NSƯT Tiến Hợi: Cơ duyên, cuộc đời và sân khấu

Thứ Hai, 19/12/2016, 16:25
Nghệ sĩ Tiến Hợi có duyên may là người đóng vai Bác gây được ấn tượng thú vị và sự xúc động sâu đậm với người xem, để đến khi người ta nhắc đến diễn viên đóng vai Bác là người ta nghĩ ngay đến nghệ sĩ Tiến Hợi, hoặc nói đến Tiến Hợi người ta chỉ nghĩ đến vai Hồ Chủ tịch.

Đợt này, anh đang rất bận vì đang đảm nhận vai Bác Hồ trong cầu truyền hình trực tiếp về Lễ kỉ niệm 70 năm Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016). Tiến Hợi không phải là người duy nhất đóng vai Bác Hồ. Trước đấy đã có một số đoàn và một số nhà hát dựng về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số các nghệ sĩ đi trước đảm nhận vai diễn này; như Kịch Trung ương có NSND Mạnh Linh, Hà Văn Trọng. Kịch Hải Phòng có Ngọc Thủy; sân khấu tuồng có NSND Lê Tiến Thọ và cải lương có nghệ sĩ Sĩ Hùng...

NSƯT Tiến Hợi đóng vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Nhưng Nghệ sĩ Tiến Hợi có duyên may là người đóng vai Bác gây được ấn tượng thú vị và sự xúc động sâu đậm với người xem, để đến khi người ta nhắc đến diễn viên đóng vai Bác là người ta nghĩ ngay đến nghệ sĩ Tiến Hợi, hoặc nói đến Tiến Hợi người ta chỉ nghĩ đến vai Hồ Chủ tịch. Mà cũng chẳng hiểu sao cuộc đời của anh, số phận của anh, từ người vợ đầu gối tay ấp tới hai cậu con trai đến tuổi trưởng thành luôn gắn với một sự kiện nào đó về Hồ Chủ tịch.

Cha Tiến Hợi là người ở thành phố Vinh, Nghệ An, mẹ anh là người Hà Nội. Cha gặp mẹ rồi hai người nên duyên vợ chồng. Mẹ sinh anh ra tại mảnh đất thủ đô vào những năm kháng chiến chống Mỹ 1959. Phải chăng chính vì vậy mà trong anh vẫn có dư âm chất giọng xứ Nghệ, để mỗi lần diễn xuất cần biểu đạt truyền cảm giọng nói của vị cha già dân tộc, khán giả thấy thật gần gũi và thân thương là vậy.

21 tuổi anh về công tác ở Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn quân khu 2. Anh đóng nhiều vai nhưng chỉ đến năm 1987, năm Đinh Mão, Đoàn quyết định dựng vở kịch "Đêm trắng" của tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Ban đầu đoàn chủ trương định mời những nghệ sĩ đóng Bác Hồ về tham gia cho vở diễn này. Nhưng vì đoàn đi lưu diễn rất nhiều, mượn các nghệ sĩ khác sẽ không có điều kiện và thời gian đi cùng đoàn nên ban lãnh đạo họp rồi đưa đến quyết định sẽ tìm một nghệ sĩ ngay trong đoàn sẽ tốt hơn.

Tiến Hợi, lúc đó mới 28 tuổi và một diễn viên nữa được gọi để thử vai. Công việc đầu tiên là đi thử hóa trang. Anh kể: "Thời kì đó tôi cũng rất gầy, người dong dỏng, cao 1m7 nặng khoảng 53 kg. Hai diễn viên chúng tôi gặp NSƯT Nhữ Đình Nguyên, một nghệ sĩ hóa trang số 1 của Hãng phim truyện Việt Nam để hóa trang rồi chụp ảnh đối chiếu. Trong hai người, tôi lợi thế hơn, hóa trang nhanh mà chụp ảnh thử thì thấy có nét hao hao giống. Và nghệ sĩ Nhữ Đình Nguyên nói: "Tiến Hợi là người toát lên thần thái ánh mắt, khuôn mặt rất lợi thế để đóng vai Bác, lại thêm dáng người dong dỏng rất phù hợp với bối cảnh vở diễn kịch vào những năm đó".

