tay nghề điêu luyện và có kinh nghiệm. Bởi cột sống chứa tủy sống và các đám thần kinh quan trọng điều khiển hoạt động của cơ thể, nên chỉ cần thiếu chính xác một chút là có thể dẫn tới tổn thương gây liệt hoặc tử vong.

Phẫu thuật bằng robot lại càng không đơn giản vì thế hiện nay ở châu Á chưa nhiều nước áp dụng. Việt Nam hiện là nước ứng dụng robot hỗ trợ chính xác Renaissance đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ 2 ở châu Á.

Những đột phá trong điều trị bệnh cột sống

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch - người đã đưa kỹ thuật này về Việt Nam - chia sẻ: Năm 2000, lĩnh vực PTCS ở Bệnh viện Việt Đức là con số không về cả nhân lực lẫn thiết bị. Trong khi đó, tỉ lệ bệnh nhân bị bệnh về cột sống ở Việt Nam rất cao và hậu quả của căn bệnh này rất nặng nề, khi làm giảm chức năng hô hấp, tim mạch, sa ruột, sa dạ dày, chân vòng kiềng, bẹp lồng ngực, méo xương chậu, gây lệch trọng tâm cơ thể, căng thẳng thị giác, kém tập trung.

Trong số những người bị bệnh, có nhiều người mới ở tuổi thanh niên, trung niên và bệnh cột sống đã ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình, nhất là với nam giới. Nhiều người bị tổn thương cột sống nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dễ bị liệt, không có khả năng hồi phục.

Nhưng mãi đến năm 2003, BV Việt Đức mới mổ ca đầu tiên cho bệnh nhân bị vẹo cột sống do PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch thực hiện, ca mổ phải kéo dài tới 10 tiếng vì thiếu thiết bị y tế và các bác sĩ thì nơm nớp lo sợ không biết kết quả có tốt hay không. Đến năm 2007, Khoa PTCS mới được thành lập ở Bệnh viện Việt Đức, do PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch làm Trưởng khoa.

Từ đó, đây là nơi luôn chú trọng cập nhật và ứng dụng các công nghệ y học tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng chữa bệnh và cho nhiều người bệnh được điều trị: Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống bằng sóng cao tần; phẫu thuật nội soi qua lỗ liên hợp; lấy thoát vị qua da; cố định cột sống bằng phương pháp bắt vít qua da; tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học v.v... Đặc biệt, kỹ thuật robot trong PTCS đã nâng cao tính an toàn và hiệu quả cho từng ca mổ.

Một ca phẫu thuật bằng robot hỗ trợ chính xác Renaissance.

5 năm qua, đã có thêm nhiều bệnh nhân được mổ cột sống bằng robot. Theo TS. Đinh Ngọc Sơn - Trưởng Khoa PTCS: Quá trình triển khai PTCS ứng dụng robot hỗ trợ chính xác Renaissance, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật được 1.625 vít với độ chính xác đạt 98.3%, mức độ cải thiện triệu chứng lâm sàng thần kinh ở các bệnh nhân bệnh lý trượt thân đốt sống đạt kết quả tốt, không có biến chứng trong quá trình bắt vít, đặc biệt với những bệnh nhân phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống ngực - thắt lưng lối sau.

Thời gian phẫu thuật giảm nhiều so với phẫu thuật bắt vít kinh điển: Nếu trước đây một ca mổ phải kéo dài tới 10 tiếng, thì nay chỉ còn trung bình một tiếng rưỡi với bệnh nhân chấn thương cột sống và 3 tiếng với bệnh nhân trượt đốt sống, bao gồm cả ghép xương liên thân đốt.

