Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Phải viết tiếp cuộc đời còn dang dở…

Thứ Tư, 31/08/2016, 18:15
Những ồn ào rồi cũng qua đi, những cơn bực tức rồi cũng qua đi, nhà văn Trung Trung Đỉnh, một con người nhỏ thó, lém lỉnh và hài hước đã tạm gác chuyện công việc sang một bên để hồi ức lại một quãng thời gian dài đắm mình trong văn chương, nghệ thuật, một thứ bùa mê mà ông đã trót mang theo suốt một kiếp người.

Những ngày này, việc nhà văn Trung Trung Đỉnh về hưu, rời khỏi chiếc ghế Giám đốc NXB Hội Nhà văn đang được nhiều người quan tâm. Quan tâm bởi vì những phản ứng của ông trước sự đường đột của tờ giấy quyết định về hưu. Ông cho rằng, với một người có nhiều năm gắn bó với NXB như ông, cần thiết phải có một nghi lễ nghỉ hưu trang trọng hơn là việc nhận được một tờ thông báo gấp rút nghỉ để bàn giao cho người khác...

Những ồn ào rồi cũng qua đi, những cơn bực tức rồi cũng qua đi, nhà văn Trung Trung Đỉnh, một con người nhỏ thó, lém lỉnh và hài hước đã tạm gác chuyện công việc sang một bên để hồi ức lại một quãng thời gian dài đắm mình trong văn chương, nghệ thuật, một thứ bùa mê mà ông đã trót mang theo suốt một kiếp người. Ông cũng khoe vừa cho ra đời tập trường ca "Đá và em" và "Chàng trai bằng đá" trong cơn bạo bệnh phải thay thận để bảo toàn tính mạng.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh là người ít bộc lộ về mình, càng không hay nói về những điều đang diễn ra. Cái vẻ lặng lẽ khiến ông như thành một người khó tính, khó gần, khó gợi chuyện. Nhưng một khi hiểu ông, một khi khơi gợi được mạch nguồn văn chương trong ông, cái mạch nguồn như vỉa quặng lâu ngày được khai thác thì nó lại tuôn tràn như dòng nham thạch.

Còn nhớ những ngày bộ phim "Ngõ lỗ thủng" dài 29 tập (đạo diễn Quốc Trọng) được chuyển thể từ hai cuốn tiểu thuyết "Ngõ lỗ thủng" và "Tiễn biệt những ngày buồn" của ông, do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, phát sóng vào "giờ vàng" đã làm mưa làm gió trên sóng truyền hình, tôi có đến tìm ông.

Tôi hỏi nhà văn Trung Trung Đỉnh: "Ngõ lỗ thủng" nó ở đâu và... như thế nào mà đã đi vào tiểu thuyết, vào phim đầy hình tượng đến vậy? Ông cười: "Nó chỉ đơn giản là một cái ngõ nhỏ như bao con ngõ khác ở xứ sở này. Nó ở gần phố Vân Hồ 3, nơi tôi và rất nhiều bạn văn đã sống ở đó trong những ngày gian khổ của đất nước. Bản thân ngõ nhỏ đó không có tên, nhưng những người đi tập thể dục đã khoét một lỗ thủng để đi vào công viên Thống Nhất. Đó là một lối đi đến công viên gần nhất của những hộ sống gần đấy. Tôi gọi nó là "ngõ lỗ thủng" đúng như thực tế vốn có của nó mà thôi".

"Ngõ lỗ thủng" và "Tiễn biệt những ngày buồn" là hai cuốn tiểu thuyết được nhà văn Trung Trung Đỉnh viết vào những năm 80 (của thế kỷ XX). Câu chuyện xảy ra trong tiểu thuyết cũng là câu chuyện chính cuộc đời ông đã đi qua và nếm trải. Đó là cuộc sống của những người dân trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với ngổn ngang bao sự đổi thay. Đặc biệt, trong phim, hình ảnh anh Gù là hình tượng xuyên suốt đầy ám ảnh.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh tâm sự rằng, anh Gù là một nhân vật đã đeo đẳng tâm trí ông suốt một thời gian dài. Đây là một nhân vật hoàn toàn có thật. Anh Gù sống bằng tiền bán nước chè, thuốc lào ở đầu ngõ lỗ thủng. Trong cuộc đời thật, anh Gù bị liệt hai chân bẩm sinh. Hai tay và chiếc ghế đũn là vật duy nhất giúp anh đi lại. Anh sinh ra vốn dĩ không bị gù nhưng vì lưng là nơi chịu lực cho cơ thể anh di chuyển nên lâu dần, anh đã thành anh Gù như cách mà người đời vẫn gọi.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh và tác phẩm.

