Cổ phục Việt Nam: Con đường vạn dặm

Thứ Bảy, 03/10/2020, 13:28
Dù những nghiên cứu và nỗ lực phục dựng trang phục cổ Việt Nam đã rộ lên từ khoảng chục năm trước nhưng khái niệm “Việt phục” mới chỉ thực sự được nhắc đến trong khoảng vài năm trở lại đây. Rất rõ ràng, những người đặt ra khái niệm này muốn cổ phục Việt Nam từng bước đứng ngang hàng với Hán phục (Hanfu) của Trung Quốc, Hàn phục (Hanbok) của Hàn Quốc và Hòa phục (Wafuku hay Kimono) của Nhật Bản.

Có thể nói, khái niệm “Việt phục” tương đối gắn liền với phong trào cổ phục ở Việt Nam, một phong trào mới manh nha vài năm nay, mang tính kết hợp giữa nghiên cứu hàn lâm và hoạt động cộng đồng.

Phong trào Việt phục - một bước khởi đầu đẹp

Trở lại với lịch sử, chắc nhiều người còn nhớ một sự kiện mang tính bước ngoặt của nghiên cứu cổ sử Việt Nam nói chung, nghiên cứu trang phục cổ nói riêng, đó là đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010. Tại sao một cuộc đại lễ lại có tính bước ngoặt đến vậy? Đó là vì để kỉ niệm đại lễ, tất yếu phải có những sản phẩm văn hóa dành cho đại lễ đó. Cổ sử bỗng chốc không còn là mối quan tâm của nhóm nhỏ những nhà nghiên cứu và những người yêu thích lịch sử nữa, mà trở thành mối quan tâm chung của nhiều tầng lớp, đặc biệt là giới hoạt động nghệ thuật.

Nói cụ thể hơn, muốn làm phim, làm truyện tranh về thời xưa, buộc phải nghiên cứu những chi tiết “đời sống” như kiến trúc, phục trang, ẩm thực, phong tục cộng đồng... chứ không thể chỉ là những diễn biến lớn trong dòng chảy lịch sử được nữa.

Còn riêng về lịch sử trang phục Việt Nam, có một cuốn sách rất quan trọng đã ra đời: cuốn “Ngàn năm áo mũ” của tác giả Trần Quang Đức. Trước kia không phải là không có những nghiên cứu riêng lẻ về cổ phục Việt nhưng cuốn sách này là tác phẩm đầu tiên hệ thống hóa được đường hướng phát triển của cổ phục Việt Nam, cho dù còn những chỗ thiếu hoàn bị thì cũng không thể phủ nhận rằng đây là tác phẩm mang tính gợi mở cực lớn cho phong trào Việt phục sau này.

Giao lĩnh và phi phong (áo khoác ngoài) của phụ nữ thời Lê.

Đến nay, sau 10 năm, điều đáng mừng là phong trào tìm lại cổ sử, trong đó có phong trào phục dựng cổ phục không những không nguội đi, mà còn đang phát triển tốt, những tranh luận hiện nay cũng đã có chất lượng hơn rất nhiều những cuộc tranh luận của chục năm về trước. một số lầm tưởng đã dần được xóa bỏ và phong trào cũng đã thể hiện ra ở những hình thức cụ thể, trực quan hơn là những tranh luận “suông”.

Còn nhớ chục năm về trước vẫn có những bài viết mang nặng tính chủ quan và nhầm lẫn về thời kì của các loại trang phục, như nhất quyết cho rằng trang phục cổ nước ta có ống tay hẹp (mà thực ra ống hẹp và ống rộng đều tồn tại song song, trong nhiều thế kỉ, tới tận cuối đời Nguyễn vẫn có áo tấc ống tay rộng), hay vua thời Lý mặc áo... đỏ; hoặc cho rằng người Việt xưa không có loại áo giao lĩnh tay hẹp và quần xỏ ống làm đồ lót mà chỉ có đóng khố (bài viết còn phê phán một bộ phim truyền hình là “nhái theo Trung Quốc” chỉ vì xuất hiện bộ áo quần lót trong đó - mà thực tế thì không phải như vậy).

