Bộ trưởng Công thương nói về vụ Khaisilk và Asanzo

Thứ Năm, 07/11/2019, 10:22
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, quy định cho phép doanh nghiệp tự kê khai, ghi nhãn, xuất xứ hàng hoá bị lợi dụng nên mới xuất hiện các vụ việc như Khaisilk hay Asanzo.

Bộ trưởng Công thương nói về Asanzo, Khaisilk

Sáng 7-11, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đặt ra chiều 6-11, đoàn Hoà Bình về vấn đề quản lý xuất xứ cũng như chứng nhật xuất xứ của Việt Nam; công tác chống việc gian lận thương mại cùng các vụ việc mới đây liên quan đến Asanzo và Khaisilk, ông Trần Tuấn Anh cho biết theo Nghị định 43, doanh nghiệp tự kê khai, ghi nhãn, xuất xứ hàng hoá nên mới xuất hiện những câu chuyện như Khaisilk hay Asanzo.

Ông Trần Tuấn Anh thông tin, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất xây dựng Thông tư quy định về thế nào là hàng "made in Vietnam". Văn bản này đang lấy ý kiến, được đóng góp rất tích cực và đang tiếp tục được nghiên cứu để tránh ảnh hưởng lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

"Thông tư này và Thông tư hướng dẫn Nghị định 31 trước đây đều xây dựng chung trên nền bộ quy tắc xuất xứ của WTO, hải quan", ông Tuấn Anh nói thêm.

Về quản lý xuất xứ hàng Việt, Bộ Công thương sẽ tham mưu công tác cải thiện hệ thống cơ sở pháp lý cũng như thắt chặt quản lý để định hướng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý thương mại quốc tế trong việc cấp cấp giấy chứng nhận xuất xứ có cơ sở cấp xuất xứ của Việt Nam cho các sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường.

Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết Bộ Công thương cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp để phòng, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại.

Vụ nhôm đội lốt ở Bà Rịa-Vũng Tàu không ảnh hưởng quan hệ thương mại Việt-Mỹ

Trước khi kết thúc phiên chất vất chiều 6-11, đại biểu Mai Sỹ Diễn đoàn Thanh Hoá nêu bất cập pháp lý xung quanh vụ phát hiện lượng lớn nhôm Trung Quốc nghi xuất đi Mỹ. Hàng nước ngoài gửi vào Việt Nam trong một thời gian bằng nhiều cách sẽ được chuyển hóa thành hàng xuất xứ Việt Nam. "Trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao và giải pháp khắc phục điều này", ông hỏi.

Trả lời đại biểu, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, qua thông tin phản ánh quốc tế, Bộ Công thương đã nắm được sự việc nhôm Trung Quốc ở Bà Rịa-Vũng Tàu từ cuối năm 2016. Doanh nghiệp này của Australia, song do người Trung Quốc đầu tư ở Vũng Tàu.

Ở thời điểm đó, doanh nghiệp nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu. Đến đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này sang Mỹ và các thị trường khác chưa có gì đột biến.

Đến thời điểm doanh nghiệp có những biến động bất thường, Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Do đó, sự việc được ngăn chặn. Nhôm nguồn gốc Trung Quốc xuất khẩu là không đáng kể và không gây ảnh hưởng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Về việc liệu doanh nghiệp có lợi dụng chuyển lô nhôm thành hàng hóa tiêu thụ trong nước hay không, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt những hoạt động tại khu kho ngoại quan, đồng thời thực hiện áp thuế nhập khẩu đối với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước.

Ông Tuấn Anh thông tin, kho ngoại quan là khu vực lưu giữ hàng hoá đã làm thủ tục hải quan để xuất ra nước ngoài. Trong trường hợp các mặt hàng nhập khẩu lại vào Việt Nam, hàng hoá sẽ được lưu giữ không quá 12 tháng. Các cơ quan chức năng của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính đã có những biện pháp giám sát chặt chẽ.

Thuy Thuỷ - Thiện Nhân
.
.
.