Công nghệ và dữ liệu cá nhân

Thứ Ba, 03/04/2018, 08:06
Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với nhiều quy định kiểm soát mới từ chính phủ Mỹ và các quốc gia châu Âu sau nhiều báo cáo một công ty phân tích dữ liệu Anh đã sử dụng thông tin từ 50 triệu hồ sơ cá nhân Facebook mà hoàn toàn không có sự đồng ý từ phía người dùng.

Theo giới phân tích, nếu Facebook bị kết luận vi phạm thì công ty này có thể bị phạt số tiền lên đến hàng triệu USD. Các nhà đầu tư cũng lo ngại mạng xã hội lớn nhất thế giới phải đối mặt án phạt khổng lồ, đồng thời đánh mất danh tiếng đối với người dùng và các nhà quảng cáo.

Trên thực tế, việc “các đại gia công nghệ” để lộ thông tin cá nhân người dùng không còn là điều mới mẻ. Đằng sau những dịch vụ miễn phí như email (thư điện tử), hệ điều hành, dịch vụ kết nối với bạn bè hay tìm kiếm miễn phí là kho dữ liệu khổng lồ mà các nhà cung cấp dịch vụ khai thác. 

Trong khi Facebook đang xoay sở mọi cách để làm “nguôi ngoai” người sử dụng sau bê bối công khai sử dụng thông tin cá nhân người dùng thì Google lại “vô tư” công bố việc các nhà quảng cáo có thể tiếp cận đúng mục tiêu thông qua địa chỉ email cá nhân của khách hàng. 

Và đó mới là một phần nhỏ trong “bức tranh chung” về cách các nhà cung cấp dịch vụ miễn phí “bán” khách hàng.

Bê bối đáng lo ngại

Vào năm 2011, Facebook đã bị khiếu nại về việc họ không quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng. Sau đó, Facebook đã đồng ý thiết lập các biện pháp tốt hơn để bảo vệ dữ liệu của 800 triệu tài khoản. Tuy nhiên, mới đây Facebook lại tiếp tục “dính phốt”. 

Vừa qua, tờ The New York Times dẫn thông tin rằng người dùng Facebook tự nguyện cung cấp dữ liệu của họ trong một ứng dụng tâm lý do một người có tên Kogan phát triển, người này sau đó chuyển dữ liệu sang cho công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica mà không thông báo cho người dùng.

Để có được bất cứ tiến bộ nào trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trong năm 2018, dứt khoát cộng đồng phải “làm gì đó” để ứng phó với hai “ông lớn” Google và Facebook.

Tất nhiên, đại diện Facebook đã ngay lập tức bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm, đồng thời khẳng định tôn trọng quyền riêng tư của người dùng vì quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu là cốt lõi cho mọi quyết định của Facebook. 

Sau sự việc này, cổ phiếu của Facebook đã giảm mạnh, còn CEO Zuckerberg - người nắm giữ 400 triệu cổ phiếu Facebook - đã chứng kiến tài sản của mình giảm 9 tỷ USD chỉ trong 48 giờ.

Facebook cho biết họ đã thuê kiểm toán viên pháp lý từ hãng Stroz Friedberg để điều tra và xác định liệu Cambridge Analytica có còn lưu trữ dữ liệu người dùng Facebook hay không. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Ủy viên Hội đồng Thông tin Anh, công ty này đang đối mặt với một cuộc điều tra tại chỗ do tòa án yêu cầu. 

Vì thế, kiểm toán viên của Stroz Friedberg đã rút lui. Trong khi đó, bê bối lần này khiến Facebook phải đối mặt với các cuộc điều trần theo quy định của Quốc hội Mỹ. 

Các nhà lập pháp từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã yêu cầu CEO Mark Zuckerberg giải trình làm cách nào Cambridge Analytica (công ty phân tích dữ liệu nổi tiếng vì hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump) lại giành được quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Facebook. Các quan chức châu Âu thậm chí đã gay gắt chỉ trích Facebook và cho rằng đây là sự vi phạm không thể chấp nhận được về quyền riêng tư.

