Kết hợp công – tư trong xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật:

“Dòng chảy” nghệ thuật truyền thống sẽ được khơi thông?

Thứ Ba, 07/08/2018, 18:52
Sau nhiều năm chờ đợi, ý tưởng về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam đã dần trở thành hiện thực khi Cục Điện ảnh Việt Nam bắt đầu chính thức triển khai xây dựng đề án thành lập Quỹ.

Trong khi “bầu sữa” ngân sách dành cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật có xu hướng ngày càng hạn chế hơn thì sự ra đời các quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật được thành lập từ ngân sách nhà nước, phát triển bằng nguồn xã hội hóa đang đặt ra nhiều kỳ vọng sẽ tạo được cả nguồn lực, động lực cho người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, làm thế nào để các quỹ này vận hành đúng tôn chỉ, mục đích và hiệu quả thì vẫn là bài toán nan giải…

Mô hình quỹ đã phát triển ở nhiều quốc gia

Theo các thông tin ban đầu thì ngoài nguồn vốn do Chính phủ cấp, Quỹ này sẽ còn có các nguồn thu tăng thêm khác như  trích tỷ lệ % từ doanh thu bán vé xem phim tại các rạp chiếu, các đóng góp tự nguyện, tài trợ, viện trợ hợp pháp… Với các nguồn lực từ xã hội hóa đa dạng, số lượng phim phát hành, đặc biệt là các phim “bom tấn” trên thị trường ngày càng nhiều hơn, Quỹ sẽ là nguồn lực quan trọng trong hỗ trợ phát triển điện ảnh một cách bền vững.

Trước đó, Quỹ Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu cũng đã được triển khai xây dựng, huy động thành công 5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Giữa thời điểm sân khấu, đặc biệt là sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng, việc thành lập Quỹ được gửi gắm nhiều hy vọng trong việc hỗ trợ phát triển nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Việc thành lập các Quỹ hỗ trợ nghệ thuật bằng cách kết hợp nguồn lực công – tư được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho phát triển nghệ thuật truyền thống.

Bởi lẽ, nói như cách NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì Quỹ không chỉ đầu tư cho các vở diễn chất lượng cao mà còn hỗ trợ nhiều mặt hoạt động khác nhằm mục đích phát triển nghệ thuật sân khấu, kể cả “đỡ đầu” tài năng trẻ, phát triển, nâng cao nguồn nhân lực… Số tiền 5 tỷ đồng chỉ là điều kiện để thành lập và sẽ được duy trì trong suốt quá trình vận hành Quỹ này.

Trao đổi quanh câu chuyện thành lập các quỹ đầu tư phát triển nghệ thuật theo mô hình nói trên, ông Văn Chí Hùng, Phó Chủ tịch phụ trách khối doanh nghiệp Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cho rằng đây là hoạt động cần thiết nhưng không mới. Với lĩnh vực điện ảnh, hầu hết các nước có nền văn hóa điện ảnh phát triển trên thế giới đều có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong nước. Quỹ này thường được vận hành bởi một đơn vị chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước của nước sở tại.

Ví dụ, Tổ chức phát triển phim quốc gia Ấn Độ đã được thành lập từ năm 1975, là một đơn vị chịu sự giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông Ấn Độ. Quỹ phát triển điện ảnh Hàn Quốc thành lập năm 1997 (tiền thân là Cơ quan hỗ trợ phát triển phim, thành lập năm 1973), được quản lý bởi Kofic –  một cơ quan độc lập được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc hỗ trợ…

Nguồn thành lập quỹ rất đa dạng. Cụ thể, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của Hongkong được  thành lập năm 1999, tính đến 2016 đã được đầu tư hơn 345 triệu USD. Nguồn tài chính của Quỹ hỗ trợ điện ảnh Hàn Quốc đến từ nhiều nguồn hơn, bao gồm tiền từ ngân sách, từ các quỹ nhà nước và tư nhân, được đóng góp theo các chính sách phát triển văn hóa từ nhiều thập kỷ qua của Hàn Quốc…

Cũng theo ông Hùng, trong thực tế, quỹ hỗ trợ điện ảnh tại các nước phát triển đã được hình thành từ lâu và đã chứng minh được vai trò, tầm quan trọng trong việc phát triển ngành phim trong nước, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước đó trên trường quốc tế. Quỹ có nhiều vai trò như: Hỗ trợ việc lên kế hoạch, phát triển kế hoạch và hỗ trợ kinh phí cho việc sản xuất phim trong nước, phát hành, xuất khẩu phim, giao lưu hợp tác quốc tế trong các công tác sản xuất phim, phát triển các chính sách hỗ trợ ngành phim và tạo lập hệ thống phân tích cho ngành công nghiệp điện ảnh.

Tại Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng cần hướng đến hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam một cách toàn diện, không chỉ bó hẹp trong khâu sản xuất phim. Hoạt động của Quỹ không chỉ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất – phát hành – phổ biến phim mà còn mang đến lợi ích lớn cho việc phát triển kinh tế đất nước, phát triển văn hóa dân tộc. Quỹ nên được quản lý bởi một đơn vị có sự tham gia, giám sát của Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Càng phức tạp càng khó minh bạch

Bày tỏ sẵn sàng đồng hành cùng Cục Điện ảnh trong quá trình xây dựng và  hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phân tích: Với lĩnh vực điện ảnh, từ khi bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường đã bắt đầu có góp vốn gây quỹ phục vụ mục đích phát triển điện ảnh. Nhưng, đây là quỹ có quy mô nhỏ là hoạt động mang tính tự phát.

