Dưới những ngón tay của nhà văn anh hùng

Thứ Sáu, 30/07/2021, 08:43
Nhà văn Sơn Tùng là thương binh nặng hạng 1/4. Trên thân thể ông mang 14 vết thương, thường xuyên làm ông đau nhức những lúc trái gió trở trời. Bàn tay trái của ông chỉ còn 3 ngón, và bàn tay phải thì co quắp. Nhưng ông để lại sự nghiệp văn học đồ sộ với hơn 20 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, trong đó không ít tác phẩm gây xúc động mạnh mẽ trái tim bạn đọc nhiều thế hệ.

Dưới những ngón tay không lành lặn của nhà văn anh hùng trở về từ chiến tranh là một gia tài chữ. Những con chữ chứa đựng biết bao tâm tư của người cầm bút về số phận con người, về tình yêu quê hương đất nước. Dưới những ngón tay không lành lặn của nhà văn anh hùng, từng trang viết bay lên như cánh chim chở nặng những giá trị sâu sắc về cuộc đời.

1. Nhà văn Sơn Tùng là nhà văn Việt Nam đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Ông thực sự xứng đáng với danh hiệu này. Cả cuộc đời của ông chỉ tâm niệm hai chữ lao động và cống hiến cho đời, cho đất nước, giữ gìn phẩm cách, khí tiết của người lính, người trí thức trong mọi hoàn cảnh, dầu là chiến tranh hay thời bình. Sơn Tùng không muốn trở thành một tấm gương, nhưng thực sự ông đã là một tấm gương cho tất cả những ai đam mê nghề cầm bút và muốn phụng sự công việc của một nhà văn đúng nghĩa.

Nhà văn Sơn Tùng.

Sinh ra và lớn lên ở một làng chài nghèo vùng Diễn Châu - Nghệ An, mồ côi cha từ sớm, Sơn Tùng sống trong sự đùm bọc của mẹ và bà con chòm xóm. 16 tuổi người thanh niên ấy đã đi theo cách mạng, hoạt động sôi nổi trong các phong trào thanh niên, sinh viên. Sau giải phóng Thủ đô, Sơn Tùng học trường Đại học Nhân dân và trở thành cán bộ tuyên truyền. Rồi ông đi làm báo, trở thành phóng viên Báo Tiền Phong, lăn lộn đưa tin viết bài khắp các chiến trường quân khu 4 thời chống Mỹ.

Sơn Tùng vai đeo súng, tay cầm bút, vừa đánh giặc vừa làm văn hóa, viết báo làm thơ, viết truyện ký và làm tư liệu với ý thức rõ ràng chuẩn bị cho những tác phẩm văn học lớn sau này. Bom đạn của kẻ thù đã tàn phá 81% sức khỏe của ông trong một trận tấn công đầu mùa hè năm 1971, các mảnh đạn M79 găm đầy cơ thể. Trở về hậu phương, Sơn Tùng là một thương binh nặng, vẫn còn 3 mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ gắp ra được.

2. Tưởng như tàn phế, nhưng ý chí và khát vọng vươn lên đã khiến Sơn Tùng chiến thắng số phận. Ông xác định rõ con đường của mình là cầm bút và kiên định nhích từng bước trên con đường ấy. Sơn Tùng không ngừng trau dồi tri thức, miệt mài đọc và viết. Giữa căn nhà nhỏ xíu trong ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, một người đàn ông cũng  bé nhỏ, ngày qua ngày với những ngón tay co quắp đã viết hàng vạn trang sách, trong mồ hôi rơi mùa hè, trong cái lạnh tái tê mùa đông, và trong những cơn đau buốt  vết thương chiến tranh ngày trở gió.

Bà Hồng Mai, người vợ hiền của nhà văn Sơn Tùng kể lại, có những hôm ông đang viết thì bị động kinh, di chứng của những mảnh đạn còn găm trong sọ não và ngã rất mạnh xuống sàn nhà, máu chảy ướt cả vai áo mà trên tay vẫn còn cầm cây bút. Thương chồng, có những khi bà Mai phải buộc ông vào ghế để tránh cho ông bị ngã.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng.

Căn phòng văn Sơn Tùng ngồi viết chỉ chừng 4m². Là nơi bàn tay ông lết từng nét chữ khó nhọc để hàng chục tác phẩm giá trị ra đời, cũng là nơi nhiều trí thức, thậm chí cả nguyên thủ quốc gia đã từng đến với ông, để đàm đạo chia sẻ kiến thức, hay tỏ lòng quý mến, tri ân nhà văn. Tuy rất nghèo, nhưng Sơn Tùng từng từ chối căn hộ khang trang mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhã ý tặng cho gia đình ông.

