Bảo vệ quyền tác giả: Thiếu công cụ hay thiếu niềm tin?

Thứ Năm, 03/11/2016, 15:05
Áp dụng mô hình đã được khẳng định qua vài trăm năm trên thế giới, nhiều tổ chức đại diện tập thể bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan (CMOs) lần lượt ra đời và chuẩn bị được ra đời. Tạo thuận lợi cho chủ sở hữu hoặc người có quyền liên quan, đặc biệt là những người không có điều kiện tự tổ chức theo dõi, thu tiền sử dụng tác phẩm trong nước và quốc tế, CMOs tiện lợi hơn cho cả các cá nhân, tập thể sử dụng nhiều tác phẩm.

Thay vì tìm tới từng cá nhân sở hữu hoặc có quyền liên quan đến tác phẩm, họ chỉ việc tìm tới CMOs được ủy quyền của lĩnh vực này để thương thảo. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, mô hình này tại Việt Nam đang gặp phải nhiều vấn đề khiến cả 3 bên: cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu, quyền liên quan – CMOs – cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm đều phiền lòng. Vì sao?

Sau âm nhạc, văn học, ghi âm, ghi hình, biểu diễn âm nhạc, đến lượt người làm điện ảnh rục rịch thành lập CMO như một cách bảo vệ quyền lợi của mình.

Vi phạm tràn lan

Được xếp vào hàng những “người khổng lồ” trong nước về mức độ sử dụng tác phẩm trong hoạt động phát sóng hàng năm và cũng “dính” khá nhiều vụ tai tiếng liên quan đến vấn đề bản quyền thời gian gần đây nhưng Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng “than thở” gặp khó về sở hữu trí tuệ (SHTT).

Theo bà Vũ Thị Thanh Tâm, trưởng ban Kiểm tra của VTV thì với số lượng lớn các chương trình phát trên các kênh sóng của mình, VTV là một trong các chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan lớn trong nước. Vấn đề quyền SHTT ở đây đang bị xâm phạm nặng nề, đặc biệt là trên internet.

Trong nhiều năm qua, đơn vị này mới nhận ra nguồn tài nguyên lớn lao của mình đang bị xâm phạm và lợi dụng trên mọi phương diện. Đơn vị đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, phát hiện vi phạm, nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phức tạp. Vi phạm bản quyền chương trình phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau: Sử dụng chương trình truyền hình mà không xin phép, thỏa thuận, cắt chèn quảng cáo trong chương trình, tự ý thu lại chương trình của Đài sau đó phát lại nhằm thu lợi theo các phương thức phát sóng khác nhau, đặc biệt trên internet...

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả.

Thực tế, những khó khăn vấp phải của VTV cũng là vấn đề chung của những người làm trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình. Theo Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Điện ảnh và phim truyền hình là một nghệ thuật tổng hợp, bao gồm không chỉ đơn thuần quá trình sáng tác mà trong đó các yếu tố kỹ thuật, kinh tế cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy, tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình không chỉ là thành quả của sáng tạo nghệ thuật mà còn là sản phẩm một loại sản nghiệp đặc biệt và phức tạp trong giao dịch bản quyền.

Một tác phẩm điện ảnh hay phim truyền hình không chỉ là kết tinh sáng tạo của nhiều chủ thể như biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên, thu thanh, thiết kế mĩ thuật, dựng phim... mà còn được hình thành nên qua rất nhiều khâu chế tác.

Chưa hết, tác phẩm điện ảnh hay phim truyền hình sau khi xuất xưởng phải cần khâu phát hành - phổ biến để đến được với người xem mà từ đó tạo ra nguồn thu cho tái đầu tư sản xuất. Một nền công nghiệp điện ảnh và làm phim truyền hình khỏe mạnh là phải bảo đảm cho chu trình: sáng tác - sản xuất - phổ biến diễn ra đồng bộ, cân đối, thông suốt.

