Những bí ẩn Vân Kiều

Thứ Ba, 27/11/2018, 16:29
Người Vân Kiều sống chủ yếu ở Quảng Trị và Quảng Bình. Tại Quảng Bình, vùng xã Trường Sơn, Trường Xuân huyện Quảng Ninh, họ như có một lãnh địa rất riêng về gia tài văn hóa ở thượng nguồn sông Long Đại. 


Ở đó có những bí tích kỳ lạ, mà bất cứ ai từng một lần thoáng qua, tắm hồn mình trong đó, chắc chắn đều có một ấn tượng khó phai mờ.

Chỏm núi bốn mái trong ký ức người già

Giọt nước đầu tiên của Long Đại là đỉnh cao 1001m ở xã Kim Thủy huyện Lệ Thủy bên tây Trường Sơn. Người già Vân Kiều gọi tên nó và một phần khác của dãy Trường Sơn trên quê hương này là núi Răng Lược. 

Nơi họ sống có chỏm núi bốn mái, một mái đổ về phía Lào, một mái đổ về phía Bắc, một mái đổ về phía biển, một mái đổ về phía Nam được gọi tên là Răng Lược trung tâm. 

Núi Răng Lược như một báu vật giáo của người Vân Kiều ở Làng Ho, nó tượng trưng sức mạnh bền bỉ của con người ở bản làng xung quanh, đó cũng là ngọn núi đoàn kết và thủy chung của những tộc người sống ở vùng biên giới Lào Việt.

Chúng tôi có dịp ngược ngàn Long Đại để tìm về những cội nguồn bí tích Vân Kiều. Ngược xuôi con nước ở đây chỉ có thuyền vỏ nhôm mới  vượt qua được thác ghềnh hiểm trở, hùng vĩ. Hà, người lái đò máy ở miết xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) là tay lái đò rắn chắc, biết từng đợt nước, từng con thác, từng khúc cua ngoặt đầy đá lởm chởm.

Hà kể: "Em hành nghề chở gỗ keo, bạch đàn cho đồng bào Vân Kiều nên chạy được ở đây chứ người khác không quen là chìm đò khi vượt thác". 

Quả thật, Hà là một tay lái đò cừ khôi ở thượng nguồn Nhật Lệ. Có 13 thác nước khó khăn như Tam Lu, Lôộc Côộc, Đá Búa, Nước Đắng... Hà đều vượt qua với tài nghệ điêu luyện. Mỗi thác nước đi qua, Hà bảo chúng tôi cứ ngồi yên, dù thuyền có lắc, có rung, có gần chìm, nước có tràn vào cũng ngồi im. Nghe lời ấy, Hà vượt qua những mỏm đá đội nước đến thót tim.

Những người già nhất ở Vân Kiều như già Hồ Thao tự hào rằng, đây là con sông chỉ một trăm cây số mà có đến 100 thác nước lớn nhỏ. Có người nói phải đến 120 thác, bởi có những thác nước hùng vĩ chỉ xuất hiện vào mấy tháng mùa mưa.

Già Hồ Thao tiết lộ: "Như thác Chàn Lụa đẹp vô cùng, chỉ xuất hiện 4 tháng thôi nhưng nước chảy trên núi xuống sông, bên trên mây phủ đẹp không thể tả". 

Già Hồ Thao kể chuyện Vân Kiều.

Cả trăm thác nước mùa hạ tiếng chảy như ru, mùa đông gào thét hùng vĩ để chở nước tưới tắm làng mạc. Một quang cảnh hiếm hoi của các con sông Việt Nam. Bởi lẽ, gần như xứ nào, các dòng sông cũng hiện diện chi chít nhà máy thủy điện bậc thang.

Riêng Long Đại không có bóng dáng một thủy điện nào là niềm may mắn cho trăm thác được về Đông mà không bị cản trở. Cũng có căn nguyên của nó, ngày trước, người ta từng quy hoạch hơn 15 thủy điện bậc thang trên con sông này. 

