Xa vời ước mơ con chip và ngành công nghiệp vi mạch made in Việt Nam

Thứ Hai, 11/07/2022, 07:17

Triển khai Chương trình Vi mạch TP Hồ Chí Minh với mục tiêu hoàn chỉnh phần thiết kế chip, trong quá trình nghiên cứu và đào tạo về thiết kế vi mạch, cách đây hơn chục năm, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thành công trong việc cho ra đời chip Sigma K3 - con chip đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu việc Việt Nam gia nhập thị trường chip thế giới.

Ngay sau thành công này, năm 2009, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã đặt hàng ICDREC thiết kế, chế tạo con một chip có thể thương mại hóa để giảm phụ thuộc vào nước ngoài cũng như đáp ứng yêu cầu bảo mật về an ninh, quốc phòng, kinh tế. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, con chip SG8V1 - chip thương mại đầu tiên của Việt nam ra đời, được sản xuất hàng loạt để ứng dụng vào thực tế.

Thông tin về việc thiết kế và cho ra đời với số lượng trên 150.000 con chip SG8V1 vào năm 2014, ông Ngô Đức Hoàng Giám đốc ICDREC khi đó đã tự hào chia sẻ, chip made in Việt Nam có tính năng và thông số vượt trội so với chip cùng loại của hãng Microchip, hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới, nhưng giá bán lại thấp hơn 30.000 đồng mỗi sản phẩm.

Với thành công này, ICDREC đã nhận đơn đặt hàng từ nhiều nơi khi con chip SG8V1 được ứng dụng trong thiết bị khóa container, giám sát hành trình, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu tiêu thụ điện từ xa… Trong đó theo công bố chỉ riêng Tổng Công ty Điện lực thành phố đã tiết kiệm được đến 62 tỷ đồng trong năm 2015 khi đồng loạt sử dụng chip SG8V1 của ICDREC thay thế cho chip nhập khẩu từ nước ngoài để gắn trong điện kế điện tử.

Ngay sau thành công của con chip SG8V1, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã vào cuộc thông qua việc giao cho ICDREC triển khai dự án sản xuất chip và hệ thống RSID. Sản phẩm này dự kiến sẽ ra mắt trong các năm 2015-2016 với các ứng dụng như thanh toán bằng thẻ ngân hàng, xe buýt, metro… đồng thời ICDREC cũng định hướng hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ, cảm biến áp suất được dùng trong thiết bị đo huyết áp… nhưng mục tiêu trên không thành công khiến những con chip made in Vietnam dần bị quên lãng.

Xa vời ước mơ con chip và ngành công nghiệp vi mạch made in Việt Nam -0
Một nhà máy thiết kế, lắp ráp, gia công bo mạch điện tử cho nước ngoài.

Theo GS TS Đặng Lương Mô, chuyên gia quốc tế về vi mạch bán dẫn, cố vấn cấp cao Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, mặc dù ICDREC đã cho ra một loạt con chip như vậy, nhưng toàn bộ số chip này đều không được sản xuất tại Việt Nam, mà ICDREC chỉ thiết kế, chế tạo sau đó đưa ra nước ngoài gia công, sản xuất.

Trước thực trạng này, dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh lập Hội đồng xét duyệt vào tháng 2/2008 và được Hội đồng thông qua. Sau đó, dự án được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) làm chủ đầu tư với dự kiến quý 3/2016 sẽ bắt đầu đi vào sản xuất tại Khu Công nghệ cao.

Lúc đầu dự kiến số vốn đầu tư khoảng 330 triệu USD, quy mô sản xuất 5.000 - 10.000 wafer/tháng, nhưng sau đó số tiền đầu tư cho nhà máy được dự kiến còn tăng cao hơn. Tuy vậy đến nay dự án nhà máy này vẫn nằm trên giấy và có nguy cơ không trở thành hiện thực cho dù năm 2018 khi nói về dự án này, lãnh đạo CNS đã khẳng định khoảng tháng 8/2018 sẽ xong Báo cáo nghiên cứu khả thi để trình UBND Thành phố ngay trong năm.

Đạt được những thành tựu nhất định, nên chương trình Vi mạch TP Hồ Chí Minh cũng được nâng cấp lên thành Chương trình Quốc gia và giao cho TP Hồ Chí Minh phụ trách. Trong đó, thiết kế, chế tạo và sản xuất vi mạch đứng đầu trong danh sách sản phẩm chiến lược Quốc gia. Sau 5 năm triển khai, năm 2017 Chương trình phát triển vi mạch TP Hồ Chí Minh đã có những điều chỉnh, bổ sung.

Với quyết định phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030”, UBND Thành phố đã tiếp tục triển khai những dự án trọng điểm và những mục tiêu cụ thể mới cho chương trình này. Giai đoạn mới, TP Hồ Chí Minh xác định còn lại 8 dự án, trong đó vẫn tiếp tục dự án nghiên cứu xây dựng nhà máy sản xuất chip do CNS làm chủ đầu tư.

Ngoài ra sẽ có thêm Dự án xây dựng phòng thử nghiệm và sản xuất thử nghiệm Khu công nghệ cao làm chủ đầu tư. Trong đó dự án nhà máy sản xuất vi mạch được xác định là một dự án trọng điểm thuộc Chương trình phát triển vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2020.

Không chỉ có vậy, tháng 5/2015 Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý đưa dự án này vào kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 nên sẽ được xem xét, áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn vay, về thuế… khi được vay đến 60% tổng mức đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam và miễn thuế nhập khẩu máy móc, nguyên liệu, vật tư được dùng để sản xuất, chế tạo vi mạch trong thời hạn 5 năm.

Mặc dù vi mạch là nền tảng của toàn bộ các thiết bị điện từ, công nghệ thông tin, đây cũng được coi là ngành công nghiệp quan trọng nhất của TP Hồ Chí Minh trong thời kỳ cách mạng 4.0 hiện nay. Vậy nhưng đến nay quy hoạch phát triển ngành công nghiệp vi mạch này vẫn hầu như chỉ là quy hoạch. TP Hồ Chí Minh và những trung tâm lớn khác của cả nước cũng mới chỉ dừng lại ở mức thiết kế, lắp ráp, gia công bo mạch điện tử cho nước ngoài.

Trăn trở về thực trạng này, những năm qua GS TS Đặng Lương Mô luôn đau đáu với câu hỏi: Chúng ta đã lắp ráp điện tử trên 30 năm rồi. Cái mà Hàn Quốc chỉ mất 5 - 6 năm để làm xong, thì Việt Nam đã phải bỏ ra đến hơn 30 năm, phải chăng bây giờ đã là lúc phát triển ngành công nghệ vi mạch?

Đ.Thắng
.
.
.