Nghệ sĩ Tiến Hợi, người đóng nhiều vai diễn về Bác Hồ nhất

Thứ Hai, 20/05/2013, 09:18
Với trên 40 vai diễn về Bác, ở cả sân khấu lẫn điện ảnh, truyền hình, nghệ sĩ Tiến Hợi (Nhà hát Kịch Hà Nội) là một trong hiếm hoi nghệ sĩ vào vai Bác Hồ nhiều nhất và cũng thành công nhất cùng lúc ở nhiều thể loại.

Từng xem anh vào vai Bác Hồ trong kịch “Đêm trắng”, phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”, tôi thực sự ngạc nhiên khi ngoài đời, anh rất trẻ so với tuổi 54. Không có dáng dấp một “ông già” ở người diễn viên có gương mặt hiền và đôi mắt sáng. Vậy mà anh đã vào vai một cách xuất sắc. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, câu chuyện của chúng tôi lại xoay quanh những vai diễn về Bác của anh.

PV: Chào nghệ sĩ Tiến Hợi! Vai diễn về Bác đầu tiên anh đảm nhận là khi nào?

NS Tiến Hợi: Năm 1987, Đoàn Nghệ thuật Quân khu II dàn dựng vở kịch “Đêm trắng” (tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn Doãn Hoàng Giang). Lúc này, tôi đang công tác tại đoàn và được giao thể hiện hình tượng về Người. Đây là vinh dự lớn, cũng là trọng trách nặng nề với một diễn viên còn chưa nhiều kinh nghiệm như tôi: thể hiện vai diễn của vị lãnh tụ khi Người gần 60 tuổi, lại ở thời điểm quyết định số phận một con người, vào lúc tôi mới 28 tuổi.

PV: Anh có thể chia sẻ về những cố gắng để có được vai diễn ghi dấu ấn này?

NS Tiến Hợi: Tôi phải xem rất nhiều phim tư liệu về thời kỳ Hồ Chủ tịch hoạt động ở chiến khu, khi Người nói chuyện với các tầng lớp nhân dân, để tìm hiểu từ phong thái, đến cách đi đứng và cả chất giọng của Bác. Suốt 2 tháng liền, cứ sáng tập, chiều xem phim, tối nghe băng Bác nói chuyện, để tập luyện cho giống.

Nghiên cứu cách nói của Người, tôi nhận ra nét đặc biệt riêng, là cách phát âm rõ ràng, dứt khoát, pha chút dí dỏm. Các động tác, cử chỉ, ngoại hình, biểu cảm của Người tùy theo từng đối tượng và hoàn cảnh. Tất nhiên, nắm bắt những nét đặc trưng để sáng tạo, biến cái của mình thành nhân vật.

Trong vở “Đêm trắng”, tôi khắc họa hình ảnh Bác Hồ phải xem xét án tử hình một cán bộ có chức vụ cao trong quân đội đã thoái hóa, biến chất, nên Người phải đắn đo, trăn trở rất nhiều trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, tôi phải khai thác tâm lý để làm đậm nét tính cách đầy bao dung, nhưng cũng rất kiên quyết của Bác Hồ.

Sau khi nghiên cứu kỹ kịch bản, tình huống sự việc, tôi mạnh dạn khai thác sự bực bội của Bác ở cảnh thấy vị cán bộ nọ quỳ gối xin tha tội. Cách xử lý sáng tạo này lần đầu xuất hiện, nhưng được đạo diễn và mọi người ủng hộ, vì góp phần làm bật lên tính cách của Người.

Nghệ sĩ Tiến Hợi trong vai Bác Hồ.

Hơn 300 buổi diễn “Đêm trắng”, hình tượng Bác Hồ đều được khán giả yêu mến bởi sự dung dị, đời thường, gần gũi, thân thương. Mỗi lần diễn, khán giả đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt khi Bác Hồ xuất hiện, khiến không chỉ họ, mà chính tôi cũng xúc động rưng rưng. Với thành công của vai diễn này, tôi đã có một dấu ấn trong lòng khán giả.

PV: Anh có thể kể về ký ức khi đóng Bác Hồ trong phim điện ảnh đầu tiên của mình?

NS Tiến Hợi: Sau thành công của “Đêm trắng”, tôi được đạo diễn Long Vân mời đóng vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Lúc này, tôi đã ngoài 30 tuổi, nhưng phải đảm nhận vai diễn mới ở tuổi hai mươi.