Nhưng sau đó, vì tài nguyên cảnh quan, mới đây, HĐND tỉnh Quảng Bình đã biểu quyết thông qua không cấp phép đầu tư thủy điện bậc thang trên dòng sông này. Các chuyên gia đánh giá đây là quyết định thông minh, vì cảnh quan hùng vĩ, hiếm có, hệ sinh thái đặc hữu cả rừng núi và thủy sinh.

Bóng cờ Cần Vương

Ngồi với già Hồ Thao ở bản Lâm Ninh, (Trường Xuân) nhà ông mặt hướng ra dòng sông. Ông kể ở xã này xưa là nơi từng có một thủ lĩnh Cần Vương mộ dân lập cứ chống người Pháp theo gương vua Hàm Nghi. Anh em người Kinh, người Vân Kiều đều dưới cờ khởi nghĩa từ thời khắc ngọn cờ Cần Vương được dựng. 

Thời đó có cụ Dương Tỵ người gốc Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã chiêu mộ dân rồi ngược ngàn lên xứ Pay Pa Rùng lập cứ theo khởi nghĩa Cần Vương. Sử sách còn ghi lại tráng sĩ Vân Kiều, văn thân người Kinh một lòng yêu nước. Dân được thu nạp ngược sông để lập cứ và được gọi là làng Mộ, có nghĩa là chốn mộ dân kháng Pháp. 

Điêu luyện vượt thác Tam Lu.

Ngày nay, vùng làng Mộ ấy được đổi thành làng Mô vì một thời bản đồ Pháp phiên âm Mộ thành Mô. Người Vân Kiều còn nhớ, khi thủ lãnh Dương Tỵ qua đời, để tránh tai mắt thực dân, các tráng sĩ Vân Kiều đã táng ông sâu trong hẻm núi Pay Pa Rùng. Những năm cuối thế kỷ XX, con cháu ông định cư ở xã  Hàm Ninh đã theo chỉ dẫn vào bốc cốt, lúc đó đào xuống huyệt mộ là một tổ mối vàng óng.

Ngày còn bóng cờ Cần Vương, vùng Pay Pa Rùng rợp bóng người, tuy là vùng hiểm trở, bí mật nhưng núi rừng rộng lớn không vắng bóng hào khí Cần Vương. Bến sông Hôi Rấy trên bến dưới thuyền, đông đúc rộn ràng.

Vậy mà ngày nay, nơi ấy, chúng tôi đi qua chỉ sót lại một cái lán nhỏ ven sông buôn bán. May còn bản làng ở đây lưu dấu hào khí một thời mà họ vẫn kể cho con cháu tấm gương oanh liệt của tráng sĩ ngày xưa vì đất đai cương vực nước non.

Anh em Vân Kiều hay người Kinh ở lưu vực sông Long Đại đều nương nhờ bóng núi linh thiêng ở đây. Nổi trội nhất là hai ngọn núi đứng xa cả 50 cây số vẫn còn thấy dáng hình, ấy là Thần Đinh và núi Đầu Mâu. 

Một biểu tượng mà thầy học bao đời đều chép vào sách xưa cho hậu thế biết vẻ đẹp lồng lộng của hai ngọn núi này. Ấy là câu: "Đầu Mâu vi bút/ Hạc hải vi nghiên". 

Người xưa xem núi Đầu Mâu như bút, phá Hạc Hải như nghiên mực cho một tầm thước lớn rộng của bao nhân cách tiền nhân đã sinh thành lớn lên và ra đi kinh bang tế thế mà quê nhà vẫn lưu danh muôn thuở cho đất đai bản quán hưởng được danh thơm đến ngày nay  như người mở cõi phương Nam Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và nhiều danh nhân soi bóng khác.

Con trai, con gái Vân Kiều múa hát bên thượng nguồn Long Đại.

Con gà rừng luộc dọc dòng Long Đại

Từ tinh thần của giọt nước Long Đại và núi non linh thiêng, người Vân Kiều có nhiều truyền thuyết về huyền tục của mình qua các lễ hội, sinh hoạt dân gian đời thường từ dưới suối, trên rẫy, khi sinh nở và lúc qua đời. 