Tuy không đi lại được nhưng cái "uy" của anh Gù rất lớn. Người tử tế cũng nể anh, mà kẻ bụi đời, bặm trợn cũng sợ anh một phép. Anh thường làm nhiệm vụ của người giữ "cán cân công lý" đứng ra xử lý hết những việc nhỏ to va chạm của khu phố, mà chỉ giải quyết bằng sức mạnh của tinh thần.

Tôi vẫn nhớ - nhà văn Trung Trung Đỉnh kể lại - có một vụ tranh chấp, giành giật khách hàng trong ngõ phố không ai chịu ai, cãi cọ om sòm, mấy ông thanh niên phải bế anh Gù đến tận nơi để giải quyết. Và thường thì các việc được anh Gù đứng ra can thiệp đều êm thấm. Tôi nghiệm ra rằng, ẩn sâu trong con người xấu xí ấy là một trái tim mạnh mẽ. Anh Gù có uy lực tinh thần, được tin yêu vì anh không chỉ sống cho riêng mình mà anh biết sống, biết nghĩ về những người khác, mang cái tốt lành đến cho láng giềng, chòm xóm.

Khác với tiểu thuyết, trên màn ảnh có nhiều chi tiết đã được đạo diễn, nhà biên kịch thêm hoặc bớt để đúng với câu chuyện "xi-nê", không phải là kiểu diễn tả tâm lý nhân vật như trong tiểu thuyết. Tôi hỏi nhà văn Trung Trung Đỉnh: "Ông có tán thành việc thay đổi của đạo diễn và nhà biên kịch?".

Nhà văn Trung Trung Đỉnh lắc đầu: "Tôi không xem phim nên không biết đạo diễn đã cho các nhân vật tính cách tốt xấu thế nào, nhưng trong tiểu thuyết của tôi thì các nhân vật đều là người tốt. Vì họ đều là những người cùng chung cảnh ngộ, cùng đi qua cuộc chiến tranh của dân tộc, cùng cảm thông và thương nhau.

Tôi viết "Ngõ lỗ thủng" và "Tiễn biệt những ngày buồn" là viết về những con người của một thời chỉ tin vào những tình cảm trong sáng. Nhóm người này quan niệm rằng: Sống ở trên đời có khó khăn đến đâu chỉ cần có tình cảm với nhau là vượt qua hết. Mặc dù thực tế là khi họ mang niềm tin, tình cảm đó để đi xin việc, đi nhờ vả thì chẳng ai đón nhận cả. Sự sụp đổ niềm tin đến không chỉ với nhóm bạn này, mà ngay với cả bà Điếc, một nhân vật có tên mà đã thành không tên trong đời sống. Trong giây lát, bà Điếc sụp đổ hoàn toàn.

Cả đời bà đơn chiếc, chỉ có một "mẩu vàng" là niềm tin cho bà dựa dẫm, bỗng chốc cuối đời bà phát hiện ra đó là vàng giả. Sự sụp đổ ấy, còn ghê gớm hơn cái chết. Tôi muốn đưa ra một thông điệp về cuộc sống, về con người với những "lỗ thủng" - Đó không còn là cái lỗ đục tường làm nơi qua lại công viên. Nó đã trở thành lỗ thủng của nhân cách, của tri thức, của văn hóa len lỏi trong từng con người".

Như được lục lại trong ký ức, nhà văn Trung Trung Đỉnh kể cho tôi về quãng thời gian sống trong khu tập thể ở Vân Hồ với cái ngõ lỗ thủng đã đi vào đời sống, đời viết của ông. Tiểu thuyết "Ngõ lỗ thủng" hồi ông mới hoàn tất cũng chưa được các nhà xuất bản "vồ vập" ngay đâu, vì nó đã đề cập đến những vấn đề khá nổi cộm của cơ chế xã hội lúc bấy giờ.

