Hong Kong "lung lay" trong cơn bão tranh cãi Trung-Mỹ?

Thứ Hai, 06/07/2020, 15:34
Hong Kong lâu nay được xem là "cánh cửa thần kỳ" giúp Trung Quốc tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu, song vị thế này của Hong Kong đang "lung lay" hơn bao giờ hết khi chính quyền Mỹ tước bỏ quy chế đặc biệt về thương mại dành cho thành phố.

Ngày cuối cùng của tháng 6-2020 được xem là dấu mốc khó quên trong lịch sử của đặc khu Hong Kong, khi Trung Quốc chính thức thông qua luật an ninh mới cho đặc khu. Văn kiện này hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, được phía Trung Quốc mô tả là để chống lại nhóm nhỏ các thành phần mang tư tưởng cực đoan.

Tuy nhiên, Mỹ, Anh và các quốc gia thân cận lại cho rằng luật an ninh này đã "phá hủy các quyền tự do" mà cư dân Hong Kong đã được hứa hẹn, đồng thời làm suy yếu quyền tự trị của thành phố.

Một ngày trước khi dự luật được thông qua ở Bắc Kinh, từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ bắt đầu quá trình tước bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong, bằng việc ngừng xuất khẩu thiết bị quốc phòng và hạn chế sự tiếp cận của đặc khu hành chính này với các sản phẩm công nghệ cao. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thì loan báo các quy định ưu đãi cho Hong Kong so với Trung Quốc đại lục, gồm các ngoại lệ về giấy phép xuất khẩu, sẽ lập tức bị ngưng lại.

Các bước đi tiếp theo chưa được Mỹ công bố, song thái độ cứng rắn của Mỹ là không cần bàn cãi khi lưỡng viện quốc hội nước này ngày 2-7 thậm chí đã thông qua với tỉ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối dự luật trừng phạt nhằm vào các cá nhân, nhóm người Trung Quốc có liên quan đến dự luật an ninh Hong Kong.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư ở Hong Kong đang tính toán dời tài sản tới nơi khác để tránh rủi ro. Ảnh: Getty Images.

Bloomberg cho biết, dù đã được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, song thỏa thuận trao trả đã giữ lại một số điều khoản nhất định trong vòng  50 năm để Hong Kong tiếp tục có một nền kinh tế thị trường tự do cùng nền tư pháp cởi mở, tự chủ lập pháp. Cùng với nhiều quốc gia, Mỹ đã ban bố những quy định coi Hong Kong là một thực thể thương mại tách biệt, cho phép Hong Kong hoạt động như một lãnh thổ hải quan độc lập so với Trung Quốc đại lục.

Hơn 2 thập niên qua, khi Trung Quốc vươn lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Hong Kong - với vai trò cầu nối - đã khéo léo vận dụng vị trí địa lý thuận lợi, các thỏa thuận miễn visa, luật lệ thuận lợi, tính công bằng cao, đồng tiền định giá theo USD và một cảng biển tự do... để biến mình thành trung tâm tài chính quốc tế quan trọng, chỉ sau New York (Mỹ) và London (Anh). "Hong Kong có quan hệ thương mại đặc biệt với nhiều loại thuế và quy định, cho phép thành phố giao dịch thương mại tự do, đặc biệt trong các thị trường vốn", Rebecca Harding, chuyên gia của Coriolis Technologies, bình luận với BBC.

Nhưng hiện tại, với các bước đi của Mỹ, các chuyên gia cảnh báo, Hong Kong đang trên đà bị đối xử giống như những thành phố khác ở Trung Quốc đại lục. Điều đó có nghĩa là hàng hóa của Hong Kong sẽ phải chịu thuế bổ sung, bao gồm cả những khoản thuế trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Bình luận về những tác động đầu tiên đến với Hong Kong, chuyên gia Tim Summers thuộc Chatham House nói: "Quy chế thương mại sẽ buộc các công ty phải tính toán lại. Doanh nghiệp có thể chọn chuyển hàng trực tiếp qua các cảng ở Trung Quốc đại lục thay vì Hong Kong. Và thuế tăng đồng nghĩa với giá hàng hóa, dịch vụ tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người tiêu dùng".

Một số nhà quan sát khác thì cho rằng các bước đi của Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh tại Hong Kong suy yếu dần. Đối với các công ty có mong muốn làm ăn với Trung Quốc, Hong Kong sẽ vẫn là lựa chọn tốt, song các mảng hoạt động tài chính khác rất dễ phải chuyển sang thị trường ít gây tranh cãi hơn. Mảng kinh doanh không liên quan Trung Quốc này có thể gây tác động lớn khi có đến 2/3 giao dịch tiền tệ ở Hong Kong không liên quan đến đồng HKD hay nhân dân tệ của Trung Quốc và hơn một nửa tài sản quỹ đầu tư được đầu tư vào châu Âu, châu Mỹ và các khu vực khác của châu Á.

Có một thực tế là, dù Hong Kong là nơi có những quy định cởi mở, song không phải là nơi duy nhất làm như vậy. Một loạt quốc gia khác như Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng đang ban bố những chính sách nhằm thu hút giới đầu tư tài chính để trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Nguồn tin của Economic Times ngày 2-7 cho biết một số nhà đầu tư gián tiếp từ nước ngoài tại Hong Kong dường như đang tìm cách chuyển tài sản của mình tới Tokyo.

Từ phía Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh, khi quyết áp đặt luật an ninh với Hong Kong đã tính toán trước khả năng vướng vào một cuộc tranh cãi mới với Mỹ. "Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi chính sách thương mại với Hong Kong, đặc khu này sẽ lao đao nhưng đó không phải là đòn chí mạng với Trung Quốc", Tim Summers bình luận.

Theo Đài CNBC, Hong Kong đã không còn quá quan trọng đối với Trung Quốc như trước. Vào những năm 1990, Hong Kong chiếm tỉ trọng 27% trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng tới nay, đặc khu này chỉ chiếm chưa đến 3%. Một số người cho rằng các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải sẵn sàng kế thừa vai trò của Hong Kong, nhất là khi Thượng Hải mới đây đã vượt Hong Kong về Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu năm 2020.

Dẫu vậy, có những quan điểm cho rằng việc xem nhẹ tác động đến với Hong Kong sẽ là sai lầm và Trung Quốc chắc chắn sẽ có những bước đi tương ứng để cứu vãn tình thế. Số liệu lấy từ các cơ quan chức năng Trung Quốc và Hong Kong cho thấy đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) thông qua Hong Kong vào Trung Quốc đạt 90 tỷ USD trong năm 2018, tương đương 65% đầu tư vào Trung Quốc.

Trong khi đó, FDI từ Trung Quốc ra thị trường ngoại thông qua Hong Kong là 87 tỉ USD cùng năm, tương đương với 61% tổng FDI ra nước ngoài của Trung Quốc, một tỷ lệ khổng lồ.

Thiện Nhân
.
.
.