NSND Bạch Diệp: Vậy thôi, trọn một kiếp người

Thứ Năm, 05/09/2013, 17:07

Bà lặng lẽ ra đi sau những ngày vật vã với bệnh tật. Hơn 20 năm, bà sống một mình trong ngôi nhà nhỏ ở phố Đội Cấn, làm bạn với những chú mèo. Bà là nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, đã từng làm nên những bộ phim huyền thoaiå, “Ngày lễ thánh”, “Hoa ban đo”ã... Vậy thôi, trọn một kiếp người, NSND Bạch Diệp đã tận hiến cho điện ảnh Việt Nam. Cái vóc dáng nhỏ bé ấy ẩn chứa một tâm hồn mạnh mẽ, quyết liệt, một sự dấn thân đến tận cùng. Thế hệ vàng của điện ảnh Việt ấy, còn ai?

Nữ tướng trên trường quay

Đạo diễn Trần Phương buồn, không cất nổi lên lời khi nhận tin NSND Bạch Diệp mất. Vậy là một người bạn nữa của ông lại ra đi. Năm trước là Hải Ninh, rồi Trần Vũ, giờ là Bạch Diệp. Càng ngày khoảng trống đó càng lớn. “Thế hệ chúng tôi đã kiến tạo nên nền điện ảnh Việt Nam. Một thời làm việc trong sáng, làm nên rất nhiều kỳ công, làm đẹp cho điện ảnh. Đó là một thế hệ mà với họ, điện ảnh như là sự sống”. Trong nỗi ngậm ngùi, tiếc nuối, đạo diễn, NSND Trần Phương đã kể cho tôi nghe chuyện đời của NSND Bạch Diệp, một người bạn đồng niên thân thiết của ông. “Diệp là người tốt, mạnh mẽ, trong công việc, tôi cảm giác Diệp như đàn ông còn tôi như phụ nữ. Diệp năng nổ khỏe mạnh, làm việc quên ngày tháng, có thể cãi nhau cả ngay được ấy. Tôi có may mắn được vào vai trong bộ phim nổi tiếng của Diệp: Ngày lễ thánh. Cảm phục sức làm việc phi thường của Diệp và sức sáng tạo kinh khủng đằng sau vóc dáng bé nhỏ, cô đơn ấy”.

Có gì lạ đâu, với NSND Bạch Diệp khi niềm đam mê điện ảnh luôn hiện hữu trong tâm hồn bà. Bạch Diệp sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh ở Hà Nội. Bà được thừa hưởng cái không khí nghệ thuật từ chính trong gia đình mình.

Trần Phương nói, Bạch Diệp may mắn hơn ông, khi được lớn lên trong một gia đình nghệ thuật, được học trường Pháp. Ngày còn bé, bà chỉ có một niềm đam mê duy nhất là xem phim. Rạp chiếu phim ở Hà Nội đã quen với bóng dáng bé nhỏ, lủn củn của bà Bạch Diệp mỗi khi có một bộ phim mới. Bà tự đi xem phim một mình, phim ta lẫn phim tây. Hiểu hay không, không quan trọng. Những thước phim trở thành giấc mơ, nỗi ám ảnh trong đời Bạch Diệp, để rồi sau này, khi đã có một công việc ổn định, phóng viên Báo Nhân dân, Bạch Diệp vẫn bỏ ngang sang học đạo diễn. Đã mê là phải đi đến cùng. Và như một cánh chim gặp bầu trời của mình, Bạch Diệp vùng vẫy, thỏa sức sáng tạo, làm nên những thước phim để đời cho nền điện ảnh Việt Nam. Phim của NSND Bạch Diệp đi đến tận cùng nỗi đau của chiến tranh, từ những góc nhìn đời thường.  Phim của bà không có nhiều tiếng súng hay cảnh bom rơi đạn lạc  nhưng những “Ngày lễ thánh”, “Huyền thoại me”å, “Hoa ban đo”ã, “Thời gian của dòng sông”... lại khiến người ta day dứt bởi một cái nhìn sâu thẳm trước nỗi đau âm thầm của những thân phận con người sống trong mặt trận không tiếng súng.