Đây là một vở kịch đầu tiên nói về Bác Hồ sâu đậm nhất và đi vào chi tiết nhất, và so với tất cả các vở diễn khác trước đây Bác Hồ thể hiện tính cách rõ nét nhất. Vở kịch được lấy từ một câu chuyện có thật trong cuộc kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn năm 1947, 1948, 1950, Bác Hồ đã phải quyết định xử tử một đại tá quân nhu khi ông này mắc tội biển thủ công quỹ nhà nước.

Nghệ sĩ Tiến Hợi được giao trọng trách đảm nhận vai diễn này, anh vừa mừng vừa lo. Có một áp lực đè lên người diễn viên trẻ, những câu hỏi văng vẳng trong đầu: Câu chuyện kịch quá hay liệu mình có hoàn thành được trách nhiệm cao cả này không? Những nghệ sĩ đi trước cũng đã thành công, liệu mình có được như họ? Khán giả có chấp nhận mình đóng vai Bác hay không? Những câu hỏi và cảm xúc hỗn độn cứ váng vất trong đầu người diễn viên trẻ.

NSƯT Tiến Hợi.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang bằng trực giác của mình mỗi lần gặp người diễn viên mà mình đã chọn, ông thấy cậu thanh niên này có gì đó bối rối liền trấn an, nhỏ nhẹ bảo: "Tiến Hợi cố gắng lên, Tiến Hợi đạt được phần hóa trang rất ổn rồi". 

Nhờ có sự động viên của một đạo diễn nổi tiếng mà anh lấy được tinh thần rồi vạch ra một kế hoạch. Anh tìm đến Hãng phim Tài liệu Quân đội, mượn tất cả phim tài liệu nói về Bác Hồ thời kì ở chiến khu Việt Bắc mang về đoàn và ở đoàn cử riêng một người chiếu những bộ phim tài liệu này lên một cái phông trắng để cho riêng Tiến Hợi xem. Anh chăm chú xem hình ảnh Bác ngồi ở bàn làm việc, Bác cưỡi ngựa, Bác hút thuốc lá, Bác viết, ngay cả khi Bác ốm phong thái của Bác ra sao. Nắm tất cả đường nét ấy để xây dựng cho riêng mình hình hài nhân vật trong vở diễn.

Anh tìm đến Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi lại tới Viện lưu trữ để tìm nghe một số băng các bài phát biểu của Bác. Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày mồng 2/9/1945. Bác Hồ nói chuyện với đồng bào ở nông thôn. Bác Hồ nói chuyện với các cụ phụ lão. Bác Hồ nói chuyện với thanh thiếu niên… Mượn được băng về, băng cối rất to, ngày nào người diễn viên trẻ ấy cũng miệt mài nghe. Một lịch tập luyện được đặt ra, sáng tập diễn ở đoàn với đạo diễn, chiều đến thì xem băng tài liệu, tối thì về nhà nghe băng của Bác nói chuyện. "Nghe làm sao để âm lượng chất giọng của Bác hòa vào trong tôi. Tai nghe của tôi thẩm thấu vào, để nghe được âm thanh và hình ảnh của Bác lúc nào cũng vang vọng trong tâm trí mình."

