Nhà văn Trung Trung Đỉnh: "Khổ sai" cùng chữ nghĩa

Chủ Nhật, 02/05/2010, 12:28
“Viết nhanh hay chậm chả có ý nghĩa gì. Viết với các nhà văn là thứ lao động khổ sai, tự nguyện, nhưng đồng thời nó cũng mang lại nhiều hứng thú cho anh ta. Trong cái khổ có cái sướng và ngược lại”, Trung Trung Đỉnh tâm sự.

Bước vào chiến tranh là một người lính cầm súng đúng nghĩa, nhưng bước ra khỏi cuộc chiến, Trung Trung Đỉnh đã là một nhà văn. Chiến trường, sự sống, cái chết, những mất mát và cả niềm hạnh phúc đã "tôi luyện" ngòi bút của ông. Viết như một sự thôi thúc, một sự trả nợ những tháng năm tuổi trẻ đã qua, và cũng có lúc viết là để "tiễn biệt ngày buồn", văn của ông luôn trĩu nặng những trăn trở về cuộc đời, về phận người, và có sức ám ảnh kỳ lạ. Ham chơi nhưng khi ngồi vào bàn viết, đối diện với trang giấy trắng, ông là một người lao động khổ sai, không khoan nhượng với chính mình để những con chữ một ngày lấp lánh trong tâm trí người đọc.

Thưa nhà văn Trung Trung Đỉnh, ai là người khích lệ ông trong những ngày đầu tiên đến với văn học?

+ Tôi mê việc này từ bé. Đến khi vào bộ đội càng mê. Mê đọc sách và nuôi ước mơ viển vông, cứ thấy nhà văn, nhà thơ ở đâu là cuống cuồng lên chạy theo chiêm ngưỡng họ. Trong rừng có giấy đâu mà viết, nên tôi cứ kiếm được quyển sổ nào là mải miết ghi chép. Rồi được nhà văn Nguyễn Chí Trung "lôi" về trại viết Quân khu V. Về đấy được sống và làm việc với các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Phan Tứ, Thu Bồn, Nguyên Ngọc, Dương Hương Ly, Thái Bá Lợi, Thanh Thảo, Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai, Nguyễn Trí Huân, Lưu Trùng Dương, Nguyễn Khắc Phục, Thanh Quế, Ngân Vịnh… thú thực tôi hơi bị choáng (ngợp) và đây là thời gian tôi học và đọc được nhiều nhất.

- Nghe kể khi còn trong quân ngũ, nhà văn đã từng làm công việc của một y tá và sau làm một anh lính chiếu bóng. Những công việc này để lại trong ông những kỷ niệm nào đáng nhớ?

+ Làm lính địa phương thì anh nào cũng phải "kiêm đủ thứ", từ anh nuôi đến phát nương làm rẫy, đi phía trước cầm súng đánh nhau, về đến "nhà" thì cầm rựa ra rẫy là chuyện thường. Tôi làm y tá vì đồng chí y tá đơn vị hy sinh, xem sách trong túi thuốc của anh để lại thấy cứ chiếu theo hướng dẫn của sách mà đoán bệnh, mà cho thuốc, mà tiêm, ấy thế rồi cũng được anh em bà con tín nhiệm và được việc ra trò. Chứ còn chiếu bóng thì… cũng gần như thế. Công việc nào cũng để lại cho tôi nhiều kỷ niệm vì hồi đó đơn vị chúng tôi sống chung với bà con dân làng Bah Nar, Gia Rai như một gia đình, nên đến tận bây giờ vẫn nhớ như in.

- Trước khi được biết đến như một nhà văn, Trung Trung Đỉnh làm thơ và trường ca. Ông có định xuất bản thơ mình không? Tại sao sau này khi đã viết văn thì ông lại không mặn mà với "nàng thơ" nữa?

+ Hồi trong rừng tôi làm rất nhiều thơ và cũng làm cả trường ca nữa. Nhưng sau này tự thấy thơ giống như rượu cất từ ngôn ngữ, một thứ rượu được cất lên vừa kỳ công vừa (hình như) phải do thần linh xui khiến thế nào đó. Rượu ngon không phải ai cũng làm được. Cũng sắn ấy, ngô hay gạo ấy, rồi men ấy, nước ấy, vậy mà phải đúng người ấy làm thì rượu nó mới ra rượu. Thơ cũng thế, tưởng dễ nhưng hoá ra chả dễ như mình đã từng nghĩ, từng làm. Càng lao vào Thơ càng thấy mình… hồn nhiên kém, bèn chùn bước. Bây giờ thỉnh thoảng vui tôi cũng nhớ vài bài, vài đoạn đọc chơi với bạn bè, "dọa in" cho các nhà thơ "hoảng". Tôi mà in hai cái trường ca thì khối nhà thơ… bỏ bút đấy! Nghe khiếp chưa?