Lôi cuốn chúng tôi hơn hết là câu chuyện như thần thoại còn tồn tại đến hôm nay, đó là con dao gọi hồn ở mỗi bản, nó được truyền đời hằng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm cho vị chủ tế trong bản. Đất của con dao đó là Làng Ho, mà Hồ Thao hay các già bản khác đều coi đó là vùng tổ Vân Kiều. 

Cũng xin nói thêm, ông Thao quê quán ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, di cư ra Lâm Ninh từ những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng qua các câu chuyện, ông đều khẳng định, vùng tổ của anh em Vân Kiều là xứ Làng Ho ở Kim Thủy (Lệ Thủy).

Hỏi người già nào ở 17 bản làng dọc sông Long Đại, ngọn nguồn tổ tiên người Vân Kiều ở đâu, họ đều chỉ về phía núi Răng Lược bên ngã Làng Ho xã Kim Thủy. 

Người ta tin rằng, người Vân Kiều Quảng Bình có gốc từ phía Quảng Trị, nhưng những ký ức xa xưa truyền lại với già Hồ Thao hay nhiều già làng khác thì đất tổ của người Vân Kiều ở vùng Làng Ho sau đó anh em Vân Kiều tỏa đi nhiều vùng khác để sinh sống.

Từ 1945 trở về trước, từng có một châu Bolapha rộng lớn cả đất Việt Nam và Lào là nơi mà người Vân Kiều tụ hội.

Gần như bản nào cũng có một con dao gọi hồn, tục gọi A Châu Cor. Cạnh nhà già Hồ Thao là nhà của thầy cúng truyền đời Hồ Xoan. Thuyết phục mãi, già Hồ Xoan mới cho chúng tôi diện kiến hai bảo vật mà ông được tổ tiên truyền lại và người dân tôn quý. Ấy là con dao gọi hồn A Châu Cor, mũi nhọn, chuôi bằng gỗ, mòn vẹt, minh chứng cho việc nó đã tồn tại qua nhiều năm. 

Theo Hồ Xoan, chiếc dao đã trải qua hơn 300 năm tồn tại với sông Long Đại. Nó chỉ dành cho những truyền nhân uy lực như ông. A Châu Cor thường được sử dụng khi người trong bản qua đời hoặc làm lễ giỗ sống.

Theo già Hồ Xoan, ông đã có hơn 40 năm cầu hồn, và chưa bao giờ thất bại. Khi chiếc dao đứng im, Hồ Xoan dùng vật lễ khác để ru hồn yên vị, không vương vấn với trần thế, ấy là chiếc khèn pây như sáo thổi nhưng nó có nhiều lỗ hơn, và giai điệu của nó bổng trầm hết sức liêu trai khi nó được thổi lên. 

Hồ Cao nói: "Tiếng khèn pây là để tiễn hồn về với trời, với tổ tiên, thổi càng hay thì dao đứng càng lâu, mình thổi cho dao đứng lâu nhất là 30 phút. Khi mọi thứ đã xong thì có cố thổi mấy, khèn cũng không lên được hơi, và A Châu Cor cũng không muốn đứng nữa, vì hồn người Vân Kiều lúc đó đã thật sự rời khỏi bản làng, không bao giờ vương vấn".

Dâng rượu trong bí tích gọi hồn.

Hồ Thao tiếp khách trong căn nhà nhỏ ở bản Lâm Ninh xã Trường Xuân. Ông xem chúng tôi là khách quý nên ứng xử bằng phong tục Nhên pltruôn, một phong tục đón khách thân mật bằng thịt gà rừng. 

Ông thịt một con gà tốt nhất, luộc chín cái đầu trước tiên rồi rút cái mỏ dưới không để bị xước, bằng thủ thuật Vân Kiều lột bỏ hai cái mắt với lá cây sau đó đưa cho khách, ông bảo nâng chiếc đầu gà lên tầm mắt, nếu vách sụn giữa hai hốc mắt của đầu gà có lỗ tròn thông nhau xin báo lại. 

Làm theo chỉ dẫn, báo với Hồ Thao đúng nó thông nhau. Ông vỗ đùi, đó là điềm hay cho cả chủ và khách. Hồ Thao dùng từ trịnh trọng nhất "banh xoanh" - mọi điều tốt lành. Tình nghĩa bạn bè từ đây ngày mỗi gắn kết, cơ hội gặp nhau, giúp nhau sẽ ngày càng nhiều.

