Chúng ta đã tạo ra một thế hệ học sinh cười vào mặt Shakespeare

Thứ Tư, 05/08/2020, 07:18
Nếu nói rằng tôi đã chẳng học được điều gì về văn học trong quãng thời gian ngồi ghế nhà trường thì là nói quá. Nhưng, nếu có một lúc nào đó tôi đã yêu văn chương và chọn theo nghiệp viết văn thì tôi tin chắc nó không liên quan gì tới những năm tháng đi học của tôi.

Bất cứ khi nào được hỏi, ai là văn sĩ/thi sĩ tôi yêu thích nhất, tôi thường không suy nghĩ và nói: William Shakespeare. Không, tôi không am tường về các tác phẩm của ông tới thế nhưng có gì đó thật cuốn hút, thật mênh mông, thật kỳ bí trong cuộc đời đó, trong những câu chuyện đó, những vần thơ đó. Nhưng khi nghĩ lại ấn tượng đầu tiên của mình về Shakespeare, tôi vẫn thật rùng mình.

Đó là năm học lớp 11, trong sách giáo khoa Ngữ văn có bài “Tình yêu và thù hận”, một trích đoạn trong vở “Romeo và Juliet”. Đoạn trích rất ngắn ngủi, chỉ 2 trang thôi, là phân cảnh lãng mạn nhất của vở bi kịch 5 hồi, khi Romeo đứng dưới cửa sổ bày tỏ tình yêu với nàng Juliet kiều diễm. Tôi nhớ cả lũ học sinh đã cười phá ra khi đọc lên những lời tán tụng sắc đẹp mà Romeo dành cho người tình, nó ướt át, nó sến súa, nó lỗi thời thậm tệ! Và tất cả những gì thầy giáo rao giảng thì vẫn là sự cao quí của tình yêu, sự vĩ đại của tình yêu, tình yêu vượt qua mọi khoảng cách, mà nếu chỉ có vậy thì tôi không biết tại sao tôi phải học đoạn trích này, tôi nghĩ mình xem xong “Titanic”, thậm chí là “Hoàn Châu Cách Cách”, là cũng đủ để tương đối hiểu điều đó rồi.

“Romeo và Juliet” sẽ giống như một trò cười khi ta không đọc tác phẩm một cách đàng hoàng.

Tôi vẫn giữ ấn tượng về Shakespeare như một ông già chết từ mấy trăm năm trước, được ca ngợi quá lời và chẳng còn phù hợp với thế giới hiện đại suốt bấy nhiêu năm. Mãi đến sau này, khi có dịp đọc toàn bộ vở “Hamlet”, tôi mới bối rối khi cảm thấy Shakespeare này có vẻ chẳng liên quan gì tới Shakespeare mà tôi từng biết và làm sao một người có thể viết ra một vở kịch vĩ đại như “Hamlet”, lại có thể viết ra “Romeo và Juliet” dở tệ kia? Nghi ngờ trí nhớ của mình, tôi tìm đọc vở kịch tình yêu ấy, lần này đọc toàn bộ và nhận ra, không phải “Romeo và Juliet” dở tệ mà cách dạy văn của chúng ta dở tệ.

Điều khiến tôi thấy kỳ lạ nhất trong việc học văn chương ở bậc phổ thông, đó là chúng ta học rất nhiều, rất ôm đồm nhưng dường như chẳng được học gì cả. Rất nhiều tác phẩm được học đều là đoạn trích mà như thế thì chẳng khác nào thầy bói xem voi, chỉ sờ cái tai thì làm sao biết con voi đích thực ra sao kia chứ. Ngay cả đến khi học truyện ngắn cũng phải học đoạn trích. Như “Chí Phèo”, một truyện ngắn không quá dài và rất quan trọng trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại nhưng cũng không được học đầy đủ mà vẫn bị lược đi một đoạn. Vậy thì nói gì đến những tác phẩm dài hơi hơn hay những tác phẩm nước ngoài vốn hiếm khi được đem ra thi thố?

