Còn khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ
- Bộ trưởng Công thương nói về vụ Khaisilk và Asanzo
- Những dấu hiệu sai phạm của Asanzo
- Vợ chủ tịch Asanzo đã rút ra hơn 500 tỉ đồng
Kết luận "sản phẩm Asanzo ghi "made in Vietnam" là phù hợp quy định" đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, tạo nên sự bất ngờ và những ý kiến trái chiều. Câu chuyện đã cho thấy có những khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc điều tra làm rõ có hay không các sai phạm xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Asanzo (viết tắt Công ty Asanzo) do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch HĐQT.
Những dấu hiệu sai phạm gồm: "sản xuất, buôn bán hàng giả", "lừa dối khách hàng" trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc, nhưng về thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn "Asanzo" có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba. Ngoài ra Công an còn điều tra có hay không dấu hiệu "buôn lậu" và "trốn thuế".
Từ vụ việc trên cho thấy các quy định về pháp luật liên quan tới vấn đề xuất xứ hàng hóa hiện nay chưa thực sự hoàn thiện và đầy đủ |
Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng do pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước, cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" nên việc Công ty Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam", hoặc "Chế tạo tại Việt Nam", "Nước sản xuất Việt Nam", "Xuất xứ Việt Nam" hoặc "Sản xuất bởi Việt Nam" là phù hợp quy định.
Liên quan tới hành vi có dấu hiệu "Buôn lậu" và "Trốn thuế" tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng của Công ty Asanzo, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã giao cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh điều tra làm rõ và kết luận xử lý theo thẩm quyền.
Như vậy, sau hơn nửa năm, kể từ thời điểm ngày 16-10-2019 Cục Thuế TP Hồ Chí Minh ký Quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Công ty Asanzo cho cơ quan Công an, thông báo kết quả của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã cơ bản làm rõ có hay không các sai phạm xảy ra tại Công ty Asanzo.
Trước đó vào đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã dẫn tham luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tại cuộc họp về vấn đề gian lận xuất xứ được Ban Chỉ đạo 389 tổ chức, cho rằng "nếu các ngành thống nhất cao và quy định rõ ràng thì vụ việc của Công ty Asanzo không đến mức nghiêm trọng như vậy".
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, vụ việc này trở nên phức tạp khi Việt Nam vẫn đang có khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ, có luật và nghị định nhưng lại chồng chéo. Sau khi các cơ quan chức năng công khai các sai phạm của Công ty Asanzo thì tính đến thời điểm đó, Công ty Asanzo đã khắc phục toàn bộ các sai phạm của mình.
Tuy nhiên, dù đã khắc phục thì các sai phạm của Công ty Asanzo (nếu có) vẫn cần được nhìn nhận một cách công bằng, khách quan. Bởi như ý kiến của ông Nguyễn Văn Cẩn "nếu các ngành thống nhất cao và quy định rõ ràng" thì đã không có sai phạm nghiêm trọng như vậy.
Điều đó có nghĩa là, thực trạng pháp luật của Việt Nam liên quan tới vấn đề xuất xứ hàng hóa chưa thực sự hoàn thiện và đầy đủ.
Công ty Asanzo cho rằng quy trình sản xuất, kinh doanh phổ biến của Công ty Asanzo là mua toàn bộ 100% nguyên vật liệu ở nước ngoài, sau đó doanh nghiệp lắp đặt dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam, sản phẩm sẽ được lắp ráp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định về "Made in Vietnam" lại chưa có rõ ràng. Do vậy, có thể cho rằng, Asanzo tiến hành lắp ráp ở Việt Nam và gắn mác "Made in Vietnam" cho các sản phẩm của mình thì không có căn cứ chắc chắn để khẳng định là Asanzo vi phạm quy định…
Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định tiêu chí hàng hóa gắn mác "Made in Vietnam", nhưng trong Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa thì chỉ có tiêu chí xuất xứ để xác định nhãn mác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mà chưa có đối với hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa.
Có lẽ chính khoảng trống này mà doanh nghiệp Asanzo đã không bị cho là vi phạm khi nhập linh kiện về lắp ráp và bán thành phẩm trong nước, ghi "Made in Vietnam?!
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu; Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; Thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam; Duy trì tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững; Thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu....
Với Nghị quyết 119 này khi đi vào thực thi thì các mục tiêu mà nghị quyết đặt ra nhiều khả năng sẽ đạt được, và các sai phạm đáng tiếc như của Asanzo sẽ không còn…
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty Asanzo, cho biết doanh nghiệp đã nắm thông tin về kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, đồng thời khẳng định Công ty Asanzo đã hoàn thành mọi trách nhiệm, nghĩa vụ về thuế đối với cơ quan thuế tại TP Hồ Chí Minh.