Vài năm trở lại đây, những công việc hướng về cổ phục không chỉ còn là trên giấy tờ, hay hạn chế trong những đoàn làm phim mà đã dần lan tỏa trong giới trẻ. Hiện có không ít những công ty hay nhóm nghiên cứu đang tiến hành phục dựng cổ phục, bao gồm vẽ lại và may lại. Những công việc trực quan này mang lại một bước chuyển rất lớn: cổ phục Việt Nam ngày càng gần gũi với “thường dân” - những người không nghiên cứu sâu về lịch sử.

Ngày nay ta có thể bắt gặp những clip ca nhạc dàn dựng bối cảnh cổ đại, đám cưới có chú rể mặc áo tấc, những điệu nhảy trên phố của cô gái mặc áo nhật bình, hay các bạn trẻ mặc bổ phục đi chụp ảnh trên phố đi bộ hồ Gươm, thậm chí có cả các em học sinh phổ thông chụp ảnh kỉ yếu với trang phục thời Nguyễn. Việt phục thực sự đã bắt đầu quá trình len lỏi vào các góc đời sống, giúp mọi người dân có nhận thức rộng hơn về cổ phục.

Con đường không chỉ có hoa hồng

Một phong trào văn hóa, dẫu đã có chỗ dựa vững chắc là trầm tích văn hóa hàng ngàn năm thì vẫn tất yếu phải trải qua những vấp váp, khó khăn, thậm chí là nguy cơ chệch hướng.

Một câu hỏi mang tính lựa chọn được đặt ra là, nên cố gắng hoàn nguyên Việt phục, hay cố gắng cách tân để đưa Việt phục vào cuộc sống hằng ngày? Ở Việt Nam đâu đó cũng đã bắt đầu xuất hiện những cửa hàng may cổ phục cách tân với giá cả phải chăng, mặt tốt là khiến cổ phục trở nên gần gũi hơn, dễ ứng dụng trong cuộc sống hơn nhưng đồng thời cũng có nguy cơ làm sai lệch nhận thức về văn hóa phục trang truyền thống của nước ta. Chính người viết đã từng tìm hiểu thử một vài mặt hàng và phát hiện ra người sản xuất dùng vải có hoa văn đặc trưng của... Nhật để may riềm cổ áo giao lĩnh. Có thể thông cảm phần nào vì rất khó tìm được vải chuẩn hoa văn Việt Nam (và giá thành không rẻ) nhưng rõ ràng đây là việc làm không nên được khuyến khích.

Phục dựng áo giao lĩnh phổ biến thời Lê trở về trước; Áo tấc thời Nguyễn.

Vậy phải chăng chỉ nên hoàn nguyên mà không nên cách tân? E rằng như vậy cũng quá cứng nhắc và có phần làm giảm hiệu quả, nếu xét trên tác dụng thúc đẩy giới trẻ tìm hiểu văn hóa truyền thống. Việc đưa những yếu tố Việt phục vào trang phục hiện đại vẫn là việc nên làm, để tất cả mọi người dần dần không còn cảm thấy xa lạ với những hoa văn họa tiết truyền thống, hay những chi tiết như bổ tử, cổ giao lĩnh... Nhưng việc này rất cần có nền tảng, nền tảng đó chính là việc cố gắng hoàn nguyên trang phục cổ đến hết mức có thể. Bởi chỉ khi những nghiên cứu về trang phục cổ đã đầy đủ về chi tiết, nhà sản xuất mới có thể chọn lựa được những chi tiết cần thiết theo yêu cầu để đưa vào trang phục cách tân, nếu không, rất có thể ta sẽ còn phải nhìn nhiều chiếc áo nhật bình thời Nguyễn với họa tiết của Nhật khác.

Một vấn đề nữa là, phục dựng Việt phục thời kì nào? Tưởng chừng câu trả lời rất đơn giản: chẳng phải là cứ nghiên cứu được thời kì nào thì ta phục dựng hết là được hay sao? Nhưng, sự việc không đơn giản. Đến giờ, lượng Việt phục được phục dựng nhiều nhất vẫn là trang phục thời Nguyễn, đặc biệt là áo nhật bình. Lí do về mặt kĩ thuật là tư liệu thời kì này còn rất nhiều, thậm chí là nhiều hiện vật để nghiên cứu, nên việc tìm hiểu không quá khó khăn. Nhưng, còn một lí do tế nhị hơn nữa, đó là tâm lí e ngại... không thuần Việt.

