Phạm Băng Băng trốn thuế bằng hợp đồng âm - dương

Thứ Năm, 20/09/2018, 15:46
Phạm Băng Băng, ngôi sao điện ảnh hạng A Trung Quốc từng xuất hiện trong những “bom tấn” Hollywood như “X-Men” và “Iron Man”, có hơn 62 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Trung Quốc, là gương mặt quảng cáo cho nhiều thương hiệu xa xỉ thế giới, đã biến mất khó hiểu sau bê bối bị điều tra trốn thuế. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc siết chặt quản lý ngành giải trí.

Hợp đồng âm - dương

Phạm Băng Băng đã biến mất từ tháng 6 - khi thông tin bắt đầu lan truyền về việc cô liên quan tới cuộc điều tra trốn thuế trong ngành điện ảnh. Thậm chí còn có đồn đoán Phạm Băng Băng bị bắt giam.

Các phóng viên không thể liên lạc với nữ diễn viên. Các cuộc gọi tới công ty quản lý của cô đều không có người hồi đáp. Khi phóng viên hỏi về nữ diễn viên họ Phạm, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại: “Anh có nghĩ rằng đây là câu hỏi về vấn đề ngoại giao không?”, Bộ Công an Trung Quốc cũng từ chối bình luận.

Vụ bê bối bắt đầu từ cuối tháng 5, khi cựu người dẫn chương trình truyền hình Trung Quốc Cui Yongyuan cho rằng Phạm Băng Băng đang thực sự làm tổn thương ngành điện ảnh Trung Quốc với mức lương khủng.

Yongyuan đã tiết lộ một tài liệu cho thấy Phạm Băng Băng đã được trả 1,56 triệu USD cho bộ phim “Unbreakable Spirit”. Sau đó, Yongyuan đã chia sẻ một tài liệu khác cho thấy Phạm Băng Băng được trả thêm một khoản 7,8 triệu USD cũng với vai diễn đó trong phim “Unbreakable Spirit”. Hai tài liệu khiến người ta nghĩ ngay tới khả năng nữ diễn viên dường như đang sử dụng hai hợp đồng để trốn thuế.

Hợp đồng mà công chúng nhìn thấy, tức hợp đồng “dương”, có số tiền nhỏ hơn và là hợp đồng sẽ được dùng để khai thuế. Trong thực tế, số tiền mà diễn viên được hưởng cao gấp nhiều lần sẽ xuất hiện trong hợp đồng “âm” bí mật và không bị đánh thuế.

Nữ diễn viên Phạm Băng Băng dính nghi án trốn thuế.

Phần phụ lục trong các hợp đồng cũng bị đưa ra mổ xẻ. Người hâm mộ soi các chi tiết như nữ diễn viên yêu cầu cung cấp hai xe limousine, một người luyện giọng, 235 USD tiền thức ăn hằng ngày và một người trang điểm được trả lương tới 12.500 USD.

Sử dụng loại hợp đồng đôi, còn được gọi là “hợp đồng âm - dương” không phải là điều bất thường trong ngành giải trí Trung Quốc. Tuy nhiên, với vụ của Phạm Băng Băng, tin tức về nghi vấn trốn thuế ngay lập tức lan truyền như vũ bão. Tổng cục Thuế nhà nước Trung Quốc đã điều tra nghi vấn.

Phạm Băng Băng phủ nhận cáo buộc sử dụng hợp đồng âm - dương. Nhà sản xuất bộ phim bác bỏ. Trường quay do Phạm Băng Băng thành lập cũng ra tuyên bố bác bỏ thông tin nữ diễn viên dính líu tới hợp đồng âm - dương, đồng thời cáo buộc ông Cui phát tán tin đồn. Cui Yongyuan về sau nói rằng hợp đồng âm 7,8 triệu USD không phải là của Phạm Băng Băng. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu điều tra trường quay của Phạm Băng Băng.

Thù lao cho người nổi tiếng là một vấn đề nhạy cảm trong ngành điện ảnh Trung Quốc. Ngày 4-6, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã đưa tin rằng cơ quan thuế bắt đầu điều tra việc nộp thuế của một số nhân vật có thù lao cao trong ngành truyền hình và điện ảnh.

Ông Shi Zhengwen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật Thuế và Tài chính thuộc Đại học Luật và Khoa học chính trị Trung Quốc, nhận định: Hợp đồng âm - dương là biện pháp trốn thuế phi pháp và là cách phổ biến mà những người có thu nhập cao áp dụng. Nếu Phạm Băng Băng không đóng 10% tiền thuế, cô có thể đối mặt với 3 năm tù giam và nếu không đóng 30% tiền thuế, mức án tù có thể là từ 3 đến 10 năm.

Sau nghi vấn trốn thuế, Phạm Băng Băng biến mất khỏi mạng xã hội, biến mất trước công chúng vào tháng 7. Lần cuối cùng người hâm mộ nhìn thấy Phạm Băng Băng là vào ngày 1-7 khi cô thăm một bệnh viện nhi ở Thượng Hải. Lần cuối cùng cô bấm nút “like” một bài đăng trên mạng xã hội Sina Weibo là ngày 23-7.