TS. Đinh Ngọc Sơn cũng chia sẻ về những ưu điểm vượt trội cho người bệnh của phương pháp PTCS bằng robot: Hệ thống robot hỗ trợ chính xác Renaissance thay đổi kỹ thuật mổ cột sống ít xâm lấn từ phương pháp hoàn toàn bằng tay của các bác sĩ trước đây, sang dùng sự hỗ trợ của robot. Trong phương pháp mổ truyền thống, các bác sĩ phải tạo vết mổ lớn để có thể quan sát vùng cần mổ do đó, thường kéo theo các di chứng như sẹo lớn, các tế bào bị tổn thương nhiều nên sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi cùng các rủi ro như nhiễm trùng máu, mất nhiều máu.

Khác với phương pháp mổ mở, kỹ thuật mổ ít xâm lấn sẽ tạo vết mổ nhỏ hơn nhiều cho nên bệnh nhân ít đau hơn, ít di chứng hơn, nhưng vết mổ nhỏ cũng khiến cho các bác sĩ bị giới hạn tầm nhìn trong vùng cần mổ, nên phải chụp nhiều ảnh X quang để quan sát và điều này sẽ gây nguy cơ về ung thư cho các bác sĩ và cả bệnh nhân. Song, robot Renaissance giúp định vị và tiến hành các thao tác chính xác nhất trên xương sống người bệnh mà lượng tia X phát ra lại giảm tối đa.

Với robot hỗ trợ chính xác Renaissance, các bác sĩ nhập các thông số của người bệnh, rồi lập kế hoạch các bước mổ và cả các cách mổ trên robot trước, lập trình và đánh giá được kết quả với độ chính xác tới 99% - điều đã được các nhà phẫu thuật trên thế giới công nhận. Kết quả lập trình trước cho phép các bác sĩ chọn giải pháp pháp, chỉnh được hướng vít, tính được độ dài của vít ở nhà, khi mổ chỉ việc thực hiện theo hướng dẫn của robot. Đây là phương pháp duy nhất mà bệnh nhân được xem trước việc tiến hành mổ và kết quả sau mổ. Với việc lập trình trước nên dù cuống sống có nhỏ cỡ nào các bác sĩ cũng vẫn bắt vít được.

Kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn cố định cột sống ngực - thắt lưng bằng nẹp vít phía sau có sử dụng robot hỗ trợ trong điều trị, giúp cho việc bắt vít đảm bảo chính xác, hạn chế được việc gây ra các tổn thương thần kinh, nâng cao tính an toàn và rút ngắn thời gian phẫu thuật. Do vết mổ nhỏ nên bệnh nhân ít đau, hồi phục nhanh, xuất viện sớm hơn và bệnh nhân đứng lên đi lại sớm nhất so với tất cả các phương pháp khác.

Nhờ mổ bằng robot, giờ đây, Bệnh viện Việt Đức đã có thể mổ cột sống cấp cứu - điều mà 10 năm trước còn là một giấc mơ. Hiện tại, ngày nào Khoa PTCS cũng mổ ít nhất 1 ca, có ngày 2 ca và vào mùa hè, tỉ lệ này thường tăng cao do các cháu học sinh được nghỉ hè và những trẻ bị vẹo cột sống sẽ mổ nhiều hơn.

Điều đáng nói là mặc dù là kỹ thuật cao nhưng chi phí cho một ca phẫu thuật bằng robot ở BV Việt Đức rẻ hơn nhiều so với ở nước ngoài, người bệnh lại không phải ra nước ngoài điều trị, nên giảm chi phí rất nhiều. Đặc biệt hiện nay, phương pháp phẫu thuật bằng robot hỗ trợ chính xác Renaissance đã được bảo hiểm y tế thanh toán nên càng tạo cơ hội cho nhiều người bệnh về cột sống được điều trị.

Ghi nhận thành tựu đi đầu trong ứng dụng thành công robot vào phẫu thuật cột sống của Việt Nam, tháng 4-2017, Tổ chức Nghiên cứu và ứng dụng robot trong PTCS quốc tế đã tặng Khoa PTCS và PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch Kỷ niệm chương “Vì sự tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng robot hỗ trợ chính xác Renaissance để điều trị cho người bệnh”.

Thanh Hằng
.
.
.