Không chỉ là tổn thất kinh tế

Tuy nhiên, việc xâm hại bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, với nhiều hình thức tinh vi như: sao chép, công bố, phổ biến, phát hành mà không được phép của chủ sở hữu, hoặc sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại danh dự và uy tín tác giả, hoặc cho thuê tác phẩm; tự ý phát sóng mà không thanh toán quyền lợi cho tác giả hoặc chủ sở hữu...

Internet đưa lại những lợi ích khổng lồ nhưng cũng là tác nhân gây tổn hại lớn nhất, nhanh nhất cho các chủ sở hữu và tác giả bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình. Nhìn bề ngoài chỉ là sự tổn thất về kinh tế do lợi nhuận bị giảm, nhưng những hệ lụy kéo theo nghiêm trọng không kém là nó hủy hoại tinh thần, nhiệt huyết sáng tác của tác giả, chủ thể sáng tạo. Vì vậy việc khẩn thiết tăng cường các biện pháp bảo hộ bản quyền tác phẩm, bảo vệ quyền lợi của người sáng tác, của nhà sản xuất để góp phần bảo đảm sự phát triển lành mạnh của sự nghiệp điện ảnh, phim truyền hình đang trở nên vô cùng cấp thiết.

Ông Henrik Schutze: Các CMO phải thống nhất và xây dựng cho được bảng mức phí.

Trước những bức xúc của nghệ sỹ, người làm phim là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam về vấn nạn xâm hại bản quyền tác phẩm, nhóm hội viên của Hội hiện đang triển khai vận động hình thành một tổ chức quản lý tập thể bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình mà tên gọi sẽ là Hiệp hội bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình.

Tin tưởng việc thành lập Hiệp hội sẽ tập hợp, gắn kết những người làm nghề cùng chung sức thực hiện quản lý quyền tác giả trong mọi vấn đề liên quan đến bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình theo quy định của pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhưng một CMO của những người làm điện ảnh có thể sẽ vướng vào nhiều khó khăn khác mà các CMO khác tại Việt Nam đang vướng phải. Những vướng mắc của VCPMC – đơn vị thuộc hàng “lão làng” và hoạt động có hiệu quả nhất trong CMOs của Việt Nam là điển hình.

Thiếu công cụ…

Chẳng hạn như ở Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính sách quyền tác giả nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung đã được Nhà nước khẳng định từ hơn 20 năm trước nhưng việc thật sự hiểu đúng về ý nghĩa cấp thiết của nó vẫn chưa thấm sâu vào nhận thức của xã hội cũng như của chính các cấp quản lý Nhà nước.

Nhiều trường hợp việc giải thích và đấu tranh với các tổ chức xã hội trong lĩnh vực quyền tác giả càng khó khăn hơn bởi sự hướng dẫn sai lệch của các cơ quan quản lý nhà nước. Tình trạng này kéo dài khiến hoạt động bảo vệ quyền tác giả trở nên vô cùng mệt mỏi, thậm chí gây nên những chán nản và công việc bế tắc.

Trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình, Trung tâm gặp khó khăn lớn trong việc theo dõi và kiểm soát việc sử dụng tác phẩm. Không có một phần mềm chuyên dụng để ghi lại các chương trình phát sóng. Các đơn vị không đưa ra các căn cứ xác đáng, khách quan về số lượng và tần suất phát sóng các tác phẩm âm nhạc của VCPMC mà yêu cầu VCPMC tự đưa ra các bằng chứng để thu tiền.

Vì vậy VCPMC vẫn đang phải triển khai nhân viên ngồi trực tiếp xem tất cả các kênh truyền hình hàng ngày để ghi nhận lại những nội dung âm nhạc được phát sóng. Công việc này vừa tốn thời gian, công sức, vừa có khả năng sai sót, thiếu sót cao do các chương trình được ghi lại và phát lại  không phản ánh được hết quy mô sử dụng âm nhạc trên truyền hình. Hơn nữa, việc kiểm soát này vẫn cần phải sự đối chiếu từ phía đối tác sử dụng.

NSND Thanh Hoa lo lắng cho hoạt động của APPA.