Sơn Tùng lựa chọn một cuộc sống giản dị nhất. Ông không cho phép mình được hưởng những lợi lộc nhiều hơn nhân dân - những người còn vất vả ngoài kia.

Trong một bài viết về Sơn Tùng, nhà báo Xuân Ba còn kể lại: “Cuối năm 1967, Trung ương Đoàn chọn 4 phóng viên Báo Tiền Phong trong đó có Sơn Tùng vào Nam tăng cường bổ sung lực lượng cho Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Miền Nam. Đã có một quyết định hơi đặc biệt, là riêng Sơn Tùng được theo một đoàn cán bộ bay sang Phnompenh rồi theo đường bộ đi ôtô sang B2 - nơi có Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Nhưng Sơn Tùng đã từ chối đặc ân ấy để cùng anh em suốt 7 tháng trời leo Trường Sơn”.

Người lính cầm bút Sơn Tùng đã không bỏ lỡ cơ hội được nằm gai nếm mật cùng đồng đội, trải qua những ngày tháng bom đạn Trường Sơn, chấp nhận sống gần cái chết, để có được những trải nghiệm quý giá là vốn sống cần thiết cho nhà văn sau này. Sơn Tùng không hề muốn một đặc ân riêng biệt nào đó cho cá nhân ông.

Dưới những ngón tay của nhà văn là con chữ. Dưới những ngón tay của nhà văn cũng là ánh sáng. Ánh sáng của tình yêu con người chiếu rọi qua các tác phẩm còn được bạn đọc nhớ đến. Dưới những ngón tay dù thương tật nhưng rất mực tài hoa của Sơn Tùng, chúng ta được đọc “Gửi em chiếc nón bài thơ”- một thi phẩm tuyệt đẹp đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc và trở thành ca khúc nổi tiếng. Chúng ta được đọc truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết ông viết như: “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Bên khung cửa sổ”, “Trái tim quả đất”… là những tác phẩm văn xuôi nổi bật đóng góp vào sự phong phú của nền văn học Việt Nam hiện đại.

3. Một trong những đề tài Sơn Tùng đau đáu nhất và có ý thức từ khi bắt đầu con đường viết văn là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi ông là một người con xứ Nghệ, lại có điều kiện tìm hiểu nhiều tư liệu quý giá về vị lãnh tụ dân tộc. Ông biết rất rõ, theo đuổi đề tài về vĩ nhân trong lịch sử là đi con đường khó, phức tạp và nhạy cảm, cũng không dễ có được sự đồng thuận của độc giả. Trong văn học Việt Nam, cho đến nay, những tác phẩm viết về Hồ Chí Minh vẫn còn rất ít về số lượng, tác phẩm thực sự lay động trái tim người đọc thì còn ít hơn nữa. Khi có các bạn văn đến chơi nhà, nhất là với các bạn văn trẻ, Sơn Tùng thường khuyên rằng mỗi người cầm bút cần biết chọn cho mình một đề tài “gan ruột” mà theo đuổi.

Búp sen xanh - Tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Sơn Tùng.

Sơn Tùng chia sẻ, để có một khối lượng tư liệu đồ sộ về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh, sau khi từ chiến trường về, tuy sức khỏe không tốt nhưng ông đã cùng vợ tự bỏ tiền túi, ngược xuôi nhiều chuyến đi từ Bắc vào Nam, lần theo dấu tích Bác Hồ để gặp gỡ nhân chứng, ghi chép sưu tầm tư liệu phục vụ cho những tác phẩm viết về Người. Sơn Tùng nghiền ngẫm và có chủ kiến riêng trong xây dựng nhân vật Hồ Chí Minh. Có thể thấy rất rõ điều này ở tiểu thuyết “Búp sen xanh”- một tác phẩm văn học được xem là hay nhất viết về Bác Hồ cho đến nay.

Khi mới ra đời, “Búp sen xanh” gặp không biết bao nhiêu là phiền phức. Cuốn sách có lúc đã tưởng bị đình bản, vì ở đó Sơn Tùng đã xây dựng mối tình trong trẻo, thầm kín giữa người thanh niên Nguyễn Tất Thành và Út Huệ vượt ra khỏi những gì thông thường mọi người vẫn nghĩ trong các sáng tác về một vĩ nhân lịch sử. Phải đến khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng có ý kiến đồng ý cho tái bản sách, đồng thời viết lời giới thiệu về “Búp sen xanh”, mọi khó khăn với tác giả mới được giải tỏa.

