Nhớ NSND Bạch Diệp: Người đàn bà của điện ảnh và thi ca

Thứ Tư, 22/08/2018, 09:40
Cách nay vừa tròn 5 năm tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng đã diễn ra buổi tiễn đưa nữ đạo diễn đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Diệp. Bà không chỉ có những thước phim sống mãi cùng năm tháng mà còn được biết đến là người vợ đầu tiên và duy nhất của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu.

Cuộc hôn nhân ngắn ngủi với nhà thơ nổi tiếng không đem lại hạnh phúc, bà đã tìm được bến bờ bình yên trong lần thứ hai. Sau khi người chồng thứ 2 qua đời, bà sống một mình ba chục năm ròng và có một niềm đam mê vô bờ với phim ảnh. Đó là giấc mơ được nuôi dưỡng từ thủa thơ bé, bà đã giữ và theo đuổi, tận tâm cống hiến suốt cả một chặng đường dài đằng đẵng say mê cho đến tận năm tháng cuối đời.

Ngôi nhà 4 tầng trong con ngõ 10 phố Kim Mã Thượng giờ khoá cửa im ỉm. Căn nhà này trước đây vào những năm tháng cuối đời NSND Bạch Diệp đã sống. Trải qua hai cuộc hôn nhân không có con, ở tuổi ngoài 80 cũng chỉ có một mình thui thủi trong căn nhà to rộng nhiều phòng, nhiều tầng ấy, thi thoảng có vài người cháu lên thăm hoặc một vài diễn viên trẻ đến đón bà đi chơi, dăm ba phóng viên đến trò truyện viết bài.

NSND Bạch Diệp.

Năm ấy, bà ở tuổi 85. Âu cũng là số thọ nhưng buổi tiễn đưa hôm ấy mọi người ai nấy đều đau buồn thương nhớ nữ đạo diễn tài hoa đã làm nên những thước phim huyền thoại cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Bộ phim “Ngày lễ thánh” (dựa theo tiểu thuyết “Bão biển “của Chu Văn) và “Huyền thoại mẹ”  được coi là những tác phẩm điện ảnh ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Sau này còn có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: “Người về đồng cói”, “Câu chuyện làng dừa”, “Ai giận ai thương” và hàng loạt thành công của phim truyền hình như: “Kẻ không cầu may”, “Nguyễn Thị Minh Khai”…

Ngày bà còn sống tôi đã đến thăm bà trong căn nhà riêng. Ở tuổi ngoài 80 bà vẫn rất tinh anh, duyên dáng. Dáng người thấp, đậm, trên gương mặt không còn lưu dấu ấn của một thời xuân sắc nhưng có nét đằm thắm tinh tế của người Hà Nội. Quả thật, người ta biết đến bà nhiều hơn bởi tài năng chứ không phải nhan sắc.

Nữ đạo diễn không có vẻ đẹp  sắc nước hương trời, Tây Thi phố cổ hay dịu dàng mong manh của con gái Hà Nội xưa nhưng lại ngời ngời bởi con người có khí chất vô cùng đặc biệt. Những người biết bà đều công nhận Bạch Diệp có rất nhiều người theo đuổi. Trước khi làm vợ nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu, bà là “nàng thơ” của nhạc sĩ Tử Phác. Ông đã làm những bài hát tặng bà: “Mưa bay”, “Lá reo”… Mối tình dang dở khi ông hy sinh ở chiến trường trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Nhà thơ Xuân Diệu và đạo diễn Bạch Diệp thời trẻ.

Người ta đặt tên cho bà là “nữ tướng trường quay” bởi tính cách rất quyết liệt khi ở phim trường nhưng xong việc trò chuyện với bà thì quả thật Bạch Diệp lại vô cùng nữ tính. Bà là người gốc Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Ngày đó, nhiếp ảnh là một nghề vô cùng xa xỉ và chỉ có những gia đình khá giả, dư ăn dư mặc mới có thể có máy ảnh và theo đuổi nghề này. Điều đó cũng thuận lợi để bà có thể theo nghề làm phim.

