Vì sao các nhà khoa học Việt Nam không “giải ngân” hết tiền đầu tư?

Thứ Năm, 27/07/2023, 05:17

Đó là một trong những thông tin được TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đưa ra trong buổi tọa đàm “Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ” do Quỹ đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) tổ chức ngày 26/7.

Tài chính dành cho khoa học công nghệ vẫn “bao cấp”

Thúc đẩy thương mại hóa sáng chế, đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống có thể coi là yếu tố quyết định, giúp phát triển thị trường khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao trình độ lĩnh vực này ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề kinh tế dành cho khoa học, vấn đề liên kết, hợp tác và chuyển giao công nghệ hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, cần phải được tháo gỡ.

hoi thao 26.jpeg -0
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đang chia sẻ thông tin.

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam, người từng có nhiều ý tưởng xây dựng các quỹ để phát triển khoa học công nghệ, thẳng thắn chia sẻ: Từ nhiều năm nay, Bộ KH&CN thấy được vai trò của các quỹ dành cho khoa học là rất quan trọng. Chúng ta vào kinh tế thị trường rồi nhưng thực tế tài chính để cho hoạt động khoa học công nghệ vẫn theo kiểu phân “quan liêu, bao cấp”.

Hàng năm chúng ta phải dự toán ngân sách, rồi tổng hợp trình Chính phủ, trình Quốc hội. Năm nay đề xuất, năm sau mới được phê duyệt, cấp tiền. Như vậy, các nhà khoa học cứ phải xây dựng nhiệm vụ KHCN, các đề tài dự án, đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được tổng hợp danh mục, rồi mới được cấp tiền vào năm sau.

Vị này nhấn mạnh thêm, hằng năm, Nhà nước rất quan tâm đến KHCN, năm nay dành hơn 3.000 tỷ để phát triển KHCN cấp quốc gia. Thế nhưng, năm nào các nhà khoa học cũng tiêu rất vất vả mới hết khoản tiền đó, thậm chí là không hết. Hiệu quả thì thấp.

Trong khi đó, tại các buổi chất vấn của Quốc hội, các đại biểu quan tâm thường nói đi nói lại hai điều là tại sao các nhà khoa học lại không tiêu được tiền, phải trả lại ngân sách, năng lực giải ngân quá kém. Tiếp nữa là các đề tài của các nhà khoa học phải xếp ngăn kéo quá nhiều. Để trả lời các câu hỏi đó, TS Nguyễn Quân cho rằng, cơ chế tài chính dành cho KHCN phải nới ra.

Như vậy, chúng ta cần đẩy mạnh cơ chế quỹ. Không phải ngẫu nhiên các nước phát triển trên thế giới đều cấp phát kinh phí cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN thông qua các quỹ, hoặc là thực hiện cơ chế quỹ. Từ năm 2003, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành nghị định về Quỹ phát triển KHCN quốc gia.

Nhưng mất 5 năm, quỹ mới phát triển hoạt động được, vì chúng ta chưa quen. Sau 10 năm đánh giá lại, quỹ này phát triển hỗ trợ tốt cho các nhà khoa học. Sau đó, Bộ KH&CN tiếp tục đề nghị thành lập Quỹ đổi mới khoa học công nghệ quốc gia. Nếu quỹ hoạt động như mục tiêu ban đầu đề ra thì sẽ phát triển tốt, nhưng rất tiếc, hệ thống quản lý của chúng ta chưa theo kịp với sự phát triển, khiến quỹ hoạt động vô cùng khó khăn.

Thực tế, các doanh nghiệp đổi mới công nghệ có thể thành công và không thành công, và Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí, nhưng mức độ rủi ro lớn, trong khi ngân sách lại không chấp nhận rủi ro. Khi chúng ta lấy năm 2016 làm năm khởi nghiệp quốc gia thì vấp ngay khó khăn là nguồn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, bây giờ chỉ còn trông cậy vào tư nhân.

Mà tư nhân cũng cần có hành lang pháp lý, có sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước với quỹ đầu tư khởi nghiêp. Năm 2018, Chính phủ yêu cầu DN lập ra quỹ đầu tư khởi nghiệp, nhưng không thể ban hành thông tư hướng dẫn. Chúng ta chưa bao giờ đầu tư mạo hiểm, nên những người làm văn bản quy phạm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính không làm được thông tư hướng dẫn về quỹ đầu tư mạo hiểm.