Sơn Tùng chính là người mở đường cho một lối viết mới, đưa một vĩ nhân lịch sử đến gần hơn với đời thường, với nhân dân qua bút pháp văn học của mình. Ông đi sâu vào những miền tâm tư thăm thẳm, khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật, để hé ra thêm những cánh cửa cho bạn đọc hiểu về số phận nhân vật, điều mà chúng ta không dễ tìm thấy nếu chỉ tiếp cận chính sử.

Giáo sư Phan Ngọc đánh giá: “Sơn Tùng là nhà văn có uy tín nhất viết về Hồ Chí Minh với một phóng cách rất riêng, phong cách Sơn Tùng”.

Trong lễ tiễn biệt nhà văn Sơn Tùng về với đất mẹ, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong xúc động chia sẻ: “Không thể tưởng tượng nổi trong 36 năm, từ 1974 đến tháng 6-2010, năm nhà văn bị tai biến, Sơn Tùng đã cho xuất bản hơn 20 cuốn sách dày dặn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, được bạn đọc trong cả nước yêu mến đón nhận. Đặc biệt, trong số tác phẩm đó có hơn một nửa là những sáng tạo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng.

Riêng tiểu thuyết “Búp Sen Xanh” viết về thời thơ ấu của Bác Hồ, chỉ tính riêng Nhà xuất bản Kim Đồng đã 30 lần tái bản. Biết bao thanh thiếu niên, bao bạn đọc đủ mọi lứa tuổi đã đọc sách, đã học tập noi gương Bác để gắng gỏi phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, cho non sông đất Việt. Và trong hơn 500 lần nhà văn thương binh đứng trên bục để thuyết trình, nói chuyện về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, có bao nhiêu người đã được ông truyền lửa".

Nhà văn Sơn Tùng đã về cõi vĩnh hằng, nhưng ông vẫn luôn được nhớ đến vì phẩm cách và bản lĩnh kiên cường trong đời thường và trong sáng tạo. Bạn đọc nhiều thế hệ sẽ còn tìm đến tác phẩm của ông, để hiểu thêm về thời đại ông đã sống, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những ngón tay của nhà văn đã ngừng viết, nhưng còn đó một gia tài văn học với những thông điệp thấm nhuần tình yêu thương con người và cuộc đời Sơn Tùng còn để lại, đủ để chúng ta nói lời cảm ơn ông. Cảm ơn một nhà văn đã sống và viết đúng với danh hiệu Anh hùng lao động mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 21-9-1928 tại Diễn Kim- Diễn Châu- Nghệ An, mất ngày 22-7-2021. Những tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: “Bên khung cửa sổ” (tập truyện ngắn, NXB Lao động, 1974); “Nhớ nguồn“ (NXB Phụ Nữ, 1975); “Kỷ niệm tháng Năm” (1976); “Con người và con đường” (NXB Phụ nữ, 1976); “Nguyễn Hữu Tiến” (truyện, NXB Thanh Niên, 1981); “Búp sen xanh” (tiểu thuyết, NXB Kim Đồng, 1981); “Vườn nắng” (NXB Thanh Niên, 1997); “Trái tim quả đất” (tiểu thuyết, NXB Thanh Niên, 2000); “Trần Phu”(truyện, NXB Thanh Niên, 2000); “Bông sen vàng” (tiểu thuyết, NXB Văn Nghệ, TP.Hồ Chí Minh, 2000); “Bác về” (NXB Phụ Nữ, 2000); “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh” (Nxb Công an Nhân dân, 2005); “Bác Hồ cầu hiền tài” (NXB Thông Tấn, 2006); “Mẹ về” (NXB Phụ Nữ, in lần 3 năm 2006); “Lõm” (tiểu thuyết, NXB Thanh Niên, 2006); “Hoa râm bụt” (NXB Công an Nhân dân, 2005; NXB Thanh Niên, 2007); “Bác ở nơi đây” (NXB Thanh Niên, 2008); “Cuộc gặp gỡ định mệnh” (NXB Chính trị Quốc gia, 2008); “Đào Tấn và gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc” (Văn Hiến, số 5, 2011); “Từ làng Sen” (đồng tác giả, NXB Kim Đồng, 2009). Ngoài ra còn có kịch bản điện ảnh “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (1990) đã được đạo diễn Long Vân dựng phim. Ông cũng sáng tác khoảng 100 bài thơ, nổi tiếng nhất là bài “Gửi em chiếc nón bài thơ” được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.
Vũ Quỳnh
.
.
.