Sinh ra trong gia đình khá giả nên thỉnh thoảng bà cũng hay được cho tiền, rồi tiền mừng tuổi ngày Tết bà chia ra làm hai phần tiền. Một phần chia cho người nghèo khổ, phần còn lại mua vé xem phim. Mà ngày đó xem phim cũng là một thứ giải trí của con nhà giàu vì nhà nghèo đến cái ăn còn chẳng có chứ lấy đâu được mà bỏ tiền mua vé vào rạp xem phim.

Cái thời, phương tiện đi lại khó khăn, bà kể đi bộ sáu, bẩy cây số để mua vé vào rạp xem phim rồi thấy phim hay hấp dẫn quá nên xem đi xem lại đến ba, bốn lần. Xem cho thật đã mắt mới thôi. Bà cũng tự nhận mình là người bé như cái kẹo mút dở nên đến rạp chiếu phim là phải kiễng hai chân mới mua được vé để vào rạp.

Cũng như bao nhiêu đứa trẻ mơ mộng, Bạch Diệp thủa thiếu thời ấy đã có một điều ước là vào những đêm trăng sáng nhìn lên bầu trời lấp lánh các vì sao nếu như có ngôi sao đổi ngôi nào bay qua, cô bé sẽ ước lớn lên mình được làm phim. Và thật kì diệu, điều ước trẻ con thủa đầu đời ấy sau khi đến tuổi trưởng thành đã trở thành hiện thực.

17 tuổi, cái tuổi vô lo vô nghĩ thì Bạch Diệp đã toan tính đến việc đi học đạo diễn nhưng ngày đó để đào tạo một lớp đạo diễn thật không đơn giản. Nhiều khoá học được tổ chức nhưng chủ yếu là phim tài liệu để phục vụ cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nên Bạch Diệp đành phải đợi. Ít ai biết rằng trước khi làm đạo diễn, bà đã từng là phóng viên của Báo Nhân Dân. Cô gái Hà Thành nhanh nhẹn, xốc vác trong nghề nhà báo khiến cho Xuân Diệu đem lòng say mê.

Bà kể, đó là một đêm trăng tròn vào đúng rằm tháng tám, bà đi chơi cùng các bạn cùng toà soạn từ chiều đến nửa đêm mới về tới nhà. Nhà Bạch Diệp ở phố Bà Triệu, lùi vào bên trong phố, bên ngoài là khoảng sân rộng trồng cây xanh. Trăng thu sáng vằng vặc lung linh khắp cả khu vườn. Xuân Diệp lúc này là một người đàn ông trung niên trưởng thành đã 40 tuổi, dáng dong dỏng cao, nằm ngủ gục ở cái ghế dưới gốc cây.

Có lẽ tố chất thiên bẩm của đạo diễn nên cô gái đã quan sát nhà thơ trong một tích tắc nào đó và hình ảnh sống động ấy đã quá ấn tượng mà cho đến hơn 50 năm sau bà vẫn không hề quên. Bạch Diệp chạy đến lay nhà thơ dậy, hoá ra ông đã đến từ lúc 7 giờ tối và đợi bà đến nửa đêm rồi ngủ thiếp đi từ lúc nào không hay.

NSND Minh Châu và NSND Bạch Diệp.

Lúc đấy, nhà thơ Xuân Diệu sống cùng nhà thơ Huy Cận ở 24 phố Cột Cờ. Nhà thơ Huy Cận ở tầng hai, Xuân Diệu ở tầng một. Muốn lên căn tầng hai lại phải đi qua căn phòng tầng một. Cưới nhau xong, Bạch Diệp về căn nhà phố Cột Cờ, họ sinh hoạt dưới tầng một, có ngăn một tấm ri đô vải để che cho nhà thơ Huy Cận mỗi lần lên tầng hai khỏi phiền hà. Nhà thơ Xuân Diệu và Bạch Diệp có một điểm chung là rất thích hoa.

Mặc dù không gian bé nhưng trong căn phòng nhỏ đấy bao giờ cũng có lọ hoa tươi, thường thì hoa hồng vàng. Sau này khi tìm hiểu ý nghĩa về các loài hoa, bà mới biết hoa hồng vàng tượng trưng cho nơi tình yêu đã chết. Chẳng biết có phải dự cảm một tiên lượng xấu không mà trong căn phòng của đôi vợ chồng mới cưới luôn có lọ hoa hồng vàng.

