Chuyển nhượng đất công ven sông Sài Gòn với giá... bèo

Thứ Sáu, 20/04/2018, 09:17
Khu đất làm khu dân cư ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mặc dù có vị trí đắc địa ven sông Sài Gòn và đã được đền bù xong, nhưng được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai chỉ với giá 1,29 triệu đồng/m² vào giữa năm ngoái.


Ngày 18-4, Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thông báo về việc chuyển nhượng khu đất 32,4ha của Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận, DN 100% vốn Nhà nước thuộc Văn phòng Thành ủy) cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. 

Theo đó, khu đất làm khu dân cư ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mặc dù có vị trí đắc địa ven sông Sài Gòn và đã được đền bù xong, nhưng được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai chỉ với giá 1,29 triệu đồng/m² vào giữa năm ngoái. 

Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định, giao dịch này là thiếu minh bạch khi không qua đấu thầu; giá chuyển nhượng rẻ hơn rất nhiều lần so với giá thị trường. Thực tế Công ty Tân Thuận chỉ thu về cho ngân sách số tiền vỏn vẹn 419 tỷ đồng, trong khi nếu bán theo giá thị trường, khu đất này sẽ có giá lên đến 2.400 tỷ.

Khu đất sạch được đơn vị quản lý âm thầm chuyển nhượng với giá bèo.

Theo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đây là tài sản kinh tế Đảng, nhưng tập thể Thường trực và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy không biết việc ký chuyển nhượng khi 2 bên tiến hành giao dịch. Do đó, ngày 27-12-2017, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo dừng chuyển nhượng, yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán lại và báo cáo cụ thể vụ việc. 

Sau khi nghe báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận, đánh giá việc ký kết hợp đồng này là không đúng quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, đất tại các DN thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố. 

Từ nhận định trên, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thống nhất yêu cầu hủy hợp đồng, không đồng ý bán chỉ định; đề nghị Thường vụ Thành ủy chỉ đạo giải quyết việc chuyển nhượng này theo quy định.

Động thái buộc hủy hợp đồng chuyển nhượng trên của Thành ủy TP Hồ Chí Minh dù muộn nhưng còn kịp ngăn chặn thất thoát hàng ngàn tỷ đồng khi giá rao bán đất nền hiện nay tại một số dự án lân cận ở xã Phước Kiển đã ở mức rất cao. 

Cụ thể, đất nền có diện tích ngang 5 dài 20m được rao bán với giá trên 50 triệu đồng/m²; đất nền biệt thự diện tích lớn hơn cũng đã được rao bán với giá từ 40 triệu đồng/m² trở lên. Giá nhà liên kế 1 trệt 2 lầu xây dựng sẵn trên diện tích đất ngang 4, dài 16m đã được rao với giá 3,5 tỷ đồng/căn. Đồng thời, giá chuyển nhượng đất nông nghiệp và đất ở tại khu vực này đã được đẩy lên rất cao. 

Theo bà Nguyễn Thị T., một người dân còn đang bám trụ tại dự án khu dân cư Phước Kiển, trước Tết, đại diện chủ đầu tư xuống thỏa thuận đền bù cho gia đình bà với mức giá 8 triệu đồng/m² đất; ngoài ra còn hỗ trợ về nhà cửa, tài sản trên đất và hỗ trợ tiền di dời. Từ đó thông tin mức giá đền bù bình quân của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tại dự án khu dân cư Phước Kiển ở mức bình quân 10 triệu đồng/m² là con số chính xác.

Thông tin với cổ đông vào cuối năm ngoái, đại diện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã khẳng định giá trị tồn kho của DN tại dự án khu dân cư Phước Kiển dù đang còn đền bù dở dang cũng đã lên tới 5.150 tỷ đồng. 

Thời điểm DN này tính toán chuyện hợp tác hoặc chuyển nhượng dự án Phước Kiển, giới đầu tư chứng khoán đã xác định tổng trị giá dự án khu dân cư Phước Kiển của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai phải ở mức trên 9.000 tỷ đồng. 

Đem những thông tin về giá đất trên so sánh với khu đất “sạch” có diện tích bằng 1/3, lại nằm sát bên dự án Phước Kiển của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, nhưng chỉ được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho DN bất động sản này với giá quá bèo như vậy, thì rõ ràng việc chuyển nhượng này đã có vấn đề.

Sau khi phát hiện sự việc trên, trong một văn bản tham mưu cho Thành ủy vào ngày 13-12-2017, Sở TN&MT thành phố đã xác định: Dù có tính theo mức giá đất nông nghiệp thấp nhất để bồi thường cho lô đất công sản trên của Công ty Tân Thuận, thì mức giá đất này không thể dưới mức 1,768 triệu đồng/m². Nếu tính theo mức giá đất thành phố quy định hàng năm, giá trị mỗi mét vuông đất tại đây phải cao hơn 478 ngàn đồng/m² so với giá mà Công ty Tân Thuận bán cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Đã không đưa ra đấu giá công khai, việc chuyển nhượng khu đất trên của Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai càng gây bức xúc dư luận hơn khi đây là một DN đang khó khăn về tài chính. 

Bởi dự án khu dân cư Phước Kiển có quy mô khoảng 92 ha đã được thành phố chấp thuận địa điểm đầu tư cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai từ cách đây 8 năm, song đến nay việc đền bù, giải tỏa vẫn chưa dứt điểm, chủ đầu tư đem dự án đi thế chấp ngân hàng. 

Để giải quyết nợ ngân hàng, quý 1 năm ngoái, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã phải công bố nhận tạm ứng 50 triệu USD từ đối tác để trả nợ vay từ BIDV. Đổi lại, đối tác này sẽ được Công ty CP Quốc Cường Gia Lai bán đứt hoặc bán một phần dự án khu dân cư Phước Kiển. 

Triển khai ì ạch, đầu tháng 3 năm nay dự án Phước Kiểng của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã bị Sở TN&MT thành phố đưa vào danh sách dự án có thể bịthu hồi để lấy quỹ đất hoán đổi cho các dự án BT khác. 

Do đó, ngoài xem xét trách nhiệm của người đứng đầu Công ty Tân Thuận khi việc hủy hợp đồng giao dịch có thể dẫn đến thiệt hại do phải bồi thường cho đối tác, dư luận cho rằng cấp có thẩm quyền của TP Hồ Chí Minh cần làm rõ khuất tất đằng sau việc âm thầm bán công sản với giá bèo cho một DN không đảm bảo về tiềm lực tài chính này.

Bảo Sơn
.
.
.