Cũng vì thiếu phương tiện đối soát nên việc theo dõi và đối soát mới chỉ được 2% tổng số lượng chương trình và kênh phát sóng trên toàn quốc. VCPMC hiện chưa có công nghệ kiểm soát âm nhạc trên truyền hình, monitor nhạc số trên nền internet và mobile, chưa có công nghệ phân phối tiền tác quyền nhằm phân phối tiền thù lao một cách chi tiết theo tần suất cho tác phẩm âm nhạc được sử dụng trên các lĩnh vực này…

… và thiếu cả niềm tin

Ngược lại, thời gian qua, ngay phía các nhạc sĩ, tác giả âm nhạc ủy quyền và chưa ủy quyền cho VCPMC và cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm âm nhạc cũng có nhiều người, nhiều tổ chức bày tỏ sự không hài lòng và cho rằng còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ trong việc thu, chi phí tác quyền âm nhạc của VCPMC.

Trước các vấn đề mà nhạc sĩ Phó Đức Phương gặp phải khi đảm nhận vai trò giám đốc VCPMC, NSND Thanh Hoa, Chủ tịch  Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) cho rằng chị rất lo lắng khi đảm nhận nhiệm vụ này. Làm bằng cái tâm với mong muốn thành quả lao động của bản thân và các đồng nghiệp được bảo vệ xứng đáng nhưng chị thừa nhận bản thân đang rất lúng túng trong việc thu tác quyền. Thu như thế nào, mức phí ra sao, cách thức làm việc ra sao cho hiệu quả khi một tác phẩm liên quan tới nhiều CMO khác nhau…

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, ở Việt Nam hiện nay có 5 CMO: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV); Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam; Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) và Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA).

Các CMO hoạt động có kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể chưa đầy đủ, năng lực hoạt động quản lý, thực thi của các tổ chức đại diện tập thể chưa chuyên nghiệp. Ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng tác phẩm, các đối tượng quyền liên quan còn nhiều hạn chế và chưa nghiêm túc. Tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra với các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau.

Để nâng cao năng lực của các CMO, hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan thì vẫn đang cần rất nhiều giải pháp tích cực hơn trong thời gian tới. Hiện tại, Cục Bản quyền đang hoàn thiện dự thảo đề án “Nâng cao nhận thức và ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020”. Đề án này được tổ chức lấy ý kiến khắp các tỉnh thành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2016.

Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác ngăn ngừa và phòng chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên Internet. Xây dựng Bộ chỉ số dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan và hệ thống phần mềm quản lý, phát hiện vi phạm trên Internet” sẽ giúp các CMO thuận lợi hơn rất nhiều khi xây dựng thành công và được áp dụng trong hiện thực.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Henrik Schutze, chuyên gia đến từ Đan Mạch – một trong số quốc gia có kinh nghiệm hàng trăm năm trong vấn đề bảo hộ tác quyền thì ngoài hoàn thiện về mặt hành lang pháp lý, kể cả có tòa án riêng về quyền tác giả, quyền liên quan như ở Đan Mạch thì các CMO của Việt Nam rất cần áp dụng tốt hơn ưu thế của khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, bảo vệ quyền của hội viên. Nhưng, trước đó, các CMO phải thống nhất và xây dựng cho được bảng mức phí của mình…

Thực tế, tại Việt Nam, đây là khó khăn rất lớn với hầu hết các CMO. Phần lớn, người “đứng mũi chịu sào” của các CMO hiện nay vẫn là chính các văn nghệ sĩ có uy tín trong lĩnh vực của mình. Họ có thể là người giỏi chuyên môn, có nhiều người hâm mộ nhưng với công tác quản lý và hoạt động liên quan đến bài toán kinh tế thì đội ngũ này chưa phải là những người có khả năng như yêu cầu thực tiễn. Yếu tố con người trong công tác quản lý, điều hành hoạt động các CMO một cách hiệu quả tối đa vẫn là khoảng trống còn bỏ ngỏ.

Minh Hải
.
.
.