Đang nói chuyện, bất giác nhìn lên mái nhà của gia đình Hồ Thao, bên trên có 5 chiếc bát đựng trong 5 cái kiềng tre đan thủ công. Hỏi ra, già cho biết, ấy là bàn thờ giỗ sống các đứa con của ông. 17 bản của người Vân Kiều bên sông Long Đại nhà nào cũng có trang thờ này. 

Người Vân Kiều khi sinh ra được làm lễ buộc chỉ cỏ máu, sợi chỉ nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng, với mong muốn hồn đứa trẻ không bỏ nó mà ở lại trần thế với xác thịt. 

Từ đó, gia đình lập bàn thờ, giỗ sống đứa bé vào ngày 18.8 mỗi năm, đấy gọi là lễ xana chiết, bàn thờ cho nó là chiếc bát bỏ trong giỏ tre rừng, sát cột nhà ma. Lúc 8 tuổi, thiếu niên Vân Kiều được tổ chức lễ mừng hồn, đó là lúc họ tin hồn của đứa bé đã gắn chặt với nó, không đột ngột về trời. Và chiếc bát trong giỏ tre sẽ đưa lên cao hơn một bậc. 

Khi 18 tuổi, cánh tay chàng trai Vân Kiều đủ rộng như đôi cánh đại bàng lớn, nó được gia đình làm lễ rặp chăm pa rơ, mừng hồn trưởng thành. Cái bát thờ của mạng sống chàng trai lại đưa lên sát mái nhà sàn, bắt đầu một cuộc đời thông minh với những kỹ năng sinh tồn giữa núi rừng...Con gái cũng được vinh hạnh với lễ tục truyền thống này.

Đang nói chuyện, người nhà của Hồ Xoan gọi mời Hồ Thao qua nhà bàn cúng lễ cho đứa cháu gái 3 tuổi. Chúng tôi may mắn được đi theo. 

Đúng lệ tục, phải giỗ sống vào ngày 18-8 nhưng vì điều kiện, lúc có lúc ngặt mà Hồ Xoan giỗ sống cho cháu gái vào tiết cuối thu. Hồ Xoan làm thịt một con lợn 40 ký, đám thanh niên luộc trước 4 cái đùi, thủ lợn cùng gan và cổ lợn để làm lễ. Phải thuyết phục mãi, Hồ Xoan mới cho phép chúng tôi chụp hình.

Hồ Xoan kể: "Mỗi năm sẽ phải giỗ sống chúng, dù chúng đã có vợ rồi thì cũng phải về đây chịu lễ gà, heo để mời bản giỗ sống, làm thế để chúng biết hồn chúng đang còn và biết điều với tổ tiên đã cho chúng cái hồn để làm người". 

Từ cách giữ hồn của người Vân Kiều mới hiểu ra rằng, con dao A Châu Cor nó quý với dân bản như thế nào, bởi khi đã mất, hồn vẫn còn vương vấn không về trời được, và phải có con dao đó như cách thức cắt đứt sợi chỉ mà đứa trẻ đã được buộc từ ngày mới sinh và tiếng khèn pây là để bay bổng và siêu thoát cho hồn lên cõi giới như một sứ mệnh đã hoàn thành, nhằm chuẩn bị cho cuộc tái sinh khác.

Dao A Châu Cor huyền thoại của người Vân Kiều.

Lần đầu tiên chúng tôi được thấy con dao A Châu Cor xâu 4 cái đùi, đầu lợn, cổ lợn và gan lợn rồi cho đứng trong bát gạo. Hồ Xoan đọc cầu khấn tổ tiên. Thật lâu con dao với các thớ thịt nặng nề vẫn đứng im. Nó đứng hơn 30 phút không nhúc nhích. 

