Đi tìm biểu trưng của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 10/05/2018, 19:20
Thành phố hơn 300 tuổi này có gì là biểu trưng? Chúng ta có thể nhớ tới các logo của thành phố, kiến trúc, lịch sử và văn hóa của nó, những đặc trưng không thể tách rời khỏi nó như quê xứ của 10 triệu con người.


Một logo cổ

Logo (biểu tượng) đầu tiên của Sài Gòn được vẽ từ năm 1870. Người Pháp đã sáng tác ra logo này khi chiếm được Sài Gòn. Hình ảnh hai con cọp trong logo thể hiện đây là vùng đất hoang sơ. Nhưng dòng chữ Latinh Paulatim Crescam có nghĩa là: “Cứ từ từ, tôi sẽ phát triển”. Hình ảnh con tàu hơi nước ở giữa logo cho biết đây là vùng đất nhiều kênh rạch. Phía trên có vương miện 5 cánh như thông báo Sài Gòn sẽ giao thương với năm châu bốn biển.  Logo Sài Gòn 1870 thể hiện cách nhìn hoang sơ và triển vọng Sài Gòn sẽ trở thành Hòn ngọc Viễn đông của người Pháp.

Biểu trưng của Sài Gòn.

Không rõ logo này được dùng bao lâu cho thành phố Sài Gòn, và khi nào thì nó chỉ còn là dấu ấn của lịch sử. Có lẽ nó đã bị thay đổi sau sự ra đi của người Pháp. Sau này, người ta hay dùng một biểu trưng thay thế là chợ Bến Thành đứng cạnh tên mới của Sài Gòn từ 1975 là TP Hồ Chí Minh

Biểu trưng sau này vì không được quy định, nên cũng không có quy củ rõ ràng bằng văn bản chính thức. Do đó mạnh ai nấy vẽ, nhìn thấy hơi giống cái lầu chợ Bến Thành chút là được rồi.

Cũng có thể đó là hai kiểu tư duy khác nhau của người Pháp và người Việt về quản lý. Người Pháp thì muốn quảng bá tên tuổi và thương hiệu Sài Gòn, theo lối Pháp, dù họ chỉ là thực dân. Còn người Việt sau khi làm chủ đất đai của mình, thì làm tạm, tính sau.

Nhưng người Sài Gòn quý cả hai cái biểu trưng này. Đơn giản vì họ yêu mến thành phố của mình. Và họ muốn giữ gìn những gì thuộc về nó, càng lâu thì càng quý.

Những cái chợ, biểu tượng của một thành phố buôn bán sầm uất

Chợ Cũ, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, Chợ Bà Chiểu…, Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh là đất kinh thương nên cơ man là chợ. Mỗi ngôi chợ lớn khi ra đời là gắn với cả một trang sử mới của thành phố này.  Chợ Bến Thành được xem như trái tim của thành phố

102 năm trước, người Pháp đã quyết định chuyển địa điểm chợ cũ từ gần sông Bến Nghé tới gần ga xe lửa đi Mỹ Tho và xây chợ mới. Lý do vì ngôi chợ cũ đã sập. Chợ mới xây trên nền mà xưa là một cái ao. Họ xây từ năm 1912 đến 1914 thì xong.

Chợ Bến Thành hiện nay có tổng diện tích 13.056m², tập trung khoảng 3.000 hộ kinh doanh nhiều mặt hàng trong và ngoài nước, trung bình mỗi ngày đón 15.000 lượt khách. Cuối tháng 1-2012, chợ Bến Thành được tạp chí ẩm thực Food and Wine chọn là 1 trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh.

Thời đó người Pháp có ý đồ về quy hoạch với tầm nhìn rất xa trong quản lý đô thị. Theo kiến trúc sư Nguyễn Minh Tiến thì có thể thấy rõ qua cách họ bố trí hạ tầng quanh chợ.  Bởi hai bên hông chợ cho đến năm 1940 còn là bến xe miền Đông và miền Tây. Từ năm 1985 có sự sửa chữa lớn, tuy nhiên cấu trúc cũ vẫn giữ nguyên.

Chợ Bến Thành được xem như một biểu tượng về mặt văn hóa và kinh tế thương mại không chỉ của Sài Gòn mà của cả miền Nam qua sự kết hợp với các tuyến kênh rạch Tàu Hủ, Lò Gốm kề bên với vựa tôm cá, lúa gạo miền Tây ngày xưa. Ưu điểm của chợ là một kiến trúc mở rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới, là một bài học tiêu biểu về mặt kết cấu bê tông cốt thép nhịp lớn.

Tới nay chợ Bến Thành không chỉ được xem là một di sản kiến trúc không thể thay thế về mặt vật chất với các hoạt động buôn bán sầm uất mà còn có giá trị văn hóa, tinh thần rất lớn. Khách du lịch có thể không thích thú với các cao ốc thương mại có máy điều hòa không khí nhưng sẽ thích đến đây mua vài món đồ kỷ niệm, khám phá tìm hiểu một đời sống rất thực của người dân Sài Gòn.