Để tìm hiểu về Người thời gian này, tôi vào Huế, Sài Gòn, gặp những người lớn tuổi để tìm hiểu về cách sống của thanh niên thời kỳ đầu thế kỷ XX, rồi trao đổi với tác giả nhà văn Sơn Tùng, tìm hiểu thêm tư liệu về chặng đường hoạt động của Bác và xác định được, Bác Hồ lúc này mới chỉ là một thanh niên yêu nước, thương dân trong bối cảnh thực dân Pháp đàn áp và bóc lột nhân dân, chứ chưa hình thành con đường cách mạng, để thể hiện cho ra tính cách người thanh niên thông minh giàu nghị lực, trong sáng và có tình yêu nước nồng nàn.

Nhiều phân đoạn thể hiện tâm lý nhân vật khá phức tạp, như khi Nguyễn Tất Thành đứng hầu bên cạnh khi cha ngồi bình thơ cùng các bạn ông: thể hiện thái độ phấn khởi qua ánh mắt, nét mặt khi giải được đề mà các bạn của cha ra, chứ không phải bằng cử chỉ.

Hay ở cảnh chia tay với cô bạn gái đang khóc bên gốc dừa, tôi phải diễn sao cho thật tình cảm, lưu luyến, mà không được phép chạm vào người cô. Sau khi bàn bạc với đạo diễn, tôi đã lột tả tâm trạng của nhân vật qua những bước chân vội đến, định chạm vào vai cô, lại rụt tay lại, vì tiếng còi tàu cất lên giục giã… Vai diễn đã gây cảm xúc mạnh với người xem và góp phần cho thành công cho bộ phim.

PV: Khi đóng vai Bác Hồ trong “Hà Nội mùa đông năm 1946” của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, anh có gặp khó khăn gì?

NS Tiến Hợi: Bộ phim lấy bối cảnh năm 1946, đất nước trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng: cách mạng đang còn trứng nước, mà Pháp, Nhật liên tục tấn công ta. Hồ Chủ tịch phải đứng trước lựa chọn lớn: đánh hay tạm rút lên chiến khu để bảo toàn lực lượng? Vì thế, tôi phải khai thác cho vai diễn tính cách của Người trong giai đoạn này là sự kiên quyết, dung dị nhưng vẫn dí dỏm và cả tiết kiệm nữa, để khắc học được hình ảnh Người trong thời khắc lịch sử của dân tộc: ở cảnh Người chuẩn bị lên chiến khu, người họa sĩ vẫn loanh quanh định vẽ, thì Người bảo: “Khi nào thư thư, bác sẽ dành cho chú vài ngày mà vẽ”. Rồi Người đùa: “Chú thì chỉ vẽ con gái là giỏi thôi”. Hay lúc định rút bao diêm châm thuốc, chợt nhìn thấy ngọn đèn, Người bèn cất diêm đi, châm thuốc từ đèn để tiết kiệm …

PV: Mấy chục vai diễn đều về Bác Hồ, anh có sợ lặp lại mình một cách vô thức?

NS Tiến Hợi: Tôi không sợ điều đó. Vì ngay vở “Đêm trắng” với hơn 300 đêm diễn, mỗi lần vào vai Bác, là một lần cảm xúc khác cùng những bổ sung, hoàn thiện, chắt lọc, chỉnh sửa, không lần nào giống lần nào. Thế nên, ở các vở kịch, bộ phim khác, vẫn là nhân vật Bác nhưng ở những hoàn cảnh khác nhau, đối tượng mà Người tiếp xúc cũng khác nhau, đòi hỏi tôi phải tìm tòi, nghiên cứu tâm lý, chất giọng, phong thái của Người phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh và thời gian.

PV: Thành công với vai diễn về Bác Hồ là vinh dự, nhưng cũng là áp lực cho nghệ sĩ. Điều này có ảnh hưởng tới việc nhận vai diễn về sau của anh?

NS Tiến Hợi: Khi đã có vai diễn đạt đến sự thành công như thế, người nghệ sĩ phải biết giữ gìn. Sau vai diễn Bác Hồ, tôi phải cân nhắc, lựa chọn khi được mời, đương nhiên là không thể nhận các vai phản diện.

Với người nghệ sĩ, không được thể hiện ở nhiều màu vai khác nhau, cũng là một thiệt thòi, nhưng bù lại, tôi luôn được vinh dự và tự hào khi đã được tìm hiểu và trải nghiệm nhiều giai đoạn trong cuộc đời một vị lãnh tụ được cả dân tộc kính yêu.

PV: Cảm ơn nghệ sĩ Tiến Hợi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.