Cuộc hôn nhân ngắn ngủi chỉ kéo dài đúng 6 tháng. Nữ đạo diễn kể ngay cả trước khi cưới, bà đã cảm thấy có gì đó không ổn, dẫu biết rằng làm vợ một nhà văn, nhà thơ là điều chẳng dễ dàng gì. Quả nhiên khi lấy nhau, có nhiều hôm giữa đêm khuya khoắt, nhà thơ ngồi bật dậy như tượng gỗ chả nói năng gì. Dáng ngồi lòng khòng trong bóng đêm trông đến khổ.

Lấy nhà thơ danh tiếng là vậy, chỉ ở với nhau một đoạn đường ngắn bà biết công việc thi ca như một sự đày ải đầy mệt nhọc. Nhà thơ Xuân Diệu vẫn thường ngồi bật dậy trong đêm như vậy nhiều lần chẳng nói chẳng rằng. Không gian nhỏ bé đó đủ để nghe rõ hơi thở của cả hai người và tiếng tích tắc của kim giây đồng hồ.

Cũng như bao đôi vợ chồng khác, họ cũng có “tuần trăng mật”. Đó là lần lấy nhau được ba tháng hai người đi vịnh Hạ Long chơi. Tưởng sau cuộc đi thì tình trạng hôn nhân được cải thiện sang một nấc thang mới nhưng mãi rồi thấy con gái chưa có động tĩnh gì nên mẹ của bà đã cắt thuốc bắc để cho nhà thơ Xuân Diệu uống. Có lẽ, duyên số cũng chỉ có ngần ấy thôi, vừa vặn nửa năm trời họ sống với nhau dưới một mái nhà rồi chia tay. Bà nói bà quý nhà thơ Xuân Diệu như một người anh trai, còn tình yêu chắc phải là một cái gì lớn hơn. Chắc hai người chưa đủ duyên nên duyên hợp rồi tan mới nhanh đến vậy. Âu cũng là cái số.

Diễn viên NSND Minh Châu rất thân thiết với đạo diễn Bạch Diệp kể lại rằng bà rất tinh tế và ý nhị: Năm 1985 khi Xuân Diệu qua đời, nữ đạo diễn đã đến viếng và tặng ông những bông hoa cúc trắng tinh khôi. Ý bà muốn nói khi đến với người chồng thứ hai bà vẫn còn trinh trắng.

Năm 1959, Bạch Diệp vừa tròn 28 tuổi, lúc ấy vừa chia tay với nhà thơ Xuân Diệu, Bộ Văn hoá có công văn tuyển sinh lớp đạo diễn phim truyện. Bạch Diệp đăng kí tham gia ngay. Mặc dù công việc phóng viên ở Báo Nhân Dân đang ổn định, bà nằm trong nhóm được nhắm để gửi đi Liên Xô học triết học Mác - Lênin.

Nhưng bà đã từ chối để đi theo con đường đam mê từ thủa thiếu thời. Cả lớp học mỗi Bạch Diệp là nữ. Ra trường xông xáo làm phim, bộ phim đầu tay Trần Quốc Toản ra quân, do tác giả Hoài Giao - một nhà biên kịch chèo nổi tiếng viết kịch bản. Bộ phim được giải Bông sen Bạc.

Có đà, bà làm một loạt phim gây tiếng vang trong lòng công chúng như “Huyền thoại me”å, “Ngày Lễ thánh” là hai tác phẩm được coi là thành công nhất của bà do diễn viên NSND Trà Giang thủ vai chính. Là nữ đạo diễn trưởng thành từ trong chiến tranh, cộng thêm tố chất tinh tế thiên bẩm của nghề đạo diễn, cùng tài năng và nghị lực sự đam mê bất tận ấy đã làm nên những thước phim huyền thoại.