Nghệ sĩ Tiến Hợi nhớ lại những tháng ngày in dấu ấn cuộc đời diễn xuất của anh: Sau thời gian dàn dựng thì cuối cùng cũng đến ngày vở diễn ra mắt duyệt tại Nhà Hát Lớn TP Hà Nội. Hôm đón tiếp mời quan khách của Bộ Chính trị, các đồng chí  Ủy viên Trung ương Đảng, và những lãnh đạo quân đội về dự. Ngồi ở hàng ghế khán giả có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Vũ Kì, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bác Đỗ Mười… Buổi duyệt đầu tiên ấy diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội đã thành công, cảm xúc lúc đấy không bao giờ có thể quên được. Tình cảm của khán giả dành cho nghệ sĩ dạt dào, sâu lắng lắm. Áp lực của tôi là phải làm sao thể hiện vai đó đạt được bao nhiêu thì hết sức mình. Tôi diễn hết mình say sưa bằng toàn bộ khả năng diễn xuất của tôi, bằng lòng kính trọng vô bờ đối với Bác, bằng cả tình yêu say mê của thời tuổi trẻ lần đầu đảm nhận vai diễn lớn. Khi vở diễn kết thúc, tôi ra chào khán giả thì toàn bộ khán giả đứng lên vỗ tay. Khi tôi diễn trên sân khấu thì ở dưới khán giả dâng trào nước mắt, và họ không kìm được nước mắt.

Sau khi tôi diễn xong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tặng hoa cho tôi. Miệng Đại tướng cười nhưng nước mắt chảy giàn giụa và Đại tướng chỉ nói được hai từ: "Cảm ơn! Cảm ơn!". Đó là cảm xúc mình thấy mình đã thành công đến khi rút vào trong cánh gà rồi vẫn còn tiếng vỗ tay. Sau đó, bác Vũ Kì là người đã từng ở cạnh Bác, là thư kí của Bác, vào phòng hóa trang của tôi, chờ tôi tẩy trang xong, ông ôm tôi khóc, vỗ vai tôi nói: "Tốt quá! Tốt quá! Cảm ơn nghệ sĩ. Cậu trẻ thế này mà cậu thể hiện được thần thái của Bác. Tôi xem, tôi xúc động quá!".

Đúng vậy, đây là vở kịch khi ra mắt khán giả đã gây được tiếng vang vì dư luận lúc đó rất quan tâm đến vấn đề nổi cộm, chống tiêu cực, biển thủ công quỹ. Nhiều người muốn xem sự việc sẽ được giải quyết như thế nào? Và càng hồi hộp hơn một sự việc có thật trong lịch sử được dàn dựng và đưa lên sân khấu ra sao? Trong vở kịch "Đêm trắng" có cảnh Bác Hồ đập bàn, chỉ tay vào mặt Đại tá cục quân nhu mắc tội biển thủ công quỹ. "Đêm trắng" được diễn hơn 300 đêm khắp các tỉnh biên giới phía bắc để phục vụ bộ đội và đồng bào dân tộc. Anh rưng rưng nhớ lại: Đêm nào cũng thế, khán giả kéo đến rất đông.

Có một kỉ niệm, khi tôi diễn ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, vở kịch đến hồi Bác nói chuyện với bộ đội, chiến sĩ về việc người đại tá cục quân nhu biển thủ công quỹ thì có một cụ già đứng dậy giơ tay bảo: "Xin phép Bác cho cháu phát biểu ý kiến". Tôi bị bất ngờ. Bà cụ cảm giác Bác gần gũi như đang hiện hữu trước mắt, khán giả liền bảo: "Cụ ơi, cụ ngồi xuống đi để mọi người đang xem". Bảo vệ lách vào đưa cụ già ra. Cụ già ngồi ở cánh gà để chờ tôi. Diễn xong vở kịch, tôi xuống, lúc đấy vẫn còn mặc nguyên quần áo Bác Hồ và chưa kịp tẩy trang, đến cạnh cụ và bắt tay cụ, tự nhiên cụ quỳ thụp xuống vái.

