Làm thế nào để tạo ra "lý lịch" của vua?

Thứ Sáu, 03/05/2019, 16:38
Đây là câu chuyện về cách thức lý lịch của một nhà vua được tạo ra. Chúng ta hãy cùng khảo sát bản lý lịch của Minh Mệnh để xem ông và các sử quan triều đại đã 'kê khai' những gì?

Trật tự kế ngôi của các hoàng tử, hoàng tôn thời Gia Long

Hoàng tử 
 Tên
 Năm sinh-mất
 
Hoàng tử thứ nhất
Hoàng tôn Đán 
Hoảng tử thứ hai 
Hoảng tử thứ ba 
Hoàng tử thứ tư 

 Nguyễn Phúc Cảnh
Nguyễn Phúc Đán 
Nguyễn Phúc Hy
Nguyễn Phúc Tuấn/Noãn (?) 
Nguyễn Phúc Đảm 
 
1780-1801 (21 tuổi)
1798-1849
1781-1801 (20 tuổi)
?-1803 (12 tuổi)
1791-1841 

Thời đại Minh Mệnh (1820-1841) là một trong những giai đoạn lịch sử vương triều Nguyễn được 'gọt rũa' và 'canh gác' kỹ lưỡng nhất. Thứ nhất, giai đoạn đầu triều Nguyễn được ghi chép chi tiết và có hệ thống, biên tập kỹ càng. Thứ hai, phần thực lục của triều này được các vị vua sau đó là con và cháu ông (vua Thiệu Trị và Tự Đức) trực tiếp điều hành quá trình soạn thảo, biên tập, khắc in.

Thứ ba, các viên tổng tài quyền lực là những người can dự trực tiếp vào thời kỳ Minh Mệnh, trưởng thành dưới 'sự đào tạo' của Minh Mệnh, nơi họ đạt đỉnh cao chính trị. Nói cách khác, Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn, Hà Duy Phiên, Phan Thanh Giản không chỉ viết về triều đại của mình mà còn viết về thời đại và sự kiện mà mình trực tiếp 'dính líu".

Một trong những dụng công lớn nhất của các sử gia vương triều này là câu chuyện về cách thức tạo dựng nên 'lý lịch' cho nhà vua. Bản lý lịch này phản ánh sự bất an của Minh Mệnh, một hình ảnh khác với bức chân dung vững vàng, uy nghi, không thể thách thức của ông trong chính sử.

Việc lựa chọn chi tiết và diễn ngôn cho câu chuyện vươn tới ngai vàng có thể hé lộ những mâu thuẫn mấu chốt của việc hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm kế ngôi. Lý lịch của Minh Mệnh vì thế chính là bức thông điệp chính trị cho các tranh chấp nơi hậu trường để khẳng định quyền cai trị của nhà vua. 

Vấn đề “lý lịch” của Minh Mệnh trong cuộc tranh chấp quyền lực

Trước hết về thứ bậc: ông là hoàng tử thứ 4, không phải là con đẻ của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Thứ hai, ông từng bị bao trùm bởi cái bóng của hoàng tử Cảnh, người mà uy tín trong các thuộc hạ của Gia Long, cả người Việt, Pháp là bất khả xâm phạm bởi tài năng và lịch sử bôn ba của ông cùng vua cha.

Những 'thiện cảm' này sau đó lan truyền sang con trai của ông (hoàng tôn Đán) khi vị hoàng tử qua đời năm 1801. Điều trớ trêu cho số phận của Minh Mệnh là trong khoảng 1810, cả hai phe quân sự lớn nhất trong triều đình: Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành đều vận động cho vị hoàng tôn này.

Ấn "Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo" (đúc năm 1710). Nguồn: DNTL, tiền biên, 8: 7ab; Nguyễn Đình Chiến, et al., Kim ngọc bảo tỷ (Hà Nội: Bảo tàng Lịch sử, 2009).

Bản lý lịch của Minh Mệnh vì thế được chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể 'cạnh tranh' với các đối thủ khác trong một khung cảnh ganh đua quyết liệt. Ban đầu, cả Lê Chất và Lê Văn Duyệt đều không 'hào hứng' với hoàng tử Đảm. Sử gia thế kỷ XIX, Phan Thúc Trực có hé lộ rằng Duyệt cũng đã đề xuất Gia Long lập hoàng tôn Đán làm thái tử (Quốc sử di biên [QSDB], I: 64a).

