Vợ nhà giáo Nguyễn Lân: Người mẹ của những tài năng

Thứ Năm, 25/01/2018, 22:16
Người phụ nữ ấy đã bước ra từ nhung lụa giàu sang làm vợ một thầy giáo nghèo, để rồi sau đó là cả một đời chăm chút, hy sinh, quên bản thân mình để nuôi dưỡng các con thành những tài năng của đất nước.

Một gia đình 8 người con thì đều là PGS. TS đầu ngành của các ngành khoa học ở Việt Nam. Đó là gia đình nhà giáo Nguyễn Lân và bà Nguyễn Thị Tề. Điều đặc biệt nhất, mỗi lần nhắc về truyền thống gia đình, nếu nói về người cha với lòng tôn kính tột bậc, thì đối với người mẹ thân yêu, đó là cả một tình yêu vô bờ. Người phụ nữ ấy đã bước ra từ nhung lụa giàu sang làm vợ một thầy giáo nghèo, để rồi sau đó là cả một đời chăm chút, hy sinh, quên bản thân mình để nuôi dưỡng các con thành những tài năng của đất nước.

Bức thư xin được làm con rể

Nhà giáo Nguyễn Lân xuất thân trong một gia đình nghèo, lam lũ, còn bà Nguyễn Thị Tề, vợ ông, lại là con gái yêu của điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp, người giàu nhất nhì Bắc Bộ thời bấy giờ. Mối duyên của nhà giáo Nguyễn Lân và bà Nguyễn Thị Tề là sự sắp đặt của số phận. 

Năm 28 tuổi, nhà giáo Nguyễn Lân nhận lời làm phù rể cho bạn là ông Chử Ngọc Liễn lấy con gái đầu của ông Nguyễn Hữu Hoan, con cả cụ Nguyễn Hữu Tiệp. Tại bữa tiệc lớn trong cư dinh đồ sộ của cụ Tiệp, người ta xếp Nguyễn Lân ngồi trước mặt phù dâu, chính là bà Nguyễn Thị Tề, là cô ruột và trạc tuổi cô dâu, 17 tuổi. Qua tìm hiểu, Nguyễn Lân biết được cô Tề học ở trường Xơ Sainte Marie ở Hà Nội và bắt chuyện với phù dâu bằng tiếng Pháp. Cô Tề đã trả lời thông thạo nhưng chỉ cúi mặt không nhìn người hỏi.

Gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân tại Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc năm 1955.

Ít lâu sau, trường Sainte Marie mở cuộc họp chợ phiên, Nguyễn Lân đến tham dự và nhìn thấy cô Tề đứng trên sân khấu hát đồng ca. Sau đó, vào phòng trưng bày tác phẩm thủ công của học sinh bày bán, ông giáo Nguyễn Lân thấy một bức tranh vẽ hoa rất đẹp nên hỏi mua. Sau mới biết đó là bức tranh do cô Tề vẽ. 

Ông nghĩ bụng, một người phụ nữ vừa có sắc, vừa có tài như thế này, làm sao để mình kết duyên được? Thật may mắn, lúc đó có người em của cô Tề là Nguyễn Hữu Vương, là học sinh của Nguyễn Lân. Ông giáo đã gửi một bức thư cho cụ Nguyễn Hữu Tiệp xin được làm rể cụ, mặc dù lúc đó gửi thư cho một người như cụ Tiệp là một sự liều lĩnh đối với ông giáo nghèo Nguyễn Lân.

Hai hôm sau, Nguyễn Lân nhận được một danh thiếp do cụ Tiệp mời đến nhà ăn cơm. Trong bữa cơm không có cô Tề tham dự. Cụ Tiệp hỏi bao nhiêu chuyện nhà, chuyện xã hội nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến việc thỉnh cầu xin được lấy con gái cụ. 

Đến cuối buổi, ông giáo Nguyễn Lân lúc ấy nhắc lại lời thỉnh cầu. Cụ Tiệp bảo: "Trước đây tôi chưa biết ông. Từ lúc ông đến đây và sau khi ông nói chuyện, tôi biết ông là một người có học thức và đứng đắn, theo ý tôi, tôi đồng ý. Nhưng còn một điều quan trọng nữa, là em nó có đồng ý hay không chứ!". Hai hôm sau, ông giáo hỏi lại cậu Vương thì biết rằng, cô Tề đã trả lời cha mình: "Thầy mẹ đặt đâu con ngồi đấy ạ!".

Thế rồi, đám cưới của họ diễn ra. Từ một cô gái con nhà giàu, lấy ông giáo nghèo Nguyễn Lân, cô Tề phải vất vả đủ đường với cuộc sống. Lấy nhau xong ông giáo đã hướng dẫn cho vợ mọi việc. Với bản chất thông minh chịu khó và hiền dịu nên chỉ hai tháng sau tân nương đã quán xuyến được mọi việc trong gia đình.