Dưới góc độ khó khăn của đơn vị làm khoa học công nghệ công lập, GS. Chu Hoàng Hà, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam phát biểu: Viện Hàn lâm là cơ quan nghiên cứu công lập lớn nhất ở Việt Nam, nơi có các nhà khoa học đứng đầu của Việt Nam, thế mạnh là nghiên cứu cơ bản. Thế nên chương trình đào tạo của Viện gắn chặt chẽ với phòng thí nghiệm, nên có nhiều tiến sĩ với thành tích đáng kể. Làm thế nào để các nhà khoa học phát huy những cái mình đã học được, đưa về đóng góp cho đất nước. Điều này không dễ, một phần do cơ chế quản lý chưa hoàn thiện, khiến các nhà khoa học trẻ lạc vào “mê trận”, không phải ai cũng thoát ra được.

 “Liên quan đến vấn đề ứng dụng triển khai, đây không phải thế mạnh của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam. Thế nên chúng tôi cũng xây dựng ra các chương trình phát triển công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, tạo ra các sáng chế có ích”, GS Chu Hoàng Hà nói và thông tin thêm, các sản phẩm khoa học muốn đưa vào cuộc sống, phải thông qua nhiều hình thức như nhà khoa học tạo ra sản phẩm phải startup, nếu thành công thì công nghệ đó sẽ được các doanh nghiệp mua lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa khuyến khích điều này, vì Luật Khoa học, Luật Viên chức, chưa cho phép…

Đẩy mạnh các quỹ đổi mới sáng tạo để giảm thiểu “chảy máu chất xám”

Để giải quyết các bất cập đang hiện hữu, nhằm đẩy mạnh việc phát triển KHCN đổi mới sáng tạo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Tôi là một nhà quản lý, tôi suy nghĩ nhiều về vai trò đào tạo của các trường đại học trong việc phát triển KHCN đổi mới sáng tạo. Tại sao sự đóng góp của của nhà khoa học chưa được như kỳ vọng. Là do cơ chế chính sách của chúng ta chưa tạo được động lực đột phá, thúc đẩy cho các nhà khoa học trong hệ thống giáo dục sáng tạo”.

PGS.TS Vũ Hải Quân đề xuất, Nhà nước nên quan tâm đến những người làm khoa học trong khối công lập. Liên quan đến vấn đề ứng dụng triển khai, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Quỹ VinIF, GS Đại học Yale (Hoa Kỳ) nhấn mạnh thêm: Nghiên cứu khoa học có 3 mảng, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai.

Các nhà khoa học phải bỏ ra 2-3 năm ra ngoài làm. Không có chuyện vừa ngồi trong phòng khoa học, vừa có sản phẩm bán chạy ngoài thị trường. Do đó, cần phải học nhiều điều mới. Về phía các nhà khoa học, muốn làm sản phẩm có ứng dụng thật, cần trang bị cho mình một số kỹ năng, trong đó có cả kỹ năng làm doanh nghiệp.

“Tôi đề nghị phải có chính sách bảo hộ hợp lý với các nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Năm 2021, chúng ta nói nhiều đến vấn đề chảy máu chất xám, nhiều người đào tạo tốt ở nước ngoài, nhưng không về Việt Nam, hoặc khi về phải chuyển ngành để kiếm sống. Vì thế cần đẩy mạnh Quỹ đổi mới sáng tạo, góp phần giảm thiểu tình trạng này”. GS. Vũ Hà Văn kiến nghị.

Gần 800 tỷ đồng được tài trợ phát triển nghiên cứu khoa học Việt Nam

Sáng 26/7, tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) đã tổ chức Hội thảo "Dấu ấn 5 năm hoạt động" tổng kết hành trình đồng hành thúc đẩy nghiên cứu khoa học Việt Nam. Quỹ VINIF được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học trẻ thuộc các trường đại học, học viện thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong 5 năm hoạt động, VINIF đã tài trợ trên 100 dự án khoa học công nghệ và văn hóa, lịch sử; cấp 1.200 suất học bổng; hỗ trợ 2.500 nhà khoa học, góp phần tiếp sức cho sự phát triển của nghiên cứu khoa học nước nhà.

Tổng kinh phí của quỹ dành cho các hoạt động tài trợ đến nay đã lên tới gần 800 tỷ đồng. Sau 5 năm, quỹ đã mở rộng quy mô cả về chiều rộng và chiều sâu khi đồng thời triển khai 7 chương trình. Sau 5 năm, VINIF đã góp phần tạo ra hàng ngàn công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, gần 400 sản phẩm, trên 70 phát minh sáng chế, gần 20 doanh nghiệp startup, spin-off (hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ) hình thành.

Phạm Huyền
.
.
.