Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội hay rủi ro?

Thứ Ba, 20/06/2017, 16:07
Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nhận định rằng thế giới đang ở giai đoạn cao nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.


Theo đó, sự phát triển hiện nay đang có sự xuất hiện của những lĩnh vực chưa có trước đây như kỹ thuật số (trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn), vật lý (in 3D, vật liệu mới và tự động hóa), công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo. 

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này, con người sẽ đến với sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Khi ấy, viễn cảnh những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ không còn xa vời.

WEF nhận định, cuộc cách mạng lần này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế và mọi ngành công nghiệp, đồng thời thách thức vai trò thực sự của con người.

Kết nối vạn vật

Cách mạng công nghiệp bắt đầu ở nước Anh từ nửa cuối của thế kỷ 18. Tính đến nay, đã có ba cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra, mỗi cuộc cách mạng đều đặc trưng bằng sự thay đổi về bản chất của sản xuất tạo ra bởi các đột phá của khoa học - công nghệ. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 18 và gần nửa đầu thế kỷ 19, với thay đổi từ sản xuất chân tay đến sản xuất cơ khí do phát minh ra động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 19 cho đến khi Thế chiến I xảy ra, với thay đổi từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất hàng loạt bằng máy móc sử dụng điện năng. 

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra từ những năm 1970 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và mạng Internet.

Bốn cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử: (1) Cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước; (2) Động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt; (3) Kỷ nguyên máy tính và tự động hóa; (4) Các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo.

Cuộc cách mạng công nghiệp mới nhất lần thứ tư ("công nghiệp 4.0") được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây. Nhìn chung, đây là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hay công nghệ nano với nền tảng là các đột phá của công nghệ số, tiếp nối thành quả của cuộc cách mạng số hoá đã diễn ra mấy chục năm qua từ khi có máy tính. 

uộc cách mạng lần này phản ánh xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, Internet vạn vật (IoT) và các hệ thống kết nối Internet. Trên thực tế, khái niệm "công nghiệp 4.0" được đưa ra vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, giới thiệu các dự kiến của chương trình công nghiệp 4.0 của nước Đức, nhằm nâng cao nền công nghiệp cơ khí truyền thống của Đức.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay là sự mở rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba về công nghệ thông tin khi sử dụng hợp nhất cả phần cứng, người máy và khả năng tính toán lớn để mở rộng công nghệ thông tin vượt qua cả phần mềm. 

Bởi vậy, không chỉ nước Đức với chương trình "Công nghiệp 4.0", các nước phát triển trong vài năm qua đều có các chiến lược về sản xuất khi những tiến bộ của khoa học - công nghệ đang diễn ra rất nhanh. 

Nước Mỹ có "Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến" cho ba thập kỷ tới, hay Pháp theo đuổi chương trình "Bộ mặt mới của công nghiệp". Một số quốc gia châu Á cũng tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đơn cử như Hàn Quốc triển khai "Chương trình tăng trưởng tương lai", Trung Quốc có mục tiêu "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" và Nhật Bản tham vọng phát triển "Xã hội thông minh 5.0".

Nhiều ý kiến hoài nghi rằng "công nghiệp 4.0" mới có tính chất dự báo và chưa xảy ra. Tuy nhiên, WEF khẳng định thế giới đang ở đỉnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

"Công nghiệp 4.0" hoàn toàn khác biệt so với ba cuộc cách mạng hầu hết dựa trên những tiến bộ công nghệ trước đây. Với "công nghiệp 4.0", loài người sẽ đến với sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. 

Những công nghệ mới có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức - doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra.

Một khái niệm cơ bản của "công nghiệp 4.0" là hệ kết nối không gian số - thực thể. Sự ra đời của máy tính đã dẫn đến cuộc cách mạng số hoá, nhất là khi máy tính cá nhân và Internet xuất hiện. Máy tính chỉ làm việc với hai con số 0 - 1, thế nên để tính toán trên máy tính thì cần biểu diễn được các thực thể bằng những con số 0 và 1 - "phiên bản số" của các thực thể. 

"Phiên bản số" của các thực thể cho phép nối chúng với nhau trên các hệ thống máy tính hoặc vào Internet, và tạo ra các không gian số tương ứng với thế giới thực thể của con người. 