Và tôi vẫn luôn đinh ninh, thà rằng, tôi không bao giờ biết về Shakespeare còn hơn là tôi hiểu lầm về ông lâu như vậy mà hẳn còn rất nhiều người nữa vẫn đang hiểu lầm như tôi thưở đó. Như một người bạn của tôi, người chẳng còn nhớ gì về tác phẩm ấy ngoài truyện mang mang nhớ khi đọc phần tóm tắt trước đoạn trích rằng, Romeo đang yêu tha thiết một cô khác, thế mà mới thấy Juliet đã thay lòng đổi dạ ngay được(!). Ôi! Mọi sự hiểu biết không đến nơi đến chốn đều tai hại.

Chúng ta thường phàn nàn Việt Nam không có một tiểu thuyết gia lớn, và thấy hết sức chướng tai gai mắt với thực tế này. Tôi thì thấy bình thường, bạn nuôi một con mèo bằng rau thì đâu thể đòi hỏi nó biết bắt chuột. Chúng ta không được dạy để có tư duy viết ra một cái gì đó lớn lao.

Viết tiểu thuyết là một lao động cực nhọc. Nói như William Faulkner, một trong những tiểu thuyết gia lớn của thế kỷ 20: “Đọc, đọc, đọc. Đọc mọi thứ - rác rưởi, kinh điển, hay và dở, và xem họ làm thế nào. Như một người thợ mộc học việc từ ông chủ”. Nhưng, chúng ta không hề được dạy để đọc một cách tử tế. 12 năm học, không một lần chúng ta được yêu cầu phải đọc và cảm nhận đầy đủ một tiểu thuyết, ngay cả khi học tiểu thuyết thì cũng là học một đoạn vài trang giấy, như “Số đỏ” được học mấy trang “Hạnh phúc của một tang gia”, “Ông già và biển cả” được học mấy trang khi ông già Santiago chiến đấu với con cá kiếm.

Nếu nói phong cách viết của Hemingway là “tảng băng trôi” - 3 phần nổi, 7 phần chìm, vậy thì làm sao có thể bắt người ta hiểu được, dù chỉ một tị ti, về vẻ đẹp của “Ông già và biển cả” nếu chỉ được học một phân đoạn lửng lơ không đầu không cuối. Tôi biết nhiều người bạn đã căm ghét Hemingway vì đoạn trích ấy, cũng như tôi đã từng căm ghét Shakespeare và chẳng phải một cách dạy khiến người ta căm ghét những tác giả là một cách dạy có lỗi với chính văn chương hay sao?

Vài tháng trước, tôi đọc một cuốn tiểu thuyết của Indonesia, Đẹp là một nỗi đau, ra mắt năm 2002, được đề cử giải Man Booker. Nó gần như mang dáng dấp của một tiểu thuyết lớn, một “Trăm năm cô đơn” phiên bản Đông Nam Á, với thứ văn phong táo tợn, một cốt truyện tham vọng kéo dài cả trăm năm lịch sử với rất nhiều nhân vật, rất nhiều mạch truyện nhưng được xếp đặt cầu kỳ, khéo léo và chính xác đến mức không thể nào khác.

“Ông già và biển cả” chỉ là một trong số các tác phẩm bị cắt xén khi giảng dạy.

Sửng sốt hơn cả là việc tác giả của nó đã viết ra nó khi mới 27 tuổi - bằng tuổi tôi lúc này. Và theo dõi những tác giả đồng trang lứa với mình, tôi cảm thấy ở Việt Nam không có bất cứ nhà văn nào có đủ nội lực để viết ra một tiểu thuyết với trình độ đó, nhưng xin hãy thông cảm cho chúng tôi.

Và bởi vì văn chương gần như là môn học có tính sáng tạo, thẩm mỹ được dạy một cách nghiêm túc nhất tại nhà trường nên tư duy học văn ở phổ thông không chỉ ảnh hưởng tới những người viết văn tương lai mà cả những nghệ sĩ thuộc lĩnh vực khác như âm nhạc, điện ảnh.