Bởi theo Bạch Diệp, có lẽ vì bà là phụ nữ, nên dễ đồng cảm hơn chăng.  Bởi có những nỗi đau chỉ người phụ nữ mới phải gánh chịu và có những hy sinh còn khốc liệt hơn nhiều lần sự hy sinh của nam giới. “Trong cảm nhận của tôi, các nhân vật nữ luôn mang một vẻ đẹp truyền thống. Cách nghĩ của tôi hẳn cũng đồng nhất với đạo đức truyền thống của xã hội. Người phụ nữ dù trong chiến tranh hay ở thời bình, cũng đều âm thầm hy sinh, cũng vẫn nên nhận cái thua thiệt về mình”. NSND Bạch Diệp đã nhiều lần đứng trên bục vinh danh giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh Việt Nam, nhưng đối với bà, điều đó không quan trọng.

Với con người cả cuộc đời dành trọn cho nghệ thuật ấy, thì hạnh phúc là mỗi thước phim đã chạm tới những vấn đề nhân sinh, xã hội. Và khiến người xem phải day dứt, thổn thức. Đồng nghiệp gọi bà là “nữ tướng trên trường quay” bởi phong thái làm việc quyết liệt, mãnh mẽ, rất “đàn ông” của mình. Đã yêu là yêu đến tận cùng. Trên phim trường, Bạch Diệp làm việc như lên đồng, quên hết cả mỏi mệt, quên cả thời gian. Vì thế, nhiều người cho rằng, Bạch Diệp khắt khe khó tính. Đó là những năm tháng gian khổ nhưng trong trẻo và hạnh phúc của người nghệ sĩ. Một thời làm phim không vướng bận chuyện tiền bạc mà chỉ có niềm đam mê mà thôi.

Người vợ duy nhất của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu

Thành công trong sự nghiệp nhưng đạo diễn Bạch Diệp là người phụ nữ đa đoan trong cuộc sống riêng. Bà từng trải qua mối tình đầu trong trẻo với một cán bộ cách mạng, từng là "nàng thơ" của nhạc sĩ Tử Phác và đi qua hai cuộc hôn nhân. Nhưng có lẽ, như bà từng nói, để lại nhiều "dằn vặt, khổ đau, ngọt ngào xen đắng cay nhất” là đoạn đời ngắn ngủi sống chung với thi sĩ Xuân Diệu.

Tôi nhớ, có lần được trò chuyện cùng bà về cuộc hôn nhân, giống như một giấc mơ trong đời với nhà thơ Xuân Diệu, bà từng nói: “Xuân Diệu là những gì hư ảo trong cuộc đời, những kỷ niệm vô cùng đẹp nhưng không có thật. Nên chăng, hãy để chúng nằm yên như nỗi đau được chôn giấu tự thuở nào”.

Hồi đó, bà là phóng viên Báo Nhân dân, một cây bút sắc sảo, được nhiều người nể phục. Bạch Diệp có quyền kiêu hãnh trước những người đàn ông. “Công việc làm báo cuốn tôi đi mỗi ngày, tuổi “băm” đã sầm sập đến sau lưng. Đó là cuối năm 1957, ông Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân gọi tôi lên và muốn mai mối cho tôi với anh Xuân Diệu”. Lúc đó, đọc thơ tình Xuân Diệp, Bạch Diệp bị hút hồn bởi sự đa tình, tài hoa của thi sĩ. Thế nên, bà vốn là người mạnh mẽ, nhưng bị “đắm chìm” ngay bởi cặp mắt nhìn đời và thiên nhiên sâu thăm thẳm, tựa như một nhà hiền triết của Xuân Diệu. Hẹn hò một thời gian, hai người quyết định làm đám cưới.

Cảnh trong phim “Ngày lễ Thánh” của NSND Bạch Diệp.

Khi đó Bạch Diệp 27 tuổi, còn Xuân Diệu ngấp nghé tuổi 40. “Chưa đầy nửa năm, chúng tôi chia tay trong niềm thương và nuối tiếc... Ít ai biết tôi từng được làm vợ “ông vua thơ tình” Việt Nam - Xuân Diệu. Những cuộc gặp gỡ định mệnh đem lại biết bao hạnh phúc và cả khổ đau, dằn vặt tôi suốt những năm qua. Người của một thời giờ đã đi vào thiên cổ, chỉ còn tôi vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc ngọt ngào xen lẫn đắng cay".

