Nghệ thuật truyền thống “phủ sóng” qua chương trình truyền hình ăn khách

Thứ Năm, 07/12/2017, 09:11
Không chỉ xuất hiện riêng lẻ theo từng tiết mục dự thi trong nhiều chương trình truyền hình thực tế, gameshow, nghệ thuật truyền thống còn “phủ sóng” truyền hình bằng nhiều chương trình giải trí “ăn khách”.


Đây là một tín hiệu vui khi mà nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp đang chật vật để tồn tại vì sân khấu vắng khán giả. Dù rằng, không ít nghệ sĩ vẫn bày tỏ lo lắng khi một số “sân chơi” nặng về chiêu trò giải trí có thể khiến người xem hiểu lệch lạc nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Ngay từ thời điểm các cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế, gameshow trăm hoa đua nở, “chiếm sóng” vào các khung “giờ vàng” của hàng loạt kênh truyền hình Trung ương và các tỉnh, nghệ sĩ Trương Nhuận từng chia sẻ rằng, nhiều người than phiền “bội thực” các chương trình giải trí nhưng riêng ông lại nhìn thấy nhiều ảnh hưởng tích cực cho đời sống văn hóa nghệ thuật từ các chương trình này. 

Nghệ sĩ Trương Nhuận có rất nhiều năm gắn bó với công tác quản lý của Nhà hát Tuổi trẻ - một trong số các đơn vị sân khấu hiếm hoi của Thủ đô Hà Nội duy trì biểu diễn đều đặn trong khoảng thời gian sân khấu khủng hoảng. Vì vậy, ông rất hiểu những gương mặt tài năng đặc biệt, mới mẻ sẽ cần thiết đến như thế nào trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng. Cũng thông qua các chương trình truyền hình kể trên mà người làm quản lý, chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất như ông biết được đất nước còn có rất nhiều tài năng được phát hiện, nên được phát huy.

Thực tế, từ các chương trình truyền hình giải trí đã có không ít tài năng, trong đó có tài năng nghệ thuật biểu diễn truyền thống vốn “vô danh” đã trở nên nổi tiếng. Trường hợp của Phương Mỹ Chi “một bước thành sao” sau giải á quân chương trình “Giọng hát Việt nhí” năm 2013 là một điển hình. 

Đến nay, hàng loạt chương trình truyền hình ăn khách được mua format từ nước ngoài cũng chú trọng khai thác các tài năng biểu diễn nghệ thuật truyền thống hơn. 

“Sao nối ngôi nhí” – một trong số các chương trình truyền hình tương tác góp phần phổ biến rộng rãi nghệ thuật truyền thống trong công chúng.

Sau một thời gian dài thu hút công chúng bằng những “món ngon” lạ được “bê” từ nước ngoài về thì sự xuất hiện của các gương mặt mới có tài năng đặc biệt trong biểu diễn nghệ thuật truyền thống trở thành đặc sản dành cho khán giả, như kiểu đặc sản của nhà quê đang được ưa chuộng tại nhiều nhà hàng sang trọng ở chốn thành thị.

Từ chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt”, người xem ngạc nhiên với một cậu bé Đức Vĩnh diễn rất ngọt cả chèo, hát văn lẫn diễn tuồng cổ. Giọng ca quen thuộc của nhiều phòng trà tại TP Hồ Chí Minh – ca sĩ Hà Vân cũng “nổi bật” sau “Nhân tố bí ẩn”… 

Hàng loạt chương trình truyền hình tương tác thực tế, gameshow được cho là thuần Việt, được các nhà đài phối hợp với các công ty tổ chức thực hiện, phát sóng. Nghệ thuật truyền thống được khai thác khá đậm đặc trong các dạng chương trình này. 

Sự thành công của những cuộc thi như “Đường đến danh ca vọng cổ”, “Giọng ca nhí – Hò xự xang xê cống”, “Tài tử tranh tài”, “Sao nối ngôi”, “Sao nối ngôi nhí” như là cuộc lội ngược dòng nhiều thú vị của các nhà đài, nhà sản xuất trong nỗ lực chinh phục khán giả. 

Thông qua đó, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống đến gần với số đông công chúng một cách tự nhiên nhất. Sự xuất hiện của các tài năng đặc biệt thời gian qua đã ít nhiều khẳng định, nghệ thuật truyền thống vẫn bền bỉ tồn tại với đời sống, dù rằng trên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp, chúng đã không còn đủ sức hấp dẫn để khán giả mua vé vào rạp.

Về phía các thí sinh, việc tham gia các cuộc thi không chỉ là cuộc chơi tìm kiếm danh vọng. Nói theo cách của nghệ sĩ Thanh Bạch trong chương trình “Sao nối ngôi nhí” thì đây không chỉ là sân chơi đơn thuần, mà còn là một lớp học nghệ thuật ngắn hạn vô cùng hiệu quả. Tại đây, chỉ trong một thời gian ngắn, với sự đồng hành, giúp đỡ của các nghệ sĩ lão luyện và ê kip sản xuất chương trình chuyên nghiệp, thí sinh có dịp rèn luyện cho mình rất nhiều kỹ năng…

Sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, nỗ lực của đội ngũ làm nghề lâu năm giúp thí sinh có nhiều tiết mục biểu diễn hấp dẫn, đẹp mắt, khiến người xem kinh ngạc. Tất nhiên, không phải tiết mục, chương trình nào cũng hoàn hảo. 

Việc hào phóng những lời khen có cánh, hoặc việc giám khảo chưa thể hiện vai trò của người “cầm cân nảy mực”, những giám khảo bị đặt “ngồi nhầm chỗ” vì không có chuyên môn về bộ môn nghệ thuật mà thí sinh chọn biểu diễn… là những hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Những nỗ lực làm mới có khi thái quá của thí sinh khiến người làm nghề một cách nghiêm khắc không hài lòng. 

Nhưng, như NSND Bạch Tuyết, một trong số các giám khảo quen thuộc của nhiều chương trình, cuộc thi gắn liền với nghệ thuật truyền thống từng chia sẻ, khi nhận lời mời làm giám khảo chương trình “Đường đến danh ca vọng cổ” thì đây vẫn là câu chuyện vui nhiều hơn buồn. 

Theo nữ nghệ sĩ, khi người trẻ tham gia biểu diễn, nỗ lực làm mới để chinh phục khán giả là họ còn quan tâm đến nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật truyền thống sẽ còn được tiếp tục duy trì, bảo tồn, phát huy trong đời sống. Chúng ta đừng quá băn khoăn, lo lắng những tìm tòi, thử nghiệm của người trẻ sẽ làm lệch lạc nghệ thuật truyền thống, mà quan trọng là hãy cùng đồng hành, hỗ trợ họ trong hành trình bảo tồn, gìn giữ vốn quý của cha ông…

N.Nguyễn
.
.
.