Dễ hiểu là chi tiết này đã bị Thực lục 'giấu' đi. Trong khi đối thủ của họ, Chưởng Trung quân Nguyễn Văn Thành cũng bắt đầu cuộc vận động cho vị hoàng tôn. Thứ hai là tình trạng 'hỗn loạn' thuở ban đầu của nền cầm quyền thời Minh Mệnh đặt ra yêu cầu về một diễn ngôn chính trị cho sự xác lập quyền lực của nhà vua nhằm tái ổn định tình hình. Bức thư của J.B. Chaigneau gửi đi từ Huế (23/5/1823) phần nào phản ánh tình thế gay cấn này:

"Vị vua kế vị đang trị vì hiện nay không bằng phụ vương của người, mặc dù nhà vua tự cho rằng thông thái và uyên bác hơn vua cha. Nhà vua hiện nay không được yêu mến như phụ vương của người. Nhà vua đã xa rời những cựu thần của vua cha để thay thế vào đó những kẻ tôi tớ cũ của người. Tôi không tin rằng vương quốc sẽ được bình yên lâu dài. Tôi cho rằng chí ít cũng có một cuộc cách mạng (revolution)"  (M. Chaigneau à M. Baroudel., BAVH, 4 (1926), bản dịch (Huế: Thuận Hóa): 560).

Bản kê lý lịch

Hãy xem người nhận được 'thiên mệnh' để cai trị thần dân thì tiểu sử cần có những chi tiết gì?

Với Minh Mệnh, nó bắt đầu với điềm lành: một giấc mơ. "Trước khi sinh vua, hoàng hậu nằm mơ thấy người thần dâng một cái ấn, sắc đỏ như mặt trời. Vua sinh ra thực ứng vào điềm ấy." (DNTL, II, 1: 1b). 

Chi tiết này được dùng để mở đầu Thực lục, kỷ triều Minh Mệnh. Chiếc ấn 'trong mơ' này nhanh chóng được 'kết nối' với một chiếc ấn mang tính biểu tượng khác của vua cha [Gia Long], được coi như là ấn truyền quốc, nối triều đại từ các chúa Nguyễn sang vua Nguyễn: "Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo". 

Câu chuyện của vương triều nói rằng chiếc ấn này theo Nguyễn Phúc Ánh [Gia Long] trong suốt những năm tháng bôn ba. Cuối cùng ấn về với người, khi sự nghiệp trung hưng, phục quốc thành công (Thực lục, tiền biên, quyển 8). 

Những người viết Thực lục cũng tìm cách gắn quả ấn này với Minh Mệnh, ngợi ca rằng nhà vua dành sự quan tâm đặc biệt, tự tay viết chữ son niêm phong để truyền muôn đời. Có lẽ cũng bởi sự gắn kết với giấc mơ này mà quả ấn đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho diễn ngôn về sự kế truyền giữa Gia Long tới Minh Mệnh.

Sự lồng ghép các câu chuyện về tuổi thơ của Minh Mệnh được 'hé lộ' khi vị hoàng tử 15 tuổi. Đó là năm 1805, khi ông được mô tả là "sẵn tính thông minh, vua thường khuyên học. Một hôm cưỡi thuyền thủ quyển của vua đi chơi xem sông Hương. Vua nghe tin giận. Hoàng tử thứ tư sợ hãi, kíp xin chịu tội. […] Rồi sai Lễ bộ Đặng Đức Siêu kiêm sung phụ đạo. Lại sai Hàn lâm thị thư và thị trung cai đội đều hai người, ngày ngày vào phủ để xem siêng năng hay trễ nải. 

Từ đó hoàng tử thứ tư học ngày càng tiến." (DNTL, I, 26: 6a). Chi tiết về giáo dục này được tô điểm bởi hình ảnh của các thầy dạy, và sử dụng như một 'chỉ dấu' cho uy tín của Minh Mệnh. Hai trong số những người này là Đặng Đức Siêu (-1810), và Ngô Đình Giới (từ 1817), đều là học giả uyên bác và danh tiếng.

Tuy nhiên, phải đến năm 1815, khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu qua đời, cuộc tranh luận về tính chính thống của Minh Mệnh mới được đặt ra. Vị hoàng tử là con thứ phi và không 'chính danh' để dâng lễ tế điện. Phe Nguyễn Văn Thành muốn hoàng tôn Đán đảm nhận nghi lễ này. Đến đây, lần đầu tiên chúng ta thấy Gia Long lên tiếng:

"Vua dụ rằng: Hoàng tử là con của Hoàng hậu, còn có khế khoán ở kia, nên sai làm chủ việc thờ cúng: việc lớn của nước không thể nhất khái câu nệ lễ của nhà mọi người. Nguyễn Văn Thành lại cho là lời xưng hô trong văn khấn khó nói. Vua bảo rằng: Con phụng mệnh cha để tế mẹ, danh chính ngôn thuận, có gì là không được" (DNLT, Sơ tập).

