Những dấu hỏi quanh vụ chuyển nhượng 32 ha đất công tại TP HCM

Thứ Sáu, 27/04/2018, 14:03
Vụ việc chuyển nhượng hơn 32 ha đất giữa Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Thành ủy TP Hồ Chí Minh) với Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đang gây xôn xao dư luận vì gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Ngày 18-4 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu hai công ty đàm phán để hủy hợp đồng sang nhượng. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan… báo cáo Ban thường vụ trước ngày 8-5 tới.

Bán rẻ như cho

Theo hồ sơ, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận, 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh) đã bán 32,5 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCGL). Theo thông tin từ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, giao dịch này là thiếu minh bạch khi không qua đấu thầu; giá trị chuyển nhượng thấp hơn rất nhiều lần so với giá thị trường.

Khu đất được cho là có vấn đề về sang nhượng.

Cụ thể, giá trị chuyển nhượng dự án của Công ty Tân Thuận 419 tỷ đồng, trong khi nếu bán theo giá thị trường, khu đất này sẽ có giá lên đến 2.400 tỉ qua đó làm thất thu hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Vụ ký kết hợp đồng chuyển nhượng này Công ty Tân Thuận đã không báo cáo cho tập thể Ban Thường vụ Thành ủy theo quy định và cho dù có báo cáo thì Văn phòng Thành ủy có chấp thuận việc mua bán?

Đến nay, người đứng đầu Công ty QCGL vẫn cho rằng, việc mua bán khu đất với Công ty Tân Thuận là có sự chấp thuận của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ngược lại, Thành ủy cho rằng, không có việc mua bán theo kiểu chỉ định. Đâu là sự thật?

Được biết, ngày 26-4-2017, ông Trần Công Thiện, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận có công văn gửi Văn phòng Thành ủy đề nghị được hợp tác với Công ty QCGL đầu tư dự án khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè. Nội dung công văn nêu lý do cần hợp tác để tiếp tục triển khai dự án là Công ty Tân Thận phải chứng minh năng lực tài chính theo quy định (vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% trên tổng mức đầu tư).

Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.500 tỉ đồng, Công ty này cần chứng minh vốn sở hữu có trên 1.300 tỉ đồng và bắt buộc ký quỹ đầu tư, trong khi vốn sở hữu của công ty chỉ có 162 tỉ đồng và đang chứng minh năng lực tài chính cho nhiều dự án khác. Do đó cần phải hợp tác với Công ty QCGL để tạo nguồn tài chính và đẩy nhanh tiến độ dự án. Tỷ lệ góp vốn là: QCGL 70%, còn Công ty Tân Thuận 30%.

Dự án nói trên có diện tích 324.971m² (làm tròn 32,5 ha) trong đó 281.404m² đã có giấy chủ quyền, đứng tên Công ty Tân Thuận. Phần còn lại hơn 41.000 m² chưa sang tên nhưng có sổ đỏ. Định giá phần đất Công ty Tân Thuận đã nhận chuyển nhượng, theo thời điểm hiện nay (theo công văn ngày 26-4 2017) với đơn giá trung bình hơn 1.1triệu đồng/m² (tổng trị giá tương đương 358 tỉ đồng) - đơn giá này không thay đổi trong suốt quá trình hợp tác.

Trong vòng 20 ngày sau khi ký hợp đồng hợp tác, Công ty QCGL phải thanh toán cho Công ty Tân Thuận 70% giá trị phần đất đã nhận chuyển nhượng được định giá như trên (358 tỉ đồng x 70% = 250,6 tỉ đồng).

Tuy nhiên trong Phụ lục hợp đồng số 2 ký ngày 8-9-2017, đơn giá đã có điều chỉnh. Phần đất đứng tên Công ty Tân Thuận được điều chỉnh giá sang nhượng trong hợp đồng công chứng 1,29 triệu đồng/m² tương đương 363 tỉ đồng và QCGL phải thanh toán số tiền này trong 7 ngày kể từ ngày phụ lục hợp đồng được ký.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai và bản đồ khu đất.

Phần đất hơn 41.000 m² còn lại (trị giá 56,2 tỉ đồng) chưa công chứng chuyển tên cho QCGL sẽ được thanh toán thành 2 đợt. Đợt một 11,2 tỉ, cũng sau 7 ngày. Phần còn lại thanh toán sau khi hoàn tất thủ tục sang tên. Nhưng khi tìm hiểu về giá đất thuộc khu vực này, người dân cho biết, hơn 8 năm trước giá đất đã 1,9 triệu/m², hiện lên tới vài chục triệu/m². Như vậy Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho QCGL giá quá rẻ, như cho không!

Trong công văn gửi Văn phòng Thành ủy, rõ ràng Công ty Tân Thuận nêu lý do cần chứng minh năng lực tài chính nên phải hợp tác bằng hình thức góp vốn 30-70% với QCGL. Nhưng qua các điều khoản của hợp đồng thì đây là mua bán sang nhượng. Từ hợp đồng góp vốn  chuyển qua mua đứt bán đoạn có khác gì chuyện "lập lờ đánh lận con đen"?

