Đòn tổng lực của cuộc thương chiến Mỹ - Trung?

Thứ Tư, 28/08/2019, 20:16
Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ đã bước vào giai đoạn nguy hiểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định sẽ tung "đòn tổng lực" với mức áp thuế lên tới 550 tỷ USD nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.

Dư luận quốc tế lo lắng cuộc chiến thương mại của hai cường quốc sẽ chuyển sang cuộc đối đầu về chính trị, kinh tế... mà chắc chắn sẽ làm cho cả  thế giới chao đảo theo.

Ăn miếng trả miếng…

Ngày 23-8, Ủy ban Chính sách thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo Bắc Kinh sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa trị giá 75 tỷ USD của Mỹ. Theo đó, từ ngày 1-9 tới, sẽ có 5.078 loại hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó nông sản, dầu thô, máy bay cỡ nhỏ... sẽ phải chịu mức thuế bổ sung từ 5% đến 10%.

Ngoài ra, Trung Quốc quyết định sẽ nối lại việc áp thuế bổ sung 25% hoặc 5% đối với ôtô và linh liện nhập khẩu từ Mỹ. Việc áp thuế bổ sung đối với ôtô và linh kiện này có hiệu lực từ ngày 15-12 tới.

Cũng trong ngày 23-8, đáp lại quyết định mang tính "phản đòn" của phía Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra "đòn tổng lực" khi thông báo nước này sẽ đáp trả quyết định mới nhất của Trung Quốc. Trong thông báo đăng trên Twitter, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ nâng thuế từ 25% lên 30% nhằm vào số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1-10 tới.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ nâng mức thuế từ 10% lên 15% nhằm vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1-9, phần còn lại được thực thi từ ngày 15-12. Ông Trump đã viết trên trang cá nhân của mình rằng ông thề đáp trả việc Trung Quốc áp thuế lên hàng hóa Mỹ, đồng thời kêu gọi các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.

"Các công ty Mỹ tuyệt vời của chúng ta nhân đây được yêu cầu ngay lập tức xem xét một lựa chọn thay thế Trung Quốc", ông Trump viết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: financialexpres.

Khẳng định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc tiếp tục leo thang. Động thái của người đứng đầu Nhà Trắng khiến khả năng đạt thỏa thuận kết thúc thương chiến Mỹ - Trung càng xa vời. Nhiều nhà phân tích nhận định, sở dĩ Tổng thống Mỹ đưa ra "đòn tổng lực" vào thời điểm này vì ông muốn giành chiến thắng lớn hơn trước Trung Quốc, từ đó "tích lũy" uy tín cũng như tập hợp lực lượng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra.

Song, kế hoạch của ông Trump lại đang khiến giới doanh nghiệp Mỹ lo ngại. Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ, với những công ty bán lẻ khổng lồ như Walmart, ra một tuyên bố cảnh báo về ảnh hưởng của thuế quan mới. Bởi, khi những đòn thuế quan mới của ông Trump nhắm vào gần như tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có cả hàng điện tử, tiêu dùng, quần áo, giày dép... thì người tiêu dùng Mỹ mới phải chịu gánh nặng to lớn.

Các công ty sẽ phải chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ các nước khác đắt đỏ hơn làm cho giá thành sản phẩm cao hơn, và cuối cùng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả đắt hơn cho các mặt hàng tiêu dùng thay thế cho hàng Trung Quốc.

Các chuyên gia đã làm phép tính, từ hồi tháng 5-2019, khi Mỹ nâng thuế nhập khẩu với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%, các nhà kinh tế học tại Fed New York đã ước tính, động thái nâng thuế này sẽ khiến các hộ gia đình Mỹ mất tổng cộng 106 tỷ USD một năm. Khi đòn trả đũa mới nhất nói trên có hiệu lực, mức chi trả của các gia đình Mỹ chắc chắn sẽ còn tăng lên. Ngoài ra, việc Mỹ đánh thuế và đòn trả đũa của Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ cũng khiến cho nông nghiệp chao đảo.

Theo Farm Bureau, tỷ lệ các nông trại tuyên bố phá sản đã tăng vọt 13% trong 12 tháng qua (kết thúc vào ngày 30-6-2019) và ngành nông nghiệp Mỹ đứng trước nguy cơ mất đi toàn bộ thị trường trị giá 9,1 tỷ USD trong năm 2018.

Đứng trên một góc độ từ Trung Quốc, nhìn về sự tổn hại, đài TNHK phân tích rằng, các mức thuế của chính quyền ông Donald Trump đánh vào Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm.