Trang phục thời Lê Sơ đã từng được nhóm Vietnam Centre nghiên cứu phục dựng, thậm chí gần đây đã cho ra mắt cuốn sách “Dệt nên triều đại”, trong đó có nhiều bộ được phục dựng công phu và trình bày ngắn gọn những bước khảo cứu trang phục nữa. Nhưng, dù vậy, trang phục Lê Sơ vẫn ít được phổ biến, lí do bởi nhiều người cho rằng nó tương đối giống trang phục đời Minh (và giống Triều Tiên, vì Triều Tiên cũng mô phỏng trang phục thời Minh), ít có tính đặc thù.

Trang phục thời kì sớm hơn cũng vậy, nhìn qua khó phân biệt được với Trung Hoa. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, không có bất kì một nền văn hóa nào là “thuần túy” và không vay mượn bên ngoài, bao gồm văn hóa Trung Hoa. Hơn nữa, có những thứ trang phục rất phổ biến ở Đông Á, như áo giao lĩnh (hai vạt chéo nhau), kimono hay hanbok thực chất cũng đều là giao lĩnh, đó là sự thật lịch sử không thể chối bỏ.

Triều phục đời Lý được mô tả với “phương tâm khúc lĩnh” cũng là mô phỏng quy chế thời Tống. Không chỉ trang phục, mà chế độ thi cử, quan lại, một số ngày lễ tết dân gian... cũng đều chịu ảnh hưởng từ văn hóa bên ngoài nhưng khi đã hiện diện trong đời sống của cư dân Việt Nam thì nó chính là một phần của văn hóa Việt.

Có một điều mà những người có lòng muốn phục dựng cổ phục cần suy nghĩ thêm, đó là cổ phục không thể lẻ loi, nó còn cần gắn với những yếu tố văn hóa khác nữa. Có thể nhìn sang tuần văn hóa Hán phục, một hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2013 của Trung Quốc, diễn ra ở cổ trấn Tây Đường (tỉnh Chiết Giang). Trong tuần văn hóa Hán phục, cái được trình hiện không chỉ có trang phục mà còn có những yếu tố văn hóa liên quan khác, như tái hiện lễ cưới xưa, tái hiện nghi thức thiết triều, trình diễn âm nhạc, võ thuật truyền thống...

Tóm lại, là đặt cổ phục trong bối cảnh “cổ”, không chỉ phục dựng trang phục mà còn cố gắng tái hiện cả bối cảnh văn hóa rộng lớn hơn, để những người đến tham quan hình dung được về cuộc sống thực sự của những bộ trang phục đó. Dù một số nhóm bạn trẻ ở Việt Nam cũng đã cố gắng làm công việc đó một cách công phu nhất có thể nhưng nhìn tổng thể phong trào thì có lẽ sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Vĩ thanh

Một phong trào bất kì, để chuyển từ “tự phát” sang “tự giác”, đều cần một đường hướng, một kim chỉ nam. Ngày nay, điều kiện để học tập, nghiên cứu và phục dựng đã nhiều hơn hẳn thời kì trước, phong trào Việt phục nói riêng và phong trào nghiên cứu lịch sử đời sống nói chung đều rất có triển vọng để phát triển mạnh mẽ. Nhưng, số lượng nghiên cứu nền tảng cho phòng trào vẫn đang ở một con số khiêm tốn. Hãy thử nhìn thị trường sách: trong vài năm gần đây những sách liên quan đến lịch sử được xuất bản nhiều nhưng chuyên khảo lịch sử thì dường như đếm trên đầu ngón tay.

Nhìn lướt qua gian hàng sách lịch sử, những tác phẩm dịch từ tiếng nước ngoài vẫn chiếm số lượng lớn, trong đó không phải cuốn nào cũng thực sự đảm bảo về tính chính xác (như các cuốn bút kí của phương Tây, có khá nhiều sai sót khi ghi chép). Số lượng chuyên khảo sâu về một vấn đề vẫn còn ít ỏi. Qua một phong trào “học sử” (chứ không phải “sử học”) đang từng bước phát triển có thể thấy, đã đến lúc chúng ta cần đặt câu hỏi lớn hơn: tác phẩm nghiên cứu của các nhà sử học đâu rồi?

Lê Huy Hoàng
.
.
.