Xuân Diệu cũng đã từng tặng bà bài thơ: “Tôi cầm mùi dạ lan hương/Trong tay đi đến người thương cách trùng/Dạ lan thơm nức lạ lùng/Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương”.

Gần năm mươi năm sau, không một lời oán trách, khi được hỏi về cuộc hôn nhân lạ lùng này, Bạch Diệp chỉ nói: “Có lẽ ông ấy chưa hiểu hết mình nên mới lấy tôi”. Sau này khi nhà thơ Xuân Diệu mất, bà đến với một bó hoa trắng, đặt nhẹ nhàng lên mộ nhà thơ. Bà luôn giữ một thái độ kính trọng ông, một ông hoàng của thi ca. Còn trong đời sống, Bạch Diệp cũng chôn kín nỗi đau xuống tận đáy lòng. 15 năm sau, bà mới tái hôn. Dẫu muộn mằn, cuộc hôn nhân sau này với ông Nguyễn Đức Tường đã mang đến cho bà những tháng ngày hạnh phúc. Bạch Diệp được sống cuộc sống đúng nghĩa của một gia đình, một người vợ. Họ đã sống với nhau 15 năm cho đến khi ông Tường mất, dù không có con cái, nhưng đối với Bạch Diệp, ông Tường “là người đàn ông mà tôi vẫn hằng mơ”. Đạo diễn Trần Phương nói, ông cảm nhận được ái tình và sự trân quý trong cuộc sống của Bạch Diệp và ông Tường. “Mỗi lần đi đóng phim, ông Tường thường đi cùng, còn pha cà phê cho Bạch Diệp và diễn viên uống, ân cần lắm”. Âu cũng là số phận.

Tôi từng ghé thăm ngôi nhà nhỏ của Bạch Diệp hơn 20 năm lẻ bóng. Bà làm bạn với mèo. Và đắm chìm với những thước phim. “Hạnh phúc của tôi là được làm việc đến hơi thở cuối cùng”.  Hình như nỗi buồn, sự cô đơn, không chạm tới tâm hồn người phụ nữ “thép” này, dù tôi biết, bà đang ở trong tận cùng của nỗi cô đơn.

Giờ thì linh hồn bà đã bay về một cõi khác, ở đó, bà sẽ gặp lại những người đàn ông của mình, người từng mang đến cho bà đau khổ, người từng mang hạnh phúc. Nhưng với NSND Bạch Diệp, bà đã đến và sống trong đời sống này bằng tình yêu thương. Dù cuộc sống có lúc thật buồn, tuyệt vọng, thì bà cũng không bao giờ oán trách ai. Bà ra đi và không để lại dấu vết của mình trên cõi đời này ngoài những thước phim. Với người nghệ sĩ lớn như bà, thì chừng ấy đã dường như là quá đủ, quá đủ cho sự dấn thân và hy sinh của một thế hệ vàng của điện ảnh Việt. Tôi tự hỏi, không biết đến bao giờ, điện ảnh Việt mới có lại một thế hệ như bà.

Đạo diễn - NSND Bạch Diệp, tên thật Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1929 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Trong sự nghiệp của mình, Bạch Diệp đã gặt hái đủ vinh quang với những tác phẩm: “Người về đồng cói” (1973), “Ngày lễ thánh” (1976), “Câu chuyện làng Dừa” (1977), “Người chưa biết nói” (1979), “Trừng phạt” (1984), “Y Hơ Nua” (1985), “Cuộc chia tay không hẹn trước” (1986), “Huyền thoại về người me”å (1987), “Ngõ hẹp” (1988), “Hoa ban đỏ” (1994)... nhưng chưa bao giờ có ý định dừng lại. Năm 1997, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm “Ngày lễ thánh”, “Huyền thoại mẹ”. Bà là một trong số các nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Đến năm 80 tuổi bà vẫn say mê làm phim và trở thành đạo diễn nhiều tuổi nhất ở Việt Nam thực hiện phim truyền hình Hà Nội một thời.

Linh Chi
.
.
.