Ngay cả khi sau này, giáo sư Nguyễn Lân được phân công làm Giám đốc Giáo dục Liên khu Việt Bắc thì lương cũng chỉ được 53kg gạo. Mỗi tháng ông đi nơi này nơi khác công tác, cũng phải mang đi 20 kg, còn để lại cho vợ 33kg để nuôi các con. Với 33 kg gạo và 6 người con (5 trai, 1 gái) gồm Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Tề Chỉnh, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng thì ăn cháo cũng không đủ.

Vì thế bà phải mua lại quần áo cũ của những đồng bào tản cư, rồi vào đổi lúa ngô cho đồng bào thiểu số. Về nhà, bà và con gái Nguyễn Tề Chỉnh xay giã, dần sàng để có gạo nấu cơm. Có lần, bà bị sốt rét nằm liệt trong hai tháng, tay chi chít mũi tiêm, phải chịu những nỗi vất vả mà có lẽ trước khi lấy chồng, một người con gái lá ngọc cành vàng như bà Tề chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra.

Đến năm 1951, Hồ Chủ tịch liên hệ với Chính phủ Trung Quốc cho lập một khu học xá ở tỉnh Quảng Tây, nhằm đào tạo nhân tài cho tương lai. Nhà giáo Nguyên Lân được mời sang giảng dạy và được phép đưa cả gia đình sang sống cùng. 

Tại đó, hai cụ sinh thêm hai người con đặt tên Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung. Đến năm 1956, cả gia đình về nước, nhà giáo Nguyễn Lân về dạy tại trường Đại học Sư phạm. Cuộc sống vẫn chồng chất khó khăn, lúc này, bà Tề đi mua từng tải đường về đóng thành gói nhỏ bán để lấy tiền lãi nuôi con.

Càng gian khó càng yêu thương

Dù vất vả đông con, nhưng bà không bao giờ kêu ca, chỉ lặng lẽ làm việc, chăm sóc các con. 8 người con của bà, ai cũng chăm học và học giỏi. Giáo sư Nguyễn Lân cũng từng khẳng định rằng, gia đình được như ngày nay là do công lớn nhất của vợ mình, bà Nguyễn Thị Tề. Từ lời nói, đến cử chỉ, cách xử sự mọi việc không ai có thể chê cụ và ngược lại, cụ bà cũng không bao giờ chê trách ai. 

Ông bà Nguyễn Lân.

Cụ Tề luôn là điểm tựa để nhà giáo Nguyễn Lân yên tâm công tác và hoàn thành nhiệm vụ. Các con của hai cụ cho đến nay đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, họ theo nghề dạy học và nghề y đều là do sự ảnh hưởng sâu sắc từ bố mẹ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, người con gần gũi với mẹ nhiều và cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nếp sống của bà khẳng định rằng, chính tình thương vô hạn của gia đình, đặc biệt sự tận tâm của người mẹ, sự thủ thỉ hiền dịu và đặc biệt không bao giờ mắng con, đã khiến các con không thể sao nhãng chuyện học hành. Họ luôn nhìn gương mẹ để sống và làm việc cũng như ứng xử với gia đình, bạn bè, xã hội. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn nhớ, trong thời kỳ khó khăn, mỗi tối, anh em họ phải ngồi học với cây đèn dầu tự tạo bằng hộp kem đánh răng GIBB đã dùng hết... Gian khổ lắm nhưng ai nấy đều tự giác, bảo ban nhau hăng hái học tập.

Nhà nghèo, cả gia đình cụ Nguyễn Lân đông con phải sống trong ngôi nhà chật mười mấy mét vuông nhưng lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm. Chưa bao giờ các con thấy ông bà trục trặc, giận dữ hay cãi nhau. Trong hoàn cảnh khó khăn đến phải lo từng bữa ăn thường nhật, họ đã vượt qua khó khăn một cách bình tĩnh và làm cho đàn con thấy hạnh phúc. 

Nhờ đức độ của cha mẹ mà gia đình 8 người con của cụ đều trở thành giáo sư, tiến sĩ khoa học: Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất, người Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Nga Vladimir Putin phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga năm 2001. Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Giáo sư - tiến sĩ - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, là một trong những nhà khoa học đầu ngành vi sinh vật học, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học; Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Cường là nghiên cứu viên cao cấp, chuyên gia đầu đàn của bộ môn cổ nhân học; Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, giảng viên Khoa Lịch sử - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các người con của gia đình nhà giáo Nguyễn Lân.