Những tòa nhà xưa với kiến trúc thuộc địa dung hòa phong cách

Những tòa nhà như biểu trưng của thành phố hơn 300 năm tuổi này có những nét độc đáo vì nó là những công trình kiến trúc đẹp, dung hòa được mọi phong cách Tây - ta, thậm chí cả Hoa. Nó thể hiện sự rộng rãi, hào sảng, dễ chấp nhận và dung hòa cái mới của người dân thành phố này.

Một góc Sài Gòn thời Pháp.

Theo tác giả Nguyễn Thị Kim Anh trong sách “Sài Gòn - đất và người”, tập 9 thì sau khi người Pháp chiếm đóng Sài Gòn, họ đã biến một đô thị cổ có chức năng trung tâm hành chính là chủ yếu sang một thành phố trung tâm thương mại, chú trọng nhiều đến chức năng kinh tế. Điều này rất khác với đô thị ở Huế hay Hà Nội là phố Tây chỉ xuất hiện bên cạnh phố ta, còn Sài Gòn khác hẳn, phong cách kiến trúc của Sài Gòn giống hệt phong cách kiến trúc châu Âu với những giải pháp kiến trúc nhiệt đới cho phù hợp với không gian, cảnh quan của Việt Nam. Đó là sự kết hợp hài hòa của kiến trúc Pháp với kiến trúc Việt Nam truyền thống để hình thành nên một trào lưu kiến trúc mới, và nó đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ thể hiện trong hàng loạt các công trình kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật cao ở Sài Gòn.

Kiến trúc Pháp không chỉ thể hiện ở các công trình công thự, công cộng mà nó còn ảnh hưởng rất nhiều đến kiến trúc nhà ở của người dân. Điều này ta có thể thấy là sau khi Sài Gòn trở thành thuộc địa của Pháp, kiến trúc nhà ở với sắt, thép, gạch đá, ximăng được sử dụng rộng rãi, người dân Sài Gòn đã nhanh chóng tiếp thu cách làm nhà theo kiểu phương Tây. Họ lợp nhà bằng ngói tây màu đỏ chói thay cho ngói âm dương màu nâu như trước.

 Sự tiếp xúc văn hóa Pháp – Việt trong kiến trúc cũng tạo nên xu hướng làm nhà theo kiểu “nửa Tây, nửa ta”. Loại hình, kiểu cách mang dáng dấp bản địa như nhà ba gian, hai chái, nhà chữ đinh, nhà xếp đọi…, nhưng kỹ thuật, cấu trúc, vật liệu xây dựng lại theo kiểu “nhà Tây” như sàn nhà lót gạch bông, kết nối cột kèo bằng bù lon, khung sắt ở cửa sổ, làm cửa sổ trên mái nhà …

Người Sài Gòn nhanh chóng chấp nhận cách làm nhà theo phong cách Pháp có lẽ vì không gian kiến trúc Pháp bên trong nhà thường thoáng, cao, rộng rãi, nhiều cửa sổ để thông thoáng với môi trường bên ngoài phù hợp với tính cách của người dân nơi đây. Hầu hết các công trình nhà ở đều sử dụng rất nhiều cây xanh để tạo bóng mát rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở nước ta. 

Một phong cách kiến trúc khác, khá độc đáo về sự hòa trộn của vùng đất Sài Gòn những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đó là phong cách kiến trúc Việt – Hoa. Người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn đã tiếp thu nhanh kiến trúc Pháp, hình thành nên phong cách kiến trúc Pháp – Hoa độc đáo. Một trong những nét đặc trưng cho lối kiến trúc này là vách trước lên cao, có “trán tường” theo kiểu thức kiến trúc Pháp, nhưng hình ảnh, họa tiết trang trí trên các “trán tường” lại mang sắc thái văn hóa của người Trung Hoa như hình con long mã đội hà đồ bát quái.

Một thành phố đa văn hóa và gần với thiên nhiên

TP Hồ Chí Minh hiện nay đang thay đổi rất nhanh vì đô thị hóa với tốc độ phi mã, nhất là các khu vực ngoại thành. Vì vậy có thể nó sẽ phá vỡ vẻ đẹp vốn có của nó trong quy hoạch, và trong cả những vành đai đô thị.

Ở Sài Gòn xưa có rất nhiều cây xanh. Những hình ảnh xa xưa nhất của thành phố cho thấy ngay cả khu trung tâm thành phố vẫn là những tàng cây ngút ngàn. Xa hơn có thể vẫn thấy rừng, thấy những trảng nước lớn, thấy cả những dòng suối bao quanh thành phố. Trong khi giữa lòng thành phố đầy ắp kênh rạch. Và tại sông Sài Gòn, thủy triều lên xuống nhịp nhàng theo lịch trình.  Một đô thị rất gần gũi với thiên nhiên hoang sơ, với vùng khí hậu lý tưởng, rất ôn hòa, không quá nóng và quá lạnh.