Hồi tháng 8, tờ Securities Daily đưa tin nữ diễn viên 36 tuổi đã bị bắt vì tội trốn thuế, nói rằng cô bị kiểm soát và sẽ chấp nhận phán quyết pháp lý. Tuy nhiên, mẩu tin đã bị gỡ khỏi trang web, khiến dư luận càng thêm nghi ngờ.

Đã xuất hiện tin đồn Phạm Băng Băng bị cấm diễn trong 3 năm vì sử dụng hợp đồng âm - dương. Một số nhân viên của Phạm Băng Băng được cho là đang bị công an điều tra. Nữ diễn viên và em trai Phạm Thừa Thừa bị cấm rời Trung Quốc. Thậm chí còn có tin cô xuất hiện ở văn phòng di trú Los Angeles, Mỹ.

Danh tiếng của cô liên tục bị giảm sút. Ngày 11-9, Báo cáo trách nhiệm xã hội ngôi sao truyền hình và điện ảnh của Trung Quốc đã xếp hạng Phạm Băng Băng ở vị trí cuối cùng. Báo cáo này xếp hạng các ngôi sao dựa trên công việc chuyên môn, công việc từ thiện và hành vi ứng xử.

Nữ diễn viên có rất nhiều người hâm mộ tại Trung Quốc.

Tên của Phạm Băng Băng đã bị gỡ khỏi poster phim “Unbreakable Spirit”. Ngày phát hành bộ phim cũng bị hoãn từ tháng 8 sang tháng 10. Một bộ phim khác mà Phạm Băng Băng có vai diễn cũng bị hoãn và chưa có ngày ra mắt. Một nhà phê bình phim độc lập cho biết vai diễn của Phạm Băng Băng trong phim này đã bị loại bỏ trong khâu biên tập.

Các thương hiệu mà nữ diễn viên này đại diện cũng tuyên bố chấm dứt hợp tác, ví dụ như công ty Australia Swisse Wellness hay một cửa hàng miễn thuế ở Thái Lan. Thương hiệu Đức Montblanc hợp tác với Phạm Băng Băng từ tháng 4 đã xác nhận chấm dứt hợp đồng. Công ty kim cương De Beers đã gỡ hình ảnh của nữ diễn viên khỏi trang web.

Theo Nhân dân Nhật báo, vụ việc của Phạm Băng Băng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm liên quan tới vấn đề trốn thuế thông qua hợp đồng âm - dương.

Theo ông Leng Xuefeng, một chuyên gia thuế ở Bắc Kinh, không thể ước tính số tiền thuế thất thoát thông qua hợp đồng âm - dương. Theo ông, chính phủ cần phải có công nghệ dữ liệu mới để thực thi luật thuế.

Siết chặt ngành giải trí

Vụ bê bối trốn thuế của Phạm Băng Băng diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát ngành giải trí nhằm loại bỏ những hành vi đi ngược lại với giá trị xã hội chủ nghĩa.

Cơ quan quản lý Trung Quốc đã đưa ra quy định giới hạn mức lương của các ngôi sao, theo đó mức lương mà các diễn viên nhận không thể vượt quá 40% tổng ngân sách sản xuất một bộ phim. Thù lao của diễn viên chính cũng không thể vượt quá 70% tổng thù lao của cả dàn diễn viên.

Theo Chính phủ Trung Quốc, thù lao quá cao dành cho diễn viên đã làm tăng chi phí sản xuất truyền hình và phim, ảnh hưởng tới chất lượng của cả ngành truyền hình và điện ảnh nước nhà, hủy hoại tính lành mạnh của ngành truyền hình, điện ảnh.

Những vấn đề đó đã hình thành xu hướng tôn thờ tiền bạc, bóp méo các giá trị xã hội và khiến thế hệ trẻ lạc lối khi quá tôn thờ thần tượng. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các đơn vị sản xuất ưu tiên lợi ích cho xã hội hơn là chỉ quan tâm tới doanh thu phòng vé, chỉ số xếp hạng và lượt xem.

Ông Si Ruo, một nhà nghiên cứu thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho biết: “Luật mới của chúng tôi về quảng bá phim ảnh nói rằng các nghệ sĩ cần phải theo đuổi cả phát triển sự nghiệp và hành vi đạo đức. Trong vài năm qua, ngành điện ảnh phát triển không bị kiểm soát, chúng tôi có thể đã bỏ qua nhu cầu cần có nguồn năng lượng tích cực. Sự can thiệp của chính phủ là hợp lý”.

Cuộc làm sạch nền văn hóa ở Trung Quốc không chỉ diễn ra trong ngành điện ảnh mà còn nhằm cả vào trò chơi điện tử, các blogger trực tuyến và nghệ sĩ rap. Báo chí Trung Quốc gần đây bắt đầu sử dụng cụm từ “nghệ sĩ hư hỏng” để nói về các nghệ sĩ có hành vi không chuẩn mực. Giới chức Trung Quốc cam kết cấm những ngôi sao có cách hành xử tồi tệ như nghiện ma túy, đánh bạc hay mua dâm.

