Nếu biết nhường nhịn sẽ giảm ùn tắc kẹt xe
1. Có người cho rằng, dù có mở thêm đường đi, dù có hạn chế xe đăng ký mới, xe các tỉnh cấm vào trung tâm thành phố… thì nạn ùn tắc đường, kẹt xe vẫn xảy ra mỗi ngày do ý thức con người, văn hóa giao thông còn kém. Văn hóa nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông gần như đã biến mất. Thay vào đó là những cách hành xử thô lỗ, những hành vi thiếu văn hóa càng khiến giao thông ách tắc hơn.
Văn hóa giao thông không chỉ là việc tuân thủ nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ mà còn thể hiện bằng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. Đó chính là việc nhường đường, xếp hàng, chấp hành các tín hiệu điều khiển giao thông một cách tự giác.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Văn hóa tham gia giao thông tại Việt Nam, cốt lõi là sự nhường nhịn. Hạ tầng tốt chưa đủ, quan trọng hơn hạ tầng ấy là con người. Tại Mỹ, khi qua ngã tư rất đông xe cộ, đúng lúc đèn chỉ dẫn bị hỏng. Lần lượt hai xe đi ngang, rồi hai xe đi dọc đều đặn cho đến lúc cảnh sát đến xử lý. Nếu lúc đó tất cả cùng ào lên đi là tắc. Đó là sự nhường nhịn có ý thức và thực dụng rất hiệu quả, tự giác tưởng chừng như nằm ngoài các luật định, nhưng đó là một chế tài.
Khi tham gia giao thông tại các đô thị lớn, ý thức tự giác càng hết sức cần thiết. Khoảng 20h ngày 13/9, tại ngã tư Đại lộ Hòa Bình, TP Cần Thơ, một nhóm thanh niên gồm 3 nam, 2 nữ đi trên 2 xe gắn máy đã va chạm với một người đàn ông trung niên đi xe máy mang biển số 65FB-7726. Khi va chạm xảy ra, nhóm thanh niên hung hãn nhảy xuống xe dùng tay chân và nón bảo hiểm đánh túi bụi vào người đàn ông khiến ông này gục tại chỗ. Vụ việc gây ùn tắc giao thông kéo dài, cho đến khi lực lượng công an giải quyết xong vụ việc, tình hình giao thông mới trở lại bình thường.
Một lần khác vào đầu tháng 5-2016, Công an TP Biên Hòa ráo riết truy tìm nhóm thanh niên từ trong quán nhậu trên đường Võ Thị Sáu, TP Biên Hòa (Đồng Nai) va quẹt với xe một đôi nam nữ khác đang lưu thông. Hai bên không nhường nhịn, lại gọi thêm đồng bọn trong quán nhậu ra và bên ngoài kéo đến hỗn chiến bằng ly, chai thủy tinh đánh nhau loạn xạ. Cảnh sát đã phải nổ súng bắn chỉ thiên mới dẹp được nhóm thanh niên hung hăng này.
Mới đây, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án giết người do bị cáo Nguyễn Văn Nghĩa (Nghĩa “trà đá”) gây ra. Trên Tỉnh lộ 10 thuộc huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) anh Huỳnh Cao Đỉnh chạy xe gắn máy va quẹt với xe Nguyễn Đức Nghĩa chạy cùng chiều. Thay vì nói câu xin lỗi hay nhịn nhau, hai bên dừng xe chửi mắng nhau, dùng nón bảo hiểm đánh nhau. Nghĩa đã dùng dao đâm nhiều nhát vào người nạn nhân khiến anh Đỉnh chết trên đường đưa đi cấp cứu…
Ngày nào cũng có những vụ va chạm xe khi tham gia giao thông và những cuộc cãi vã, mắng chửi nhau dẫn đến tai nạn, kẹt đường và vi phạm pháp luật hình sự đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đối tượng đa số là tuổi trẻ. Xe dừng đèn đỏ ngã ba Cách mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) bỗng có tiếng thắng gấp khiến nhiều người giật mình. Một thanh niên chạy xe gắn máy thắng gấp chạm vào phần nhựa đuôi xe một trung niên đang chở giỏ hàng sau yên xe. Thay vì có lời “xin lỗi” nhẹ nhàng cho sự cố ấy, thanh niên này còn mắng phủ đầu người trung niên “dừng lại làm đ. gì, ông không chạy thì tránh đường cho người khác…”.
Hành vi và lời nói thô lỗ của thanh niên này khiến cho những người xung quanh bực mình. Trong lúc người trung niên cẩn thận chống xe bước ra, một người đi đường đã bực mình nhảy khỏi xe đấm thẳng vào mặt tên “mất dạy” trẻ tuổi. Đang lóp ngóp bò dậy văng thêm tiếng chửi thề, gã thanh niên lại bị thêm mấy cú đánh bằng nón bảo hiểm. Sự việc khiến giao thông ùn tắc.
Xảy ra ùn tắc giao thông nhưng xem chừng cách “tự xử” này được mọi người đi đường “ủng hộ”. Hầu hết chỉ là lỗi sự cố va quẹt rất nhỏ, nhưng do hành vi, thái độ ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm nên dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã nhau dữ dội. Nhiều thanh niên trẻ chở theo sau một cô gái, khi va quẹt với xe người khác, bất luận phần lỗi, luật đúng sai, người già hay trẻ ra sao, cứ xông vào người khác đánh đấm túi bụi hoặc chửi mắng thậm tệ để “ra oai” với người đẹp.