Tới với Sài Gòn xưa, người ta có thể tận hưởng vẻ đẹp của các thành phố vườn châu Âu ở quận 1, quận 3. Nhưng chỉ đi một chút qua quận 5 và xa hơn là những phố ngõ nhỏ hẹp theo bang hội của người Hoa (dọc theo rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến Chợ Lớn). Ở thành phố cũng có những nhà phố liên kế của người Ấn Chetty (quanh chợ Cũ, chợ Bến Thành). Và những làng xóm rất Việt Nam qua các ngõ ngách thôn xóm miệt phía Tân Định, Phú Nhuận, Hòa Hưng, Khánh Hội, Bà Chiểu, Gò Vấp…).

Trong không gian cư trú này, chúng ta có thể gặp đủ sắc dân. Một hợp chủng quốc thu nhỏ rộng lòng với mọi dân tộc, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng…Những kiểu co kéo, chia rẽ, so đo toan tính, nhòm ngó nhà nọ nhà kia ở vùng quê xa xôi nào đó không thể tồn tại ở Sài Gòn. Tới đây rồi dường như mọi người buộc phải thay đổi, và trở nên khác trước vì được cảm hóa từ con người, từ vùng đất dễ thương này.  Họ bắt đầu học được một từ mới, đó là sự hào sảng.

Anh Hai Sài Gòn và đặc trưng hào sảng

Buổi sáng cho tới tối khuya, TP Hồ Chí Minh đông như nêm cối,  người chạy muôn ngả dường như chẳng bao giờ ngừng. Nếu bạn đã sống ngoài mặt lộ, nửa đêm trở dậy nghe tiếng xe chạy suốt đêm, mà mở cửa ra thấy những anh tài lái xe tải tất bật, những anh chị chạy xe gắn máy thồ đầy hàng hóa là hiểu rõ. Ngoài bến xe, trong các chợ đầu mối, chả có lúc nào thấy nghỉ và dừng.

Cuộc sống nơi đây dẫu còn đôi chút xô bồ, đông đúc và chen lấn như vậy, kẹt xe tơi bời hoa lá như vậy, song đây chính là mảnh đất của những con người thân thiện, phóng khoáng và chân thật. Một người bạn kể rằng anh hai của cô có một cái xe gắn máy. Cũ mà rất quan trọng. Mỗi khi có bạn bè, bà con gì ở quê ngoài Trung vô, anh lại cho mượn vài tháng, đủ thời gian cho họ có thể làm ra tiền mua… một cái xe mới đi làm đi ăn, rồi mang trả cái xe cũ.

Cái xe cũ này lại đón một người khác  đang tìm kế mưu sinh, giúp họ trụ lại ở đất này. Một người khác kể rằng nhà của anh như một cái nhà trọ. Bà con cô bác ai vô cũng ở lại, người nhanh dăm bữa, người lâu cả năm rồi khi có kế làm ăn lại dọn đi. Cứ thế, chỉ một căn nhà nhỏ ngoại ô, chỉ một cái xe gắn máy cũ mà có thể giúp bao người có cơ hội đổi đời. “Anh Hai Sài Gòn” nghĩa là vậy, hào sảng, cởi mở và yêu thương rất mực Sài Gòn. 

Bằng tình thân ái, người ta cùng chia sẻ với nhau cơ hội làm ăn, giao thương, buôn bán, chia sẻ với nhau tấm lòng hào hiệp và những công việc thiện nguyện. Một thùng bánh mì ngoài lề đường, những quán cơm 2.000 đồng một phần, những thùng nước uống đặt ngoài cửa miễn phí cho ai muốn uống thì uống, những bữa cơm từ thiện cho bệnh viện, quyên góp tiền cho bà con vùng bão lũ thiên tai, ủng hộ người lâm vào cảnh cùng khốn…

Hô lên một tiếng, nói lên một câu là biết bao nhiêu người xắn tay áo góp công chung sức cùng làm. Cho dù họ cũng chả giàu có gì, cho dù họ phải nhặt nhạnh từng đồng bạc cắc bên lề đường, trong xóm chợ.

Người Sài Gòn có một châm ngôn sống  giản dị vô cùng, đó là “hãy làm phước đi bạn”. Nghe rất ấm áp mà nhẹ nhàng. Vùng đất này suốt hơn 300 năm qua đã cưu mang biết bao nhiêu người, cứ như chả bao giờ thấy chật, chả bao giờ nói lời từ chối.  Bạn hãy ở đủ lâu để trở thành một người con nơi này. Rồi, chẳng hiểu tự khi nào chính bạn sẽ là người tiếp tục duy trì, lan tỏa cốt cách hào hiệp, hào sảng của vùng đất rất đáng để yêu, để sống này.

Nguyễn Anh Thi
.
.
.