Trong một bức thư mở, các thành viên Hiệp hội Thương mại biểu diễn Bắc Kinh cho biết sẽ thanh lọc ngành giải trí và biểu diễn ở thành phố và hướng các nghệ sĩ tới giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi.

Trong cuộc thanh lọc thế giới nghệ thuật, chỉ có một số ít nghệ sĩ không bị ảnh hưởng. Mới đây, một ban nhạc grunge ở Bắc Kinh đã gặp vấn đề vì cái tên và buộc phải đổi tên tạm thời thì mới được diễn trong buổi hòa nhạc ở Thượng Hải. Nhiều nền tảng truyền thông lớn đã bị “sờ gáy” vì không kiểm duyệt nội dung đầy đủ, trong đó một số đã phải ngừng hoạt động trang web. Để được cấp phép nhanh hơn, các nhà sản xuất trò chơi điện tử đã đưa thêm yếu tố yêu nước Trung Quốc vào trò chơi.

Phạm Băng Băng (bìa phải) nổi tiếng từ khi đóng phim truyền hình “Hoàn Châu cách cách”.

Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách mới để nhanh chóng loại bỏ những ưu đãi thuế mà các nghệ sĩ từng được hưởng. Bà Claire Dong, luật sư tại Công ty luật Tiantai ở Bắc Kinh, nói: “Đây là điều chính phủ cần làm. Chính phủ cần hướng nghệ sĩ tập trung hơn vào diễn xuất, chứ không phải kiếm tiền”.

Ngành giải trí Trung Quốc từ lâu đã hình thành một luật chơi riêng. Trong khi ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hollywood, lương nghệ sĩ chiếm từ 10 đến 30% chi phí sản xuất bộ phim, còn ở Trung Quốc, con số này thường vượt 50%, thậm chí 75%.

Nhiều đơn vị trong ngành giải trí Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố ủng hộ chính sách của chính phủ. Giữa tháng 8, ba trang video trực tuyến lớn ở Trung Quốc là iQiyi, Youku và Tencent cùng sáu công ty sản xuất truyền hình và phim lớn đã tuyên bố hợp tác để ngăn chặn nghệ sĩ hưởng lợi bất hợp lý và chống lại xu hướng không lành mạng trong ngành.

Ở Trung Quốc, tổng thù lao của những “ngôi sao truy cập” tăng vọt nhờ họ thu hút được một lượng người hâm mộ khổng lồ trực truyến và từ đó tạo ra các giá trị thương mại khổng lồ trên mạng. Tuy nhiên, giá trị thương mại cao không có nghĩa là chất lượng các tác phẩm cao. Để trả thù lao cao cho diễn viên chính, chi phí cho các phần khác trong sản xuất phim như bối cảnh, trang phục, biên tập đã bị hi sinh; thù lao của các vai diễn nhỏ cũng tương đối thấp.

Trung Quốc là thị trường giải trí lớn. Mảnh đất béo bở này khiến nhiều hãng phim Trung Quốc đua nhau sản xuất phim. Tuy nhiên, năm 2017, chỉ khoảng một nửa trong số 800 phim sản xuất tại Trung Quốc ra được rạp chiếu. Trong số 400 phim ra rạp, chưa đầy một phần tư số phim bán được ít nhất 14,5 triệu USD tiền vé.

Doanh số bán vé tăng vọt đã gây ra các cuộc chiến tranh giành các diễn viên hàng đầu trong ngành vốn không có nhiều. Họ là một đảm bảo cho thành công về doanh thu của một bộ phim. Tuy nhiên, gần đây, có một số bộ phim đi ngược xu hướng này. “Diên Hy công lược” là bộ phim truyền hình đang gây mưa gió với người hâm mộ dù không có những ngôi sao nổi tiếng.

Giám đốc Điều hành iQiyi Gong Yu cho rằng thành công của bộ phim mang bước ngoặt mới và cơ hội mới cho một ngành mà từ lâu đã chịu áp lực trả thù lao quá cao cho diễn viên nổi tiếng. Ông nói: “Ngành giải trí cần chấm dứt trả thù lao quá cao cho người nổi tiếng trong các bộ phim chất lượng thấp chỉ vì họ có nhiều người hâm mộ”.

Để hạn chế xu hướng trả thù lao quá cao cho diễn viên, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức đưa ra thông báo năm 2017 yêu cầu các nền tảng video trực tuyến không chỉ coi trọng ý muốn của các ngôi sao, đồng thời đặt ra mức thù lao trần cho các diễn viên trong một bộ phim.

Theo một nhân vật trong ngành giải trí Trung Quốc, nếu Chính phủ Trung Quốc điều tra toàn diện ngành này theo luật thuế thì không có công ty nào trong ngành vô can.

Quay trở lại với Phạm Băng Băng, nếu quả thật cô bị bắt giam, điều đó sẽ không khác gì án tử trong ngành giải trí - ngành mà cô sẽ không thể quay trở lại.

Nhật Minh
.
.
.