Còn nữa, đó là giảng viên chính Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, giảng viên chính Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng, giảng viên Bộ môn Hệ thống điện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Giáo sư - tiến sĩ - thầy thuốc nhân dân Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Không chỉ 8 người con ruột mới là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà nhiều con rể, con dâu các cháu cũng là những trí thức có uy tín, có nhiều đóng góp trong các ngành khoa học, đào tạo của Việt Nam.

Bà Tề từ người phụ nữ trong nhung lụa, bước ra cuộc đời đi vào hai cuộc kháng chiến, kết hôn với một ông giáo nghèo và chấp nhận một cuộc sống vất vả, lam lũ, một mình nuôi nấng 8 người con vì chồng thường xuyên đi công tác vắng nhà. Dù là một người nhỏ bé nhưng rất kiên cường, bà để lại cho các con tấm gương lớn. Dường như không có điều gì dù gian nan, đói khổ đến mấy có thể làm bà gục ngã hay lùi bước. Cho đến một ngày người con gái duy nhất của bà, tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh mất đột ngột vì tai nạn giao thông. Sau sự ra đi của con gái, bà Tề cũng yếu dần... 

Thời điểm bà ra đi, cả gia đình liêu xiêu, đau đớn. Nhà giáo Nguyễn Lân cũng yếu hẳn, mất ngủ thường xuyên. Cụ bảo với các con, cứ nhắm mắt là nhìn thấy cụ bà và con gái hiện về. Tưởng cụ không gượng dậy nổi, nhưng may mắn, vì quyển “Từ điển tiếng Việt” còn đang làm dở nên cụ quyết tâm "phải sống". 90 tuổi, cụ bắt tay vào viết "Từ điển tiếng Việt" (dày 2.200 trang), 95 tuổi cụ viết xong và 98 tuổi cụ mất.

Nhà khảo cổ học Nguyễn Lân Cường chia sẻ: "Mẹ chúng tôi là một người phụ nữ không chỉ các con kính trọng mà sống trong khu tập thể, giữa xóm giềng ai cũng quý sự hiền lành, đức độ và tình thương yêu con người. Mẹ tôi chưa bao giờ to tiếng với ai. Riêng các con dâu thì khi mẹ tôi mất, họ khóc to hơn các con trai cụ. Tôi lấy vợ muộn, nên sống trong gia đình nhiều nhất, cũng là người được gần gũi hai cụ nhiều nhất. Cụ thương các con, nhưng cũng muốn rõ ràng để anh em không mất đoàn kết. Khi các con vay tiền thì cụ có ghi ra một cuốn sổ nho nhỏ. Điều này cụ không bao giờ nói, chỉ làm âm thầm vậy, đến khi cụ mất chúng tôi mới nhìn thấy quyển sổ ghi "nợ" lẫn với những thứ ghi chép khác. Trong đó, có lẽ cụ biết tôi đang vất vả nên cụ ghi tên tôi bảo "riêng Cường miễn trả nợ!". Đấy, cụ rất tâm lý và hiểu các con.

Sau này, trong số anh em chúng tôi có người theo đuổi âm nhạc, hội họa, thì đó là ảnh hưởng từ bà, vì bà vốn được học tiếng Pháp từ nhỏ, tham gia biểu diễn âm nhạc và biết vẽ tranh từ thời học sinh. Chúng tôi học được mẹ ở sự nhường nhịn và không bao giờ quát mắng các con. 8 người con, trong đó có 7 con trai mà chưa bao giờ bà phải dùng đến roi vọt. Mẹ tôi chỉ thủ thỉ và chăm bẵm con, nên ai cũng hiếu thuận để báo đáp cha mẹ. Sau này, các con dâu, cháu dâu cũng học được tính của bà, luôn điềm đạm trong cư xử với gia đình, chồng con. Đó là sức ảnh hưởng và giá trị to lớn của nếp nhà mà chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và phải gìn giữ...".

Giáo sư Nguyễn Lân đã có những trang viết tự thuật về cuộc đời, sự nghiệp của mình. Đó là thời điểm bà Tề mất. Dường như để gượng dậy sau nỗi đau mất mát lớn lao của cuộc đời mình, cụ đã ghi vào những trang cuối cùng: "Viết xong vào ngày giỗ hết người vợ vô cùng yêu quý của tôi". Trong đó, cụ kể lại câu chuyện mình đã từng may mắn thế nào vì đã gặp và lấy được người vợ hiền yêu thương Nguyễn Thị Tề và có được một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Cụ khẳng định: "Nhờ đức hy sinh, tận tụy của người vợ hiền trong 59 năm trời đã chăm sóc cho tôi và đã giúp đỡ tôi nuôi nấng, dạy dỗ 8 người con trưởng thành...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.