Bằng việc dẫn lời Gia Long trong cuộc tranh luận về cháu đích tôn hay con thứ, các sử gia vương triều cho thấy hàm ý nhắm đến vị hoàng tử 24 tuổi như một lựa chọn cho sự kế tục quyền lực. Ngòi bút sử quan sau đó tìm cách 'làm mờ' hình ảnh của hoàng tử Đảm trong cuộc tranh chấp ngai vàng, thay vào đó khắc họa 'âm mưu', 'thủ đoạn', và hoạt động băng đảng của phe nhóm Nguyễn Văn Thành nhằm đưa lên một thái tử nhỏ tuổi để thao túng.

Họ cũng 'làm mờ' mối quan hệ giữa Lê Chất, Lê Văn Duyệt với Nguyễn Phúc Đảm, mặc dù một vài chi tiết sau đó đã 'vô tình' hé lộ mối quan hệ này khi các quan tố cáo tội trạng của Duyệt và Chất. 

Vì thế, những thanh trừng và tranh chấp quyền lực trên con đường Minh Mệnh tới ngai vàng được khắc họa không phải là tranh giành phe phái mà là sự 'ngã ngựa' của bọn phản nghịch và bè phái.

Trong khi đó, đối thủ của Minh Mệnh: hoàng tôn Đán đã bị 'tấn công' thậm tệ từ góc độ đạo đức và luân lí thông qua vụ án tố cáo ông 'dâm loạn' với mẹ đẻ, dẫn đến việc bà bị Lê Văn Duyệt dìm chết (DNLT, I, 23: 7b-8a). 

Minh Mệnh sau đó từng tuyên bố: "Hành vi của nó hơn là chó lợn, trẫm nghĩ cái tình Anh duệ Hoàng thái tử [Nguyễn Phúc Cảnh] nên không nỡ làm tội, nay lại nghe kẻ bậy bạ xui khiến, muốn làm gì chăng ?" (DNTL, II, 31).

Con của Minh Mệnh là vua Thiệu Trị cũng đã tìm cách 'can thiệp' vào bản lý lịch của cha với nhiều các chi tiết mới, đặc biệt là các 'điềm lành'. 

Trong bài văn bia "Thánh đức thần công" ở Hiếu lăng do chính ông biên soạn, nhà vua nhấn mạnh đến việc Minh Mệnh "sớm tối theo bên cạnh, qua khắp các núi sông, trải bao khó nhọc trong sự dẹp yên, lượng biết chăm lo sau khi giữ nghiệp. […] Qua những bước gian nan thử thách, theo đạo trung truyền nối, để hưởng thụ lộc trời, [Minh Mệnh] đã được vua cha để lòng kén chọn, từ lâu đã lặng lẽ định sẵn cái kế lớn cho Xã Tắc".

Cuối cùng, bản lý lịch của Minh Mệnh là một dụng công lớn của cả nhà vua và những người kế tục nhằm tìm kiếm tính chính thống và quyền lực cho vị hoàng đế thứ hai của vương triều. 'Huyền thoại' về sự kế ngôi của Minh Mệnh được mô tả bởi Đại Nam Thực Lục là một trường hợp điển hình cho thấy cách thức 'thiên mệnh' và 'chính thống' được diễn dịch và triển khai trong thực tế thông qua thuật viết sử.

Quá trình tạo ra một bản lý lịch của nhà vua cho thấy cách thức sử gia vương triều chọn lựa chi tiết để làm nổi bật những nét tính cách, phẩm chất có tính biểu tượng về vị vua nhằm thuyết phục cho quyền lực của họ.

Thủ pháp này đã được vận hành một cách 'nhuần nhuyễn' trong trường hợp Minh Mệnh để tạo ra hình ảnh một vị quân vương lí tưởng và gắn kết ông với các truyền thống của vua cha và vương triều. Đó là câu chuyện về giấc mơ điềm lành, về một vị hoàng tử thông minh, ham học, được đào tạo bởi những danh thần, về tính chính thống khi được nhận làm con của Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, và những điềm thiêng chỉ dấu của thời thịnh đạt.

Đằng sau bản lý lịch được thiết kế công phu này rõ ràng là một ông vua bất an. Nó không giống với hình ảnh quen thuộc của ông vua quyền uy, tự tin trong nỗ lực khắc họa của các sử quan Quốc sử quán. Đây chắc chắn là một gương mặt khác của Minh Mệnh.

Vũ Đức Liêm
.
.
.