Nhạc sĩ Quốc Bảo gửi gắm tình yêu trong “Sài Gòn của tôi”

Thứ Bảy, 07/04/2018, 16:41

Tình yêu với Sài Gòn - mảnh đất mà nhạc sĩ Quốc Bảo gọi là “miền tâm tưởng” được thể hiện như một tổ khúc âm nhạc ba chương trong cuốn sách ảnh “Sài Gòn của tôi”. 

Ngày 7-4, nhạc sĩ Quốc Bảo tổ chức buổi giao lưu, ra mắt sách ảnh “Sài Gòn của tôi” (Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ) tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Sách được thiết kế theo khổ vuông, kích thước 15x15cm, in bốn màu. Cuốn sách là sự tổng hòa và cộng hưởng của hàng trăm bức ảnh và những bài tản văn với dung lượng không dài. Cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng một tình yêu lớn dành cho Sài Gòn.

Sách "Sài Gòn của tôi".

Tình yêu với Sài Gòn - mảnh đất mà nhạc sĩ Quốc Bảo gọi là “miền tâm tưởng” được thể hiện như một tổ khúc âm nhạc ba chương trong “Sài Gòn của tôi”. Chương đầu là sự đan xen của những bài tản văn và hình ảnh nhịp sống phố thị qua ống kính Quốc Bảo để ai đã từng gắn bó với mảnh đất này cũng cảm nhận thấy nét thân thương. Chương hai chỉ toàn ảnh, đó là khi dòng ý thức đã đạt đến một ngưỡng khiến cho câu từ bỗng nhiên bặt lặng. Và chương kết là loạt ảnh song đôi thể hiện một cái nhìn so sánh giữa thuật viết chữ với nhiếp ảnh, hai phương pháp luyện tâm mà nhạc sĩ Quốc Bảo yêu thích.

Nhạc sĩ Quốc Bảo (ngoài cùng, bên phải) tại buổi ra mắt sách.

Trong ý niệm của Quốc Bảo “Sài Gòn yên tĩnh thì không còn là Sài Gòn nữa”, vậy nhưng anh vẫn muốn chụp thành phố theo cách thật tĩnh, như một nơi chốn của tâm tưởng hơn là hiện thực. Lần giở từng trang sách, bạn đọc sẽ bắt gặp những bức hình về Sài Gòn trong không gian thời gian thật tĩnh, thật trầm lặng. Và nó cũng biểu đạt cho một tình yêu thầm kín, lắng sâu với  “miền đất dành cho những giấc mộng”.

Nhạc sĩ Quốc Bảo.

Tình yêu trong “Sài Gòn của tôi” đôi khi được định hình bởi một cuộc gặp gỡ thoáng chốc và tình cờ, nhưng lại gợi lên nhiều suy tưởng. Đó là cuộc gặp lại chiếc điện thoại công cộng mốc meo tơi tả vì dầm mưa dãi nắng làm dấy lên trong lòng người biết bao bồi hồi về một thời quá vãng, khi mà phương tiện liên lạc chưa phủ sóng rộng như bây giờ. Đó là những con người lao động bình dị,  lạ lùng sao không thân quen nhưng vẫn khiến lòng phải nhớ: đó là ông đánh giày, chị bán hàng rong, anh taxi... Những con người đó góp phần tạo nên ân tình và sức quyến rũ cho Sài Gòn.

Quỳnh Nga
.
.
.