Tôi đỡ cụ dậy bảo: "Cụ ơi, cháu chỉ là diễn viên, cháu đóng vai Bác Hồ". Bà cụ chậm rãi nói: "Tôi biết chứ, nhưng sống động quá. Tôi xúc động quá!" Và cụ kể ngày xưa chính cụ là cán bộ trong trung đoàn đóng quân ở biên giới phía Bắc tham gia chống Pháp. Cụ như bao đồng đội khác, đã trải qua thống khổ vì ăn không đủ, chịu những cơn sốt rét rừng hành hạ vì thuốc không có để uống. Mùa đông giá buốt, áo không đủ ấm vì có áo trấn thủ để cấp cho bộ đội thì chính tay đại tá quân nhu này đã biển thủ, rồi lấy vỏ sui đập dập, may vỏ ngoài bọc để giữ ấm cho người nhưng không ngờ mưa xuống ngấm mủn và ướt hết, làm giảm sức chiến đấu của chiến sĩ. Chính vì thế Bác Hồ phải trực tiếp đi điều tra, xuống thăm tất cả các đơn vị Bộ đội thời chống Pháp để biết thực tế bộ đội chiến sĩ chúng ta khổ thế nào và quay về Bác hứa cương quyết giải quyết vụ này thấu đáo để trả lại lòng tin của nhân dân đối với quân đội.

 Bà cụ nói là đã từng trải qua giai đoạn đầy khó khăn đấy và khi thấy nghệ sĩ đứng trên sân khấu gần gũi, thân mật, tự nhiên quá thì tình cảm ấy ập đến với người dân như bà khiến bà không thể nào kìm được cảm xúc. Bà cụ bảo: "Tôi cảm giác Bác đang hiện lên bằng da bằng thịt ở ngay trước mắt tôi".

Sau khi đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch "Đêm trắng", hơn 300 đêm cũng là mối tình của anh chớm nở với người đảm nhận hóa trang vai Bác cho anh. Số là NSƯT Nhữ Đình Nguyên là người ở hãng phim truyện Việt Nam, ông không thể theo đoàn kịch mãi được, nên đã cử một cô học trò đảm nhiệm việc này đi theo đoàn. Ban đầu anh và cô nữ hóa trang quê Nam Đàn xưng hô chú cháu, rồi chuyển thành anh em tự lúc nào... Tình yêu đến một cách thật nhẹ nhàng, tự nhiên, và họ đã tổ chức đám cưới.

Năm 1988, anh chuyển về công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, vợ anh cũng cùng đi theo anh. Cuộc sống khó khăn, chị chấp nhận thôi làm nghề diễn viên để ở nhà mở cửa hàng may có thêm thu nhập cho chồng yên tâm công tác. Anh bao giờ cũng là gương mặt đạo diễn lựa chọn đầu tiên khi giao đóng vai Bác Hồ. Và bao giờ người hóa trang cho anh không ai khác chính là vợ anh.

Anh kể: anh về Nam Đàn quê Bác nhờ sư thầy làm lễ xin rước tượng Bác về nhà để thờ cúng. Anh có 2 người con trai. Năm 1989 khi đang đóng phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" thì vợ anh mang bầu cậu con trai đầu. Năm 1990 là năm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, cũng vào năm này vợ anh sinh con đầu lòng, nên anh đặt tên con là Nguyễn Vương Thành. Anh bảo anh đóng vai Nguyễn Tất Thành. Anh họ Nguyễn. Vợ anh họ Vương. Lấy hai họ của vợ và chồng ghép vào làm tên đệm cho con.

Một dấu mốc đáng nhớ thứ hai là năm 1996 anh tham gia phim "Hà Nội mùa đông năm 1946" - Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh. Quay xong bộ phim thì vợ anh lại mang bầu, đến năm 1997 vợ anh sinh cậu con trai thứ hai, anh đặt tên là Nguyễn Vương Nam. Anh bảo: Hai cậu con trai gắn liền với 2 bộ phim truyện nhựa mà anh thể hiện. Đấy là mốc lịch sử của gia đình. Ngót nghét gần 30 năm nay, ngoài việc đóng vai Bác trong phim truyền hình, điện ảnh, sân khấu anh còn tham gia nhiều các chương trình sự kiện, lễ hội tại các tỉnh, thành phố và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp diễn viên với một vai diễn gần như chuyên biệt ấy.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.