Giải Nobel Văn học 2015 dành cho “tượng đài dũng cảm đối diện với khổ đau”

Thứ Năm, 15/10/2015, 17:35
Nữ văn sĩ người Belarus Svetlana Alexievich, người kể những câu chuyện lịch sử bi thương của hàng ngàn nạn nhân sống sót sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được vinh dự nhận giải Nobel văn học năm 2015. Alexievich trở thành nữ nhà văn thứ 14 nhận giải thưởng danh giá kể từ khi giải này được trao vào năm 1901.

Alexievich sinh ngày 31/5/1948 tại thành phố Ivano Frankovsk trong một gia đình viên chức. Cha bà là người Belarus, mẹ là người Ukraine. Sau khi tốt nghiệp bà làm phóng viên cho một tờ báo địa phương ở thành phố Narovl.

Khi công bố giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã khen ngợi những dòng văn đa âm sắc của nữ văn sĩ Belarus, ví chúng như "tượng đài dũng cảm đối diện với khổ đau trong thời đại của chúng ta". Viện Hàn lâm Thụy Điển gọi điện báo tin mừng khi bà đang làm việc nhà. Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình SVT (Thụy Điển), nhà văn Svetlana Alexievich chia sẻ, lòng bà xốn xang khi biết mình đoạt giải thưởng cao quý này, đồng thời cho biết bà sẽ dùng số tiền thưởng 775.000 bảng Anh để "mua sự tự do cho bản thân".

"Tôi đã dành nhiều thời gian để viết sách, từ 5 đến 10 năm. Tôi hiện có 2 ý tưởng cho những tác phẩm mới, do đó tôi rất vui vì bây giờ mình có quyền tự do để sáng tác", bà nói với STV.

Svetlana Alexievich chuyên viết truyện ngắn, tiểu thuyết và phóng sự, bà cho biết văn phong của mình chịu ảnh hưởng của bậc tiền bối - đại văn hào Belarus Ales Adamovich, người phát triển thể loại văn học mà ông gọi bằng nhiều tên khác nhau: "tiểu thuyết hợp chúng" hay còn gọi "tiểu thuyết tự chứng", tức thể loại tiểu thuyết nhân vật kể về bản thân.

Theo bà Sara Danius, thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, suốt mấy chục năm qua Alexeivich cần mẫn vẽ bức tranh Xôviết và hậu Xôviết. Nhưng không phải phản ánh những biến cố lịch sử mà nói về lịch sử chứa đầy cảm xúc, những sự kiện lịch sử ấy được bà nhắc đến trong nhiều tác phẩm khác nhau, chẳng hạn thảm họa Chernobyl.
Nữ văn sĩ người Belarus Svetlana Alexievich.

Alexievich đã phỏng vấn hàng trăm người bị ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân, từ một phụ nữ đau đớn, vật vã, ôm chặt xác người chồng đã chết, dù khi đó các y tá có nói: "Đó không còn là một con người nữa mà là một lò phản ứng hạt nhân" cho đến những người lính Xôviết không sợ hiểm nguy dũng cảm đến giúp dân.

Khi nhắc đến tác phẩm “Không phụ nữ nào không phải đối mặt  với chiến tranh” rất nổi tiếng (đã được dịch sang tiếng Việt đăng trên Tạp chí Sông Hương năm 2012, nhà văn Nguyên Ngọc dịch), nói  về sự hy sinh vĩ đại của hơn 1 triệu phụ nữ Xôviết, hầu hết hy sinh vô danh trong Thế chiến II để bảo vệ nước Nga Xôviết, bà Sara Danius bình luận: "Đó là một cách phản ánh chiến tranh theo quan điểm mà hầu hết các tiểu thuyết trước đó chưa từng đề cập. Tác phẩm kể về hàng ngàn phụ nữ trên chiến trường trong khoảng 1 triệu phụ nữ Xôviết đã tham gia chiến tranh, và phần lớn trong số họ vô danh trong lịch sử. Đó là một tư liệu đầy cảm động, đồng thời cho bạn gần hơn với từng nhân vật".

Sự quan tâm của tôi đối với cuộc sống không đơn thuần chỉ là sự kiện, không đơn thuần chỉ là chiến tranh, không đơn thuần chỉ là Chernobyl và không đơn thuần là sống - chết. Những gì mà tôi quan tâm luôn xảy ra bên trong mỗi con  người, xảy ra trong thời đại của chúng ta. Cách mà con người cư xử và đối đãi với nhau", Alexievich viết trên trang web cá nhân.

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.
.