Cho đến nay, những người cùng thế hệ ông vẫn chưa quên được những ngày gian khó ấy. Nói là "tiễn biệt những ngày buồn" nhưng thực chất lại là lưu giữ nó, gặm nhấm nó như một vết sẹo trong tâm hồn, trong ký ức.

Để mỗi lần nghĩ về ngõ lỗ thủng là ông lại nhớ về cái quán nước chè của anh Gù, nơi mà ông coi như "ngôi nhà thứ hai" của mình. Bởi đó là nơi mang lại cho ông những câu chuyện, những cảnh đời có thật để đưa vào trang viết.

Có lẽ Trung Trung Đỉnh là nhà văn duy nhất không có ý thích xem lại phim chuyển thể từ hai cuốn tiểu thuyết ghi dấu cả một giai đoạn đáng nhớ của cuộc đời mình. Và ông cũng nằm trong số hiếm hoi những nhà văn viết lời nhạc (nhạc của Trọng Đài - PV) cho bộ phim được chuyển thể ấy. Lời hát là lời trái tim ông cất lên thành thơ, là nỗi lòng ông đang trĩu nặng tâm tư, ký ức về tháng ngày sống cùng những nhân vật trong ngõ lỗ thủng, cùng với tấm lòng bè bạn chưa hề mờ phai trong tâm trí.

Lời bài hát đau đáu rằng: "Cõi người ta/ Cõi người ta/ Niềm vui thì ít, xót xa thì nhiều/ Nỗi buồn níu giữ tình yêu/ Cái nông nổi giữa trăm chiều dở dang/ Bao giờ hết gió mùa đông/ Thì buồn em mới dám không buồn người...". Nó là một trong những lý do để sau này, ông làm thơ, viết trường ca. Những câu thơ như rút ruột gan mình. Ông kể: "Tôi có hai cái trường ca. Một trường ca về Tây Nguyên viết trước năm 75 và trường ca "Đá và em" được viết sau năm 1975".

Nhà văn Trung Trung Đỉnh (thứ 3 từ trái qua).

Tôi tặng "Đá và em" cho một cô gái Tày đẹp mê hồn, hồi ấy cô mới mười tám, đôi mươi, còn tôi trên ba mươi tuổi. Tôi lên thăm nhà vua Mèo sau mê quá ở lại chơi lang thang một mình trên Đồng Văn. Cũng có một lí do khách quan là đường giao thông hồi đó rất xấu và nguy hiểm, nên thời gian dừng chân ở cao nguyên đá hơi lâu. Sau ba tháng một mình lang thang hết bản nọ, bản kia, phải lòng cô gái Tày tươi trẻ "đẹp mê hồn", trong trạng thái "uống rượu ngô say tít mù" tôi đã hoàn thành trường ca "Đá và em".

Tôi chia trường ca thành...  5 bát rượu ứng với ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây là mấy câu thơ trong "Bát thứ 3: Thủy": "Rượu đốt cháy anh/ Rượu đốt cháy em/ Ta đốt cháy nhau tan thành đêm quỷ/ Núi đá trơ cằn cay đắng bình minh/ Em sợ rượu/ Sợ em/ Sợ lời tử tế/ Có gì đâu rượu dối trá như người". Phần "Vỹ thanh" khép lại trường ca "Đá và em" một thuở là những câu thơ đầy tâm trạng: "Không có đá Đồng Văn thành nỗi sợ/ Không có em Hà Nội hóa sương mù/ Ta cầm gió về sông ta thả/ Nho Quế ơi/ Hà Nội đá và em...".

Ở vào tuổi 67, nhà văn Trung Trung Đỉnh vừa thoát khỏi cơn bạo bệnh trong đời, đó là thay thận thành công. Ông kể lại: "Hồi còn học phổ thông, tôi rất mê ngành sinh học. Tôi đã mơ trở thành nhà nông học chuyên ghép cây cối và cả mê ghép giống cho các con vật. Nhà tôi có đất có vườn. Bố mẹ dành cho tôi một khoảnh đất (24m²) để tôi tha hồ cấy ghép cây gì tùy thích. Tôi ghép thành công bưởi đào với bưởi trắng. Tôi ghép thành công các loại hoa hồng với nhau.