Mải mê và bị lôi kéo bởi phim ảnh nên Bạch Diệp không có thời gian dành riêng cho mình, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với ông hoàng thi ca Xuân Diệu, tuổi xuân cứ trôi đi như thế. 13 năm sau, khi vào tuổi 40 bà mới đi bước nữa với ông Nguyễn Đức Tường, một người không liên quan gì đến nghệ thuật. Cuộc hôn nhân này theo bà là viên mãn. Bạch Diệp được sống trong tình thương yêu. Nếu ở trường quay bà là nữ tướng thì khi về nhà lại bé nhỏ trong vòng tay của chồng. Tiếc thay, họ cũng không có con, sau 15 năm chung sống thì ông qua đời. 55 tuổi, Bạch Diệp lại trở thành cô quả. 

Những ai đã từng làm việc với bà mới thấy đó là một người rất kỹ tính và cầu toàn. Bà đòi hỏi mọi thứ phải cẩn thận, chi tiết nhất là về phần đạo cụ, phục trang. Nữ diễn viên Mai Huê đã có vai chính trong phim truyền hình dài tập “Kẻ không cầu may” do bạch Diệp làm đạo diễn, kể lại: Nếu thấy đạo cụ không vừa ý, bà sẵn sàng ném hết đi và bắt phải tìm bằng được thứ vừa ý mới thôi. Được làm việc với bà cũng là một sự rất may mắn vì bà biết cách nâng người diễn viên lên để tìm ra phương cách tinh tế nhất. Và tuy nóng nảy như vậy nhưng bà cũng rất nữ tính. Bà thích tự tay cắm hoa và ngắm phố phường, bầu trời Hà Nội. Bà bảo, thi thoảng lại có vài diễn viên lái ôtô đến đón bà đi chơi loanh quanh Hà Nội.

Trong số đó có cả nữ diễn viên điện ảnh Minh Châu. Chị chiều bà và bà cũng đặc biệt yêu quý nữ diễn viên xinh đẹp cá tính này. Có lẽ sự đồng cảm đưa họ xích lại gần nhau, hai người giống nhau là đều sống một mình và có niềm đam mê phim ảnh, họ cũng là những con người rất lãng mạn, thích rong chơi và ngắm phố phường. Ngày đó con gái Minh Châu học tập và sống ở nước ngoài, chị sống một mình trong căn phòng nhiều tranh ở phố Nguyễn Chí Thanh rồi Ngọc Khánh… rất gần với căn nhà của đạo diễn Bạch Diệp.

Trong suốt ba năm cuối đời, Bạch Diệp bị ung thư vú, phải cắt bỏ đi một bên, Minh Châu là người đôn đáo đưa người bạn lớn tuổi thân thiết của mình đi khám chữa bệnh. Ngày bà ra đi, Minh Châu oà khóc, bao nhiêu kỉ niệm chan chứa ùa về. Theo di nguyện, vào những ngày cuối đời, Bạch Diệp muốn đi một vòng quanh Hà Nội, ngắm cho đã cái phố phường mà mình đã gắn bó từ thủa ấu thơ, xem nó biến đổi ra sao qua từng thời khắc của lịch sử. Vậy mà, chị chưa kịp thực hiện thì bà đã ra đi.

Ngày tiễn đưa hôm ấy nhuốm đầy màu sắc bi ai thương nhớ, chồng đã ra đi từ trước, con không có, bà lại là con một nên anh chị em ruột cũng chẳng có ai, chỉ có họ hàng, bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ.

Trong dòng người kính viếng hương hồn, đưa tiễn nữ đạo diễn đáng kính về nơi an nghỉ, đạo diễn Quốc Trọng đã viết: “Nơi trần thế bon chen lắm nỗi. Lúc người về thể xác cũng về theo. Trong trăm năm phút chốc bay vèo. Hồn bảng lảng lạc vào tiên giới lạ. Vô cùng thương tiếc cô”. 

Ngày hôm nay tròn năm năm ngày đưa tiễn nữ đạo diễn đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, một nén tâm hương gửi lời tri ân đến bà, nguyện xin mười phương chư Phật gia hộ để bà được bình an trong cõi an lành, rồi một ngày bước đi trong niềm an lạc của sự giải thoát.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.