Một khảo sát của Bloomberg với 14 nhà kinh tế cho thấy các khoản thuế sắp tới đánh vào 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có thể làm giảm mức tăng trưởng tới 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.

Và Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng ông đang thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngành nông nghiệp Mỹ được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn các ngành khác. Ảnh: ft.com.

Giới hạn nguy hiểm

Cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa hai nền kinh tế hàng đầu đang dường như vượt ra khỏi phạm vi thương mại khi nó lan sang cả những lĩnh vực nhạy cảm khác. Ví dụ như việc Mỹ phê chuẩn thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan. Đài Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Mỹ phê chuẩn thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan và chuẩn bị áp đặt đòn trừng phạt đối với các công ty Mỹ cung cấp vũ khí cho hòn đảo này.

"Danh sách đen” của Trung Quốc có thể bao gồm hàng chục doanh nghiệp Mỹ. Có thể thấy rõ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang từng bước chuyển dần sang đối đầu chính trị.

Cuộc đọ sức Mỹ-Trung đang diễn biến theo hướng ngày một quyết liệt hơn, vượt khỏi tầm thương mại, tài chính và tiền tệ. Đến nay Trung Quốc và Mỹ đã hiểu khá rõ về ý đồ và quyết tâm của nhau. Ngoài miệng nói vì nghĩ đến nhân tố người tiêu dùng Mỹ, nhưng trên thực tế là có ý định dành một lối thoát cho Trung Quốc, để ngỏ một dư địa nhất định cho đàm phán Mỹ-Trung, buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp. Đây chính là “nghệ thuật đàm phán” của ông Trump.

Nhìn lại 12 vòng đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ, phần lớn là thể hiện tranh chấp và bất đồng. Thậm chí tới vòng đàm phán thứ 12 tại Thượng Hải, hai bên đã bước vào tư thế “đối đầu”, khởi đầu giai đoạn mới của cuộc chiến thương mại giữa hai bên. Nếu xét về thời gian, ngay từ ngày 14-8-2017, Tổng thống Donald Trump đã công bố Bản ghi nhớ với Đại diện thương mại Mỹ để bắt đầu tiến hành điều tra Trung Quốc theo điều 301 của Luật Thương mại năm 1974.

Có nghĩa là, khi đó Mỹ đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ngày 22-3-2018, Văn phòng Đại diện thương mại công bố báo cáo điều tra theo điều 301, về cơ bản được coi là phía Mỹ đã “hạ chiến thư” với Trung Quốc về các vấn đề thương mại.

Ngày 9-3-2018, Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký lệnh “lần lượt áp thuế 25% và 10% đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu”, trong đó có 3 tỷ USD liên quan đến hàng hóa Trung Quốc. Cuộc tấn công lần đầu tiên của ông Trump phát động nhằm vào Trung Quốc là áp thuế bổ sung 25% đối với gói hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá 50 tỷ USD vào ngày 6-7-2018. Đây chính là khởi điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.     

Quá trình đàm phán Mỹ- Trung có một số mốc quan trọng. Mốc thứ nhất là cuộc đàm phán song phương lần đầu tiên từ ngày 3-5 đến ngày 4-5-2018. Đây là cuộc đối đầu đầu tiên giữa hai bên. Mốc thứ hai là ngày 1-12-2018, theo đó có hai sự kiện quan trọng xảy ra: Một là vụ bắt giữ Phó chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu; hai là hai ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại Hội nghị G20 ở Argentina, hai bên đã ra tuyên bố tạm hoãn cuộc chiến thương mại.

Mốc thứ ba là ngày 10-5-2019, khi vòng đàm phán thứ 11 giữa Trung Quốc và Mỹ bị thất bại, và tại cuộc đàm phán ở Thượng Hải vừa diễn ra cho thấy cuộc chiến thương mại đã bước sang giai đoạn mới.

Trên thực tế, trước khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu, cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ ở một mức độ nào đó đã lan sang lĩnh vực chính trị. Xét về ba lĩnh vực cơ bản của cạnh tranh chiến lược là chính trị, kinh tế và quân sự. Cạnh tranh chiến lược hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực quân sự cũng rất nghiêm trọng, nhưng được người dân ít quan tâm hơn.

Trong tương lai, nếu các cuộc đàm phán thương mại không thể đạt được thỏa thuận thì việc chuyển cạnh tranh chiến lược sang lĩnh vực chính trị chắc chắn sẽ là một trong những lựa chọn chính sách của Mỹ.

