Vợ chồng người Vân Kiều tật nguyền vượt qua số phận

Thứ Năm, 05/02/2015, 08:58
Dù bị khuyết tật, nhưng đôi vợ chồng người Vân Kiều - anh Hồ Xuân Phi và chị Hồ Thị Lành (ở bản vùng cao Khe Van, xã Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị) đã biết vươn lên và cống hiến cho xã hội bằng những tấm huy chương vàng thể thao người khuyết tật…

Mùa đông ở bản vùng cao Khe Van giá rét buốt xương, song trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Lành đầy ắp tiếng cười, tạo cho tôi cảm giác thật ấm cúng.

Chị Lành kể, chị sinh ra trong một gia đình nghèo ở bản Giai, xã Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị), lúc nhỏ, sau một trận ốm nặng, chị bị liệt chân trái. Khi lành bệnh, chị tập bước đi bằng nạng gỗ, lên rừng hái măng, xuống khe suối mò cá bắt cua phụ giúp cha mẹ lo cái ăn. Lớn lên đến tuổi đến trường, chị tự chống nạng vượt núi, băng rừng đi học.

Vượt qua bao khó khăn, 12 năm học, niên khóa nào chị cũng đạt thứ hạng cao. Còn anh Phi, ở bản Khe Van, gia cảnh cũng nghèo khó. Số phận trớ trêu, trong lúc làm đất nương để trỉa lúa, anh bị quả bom còn sót lại trong chiến tranh nổ cắt cụt cánh tay phải. Phải nhờ sự động viên giúp đỡ của bàn bè, người thân, anh mới từ bỏ ý nghĩ tự vẫn, lấy lại tinh thần rồi tập sống, khi chỉ còn một cánh tay…

Vợ chồng anh Phi tích cực lao động sản xuất nâng cao đời sống.

Tuy tật nguyền, cuộc sống vất vả nhưng vợ chồng anh Phi, chị Lành không đầu hàng số phận. Ngoài trồng sắn, họ còn lên rừng kiếm củi để bán. Lúc nào cũng vậy, anh Phi chẻ củi, chị Lành ngồi bên xếp đặt ngay ngắn, giúp chồng bó thành từng bó thật đẹp vác ra chợ bán lấy tiền mua mớ rau, con cá trang trải cuộc sống gia đình. Vợ chồng họ không bao giờ to tiếng với nhau, cuộc sống hạnh phúc tràn ngập tiếng cười.

Không chỉ giữ gìn hạnh phúc gia đình, họ còn tham gia công tác hòa giải cho những gia đình gặp bất hòa. Trong bản, có gia đình nào vợ chồng lời qua tiếng lại là họ đến thăm hỏi, động viên và hòa giải êm xuôi.

Ông Hồ Xuân Thin, Trưởng bản Khe Van, cho hay: “Vợ chồng anh Phi, chị Lành là niềm tự hào của bản. Lúc nào anh chị ấy đi thi thể thao về là cả làng cũng ra tận cổng đón mừng, rồi người đem con gà, người đưa ít măng, dưa… tới nhà mở tiệc”.

Nhắc đến anh Phi, chị Lành phải nhắc đến thành tích thể thao đáng nể của họ. Năm 2006, anh Phi tham gia vào đội tuyển thể thao người khuyết tật huyện Đakrông. Ngay mùa giải đầu tiên năm 2007, anh đã giành được 3 huy chương vàng ở các môn nhảy cao, nhảy xa.

“Những ngày đầu tập luyện thật sự khó khăn. Cánh tay bên phải không lành lặn khiến mình khó lấy được thăng bằng nên chuyện bị ngã tứa máu, thâm tím mặt mày là chuyện như cơm bữa...”, anh Phi bộc bạch.

Còn với chị Lành, năm 2005, chị đã tham gia đoàn thể thao người khuyết tật huyện Hướng Hóa. Đáp lại những ngày tập luyện vất vả là những tấm huy chương vàng các cấp ở ba môn ném lao, ném đĩa và đẩy tạ chị giành được. Sau nhiều cố gắng và giành được thành tích cao trong thi đấu, hai vợ chồng được gọi vào đội tuyển của tỉnh và tham gia các giải đấu cấp quốc gia. Tính đến nay, sau 9 năm tham gia thi đấu thể thao, đôi vợ chồng trẻ này đã giành hàng trăm huy chương vàng, bạc, đồng các cấp.

Ông Hồ Quang Điền, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Hiệp nhận xét: “Anh Phi, chị Lành là tấm gương sáng về nghị lực sống để bà con trong bản noi theo. Năm 2012, chị Lành còn được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen ghi nhận những thành tích xuất sắc tiêu biểu trong lao động, học tập và trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao”.

Bảo Ngọc
.
.
.