Vì còn nhỏ nên tôi chưa thực hiện được phối giống các con vật nhưng tôi mơ thấy mình phối cho các con gà và vịt, ngan và... chim. Câu chuyện trong mơ cứ kéo dài mãi tới khi đã ngoài 60 tuổi, tôi mơ viết một cuốn truyện thiếu nhi. Thực ra tôi đang viết dở cuốn truyện "Bay về tuổi thơ" kể về nhà sinh học nhỏ tuổi ghép thành công nhiều loài cây trái và...

Như là định mệnh. Như là cái số. Cuốn truyện mới viết xong phần mở đầu thì tôi phải nằm viện và phải... đi chạy thận rồi ghép thận. Tôi chưa hề có khái niệm gì về căn bệnh này.

Điếc không sợ súng. Khi bác sĩ ở Khoa Khám bệnh Bệnh viện Việt - Xô nói tôi bị suy thận mãn, là năm 2009. Lúc ấy tôi thấy chuyện bình thường, vẫn lên kế hoạch cho mình chuyến du lịch khắp nước Mỹ. Lạy trời phật! Chuyến đi gần hai tháng trót lọt. Đánh chén, bay nhảy thỏa thuê, suốt trong thời gian ấy tôi chỉ hay bị ngứa. Ngứa khắp người, ngứa và gãi và xấu hổ đổ tội cho rượu, cho gan.

Biết thì biết thế, nói thế nhưng gặp các bạn xa mà không uống rượu thì nhạt chuyện, chả ra gì. Thế nên tôi vẫn tì tì uống. Rượu bên Mỹ toàn rượu thật, rượu tốt, về nhà có mơ cũng chỉ đôi lần hưởng thôi.

Ngày trở về nước, tôi mang một va ly rượu do các bạn tặng và... tiếp tục kéo dài vui vẻ với chuyến đi xuyên việt từ Hà Nội đi Tuyên Quang - Hà Giang, về, tiếp tục đi Đà Nẵng. Sau đó đi Gia Lai, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, sang Lâm Đồng rồi vô Sài Gòn, đi miền Tây. Càng ngày càng ham đi mà cái "thằng ngứa" vẫn kiên nhẫn đeo bám. Ngứa và rượu và... đánh chén. Tôi nghĩ chuyến này về chắc sẽ được nghỉ hưu nên cũng tự cho phép mình... thả lỏng.

Rồi cái gì đến đã đến. Tôi bị hỏng thận. Sau một thời gian điều trị, tìm hiểu, các dịch vụ bán thận, chờ người hiến thận... may mắn tôi được một cô cháu gái ở quê (gọi là cháu nhưng cũng đã 41 tuổi rồi) thương bác nên cho tôi một quả thận. Ban đầu tôi cũng lo lắng và nghĩ ngợi lắm, nhưng sau đó, ơn phúc tổ tiên, hai bác cháu đã khỏe mạnh. Thận của tôi đã làm việc tốt sau 13 tiếng nằm trong phòng đại phẫu và an dưỡng"...

Nhà văn Trung Trung Đỉnh là người gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên như máu thịt và có rất ít nhà văn viết về Tây Nguyên chân thật như Trung Trung Đỉnh. Trong những bộ tiểu thuyết của mình, ông có một cuốn sách tâm đắc "Sống khó hơn là chết", một cuốn sách với nội dung là những ám ảnh về quá khứ trong cõi thực này. Hầu hết các nhân vật của ông đều mang chút gì đó của núi rừng Tây Nguyên, thậm chí là rất nặng nợ với mảnh đất này.

Ông bảo, không ai chọn quê hương cho mình. Ông được sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng nhưng toàn bộ tuổi trẻ của ông ở rừng Tây Nguyên với bà con các dân tộc trong thời chiến tranh. Mấy chục năm hòa bình, ông vẫn tiếp tục lặn lội về thăm lại nơi ấy.

Ông không nghĩ rằng sẽ tiếp tục viết về Tây Nguyên, mà thật sự là ông chưa bao giờ thoát khỏi những năm tháng tuổi trẻ nơi chiến trường bom đạn này. Và người lính - nhà văn như ông, sẽ tiếp tục sống, trải nghiệm để viết tiếp cuốn tiểu thuyết cuộc đời vẫn còn dang dở...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.