- Rất nhiều người biết về câu chuyện "lạc rừng" của Trung Trung Đỉnh. Ngày đại thắng 30-4-1975 anh lính Trung Trung Đỉnh còn đang lang thang trong rừng già Tây Nguyên, không có mặt trong đoàn quân thần tốc tiến về Sài Gòn. Là một người viết, ông có tiếc rằng mình đã không được chứng kiến thời khắc lịch sử quan trọng ấy của dân tộc?.

+ Theo yêu cầu của cấp trên, tôi được cử ra Quân khu học chiếu bóng mấy tháng hồi cuối 1974, đến đầu năm 1975 thì "ra trường". Khi về đến Trạm Quân khu thì có lệnh nằm chờ nhận máy để đi phục vụ chiến dịch… tôi và hai đồng chí người dân tộc chờ mãi không thấy gì nên trạm trưởng cho vào rừng săn bắn kiếm thịt cho bộ đội. Đi săn thì phải vào sâu trong rừng già, "đóng quân" trong đó, có thịt thì muối, hết muối thì sấy khô. Ba anh em có mỗi cái đài hết pin, chọc ngoáy mãi đài rọt rẹt được vài bữa thì tịt luôn. Bắn chủ yếu heo rừng và nai, muối được vài gùi thì sấy khô. Bắn súng báo hiệu không thấy ai vô lấy thịt, sốt ruột "bám địch" ra, giữa đường tới cái rẫy của đồng bào vắng hoe, thấy có một ông già say rượu đang hát ư ử liền hỏi, mới biết "giải phóng hết núi hết rừng, hết cả đồng bằng rồi sao chúng mầy vẫn ở đây!". Sướng quá, ba anh em nằm ngửa ngoài rẫy đồng loạt kéo cò, hết ba băng đạn thì kéo nhau về trạm. Trạm cũng vắng hoe, đành theo đường mòn ra đường tuyến xuống… Có tiếc thì việc cũng đã rồi, cái số của mình nó thế, chả biết là may hay rủi.

- Rất nhiều nhà văn đi qua chiến tranh và bị cuộc chiến ám ảnh. Tác phẩm của họ chỉ viết về quá khứ đã qua. Riêng ông thì khác. Ngoài những tác phẩm về đề tài chiến tranh, ông viết nhiều tác phẩm về đời sống đương đại như "Ngõ lỗ thủng", "Tiễn biệt ngày buồn", "Sống khó hơn là chết"... Với một nhà văn trở về từ cuộc chiến như ông, việc bắt nhịp với đời sống thực tại để viết gặp khó khăn gì nhất? Bí quyết của ông là gì?

+ Tôi chả có bí quyết gì. Ra khỏi cuộc chiến, tôi thực hiện ước mơ đi đại học, viết lách, rồi phải có nghề ngỗng, có vợ con. Có bấy nhiêu việc thôi, vậy mà thấy nó cứ dồn đuổi, chả kịp ngưng nghỉ như các anh các chị bây giờ. Cánh nhà văn chúng tôi thuở ấy sống bầy đàn trong "trại viết". Hết trại viết Quân khu đến trại viết Quân đội. Học khóa I viết văn Nguyễn Du cũng sống tập thể. Anh em sau này lấy vợ "tách đàn" dần, văn vẻ viết say sưa,  học và đọc say sưa, ai cũng "máu", nên mới giàu vốn sống. Vốn sống giàu có như vậy mà nhiều nhà văn không viết, cứ viết chuyện đâu đâu. Riêng tôi, gặp một vấn đề, chả thấy "bố" nào viết thì tôi viết… Tôi nghiệm ra rằng hóa ra viết cái mình hiểu nhất thì cũng không khó lắm, miễn là "bắt được ý tưởng", có ý tưởng thì bắt được không khí liền. Tóm lại là như thế.

- Theo ông, nền văn học viết về chiến tranh của ta đã tương xứng với tầm vóc của cuộc chiến mà dân tộc ta đã trải qua hay chưa?