Hãy để y một chút, ở Việt Nam, người ta thực sự rất nhạy cảm với tất cả những gì được coi là “bắt chước”. Các nghệ sĩ tự hào nhất là khi tuyên bố, tôi chẳng học hỏi ai, tôi chẳng bắt chước ai, tôi chẳng có hình mẫu nào, mọi thứ tôi làm ra đều là sáng tạo cá nhân của tôi. Cứ như thể nếu nói tôi đã học hỏi ai thì những sáng tạo trở nên không còn giá trị.

Việc đọc bị tiêu biến, ghẻ lạnh, miễn cưỡng đã đành nhưng dường như, chính việc đọc cũng bị hiểu sai: bạn không nên đọc/xem/tham khảo nhiều quá, bởi khi du nhập suy tư của người khác là bạn tự đè bẹp suy tư của mình. Sự hiểu biết trở thành một cái gì đó đáng xấu hổ, người ta muốn tuyên thệ cái tôi duy nhất của mình mà sẵn sàng phủ định tất cả những nền tảng văn hóa có trước.

Một nhà văn thích nói rằng, truyện này là do tự tôi nghĩ ra chứ không thích nói tôi học của ông nhà văn khác. Nhưng, chớ quên, “Ullysses” của James Joyce là mượn từ “Odyssey” của Homer; đến “Romeo và Juliet” cũng không phải do Shakespeare tự nhiên nằm mơ nghĩ ra mà lấy cảm hứng từ Ovid; Gabriel Garcia Marquez thừa nhận là ông học hỏi từ Juan Rulfo và nếu không có “Pedro Paramo” thì không có “Trăm năm cô đơn”; mà “Truyện Kiều” không phải mượn từ một tác phẩm Trung Quốc hay sao? Một tác phẩm lớn không phải một tác phẩm sinh ra từ hư vô, tứ cố vô thân không dây mơ rễ má đến tác phẩm nào, một tác phẩm lớn luôn biết đối thoại với những tác phẩm quá khứ, cũng như khởi sinh ra những tác phẩm tương lai.

Nếu cho rằng những tác phẩm nghệ thuật này từ thời xưa quá rồi thì hãy lấy những ví dụ hiện đại hơn, chẳng hạn trong nhạc đại chúng, cô ca sĩ mới nổi Ariana Grande hâm mộ nhóm NSYNC đến mức đưa cả nhạc họ vào bản hit của mình, Taylor Swift không bao giờ che giấu sự hâm mộ Faith Hill, nhóm nhạc Hàn Quốc BTS không cần phải tỏ ra chúng tôi tự sáng tạo khái niệm “bản đồ tâm hồn” mà đã học hỏi từ nhà tâm lí học Carl Jung, J.K Rowling - tác giả của “Harry Potter” cũng không cần vờ như chưa từng đọc “Chúa tể những chiếc nhẫn” bao giờ.

Cũng là quá lời nếu như quy toàn bộ vấn đề này cho việc dạy văn ở phố thông nhưng ở khía cạnh nào đó, cái cách dạy những tác phẩm bị cắt xén tơi tả đến biến dạng, cái cách trường học khiến học sinh thành những người đọc vô trách nhiệm, cái cách họ khiến học sinh cười vào mặt Shakespeare hay ghét bỏ Hemingway, cũng là một phần nguyên do khiến ngành sáng tạo của chúng ta cứ khập khễnh và chơi vơi như thế.

Không phải chúng ta nhất định phải yêu thích Shakespeare hay Hemingway. Ai cũng có quyền ghét họ và có quyền cười vào mặt họ. Tôi vẫn không thích Jane Austen dù có đọc hết “Kiêu hãnh và định kiến” hay “Lí trí và tình cảm” đi chăng nữa. Chỉ là, ít nhất trước khi người ta quyết định sẽ ghét một nhà văn nào đó, hãy cho họ có cơ hội để không ghét nhầm một phiên bản méo mó của nhà văn ấy.

Hiền Trang
.
.
.