Bê bối mới của Facebook cho thấy, quyền riêng tư của người dùng không hề được đảm bảo như được hứa hẹn. Trên thực tế, các “đại gia công nghệ” đang theo dõi mọi hoạt động của người dùng từng ngày. 76% trang web hiện nay chứa các công cụ theo dõi người dùng của Google và 24% của Facebook. 

Ngoài Google và Facebook, nền tảng dịch vụ mạng đứng thứ 3 về mức độ “cài cắm” công cụ theo dõi người dùng là mạng xã hội Twitter với 12%. 

Theo đó, nhiều khả năng các “ông lớn” như Google hay Facebook sẽ theo dõi người dùng trên nhiều trang web họ truy cập, hay “theo dấu” một cá nhân sử dụng các sản phẩm dịch vụ do họ cung cấp. 

Kết quả là hai “ông lớn” này đã tích tụ được một số lượng lớn dữ liệu hồ sơ cá nhân của từng người, bao gồm các thông tin về sở thích, những lần mua sắm, hoạt động tìm kiếm, lịch sử lướt web và định vị. Sau đó họ sẽ cung cấp các dữ liệu nhạy cảm của người dùng cho các bên cung cấp dịch vụ quảng cáo có chủ đích để những bên này sẽ “theo chân” người dùng trong suốt hành trình “dạo chơi trên mạng”.

Hiện nay, Google đã trở thành công cụ tìm kiếm số 1 và được ưa chuộng đến mức cái tên Google giờ thành một động từ thông dụng với ý nghĩa tìm kiếm. Các công cụ khác như Gmail hay Google Maps cũng được xếp đầu bảng cho các hạng mục tương ứng. 

Thế nhưng, đằng sau tất cả những tiện ích mà các công cụ miễn phí này mang lại thì có rất nhiều thông tin cá nhân của người sử dụng đang được “rao bán” cho các quảng cáo hướng đối tượng và quảng cáo mục tiêu. 

Do quy mô phủ sóng trên mạng của Google và Facebook rất lớn, bao trùm nhiều loại dịch vụ mạng, nên mỗi “ông lớn” đều có khả năng thu thập thông tin cá nhân rất khổng lồ. 

Google và Facebook cũng sử dụng dữ liệu về người dùng mà họ thu thập được để “tiếp nhiên liệu” cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phức tạp hơn của họ. 

Trong cuộc rượt đuổi không ngừng tới các mốc lợi nhuận khai thác từ thông tin cá nhân người dùng, Google và Facebook đang chứng tỏ họ không quan tâm nhiều tới những hậu quả tiêu cực mà những thuật toán của họ có thể gây ra.

Cảnh giác với “ông lớn”

Trong thời đại ngày nay, công nghệ đang dần chi phối trí tuệ và cảm xúc con người. Nếu Google được ví như bộ não thì Facebook đã nhanh chóng trở thành trái tim của con người. 

Trong khi “bộ não” Google dùng công cụ tìm kiếm để “tư duy hộ”, thì “trái tim” Facebook cũng sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới để “cảm nhận giúp”. 

Từ đây, dữ liệu cá nhân đã trở thành tài nguyên quý giá cho gần như tất cả các tổ chức công nghệ như Google hay Facebook khai thác. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi rằng: có phải các công ty công nghệ đang theo dõi người dùng rồi bán thông tin cá nhân cho những người trả giá cao nhất, như cách mà Google và Facebook đang làm?

Hay họ có một mô hình kinh doanh khác, dữ liệu có thể được “đúc thành tiền” theo cách ít để lộ thông tin nhất, tránh những chỉ trích của xã hội và khả năng kiểm soát tăng lên?

Như những lần lùm xùm vì rò rỉ thông tin trước, Facebook đang tìm cách giải thích rằng, những sai sót trong việc sử dụng dữ liệu người dùng hoàn toàn vượt ngoài tầm kiểm soát của họ, bởi vì chính người dùng đã cho phép một phần mềm phân tích truy cập vào dữ liệu cá nhân. 