Vậy vì sao Công ty Tân Thuận lại đề xuất hợp tác với Công ty QCGL và "ưu ái" bán khu đất trên cho đối tác không thông qua đấu thầu theo quy định? Theo giải thích của Công ty Tân Thuận, Công ty QCGL đang hợp tác với Công ty Tân Thuận thực hiện dự án khu dân cư ven sông Tân Phong… và vì đã hiểu biết nhất định về đối tác nên không mất thời gian… tìm hiểu.

Vụ việc được Văn phòng Thành ủy ra thông báo yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với QCGL để hủy hợp đồng. Đồng thời, chỉ đạo xem xét, giải quyết, thực hiện việc chuyển nhượng khu đất trên theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Cần làm rõ động cơ

Sau khi có thông báo của Văn phòng Thành ủy yêu cầu hủy hợp đồng mua bán, trả lời truyền thông, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc Công ty QCGL, khẳng định, hợp đồng sang nhượng của Công ty Tân Thuận với Công ty QCGL là giao dịch dân sự thông thường, thuận mua vừa bán, tuy nhiên nếu Thành ủy yêu cầu thì QCGL sẽ trả lại trên cơ sở hợp đồng ký kết…

Phụ lục hợp đồng số 2.
Còn với Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc QCGL - bà Nguyễn Thị Như Loan thì tất cả lô đất này QCGL mua của Công ty Tân Thuận không phải là đất công. Theo bà Loan, đất này không phải được nhà nước giao cho Công ty Tân Thuận quản lý rồi công ty này mang đi bán mà nó được hình thành từ vốn sản xuất kinh doanh của Công ty Tân Thuận. Việc mua bán khu đất cũng đã được điều chỉnh tăng lên theo các phụ lục hợp đồng và đúng giá thị trường.

Cụ thể tháng 2-2018, Công ty Tân Thuận và Công ty QCGL đã ký phụ lục hợp đồng số 3, điều chỉnh đơn giá theo thuyết minh kết quả của Sở Tài nguyên - Môi trường. Qua đó số tiền tăng thêm trong hợp đồng là 155 tỉ đồng. QCGL sẽ thanh toán 70%, chậm nhất vào cuối năm nay - 2018. Phần còn lại sẽ thanh toán hết vào quý I-2019. Tất cả các điều chỉnh này được cơ quan chức năng đánh giá kỹ.

Nhưng theo một chuyên gia kinh tế, Công ty Tân Thuận có vốn chủ sở hữu 100% là của Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Do đó, việc sử dụng vốn, tài sản phải áp dụng theo cơ chế, quy định liên quan tới doanh nghiệp nhà nước. Diện tích đất nông nghiệp thuộc sở hữu của Công ty Tân Thuận, nếu nhà nước giao cho Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và đơn vị này cho công ty thuê lại thì khi Công ty Tân Thuận không đủ năng lực để thực hiện dự án hoặc không còn mục đích sử dụng thì Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hồi, thẩm định giá và đem ra tổ chức bán đấu giá công khai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Các nhà đầu tư nộp hồ sơ, đấu giá công khai, ai trả giá cao nhất sẽ được ưu tiên chuyển nhượng. Dư luận cho rằng, việc mua bán trên có vấn đề vì so với giá thị trường hiện nay (kể cả giá khi ký hợp đồng sang nhượng - 2017) thì Công ty QCGL được ưu ái với giá thấp hơn nhiều…

Đành rằng, theo ông Nguyễn Quốc Cường hợp đồng giao dịch trên là hợp đồng dân sự, thuận mua vừa bán. Nhưng việc mua bán này lẽ ra phải công khai, đấu giá, nhưng trên thực tế đây là hợp đồng góp vốn, vậy tại sao nó lại chuyển thành hợp đồng chuyển nhượng, mua bán chóng vánh. Chưa kể mức chênh lệch giá cả giữa thị trường và giá hợp đồng quá cao gây thiệt hại cho ngân sách con số hàng nghìn tỉ đồng.

Bán đất công không thông qua Ban Thường vụ Thành ủy, liệu Công ty Tân Thuận có dấu hiệu làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước? Trong thương vụ này có một bên đại diện cho sở hữu tài sản của nhà nước nên nếu không tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì người trực tiếp ký vào hợp đồng bán đất phải chịu trách nhiệm. Cần xem lại hợp đồng sai ở đâu, vì lý do gì và đặc biệt quan trọng phải chỉ ra ai đã làm sai.

Ai đúng ai sai và trách nhiệm thuộc về ai hiện còn chờ báo cáo của Ủy ban Kiểm Thành ủy. Nhưng thiệt hại trước mắt là thấy rõ. Về phía nhà nước hàng nghìn tỉ ngân sách nguy cơ bị thất thu. Cổ phiếu QCG của Công ty QCGL, ghi nhận trong phiên giao dịch sáng ngày 19-4, đã giảm mạnh do những thông tin liên quan đến vụ mua bán khu đất công sản tại Phước Kiển.

Một Đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, bất cứ ai, làm gì cũng phải dựa trên pháp luật và lợi ích của cộng đồng. Cơ quan của Đảng thì càng phải là một tấm gương, phải chuẩn mực để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có niềm tin để ủng hộ và cổ vũ.

PV
.
.
.