Lễ tạ xong, cả nhà Hồ Xoan đưa thịt để ra mâm, khấn lời buộc chỉ cổ tay cho bé, cả nhà mỗi người một tay bưng mâm lên quá đầu tạ Giàng rồi mời dân bản ăn lễ từ A Châu Cor ban phát. Bí tích về dao gọi hồn ở Trường Sơn lần đầu tiên được ghi hình bằng lễ tục thật, ấy là diễm phúc đối với chúng tôi, những người ngoại đạo với anh em Vân Kiều. Một trải nghiệm khó có lần thứ hai trong đời. 

Điều đó cũng cho thấy, người Vân Kiều coi trọng mạng sống của con em họ, bản thân họ và tôn kính thế giới tín ngưỡng bản quán của họ từ giọt nước sinh thành mát mẻ từ dòng sông Long Đại.

Điệu Vân Kiều lỡ gặp lỡ nghe

 Aman là khèn của anh em Vân Kiều tự phát minh khi họ ẩn sâu trong những rặng núi xa xưa. Họ không biết nó có từ khi nào nhưng những người mà chúng tôi gặp, nó bắt nguồn từ truyền thuyết tình yêu. 

Trai Vân Kiều xưa không chỉ giỏi săn bắn, mà còn hào hoa chơi khèn Aman làm từ ống trúc, rúc lên mỗi mùa giao tình thông qua tục trứ danh mà mọi người vẫn nói là đi sim. Sim trong thế giới của người Vân Kiều là một bản ngã văn hóa riêng, cả một không gian hát hò, khèn sáo, hòa với điệu Cha chấp e ấp giữa núi rừng. 

Hồ Thao nói: "Sim không đơn giản như ngày nay bọn trẻ hiểu. Nó là một quá trình rất chặt chẽ và nghiêm ngặt của tìm hiểu. Nó là văn hóa chứ không phải đơn giản như ngày nay là đi yêu". Thế nên, ngày xưa đi sim là một lễ tục đạt đến tự tin để chơi khèn, thổi sáo, hát hò bên sông.

Nhưng may mắn, những điệu hát ở ngược ngàn Long Đại vẫn còn ẩn hiện trong các bản làng. Vợ chồng của Hồ Thao xưa kia trải qua không gian sim để rồi gắn chặt với nhau bên con nước dòng sông này. 

Và tiếng hát của người già vẫn đầy đặn niềm yêu Vân Kiều: "Bóng em lấp lánh như sao mới mọc/ Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu/ Ta đi tìm em, em ơi/ Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy/ Ta đang lần tìm đến người, người ơi".

Đi giữa thế giới Vân Kiều, gặp những câu hát hay đến khó tả: "Nàng ra đi đã tới gần chòm núi/ Anh ơi sao anh vẫn chưa ngủ/ Anh cứ Oát mãi/ Trên các chòi lúa rẫy/ Anh có biết không?/ Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh/ Muốn thổi khèn Amam nhưng lại thiếu một người/  Khèn Amam không thổi một người/ Em biết thương ai bây giờ ngoài anh".

Nhà gái nhận lễ vật nồi đồng, thanh kiếm, vòng cườm, vòng bạc trong lễ cưới.

Mùa rưh penl - nghĩa của từ này là đám cưới, nhưng nó là cả một không gian văn hóa bên trong đó. Xưa, anh em Vân Kiều có nhà xui giữa bản, trai gái đến chơi sáo ka lui, hát tà riềng, diễn dân ca để hẹn hò. Tôi đặc biệt chú ý lễ rưh penl mà Hồ Kiên ở bản Khe Dây xã Trường Xuân. 

Họ chọn ngày tốt, nhà trai mang lễ vật đến nhà gái làm lễ rước dâu. Lễ rưh penl phải có 1 chiếc kiếm, 1 nồi đồng, 1 vòng cườm đeo cổ, 1 vòng bạc trắng. Nhà trai cũng chịu luôn tiền cưới, gạo nếp, heo,  gà cho bên gái mở tiệc đãi bạn bè họ tộc. Kiếm cho tinh thần chàng trai Vân Kiều bảo vệ gia đình, bản quán, nó có cái chuôi kiếm và lưỡi kiếm của nghĩa vợ chồng thủy chung. 