Bê bối dữ liệu cá nhân của Facebook lần này đã khiến người dùng hoài nghi về các rào cản của Facebook trong việc bảo mật thông tin. Trước đây, danh tiếng của Facebook đã từng bị ảnh hưởng bởi những tố cáo người Nga sử dụng công cụ của Facebook để gây ảnh hưởng tới cử tri Mỹ với các bài viết sai lệch trước và sau cuộc bầu cử năm 2016. 

Chính các vụ tai tiếng đã gây ra thiệt hại cho mạng xã hội Facebook, làm giảm số lượng người dùng ở Mỹ và Canada, đồng thời khiến hoạt động của Facebook ở châu Âu trở nên “ì ạch”.

Còn nhớ, cả Facebook và Google đều từng bị phạt bởi Cơ quan giám sát bảo vệ quyền riêng tư quốc gia vì phương pháp thu thập dữ liệu của họ. Sau các bê bối, nhiều chuyên gia phân tích nhận định, không có gì đảm bảo cho sự thống trị dài hạn của Facebook hay Google, đặc biệt trong bối cảnh sự tăng trưởng của người dùng chậm lại và giá cả cho các quảng cáo đạt đến giới hạn của nó. 

Thêm vào đó, sự công kích dữ dội về quyền riêng tư của người dùng cũng có thể đẩy nhanh sự suy giảm hơn nữa. 

Truyền thông cảnh báo đã tới lúc phải chấm dứt mọi bê bối dữ liệu cá nhân, và rằng để có được bất cứ tiến bộ nào trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trong năm 2018, dứt khoát cộng đồng phải “làm gì đó” để ứng phó với hai “ông lớn” Google và Facebook.

Rõ ràng, công nghệ truyền thông đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống, nhưng nếu con người không thể kiểm soát được thông tin của chính mình thì những công nghệ này sẽ kiểm soát con người. 

Trong thời gian sắp tới, các công ty công nghệ sẽ chịu nhiều sự kiểm tra kỹ lưỡng hơn đối với những gì họ thu thập được và cách họ sử dụng nó. 

Bên cạnh đó, theo như quy định mới của Anh và Liên minh châu Âu (EU), quy định bảo vệ dữ liệu chung sẽ nghiêm khắc hơn đối với các công ty trong việc xử lý, mua bán hoặc cho phép bên thứ ba truy cập dữ liệu cá nhân, mà không có sự đồng thuận rõ ràng của khách hàng. 

Google cũng sử dụng dữ liệu về người dùng mà họ thu thập được để “tiếp nhiên liệu” cho các thuật toán AI.

Tiếp đó, một khuyến nghị đưa ra là chính quyền cần phải có những chính sách đòi hỏi nhiều hơn nữa về sự minh bạch trong chính sách hoạt động của các thuật toán và chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người dùng.

Về phía người dùng, đừng bao giờ bị đánh lừa với những tuyên bố tự quản lý chính sách hoạt động của các “ông lớn”, nhất là với những cái họ gọi là sự cải cách lâu dài hữu ích với chính sách bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. 

Mỗi cá nhân nên được biết quy mô của việc thu thập dữ liệu cá nhân từ các “ông lớn”, do công ty nào xử lý và sử dụng.

Ngoài ra, người dùng cần tự bảo vệ mình thông qua việc sử dụng các ứng dụng add-on giúp chặn các công cụ theo dõi người dùng của Google và Facebook được “cài cắm” trong các trang web và dịch vụ mạng của họ. 

Trong nhiều trường hợp, người dùng nên cẩn thận các email có nguồn gốc lạ, nội dung liên quan đến thay đổi mật khẩu hay mời tải về những nội dung đang “hot”. Tất cả mọi việc đều có cái giá của nó và luôn cẩn trọng với những gì miễn phí. Dĩ nhiên không phải cứ miễn phí là nguy hại, những cần xem xét và tham khảo thêm từ bạn bè...

Thanh Sơn
.
.
.