Hơn chục năm nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam là một trong những nội dung được bàn thảo rất nhiều nhưng không thành. Việc nhà nước đầu tư ban đầu để xây dựng, sau đó tiếp tục phát triển Quỹ bằng nguồn thu thường xuyên từ trích % giá vé và các nguồn đóng góp khác không chỉ giảm gánh nặng bao cấp của Nhà nước mà còn tập hợp được lực lượng của toàn xã hội để bảo vệ và xây dựng nền điện ảnh Việt Nam. Là người gắn bó với hoạt động nghệ thuật lâu năm, ông thực sự cảm thấy đáng tiếc, thậm chí rất buồn khi nguồn lực quan trọng này bị bỏ ngỏ.

Phim về đề tài chiến tranh cách mạng cần kinh phí lớn – một trong số nội dung được đề nghị tập trung đầu tư hỗ trợ cả về sản xuất lẫn phát hành.

Có nhiều lý do cho sự chậm trễ này: thủ tục hành chính rườm rà, biên chế thừa khiến hoạt động trì trệ, nhận thức về vai trò của điện ảnh, của công tác văn hóa, của giáo dục nhân phẩm, đạo đức con người đặt nặng về vai trò của gia đình nhưng gia đình lại quá bề bộn về cuộc sống hàng ngày… Vì vậy, ông rất mừng khi nhận được thông báo của Cục Điện ảnh về việc xây dựng đề án thành lập Quỹ. Việc thành lập Quỹ cần khẩn trương hơn, bởi, nếu chậm thêm nữa, điện ảnh nước ngoài sẽ còn lấn át điện ảnh Việt Nam ngay trên “sân nhà”.

Tuy nhiên, ông Nhiêm cho rằng, cùng với việc thành lập Quỹ thì làm như thế nào để vận hành hoạt động của Quỹ phải đúng tôn chỉ, mục đích đề ra ban đầu sẽ quyết định hiệu quả, sự tồn tại của Quỹ. Muốn hiệu quả thì việc vận hành Quỹ, đầu tư cần mạnh dạn, linh hoạt, đảm bảo minh bạch nhưng không phải bày ra nhiều thủ tục phức tạp. Bởi lẽ, thực tế đã chứng minh, có khi càng phức tạp càng khó minh bạch. Các dự án, sản phẩm được đầu tư phải đảm bảo được vai trò của giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lịch sử của đất nước.

Hoạt động của Quỹ phải bao gồm bảo vệ, xây dựng và phát triển nghệ thuật dân tộc, không chỉ hỗ trợ sản xuất mà phải bao gồm cả khâu phát hành, phổ biến và đưa tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, có tác động, hỗ trợ phát triển du lịch. Với điện ảnh, Quỹ nên quan tâm hỗ trợ cho mảng phim truyện và phim tài liệu, đặc biệt là phim về lịch sử, về truyền thống dân tộc, phim phục vụ thiếu nhi.

Đây là những “mũi nhọn” của điện ảnh, có đóng góp rất lớn cho công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, giáo dục nhân cách con người, mặc dù, nhìn ở góc độ thị trường thì các phim này không mang lại hiệu quả cao về mặt lợi nhuận.

Ông Nhiêm cũng phân tích: 70% dân số Việt Nam sống ở các vùng nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn, các buổi chiếu phim lưu động là cơ hội để họ tiếp cận tác phẩm điện ảnh.  Tại khu vực thành thị, những buổi chiếu phim miễn phí trong các kỳ liên hoan phim, các dịp lễ thu hút đông đảo khán giả và là dịp để thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ nghệ thuật giữa các tầng lớp trong xã hội.

Tất nhiên, hoạt động đầu tư của Quỹ sẽ phải khác với cách đầu tư kiểu bao cấp trước đây. Ví dụ, ngoài hỗ trợ sản xuất, Quỹ  phải hỗ trợ quảng bá phim và về mặt chiếu phim. Hình thức hỗ trợ có thể dựa trên số lượng vé hoặc hỗ trợ theo khoán 50%. Cá nhân, đơn vị nhận hỗ trợ làm không hiệu quả sẽ không có thù lao. Ngược lại, nếu làm tốt thì sẽ có nhiều lợi ích hơn.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam.

Việc vận hành Quỹ cần phân chia thành từng giai đoạn hoạt động cho phù hợp. Điều hành quỹ là những con người cụ thể, dựa trên những quy định cụ thể nhưng phải đảm bảo hiệu quả, minh bạch, đúng với mục đích ý nghĩa đề ra ban đầu. Với cơ chế huy động nguồn vốn từ xã hội, nếu không minh bạch, không có cơ chế phân bổ quỹ và giám sát, chế tài cụ thể, đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm hoặc vận hành theo quy trình chặt chẽ nhưng cứng nhắc khiến các nguồn lực bị vô hiệu hóa trong thực tiễn thì Quỹ sẽ trở nên vô tác dụng.

“Muốn hạn chế tối đa tình trạng này thì cần phải chọn được những người có tâm huyết, phải sòng phẳng, phải vì điện ảnh dân tộc, đừng nghĩ đây là miếng bánh để bâu xâu vào. Xét cho cùng, yếu tố quyết định vẫn là con người. Nếu thực sự trong sáng, thực sự minh bạch thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều” – ông Nguyễn Văn Nhiêm khẳng định.

Minh Hải
.
.
.