Triển khai Đề án 06 giúp nâng cao tính an toàn, bảo mật dịch vụ ngân hàng
Đây là nhận định của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Tọa đàm “Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 13/12.
Số liệu thống kê cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhất là trong khi chúng ta đang thực hiện nền kinh tế số, xã hội số. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán đã có những bước phát triển theo hướng hiện đại.
Các hoạt động TTKDTM ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nhất định. Hiện có gần 72.000 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ, trong đó, có 39.000 điểm giao dịch nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai TTKDTM gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến. Thứ hai, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị, còn ở khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng.
Thứ ba, một số sản phẩm dịch vụ TTKDTM chưa được thiết kế theo hướng hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ. Thứ tư, cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý hiện vẫn đang trong giai đoạn thí điểm - trong thời gian tới, NHNN sẽ trình các bộ ngành liên quan để trình các nghị định liên quan đến TTKDTM. Thứ năm là vấn đề về tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.
Trước những khó khăn này, Chính phủ và NHNN cũng như các cơ quan liên quan đang tìm cách tháo gỡ. Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 06 ngày 6/1/2022 phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 - gọi tắt là Đề án 06. Thực hiện đề án này, ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an xây dựng các phương án triển khai, kết nối, khai thác thông tin dân cư, dữ liệu dân cư tại các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khai thác thẻ căn cước công dân gắn chíp, cũng như tài khoản định danh điện tử để phục vụ cho dịch vụ ngân hàng.
“Có thể nói đến nay, nhiều ngân hàng đã phối hợp với C06, Bộ Công an thử nghiệm thành công các giải pháp xác thực người dùng thông qua căn cước công dân gắn chíp; định danh khách hàng từ xa qua mạng internet để mở tài khoản; xác thực định danh khách hàng giao dịch tại ATM. Đây là thay đổi, cải tiến rất đáng kể. Trước đây, khách muốn rút tiền ở ATM thì phải có thẻ ATM. Tuy nhiên ngày nay, nhiều ngân hàng đã phối hợp với C06 triển khai thành công việc rút tiền tại ATM mà không cần thẻ ATM, chỉ cần sử dụng căn cước công dân gắn chíp để rút tiền tại ATM mà không cần ra ngân hàng. Việc này nâng độ an ninh, bảo mật cho người dùng cao hơn trước rất nhiều”, ông Tuấn thông tin.
Bên cạnh đó, NHNN đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ LĐ-TB&XH triển khai nghiên cứu và đề xuất phương án chi trả trợ cấp an sinh xã hội trên cơ sở định danh, xác thực điện tử để xác định đối tượng hưởng trợ cấp thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để hỗ trợ các ngân hàng triển khai rộng rãi các giải pháp đã được thí điểm thành công.