Điều này phản ánh mối liên hệ của sản xuất tiến hành trong thế giới các thực thể nhưng quá trình tính toán được làm trên không gian số và kết quả tính toán này được trả lại dùng cho sản xuất trong thế giới các thực thể. Đây là thay đổi cơ bản về phương thức sản xuất của con người - sản xuất được điều khiển và hỗ trợ quyết định từ không gian số.

Khi robot và tự động hóa lên ngôi, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp.

Rủi ro tiềm ẩn

"Công nghiệp 4.0" đang là xu thế lớn có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. Các hệ thống thông minh như nhà ở, nhà máy, nông trại, mạng lưới điện hoặc thành phố sẽ giúp giải quyết các vấn đề từ quản lý chuỗi cung ứng cho đến thay đổi khí hậu. 

Đồng thời, cuộc cách mạng công nghiệp đã ảnh hưởng rộng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và địa lý học, tương tác theo nhiều chiều và tăng cường lẫn nhau. Ảnh hưởng của công nghệ, mà cụ thể nhấn mạnh trong giai đoạn ngắn hạn (2015-2017), là Internet di động, điện toán đám mây, máy tính rẻ hơn và lưu trữ dữ liệu quy mô lớn.

Trong khi những ảnh hưởng này được cho là không nhiều trong ngắn hạn nhưng công nghệ phần cứng và phần mềm như người máy và Internet vạn vật được cho rằng sẽ có những tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực sau năm 2018.

"Công nghiệp 4.0" sẽ điều chỉnh tỷ lệ việc làm ở nhiều lĩnh vực, có cả những hứa hẹn và quan ngại. Trong khi sự đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn và thịnh vượng hơn thì tốc độ thay đổi cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn do sự dịch chuyển của nguồn lực lao động. 

Theo WEF, "công nghiệp 4.0" ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến xu hướng việc làm trên toàn cầu, tạo nên những quan ngại nghiêm trọng rằng sự tăng trưởng việc làm trong một số ngành công nghiệp nhất định vẫn chưa vượt qua được sự tụt giảm trên quy mô lớn ở các ngành công nghiệp khác. 

Khi robot và tự động hóa lên ngôi, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Xu hướng hiện nay sẽ làm tác động đến 5,1 triệu việc làm trong giai đoạn 2015-2020 với tổng số 7,1 triệu người mất việc làm, tập trung vào ngành vận tải, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm.

Ngoài ra, các tổ chức hay doanh nghiệp có thể sẽ chưa sẵn sàng đón nhận các công nghệ tối tân, trong khi các chính phủ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự cũng như quản lý các công nghệ này một cách toàn diện. 

"Công nghiệp 4.0" sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng lần này sẽ có lợi cho tầng lớp giàu hơn là người nghèo, đặc biệt là những lao động trình độ thấp. 

Có thể nói ở thời điểm hiện tại, các hệ thống chính trị, xã hội hay kinh doanh chưa thực sự sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển đổi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, nhưng trong tương lai những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu xã hội là điều tất yếu sẽ xảy ra.

“Công nghệ 4.0” có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức - doanh nghiệp

"Công nghiệp 4.0" là sự kết hợp và kế thừa thành quả của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thường kéo dài hàng thập kỷ để xây dựng hệ thống đào tạo và tổ chức thị trường lao động cần thiết cho phát triển các kỹ năng mới trên phạm vi rộng lớn thì tốc độ và quy mô của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ khác.

Điều này chứng kiến sự suy giảm của các quốc gia chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên nhưng tăng cường vai trò chủ đạo của những nước chú trọng nền công nghệ sáng tạo. 

Nếu không có những chiến lược phù hợp cho những thay đổi ngắn hạn và xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng, chính phủ nhiều nước sẽ phải phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng và sự mất bình đẳng, trong khi doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thị trường ngày một thu hẹp. Hơn nữa, sự chuẩn bị kĩ lưỡng sẽ không chỉ quản lý được rủi ro mà còn thu lợi do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. 

Tương lai ở ngay trước mắt, và con người cần phải học cách đón nhận, thích ứng với những bước tiến công nghệ đang đến như vũ bão...

Lâm Anh
.
.
.