Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan: Vẫn là câu chuyện… đường dài?

Thứ Tư, 05/10/2016, 10:03
Trong khi hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan phạm vi trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn thì bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan càng thêm khó với không ít các vấn đề phát sinh khi internet ngày càng phát triển.

Việc kiểm soát thủ công với “môi trường số hóa”, khi vi phạm bản quyền vượt qua biên giới quốc gia khiến hoạt động bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đang “hụt hơi” so với thực tế.

Nếu như nhiều năm trước, câu chuyện về bản quyền vẫn còn khá mới lạ với không ít chủ thể sở hữu tác phẩm thì gần đây, việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đã được quan tâm chú ý đúng mức hơn.

Thống kê của Cục Bản quyền tác giả trong 9 tháng đầu năm 2016 cho thấy, Cục đã thụ lý hồ sơ, cấp gần 5.200 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, tăng 30,25% so với cùng kỳ năm 2015.

Trên tất cả các lĩnh vực, từ xuất bản, âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh – truyền hình…, hàng loạt các vụ việc vi phạm bản quyền bị phanh phui khiến dư luận “dậy sóng”.

Nếu lĩnh vực mỹ thuật, vụ tranh giả “lọt” vào Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh là một điển hình thì điện ảnh – truyền hình có tranh chấp bản quyền “Hát cùng siêu chip”.

Lĩnh vực xuất bản, sau nhiều năm âm ỉ bức xúc trước vấn nạn in lậu cũng ồn ào trở lại với hành trình nửa tháng mệt nhoài đi khắp cả nước tự bắt sách lậu của Công ty Văn hóa Trí Việt và cuộc treo thưởng đến 100 triệu đồng cho người tố cáo in sách lậu của lãnh đạo đơn vị này.

Chỉ có điều, sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng, hoạt động bảo vệ bản quyền vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Lý do phần lớn là chế tài xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe, những bất cập trong hành lang pháp lý thì quan niệm về bản quyền của ngay đội ngũ những người làm công tác quản lý còn nhiều vấn đề phải bàn.

“Hát cùng siêu chip”, một trong những chương trình thiếu nhi được yêu thích nhất thời gian vừa qua nhưng vướng vào tranh chấp bản quyền.

Mới đây nhất, đánh giá lại chặng đường 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, mặc dù Cục Bản quyền tác giả vẫn nhận định, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng có nhận thức và bước đầu tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng nói theo cách của ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, thì những gì đã làm mới chỉ là bước khởi đầu, vẫn còn rất khiêm tốn so với những gì cần làm.

Ông Hợp cũng thừa nhận, các sai phạm về bản quyền, đặc biệt là bản quyền số còn nhiều, thậm chí rất “hồn nhiên”. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý thực thi các cấp về bản quyền chưa cao, không được đào tạo và bồi dưỡng, tập huấn nên còn lúng túng…

Ngay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – một trong những tổ chức được cho là có nhiều hoạt động hiệu quả trong việc thu tiền bản quyền cho các thành viên đã ủy quyền cho trung tâm cũng thừa nhận, việc kiểm soát của nhiều hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực hiện nay vẫn mang tính thủ công.

Với sự phát triển ồ ạt của môi trường số, của truyền hình, internet như hiện nay, việc kiểm soát thủ công như thế không khác nào thi chạy bộ với các phương tiện cơ giới của cả đường bộ lẫn trên không. Tất nhiên, với các lĩnh vực văn học, ghi âm, sao chép, tình hình cũng không khá hơn.

Thực tế, cũng vì việc quản lý và xử phạt vi phạm bản quyền chưa đến nơi đến chốn nên chính người bị xâm phạm bản quyền cũng thường chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nếu bức xúc quá cũng thường chỉ hành động theo cảm tính, cho bõ cơn giận.

Thống kê của Cục Bản quyền cũng cho thấy, trong 10 năm thực thi Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, Cục mới tiếp nhận 258 vụ khiếu nại về vấn đề này. Riêng 9 tháng đầu năm 2016 thì chỉ có 15 vụ việc khiếu nai tố cáo vi phạm quyền tác giả được gửi đến Cục.

Được biết, để đẩy mạnh thực thi bản quyền tác giả, quyền liên quan, bên cạnh các hoạt động, chương trình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rất nhiều chương trình, đề án quy mô lớn đang được triển khai xây dựng.

Dự thảo đề án “Nâng cao nhận thức và ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020” đã được triển khai lấy ý kiến, tổng hợp để hoàn tất. 

Đề án “Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 2016 – 2020” cũng được Cục Bản quyền tác giả lấy ý kiến khắp các tỉnh thành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2016.

Các đề án “Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền đối với nền kinh tế quốc dân,làm cơ sở xây dựng và hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa”, dự thảo đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác ngăn ngừa và phòng chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên internet.

Xây dựng Bộ chỉ số dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan và hệ thống phần mềm quản lý, phát hiện vi phạm trên internet” cũng đang được Cục bản quyền tác giả nỗ lực triển khai… Tuy nhiên, từ việc xây dựng đề án cho đến khi triển khai, đưa các giải pháp đi vào thực tế cuộc sống vẫn là cả một chặng đường dài.

Song song với các giải pháp mang tính vĩ mô, để việc thực thi bản quyền tác giả, quyền liên quan vẫn cần rất nhiều chương trình tuyên truyền hiệu quả nhằm thuyết phục các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tự giác thực hiện cũng như sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, tích hơn của các cơ quan chức năng về lĩnh vực này.

Ngọc Nguyễn
.
.
.