Nồi đồng biểu trưng sự thịnh vượng của quê hương, vòng cườm và bạc trắng là món cho phụ nữ Vân Kiều đẹp thêm trong mắt con trai dân bản. Một lễ cúng ma nhà và tổ tiên nhà gái, xin cho chàng rể nhập tục họ hàng, xem đó là con cháu chính thức.

Anh em Vân Kiều còn có một lần cưới thứ hai trong đời với người vợ của họ. Hồ Kiên nói thêm: "Đó là lễ koil, người Kinh gọi là khơi nhưng nó không phải, đó là lễ cưới lần hai để công nhận vợ là thành viên của họ nhà trai. Cũng tốn kém nên nhiều người phải đến già mới làm lễ này được. Làm được lễ này thì xem như mùa rưh penl đã rất hạnh phúc". 

Ngày nay, con trai con gái Vân Kiều làm đám cưới, mỗi nhà không có kiếm, không có nồi đồng, không có vòng cườm, không có vòng bạc, bởi đặt làm quá đắt nên trong bản Khe Dây, nhà Hồ Kiên có nồi đồng vòng cườm, vòng bạc, nhà Hồ Cao có kiếm cổ thì cho dân bản thuê. 

Vừa rồi một cô gái trong bản lấy chồng ở Quảng Trị, cũng là chàng trai Vân Kiều, họ đã thuê những vật như thế để làm lễ thành vợ chồng dưới vách núi bên lưu vực dòng sông Rồng Lớn.

Hà, người lái đó vượt thác trên Long Đại.

Có lẽ, chúng tôi là người cuối cùng gặp người cuối cùng từng làm lễ cà răng. Con người ấy sống sâu trong thượng nguồn Long Đại, ở xã Kim Thủy. Ấy là già Hồ Cao. 

Ông được tục truyền bảo vật A Châu Cor và khèn Pây vì ông có uy tín bởi là người duy nhất trong vùng thể hiện uy lực chiến binh Vân Kiều qua tục cà răng hay còn gọi là tục cưa răng. Đó là một luật tục đã thật sự biến mất trên dãy Răng Lược hùng vĩ, bởi tính hoang dã và đẫm máu của nó. Nay, câu chuyện về tục cà răng chỉ còn được kể như mộng đẹp của những đêm Khan bên bếp lửa nhà làng. 

Và chúng tôi may mắn nghe Hồ Cao kể về tục cà răng mà ông trải qua: "Mình lớn lên được bản và bố mình, ông nội mình chọn là già làng tương lai khi A Châu Cor đưa họ về trời. 18 tuổi, bốn người trai lực lưỡng Vân Kiều đưa mình ra suối, họ giữ hai tay và hai chân mình nằm ngửa trên tảng đá, một thầy cúng của bản dùng đá sắc lẹm như mũi tên mài răng của mình, họ mài chảy máu răng, đau đớn, nhưng làm lễ cà răng đó là để chứng minh mình sẽ dẫn dắt bản làng, được dân bản gọi là chiến binh, oai lắm. Họ mài hàm dưới của mình sát nướu, hàm trên mài vài cái, ngày đó thế là oai lắm. Họ mài nhiều ngày. Mài xong họ bỏ lá cây Kỳ chắc để khỏi bị chảy máu. 

Sau lễ đó, bản bắt mình xuống suối bắt 7 con cá xanh để cúng Giàng, làm lễ chiến binh, từ đó bản làng tôn kính mình lắm. Lúc đó họ xem mình đẹp trai, cô gái bản nào nhìn cũng ưngay lễ cà răng bỏ rồi, nhìn mình xấu, mấy đứa trai Vân Kiều trẻ nay không cà răng mà đẹp". 

Hồ Cao vừa kể, vừa tiếc nuối hàm răng nhưng cũng tiếc nuối về ý đẹp của luật tục giữa núi rừng hoang dã đã khuất dần trên đỉnh núi. Theo ông, tục đó đã theo A Châu Cor về trời, và ông là người cuối cùng còn sót lại. 

Truyền nhân già làng của dòng họ Hồ Cao cũng đã được chọn, là cháu nội của đứa con cả, nhưng tục cà răng không còn áp dụng, bởi theo Hồ Cao, phải thích nghi với giới trẻ hiện nay.

Minh Phong
.
.
.