Việc áp thuế qua lại khiến người tiêu dùng cả Mỹ và Trung Quốc đều phải trả thêm tiền.

Cuộc chiến kinh tế và thương mại Mỹ-Trung ở một mức độ nào đó đã thực sự ảnh hưởng đến xu hướng phát triển kinh tế thế giới. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước có thể vô tình mở ra một thời đại mà cục diện quốc tế sẽ diễn biến theo hướng xung đột và đối đầu. Tình hình này có một số đặc điểm như sau: thứ nhất, cạnh tranh quyền lực đang gia tăng, đối đầu địa chính trị nổi lên; thứ hai, các cơ chế đa phương suy giảm, chủ nghĩa song phương trỗi dậy; thứ ba, tự do thương mại đang chịu sự tác động của xung đột thương mại, chủ nghĩa bảo hộ đã dần chiếm ưu thế trong xu hướng, quy tắc thương mại quốc tế hiện nay.

Hiện nay dư luận quốc tế lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung sẽ bị đẩy tới giới hạn "nguy hiểm". Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng "căng thẳng trong quan hệ quốc tế và các hàng rào thương mại mới đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu". Do đó, triển vọng giải quyết những bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã trở thành điều không tưởng, gây tổn hại sâu sắc cho nền kinh tế toàn cầu.

Rất có thể trong tương lai sẽ xuất hiện cuộc đại suy thoái kinh tế như những năm 1930 của thế kỷ 20, nhưng theo một cách mới. Cuộc chiến kinh tế và thương mại Mỹ-Trung là một cuộc chiến kéo dài, không thể giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn. Ngay cả khi hai nước đạt được thỏa thuận, điều đó cũng không có nghĩa là xung đột kinh tế thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ chấm dứt. Cạnh tranh chiến lược Mỹ- Trung là lâu dài, xung đột kinh tế và thương mại cũng sẽ kéo dài. Khả năng đạt được thỏa thuận vào cuối năm là khá thấp.

Không chỉ có vậy, ông Trump quả thực đã chịu áp lực từ các nhân tố trong nước. Thứ nhất, là cuộc bầu cử, liệu ông có thể giành chiến thắng vào năm 2020 hay không? Thứ hai, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ. Bởi ông đã nói rằng sau khi ông trở thành tổng thống, nền kinh tế Mỹ phát triển nhất trong lịch sử, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong 50 năm qua. Gần đây, tình hình phát triển kinh tế của Mỹ đã không còn tốt như trước, đặc biệt là biểu hiện của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây khiến tất thảy đều lo ngại.

Trong khi đó, Trung Quốc liệu có chấp nhận một thỏa thuận khiến Mỹ cảm thấy là người chiến thắng?

ASEAN trong tâm cuộc đối đầu Mỹ-Trung

Khi căng thẳng thương mại, tài chính và công nghệ lan rộng sang thao túng tiền tệ, sự cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng trở thành một cuộc chiến khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng. Nó không còn là cuộc chiến liên quan đến thuế quan thương mại hay công nghệ độc quyền mà nó bao gồm tất cả các hoạt động của chủ nghĩa trọng thương để chống lại đối thủ.

Sân khấu cạnh tranh lớn của Mỹ và Trung Quốc nằm ở khu vực Đông Nam Á, nơi vai trò hòa giải của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ rất quan trọng và không thể thiếu. Nếu ASEAN không thể góp phần làm trung gian hòa giải, châu Á có thể sẽ bị tước đoạt hòa bình, thịnh vượng, và nguy cơ đối đầu thương mại hay căng thẳng chính trị dễ xảy ra. Theo nhiều chuyên gia, ASEAN nên là mặt trận và trung tâm của hành động và phối hợp khu vực để ngăn các cường quốc xung đột với nhau.

Nếu căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài, sẽ đòi hỏi các nước ASEAN phải tăng cường thay đổi chính sách. Các nước trong khu vực cần sự ổn định chính trị để thúc đẩy cải cách kinh tế. Nhiều nước ASEAN đang tìm cách cải thiện tăng trưởng đi đôi với các nỗ lực tiến tới hội nhập kinh tế như Cộng đồng kinh tế ASEAN hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) rộng lớn hơn.

Trong khi những rủi ro xuất hiện thì cơ hội cũng xuất hiện khi cũng có những lý do hợp lý để các nước ASEAN tiếp tục làm sâu sắc cam kết hướng ngoại nhằm đem lại lợi ích cho khu vực và cho bản thân nền kinh tế của mỗi nước.

Hoa Huyền
.
.
.