Thậm chí nhiều vụ va quẹt tại các giao lộ đông người, giờ cao điểm xảy ra có lực lượng CSGT trực chốt, hai bên chỉ “tạm gác” lại để qua khỏi nơi đó, sau đó lập tức ép xe vào lề thượng cẳng tay, hạ cẳng chân xử lý.
Trên mạng xã hội Facebook đăng tải câu chuyện về anh tài xế taxi chạy ở khu vực Chợ Lớn bị bọn đầu gấu côn đồ làm tiền trắng trợn bằng cách vu vạ cho tài xế taxi va chạm với xe gắn máy của hắn. Một gã kêu tài xế ra khỏi xe đền tiền, nhưng anh này vẫn ngồi trong xe chịu những trận đòn chúng đánh vào đầu, mặt mũi. Khi khách ngồi sau hỏi, anh chỉ nói: một câu nhịn, chín câu lành…
Người tài xế trên chắc chắn không làm hài lòng với những người luôn căm ghét sự bất công, những kẻ hay bắt nạt kẻ yếu thế, nhưng chắc chắn sẽ là một bài học về sự nhường nhịn trong cuộc sống để được bình yên.
2. Để có một hệ thống đường bộ văn minh, hiện đại không thể không xây dựng song hành với những hành vi, cung cách ứng xử có văn hóa, lịch sự. Văn hóa nhường nhịn trong giao thông tuy không thuộc phạm trù của đạo đức học, nhưng chắc chắn phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức xã hội. Người tham gia giao thông cần phải biết nhường đường cho làn xe ưu tiên qua trước lẫn khi sự cố đèn tín hiệu giao thông bị hỏng. Bản thân người được nhường đường cũng phải biết lịch sự chào đáp lễ và chỉ sử dụng ưu tiên trong chừng mực nào đó về giới hạn, phạm vi.
Khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn, những câu xin lỗi, cảm ơn bao giờ cũng được sử dụng nhiều hơn khi giao tiếp, ứng xử. Các vụ va quẹt nhỏ xảy ra dẫn đến cãi vã, đánh nhau gây ùn tắc giao thông, thậm chí xảy ra án mạng cũng chỉ vì ai cũng cho là mình đúng luật, ai cũng cho là người khác sai nên có tâm lý ăn thua đủ, không nhường nhịn như câu chuyện về hai con dê qua một cây cầu hẹp, không con nào nhường con nào. Trên đường, rất nhiều những áp phích, pa-nô tuyên truyền về việc chấp hành luật giao thông đường bộ, cùng các biển hiệu, tín hiệu chỉ dẫn an toàn giao thông…
Thế nhưng, tình hình TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy vẫn đang từng ngày xảy ra khá nhiều về cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Người điều khiển giao thông là thủ phạm nhiều nhất, đầu tiên nhất vi phạm khi tham gia giao thông. Cơn mưa vừa dứt hạt, vài vũng nước bẩn đọng trên đường, lập tức một xe ô tô xé gió lao đến hắt toàn bộ vũng nước bẩn vào người đi đường. Những tài xế xe buýt, xe ben tải và cả mô tô… vô tư rồ ga phóng đi, xả khói đen đặc nã liên thanh như súng máy bắn thẳng vào người đi đường phía sau coi như chuyện bình thường. Còi xe ô tô được gắn tùy tiện và bấm theo sở thích.
Có khi tại giao lộ dừng đèn đỏ cũng bị còi từ phía sau bấm thúc giục. Tại giữa trung tâm thành phố, cổng bệnh viện… người ta đều có thể bấm còi tùy tiện vì lực lượng CSGT không thể đủ người để phạt khói xe xả thải ra môi trường hay việc đo âm thanh từng loại còi giữa dòng người xe xuôi ngược, ùn tắc.
Rơi vào cảnh kẹt xe, ùn tắc người và xe không thể di chuyển thoát ra khỏi khu vực đó được. Chỉ cần một sự cố va quẹt hoặc TNGT xảy ra tại một điểm ùn tắc nào đó, sẽ gây hiệu ứng domino.
Tại TP Hồ Chí Minh, các đường cắt ngang đường dọc lớn như: Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Lý Tự Trọng, Cách mạng Tháng Tám… và Nguyễn Thiện Thuật, Trương Định, Trần Quốc Thảo, Lê Qúy Đôn, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thông, Pasteur, Phạm Ngọc Thạch… gần như ngày nào, lúc nào cũng xảy ra ùn tắc, kẹt xe không chỉ giờ cao điểm.
Xây dựng nền tảng văn hóa giao thông “nhường nhịn” bắt đầu từ bây giờ tuy hơi muộn nhưng vẫn hơn. Đừng quên con số hàng ngàn bệnh nhân cấp cứu những ngày Tết hàng năm, trong đó có nguyên nhân không đáng xuất phát từ những cái đầu nóng. Và thói quen không biết nhường nhịn…
* Ảnh trong bài minh họa cho những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nhường nhịn dẫn đến xô xát, cãi vã gây ùn tắc giao thông và tai nạn từ một số vụ việc.