+ Tuỳ theo cách đánh giá. Tôi nghĩ nếu muốn cỡ "Chiến tranh và hoà bình" thì ở ta không bao giờ có. Người Việt mình không có lối tư duy hoành tráng, tầm cỡ như thế. Nhưng cỡ như "Hai người trở lại Trung đoàn", "Bán đảo", "Trùng tu" của  nhà văn Thái Bá Lợi, hay "Thời xa vắng" của nhà văn Lê Lựu, "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh thì kể cũng oách đấy chứ? Nhiệm vụ của văn học, theo tôi, không phải làm cái việc ngang hàng với tầm vóc đâu. Nếu cứ nghĩ như thế thì chả bao giờ có "vóc" chứ chưa nói là "tầm".

- Theo ông, các nhà văn trẻ hôm nay, những người không có ký ức chiến tranh liệu có thể viết hay về cuộc chiến tranh đã qua của dân tộc?

+ Có thể lắm chứ. Cần phải hiểu rằng nhà văn không phải là cái máy photocopy, không phải anh thợ chụp ảnh, càng không phải anh cán bộ công chức. Nhà văn là người sáng tạo. Đặc thù của tư duy sáng tạo trong văn học là trí tưởng tượng, tài hư cấu. Yên tâm đi, một trăm năm nữa vẫn có nhà văn viết hay về chuyện hôm nay, thế cho nên văn học không bao giờ cũ, không bao giờ bị mai một như nhiều người lo xa.

- Các nhà văn trẻ hiện nay viết sách rất nhanh. Một năm họ có thể cho ra đời vài ba cuốn tiểu thuyết. Nhưng với ông thì mỗi cuốn sách từ khi thai nghén đến lúc hoàn chỉnh phải mất tới 10 năm. Có thể hiểu viết với ông là công việc rất khó khăn hay đây chính là thái độ nghiêm cẩn của ông với nghề viết?

+ Viết nhanh hay chậm chả có ý nghĩa gì. Viết với các nhà văn là thứ lao động khổ sai, tự nguyện, nhưng đồng thời nó cũng mang lại nhiều hứng thú cho anh ta. Trong cái khổ có cái sướng và ngược lại. Tôi viết chậm không phải vì "thái độ nghiêm cẩn" mà chỉ vì cái tật cố hữu ham chơi của tôi nó làm cho tôi… viết chậm thôi.

- Tây Nguyên là mảnh đất không sinh ra ông, nhưng lại là nơi khởi nguồn cho những tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Vì sao đối với ông, Tây Nguyên lại trở thành một "vùng đất thiêng" như vậy?

 + Không ai chọn được quê hương cho mình. Tôi sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Bảo - Hải Phòng, nhưng toàn bộ tuổi trẻ của tôi "nướng" trong rừng Tây Nguyên cùng cuộc chiến. Nên, như một điều tất yếu, Tây Nguyên trở thành vùng đất ám ảnh trong các sáng tác của tôi. Điều này giống như định mệnh, tôi đâu có chủ định chọn cho mình có "hai quê hương".

- Với số lượng trang sách và tác phẩm được xuất bản không hề nhỏ, nhưng ông vẫn tự nhận mình là người viết nghiệp dư. Vậy theo ông thế nào là một người viết chuyên nghiệp và ở ta, số lượng nhà văn viết chuyên nghiệp có nhiều không?

+ Khái niệm "nghiệp dư" hay "chuyên nghiệp" trong nghề viết văn rất mở. Ngay cả khi ta nói "nghề viết văn" thì nghe nó cũng đã "nghiệp dư" thế nào. Từ cổ chí kim có mấy nhà văn chỉ làm mỗi việc viết văn đâu.

- Đâu là tác phẩm văn học quan trọng nhất trong quãng đời cầm bút đã qua của ông?

+ Tác phẩm nào cũng quan trọng đối với tôi. Và tác phẩm quan trọng nhất tôi vẫn còn… chưa viết ra.

- Sau tiểu thuyết "Lính trận", cuốn sách sắp tới của ông sẽ quan tâm đề cập đến vấn đề gì của đời sống?

+ Tôi đang viết nên nói ra nó "phải vía", đành xin lỗi bạn vậy.

- Xin cảm ơn nhà văn Trung Trung Đỉnh

Phương Trang (thực hiện)
.
.
.